Đường vào Karakol. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
(TBKTSG Online) - Tôi đến Karakol vào một chiều hè nắng xanh ngời ngợi. Đó là một thành phố du lịch được đánh giá là điểm đến không thể bỏ qua (must-see) ở Kyrgyzstan. Thời tiết miền thảo nguyên Kyrgyzstan thật lạ lùng. Vừa rời Cholpon Ata nơi ven hồ Issyk Kul mờ mịt mây xám, chỉ đi thêm hai giờ nữa đến Karakol thì bầu trời cao xanh ngăn ngắt. Mây trắng theo lũ gió hè nghịch ngợm tung tẩy khắp nơi thêm sắc cho bầu trời mùa hạ.
Nằm nép giữa hồ và dãy Thiên Sơn là thủ phủ của cả một vùng thảo nguyên rộng lớn quanh hồ Issyk Kul,… Karakol hiện còn là viên ngọc thô. Lạ lùng là địa danh du lịch nhưng Karakol lại khá vắng vẻ. Du khách đến đây thật nhiều, nhưng chủ yếu là đi vào thung lũng cùng tên Karakol, tham gia các hoạt động trekking, leo núi, trượt tuyết, hoặc đến các khu nghỉ dưỡng spa… ven hồ Issyk Kul xinh đẹp hay trên rặng Thiên Sơn quanh năm tuyết trắng, nên để lại phố vắng đìu hiu. Tuy nhiên, chịu khó dạo bước trên phố, bạn sẽ gặp một Karakol lặng lẽ yên bình, cuốn hút du khách bằng những nét duyên thầm.
Điểm thu hút của thành phố nhỏ này, ngoài giáo đường Thiên chúa, thánh đường Hồi giáo… còn là những khu phố im ắng với những ngôi nhà kiến trúc Nga cổ. Karakol trước đây còn có tên là Przewalsk, đặt theo tên nhà thám hiểm người Nga Przewalski đã khám phá ra vùng đất này. Vào năm 1869, đô thị được lập nên bởi những người Nga di cư, và họ đã mang đến đây những con phố mang phong vị quê nhà.
Trẻ em ở Karakol. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Với tôi, Karakol là phát hiện nho nhỏ thú vị. Tôi yêu phố nhỏ thân thiện, hiền hòa mến khách. Nhất là luôn đón nhận những nụ cười chào tươi tắn khi lang thang trên phố vắng, phố nắng, rồi lạc vào miền cổ tích với những con đường bạch dương trắng nắng vàng trời xanh, những ngôi nhà thờ rực rỡ sắc màu trong vườn hồng đẹp như tranh và một ngôi thánh đường Hồi giáo lại trông như một ngôi chùa Tàu…
Du khách đến Karakol không thể “lạc” mất ngôi nhà thờ Holy Trinity. Ngôi nhà thờ Chính thống giáo Nga thanh thoát vươn cao giữa phố nhỏ, nên đi lang thang ngắm nghía phố phường thế nào ánh mắt bạn cũng bị lôi cuốn bởi những mái vòm củ hành lấp lánh ánh vàng, nhất là giữa những ngày hạ xanh Karakol.
Trên đất nước có phần đông dân chúng theo đạo Hồi, ngôi nhà thờ thật hiếm hoi nằm yên bình nơi góc phố vắng vẻ. Làm bằng gỗ nâu mộc mạc, với những chóp mái xanh biếc và những chóp vàng lung linh sắc màu trong một khu vườn đầy những nụ hồng đang rực rỡ mãn khai trong trời xanh ngày hè, ngôi nhà thờ trông xa tưởng như tòa lâu đài trong chuyện cổ tích. Ngẩn ngơ ngắm nhìn, tôi chỉ sực tỉnh khi tiếng chuông ngân nga thanh thanh trong chiều xanh làm vỡ tan giấc mộng đẹp về ngày thơ bé.
Ngôi thánh đường Hồi giáo ở Karakol. Ảnh: Tr. Thái Hoãn |
Không xa lắm trên phố bạch dương trắng ngời trong nắng, là một ngôi thánh đường Hồi giáo. Lạ lùng và hấp dẫn, ngôi nhà thờ Công giáo thì do những người Nga xa quê mang đến, còn ngôi thánh đường Hồi giáo ở Karakol lại do những Hoa kiều xây dựng.
Điểm đặc biệt là ngôi thánh đường bằng gỗ do những người thợ tài hoa của cộng đồng người Hoa Dungan xây dựng này không hề có đinh sắt mà chỉ dùng đinh gỗ, mộng gỗ,… để chêm giữ và cố định ngôi nhà thờ.
Vừa mới ngạc nhiên với ngôi nhà thờ Công giáo với mái vòm củ hành… trông giống các thánh đường Hồi giáo, bạn sẽ ngỡ ngàng với thánh đường Hồi giáo bằng gỗ trông giống một ngôi chùa Hoa nhiều sắc màu.
Cũng nằm trong một khuôn viên rạng ngời hoa lá, ngôi thánh đường Hồi giáo với những nét chạm trổ tinh tế, những sắc màu rực rỡ quen thuộc của các ngôi chùa Tàu, ngôi thánh đường hơn 100 năm tuổi này sẽ dễ dàng dừng bước chân bạn, thật lâu, trước khi bạn có thể “dứt áo ra đi”.
Chiều Karakol xuống chậm, thật chậm. Phố đêm vắng tênh, chỉ đâu đó vài hàng quán nhỏ hắt hiu ánh đèn vàng mờ mờ. Lẫn trong tiếng gió nhẹ từ đâu đó phía Thiên Sơn ùa về, bạn có thể nghe vẳng tiếng ai đó ngân lên bài dân ca du mục Kyrgyz, nghe khoáng đạt, nghe như giục bước chân đi... Làm nhớ, làm đêm Karakol bỗng thật gần, như một đêm nào, xưa lắm, lang thang ở quê nhà.
Nhà thờ Holy Trinity của Chính thống giáo Nga tại Karakol. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét