Chợ phiên gia súc vào Chủ nhật tại Karakol. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
(TBKTSG Online) - Những ngày trong tuần, Karakol luôn vắng vẻ bình yên, nhưng vào ngày Chủ nhật phố phường trở nên đông đúc lạ thường. Từ những thảo nguyên gần bên, những chàng “cao bồi” Kyrgyz và có cả phụ nữ, trẻ em... cùng đổ xô về đây tham gia chợ phiên gia súc ngày Chủ nhật (Karakol Sunday Animal Market), một phiên chợ gia súc lớn nhất vùng Trung Á. Cũng vì vậy mà tôi tất tả lướt qua Tamchy, Cholpon Ata để đến đây trước ngày Chủ nhật.
ánh với chợ phiên Bắc Hà, Cốc Ly, Cán Cấu... là các chợ vùng cao nước Việt cũng có nhiều gia súc được dắt đến bán buôn, trao đổi... Ở chợ phiên Tây Bắc, gia súc chỉ là một phần nhỏ, chợ còn bán rất nhiều thứ khác, và cũng là nơi tụ tập, khoe sắc của các cô gái Mông, Tày, Dao, Giáy… xinh đẹp. Chợ phiên gia súc Karakol là nơi dành cho các chàng cao bồi Kyrgyz tập trung để mua bán gia súc, chủ yếu là cừu, bò và ngựa. Nhiều nhất vẫn là cừu.
Những chú cừu mập mạp được đem bán tại chợ phiên gia súc. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Tiếng ồn ào huyên náo trong chợ phần lớn cũng là do những chú cừu ngoan cố, có lẽ biết mình sắp thay kiếp, đổi đời… trong khi những chú ngựa kiêu hãnh vẫn thong dong, có lẽ chỉ hơi buồn chút vì sắp thay chủ, xa đàn... Sau những ngày đông giá, qua mùa xuân cỏ cây xanh tốt, đến hè, những chú cừu đã béo múp, những chú bê da dẻ mượt mà tung tăng chạy nhảy bên các cô bò mũm mĩm… chợ phiên gia súc Karakol những ngày hè rất đông vui sôi động. Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận tý khi tham quan vì những cô bò, chú ngựa,… luôn hồn nhiên xả thẳng chất thải xuống đường.
Chợ họp rất sớm, từ 5 giờ sáng và khoảng hơn 9 giờ là kết thúc. Không nhộn nhịp như chợ phiên Tây Bắc Việt Nam do không có cảnh “chén chú chén anh, chiến đấu anh dũng tới cùng" để sau đó lăn quay giữa đường, giữa núi hay được vợ bỏ lên ngựa cõng về. Phần lớn người dân Kyrgyzstan theo đạo Hồi nên bia rượu bị cấm tiệt. Tuy nhiên, những góc ẩm thực cũng rất đông vui những chàng cao bồi Trung Á bên nồi súp nóng cũng hao hao nồi thắng cố. Dân tình thảo nguyên cũng rất thiệt tình và nhiệt tình. Nói chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ, kể cả “ngôn ngữ hình thể” với các anh chàng chăn ngựa, chăn cừu... cũng rất thú vị. Nhất là mới chỉ quen sau một phiên chợ là các cậu chàng đã nhiệt tình mời khách lạ về quê mình chơi. Sao lại không đi?
***
Phong cảnh dọc đường đến Jeti Oghuz. Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Còn quá sớm khi phiên chợ gia súc vãn, tôi lên đường tìm đến Jeti Oghuz, ngôi làng có những thắng cảnh khá nổi tiếng khác ở ngoại vi Karakol như “Seven Bulls”, "Broken Heart". Hành trình này lại là một thử thách thú vị cho một điểm đến thú vị khác...Biết được Kyrgyzstan đang mùa hè hoa nở rực rỡ nên thay vì đi taxi đến tận nơi, tôi đi xe bus cùng với cư dân địa phương. Đến ngã tư đường lộ nằm cách làng Jeti Oghuz chừng 3 cây số, tôi xuống xe thong dong tản bộ vào làng. Quả thực con đường đẹp. Đi giữa trưa nắng nhưng quên mệt vì những đồng cỏ đang xanh ngắt mùa hạ, những vườn hoa mênh mang phô sắc khoe hương dưới trời biếc…
Dãy núi đá được gọi là "Bảy con bò mộng" (Seven Bulls). Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Đến làng Jeti Oghuz, tôi tính đi tiếp 12 cây số nữa để đến "Broken Heart", nhưng được nửa đường ý định tốt đẹp đó bị đập tan nát bởi những cơn mưa mùa hạ nhưng lạnh buốt của miền thảo nguyên. Thế là tôi phải núp mưa, đợi mưa hơi dịu hạt, đi ngược về làng để đón taxi đi tiếp đến "Broken Heart".
Những dãy núi kiến tạo bằng đá đỏ ở Jeti Oghuz qua sự phong hóa của thời gian và mưa gió đã tạo nên những hình thể lạ. "Trái tim tan vỡ" (Broken Heart) là một trong số đó; còn "Bảy con bò mộng" (Seven Bulls) lại là một thắng cảnh khác.
Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, “Trái tim tan vỡ” là hồi kết đau buồn của một câu chuyện tình. Hai chàng trai trẻ dũng cảm cùng đem lòng yêu một người con gái xinh đẹp. Để mong chiếm được trái tim mỹ nhân, họ đã lao vào một cuộc chiến sinh tử và rồi cả hai cùng ngã xuống. Lòng nát tan trước tình cảnh này, trái tim người đẹp Kyrgyz đã vỡ ra thành quả núi được gọi là "Trái tim tan vỡ” sững sững giữa gió mưa đến tận bây giờ. Vào những ngày nắng đổ màu lên đá đỏ, trông như một trái tim rướm máu thật – anh bạn trẻ lái taxi nói vậy.
Nhưng chiều nay, mưa nhạt nhòa Jeti Oghuz khiến cho "Trái tim tan vỡ" cũng nhạt nhòa. Cả "Seven Bulls" cũng mờ mờ trong màn nước, còn tôi thì đã ướt mèm và quá lạnh khi lang thang bên triền sông, bờ suối để ngắm nhìn. Thế là tranh thủ chụp vài tấm, chui vào xe quay kính lên chống lạnh, co ro ngồi ngắm một hồi rồi quay về Karakol, tạm kết thúc một ngày nhiều mưa nắng, nhiều cung bậc cảm xúc...
Quả núi đá màu đỏ thắm như bị nứt vỡ làm đôi nên được gọi là "Trái tim tan vỡ" (Broken heart). Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét