(du lich) - Pengerang là một thị trấn nhỏ ven biển phía đông nam bang Johore, Malaysia.
Từ Singapore, chúng tôi đi tàu thủy sang Malaysia rồi bắt xe tới thiền viện. Quãng đường biển khá dài khiến nhiều người say sóng tuy nhiên ai nấy đều háo hức trước một hành trình đặc biệt.
Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ 3g45 sáng. Việc ngồi thiền vào buổi sáng sớm được chia làm hai đợt. Cứ ngồi thiền 40 phút thì nghỉ ngơi 20i phút. Kết thúc buổi thiền sáng sớm là giờ đọc kinh, thường chúng tôi đọc Heart Sutra. Trước khi đọc kinh, tất cả phải thực hiện nghi lễ 108 lạy trước tượng Phật.
Ngay ngày đầu tiên, nghi lễ này khiến tôi đổ mồ hôi và các cơ bắp đau ê ẩm. Tuy nhiên, khi đã quen lại cảm thấy mình như được tiếp thêm năng lượng để thực hiện những bài tập Thiền khó khăn.
Không chỉ riêng chuyện dậy từ tờ mờ sáng, việc phải ngồi thiền đều đặn mười lần một ngày giữa thời tiết nóng nực khiến ai nấy đều nhức mỏi cơ bắp, người uể oải, rệu rã. Những tưởng tượng bay bổng trước đó về việc mình sẽ giống như các vị thiền sư đạo mạo, ung dung ngồi thiền giữa trời đất bao la tan biến. Nhưng các ngày sau đó mọi người trở nên quen dần, sức tập trung cũng tốt hơn.
Lúc ấy, chúng tôi mới thấm thía câu nói mà một vị sư hướng dẫn ngồi thiền truyền dạy trong buổi đầu tiên: “Hãy nhớ rằng bạn không ngồi thiền để có được điều gì mà là để thoát khỏi mọi thứ. Chúng ta không ngồi thiền với lòng ham muốn mà chúng ta ngồi thiền để đẩy lòng ham muốn đó đi. Nếu bạn muốn bất kỳ điều gì, bạn sẽ không bao giờ thiền được”.
Chúng tôi dành phần lớn thời gian của mình ở tại thiền viện. Trước mỗi bữa ăn, người tu tập sẽ phải đọc kinh như là một nghi thức xin phép để bắt đầu ăn uống. Mỗi người đều phải ăn hết phần ăn của mình. Ăn xong tất cả phải lấy nước canh cho vào các đĩa bát đã đựng thức ăn và uống hết rồi mới đem đĩa bát đi rửa để hạn chế tối đa thức ăn bị sót lại.
Mỗi bữa ăn đều diễn ra trong sự yên lặng và trật tự. Mọi người bắt đầu và kết thúc bữa ăn cùng nhau để hình thành thói quen kỷ luật và lòng kiên nhẫn. Trong suốt bữa, không ai được nói chuyện mà phải tập trung tất cả chánh niệm vào việc ăn uống. Đây cũng là một cách để thực hiện lối sống thiền.
Xen lẫn giữa những đợt ngồi thiền là khoảng thời gian nói chuyện với thầy dạy thiền. Ngoài mục đích để người tu tập có thể trình bày những khó khăn khi ngồi thiền hoặc đưa ra những thắc mắc gì đó về thiền, thì khoảng thời gian nói chuyện này cũng giúp thư giãn, tiếp thêm tinh thần cho họ.
Những trải nghiệm giúp mọi người đến đây hiểu thêm giá trị về đồ ăn thức uống, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đã tạo ra thức ăn cho mình. Nó nhằm truyền đạt một thông điệp giản đơn nhưng sâu sắc: Được ăn uống cũng là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời mà mỗi người cần phải trân trọng.
Buổi tối, chúng tôi cũng được tham dự buổi giảng đạo của các nhà sư. Các buổi giảng đạo xoay quanh những quan điểm của Phật giáo, giáo lý của đạo Phật cùng các quan điểm của Phật giáo về cuộc sống. Sau đó mỗi người sẽ trở lại sảnh đường để lễ Phật trước khi đi ngủ.
Theo quan điểm của thiền, người lần đầu tiên tới thiền viện không đặt nặng mục đích ngồi thiền mà thường là luyện sức tập trung, từ bỏ các nhân quả xấu.
Thiền viện nằm ngay gần biển nên những giờ không ngồi thiền chúng tôi thường ra đó chơi. Nhiều vị sư và nhiều người tu tập cũng tới đây. Hình ảnh họ ngồi tĩnh tại trên những phiến đá ong ngắm hoàng hôn trôi dần trên biển cả mênh mông khiến khung cảnh thêm nhẹ nhàng và nên thơ.
Theo Gia Nguyên (Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét