Những ngôi nhà được xây dựng trong lòng đất sâu 6-7 m, là nơi trú ngụ của hơn 3.000 người dân miền trung Trung Quốc.
Đặt chân tới những ngôi làng "vô hình" ở Tam Môn Hiệp, Hà Nam, Trung Quốc, bạn có thể nghe thấy tiếng nói cười xôn xao ở dưới lòng đất. Hơn 400 năm trước, người dân ở nơi đây bắt đầu xây dựng những ngôi nhà sâu 6-7 m dưới lòng đất để sinh sống và thói quen đó được nhiều thế hệ sau kế tục đến ngày nay.
Nhiều du khách nói vui, ngôi làng từ trên mặt đất nhìn xuống như Bát trận đồ. Ảnh: News.
|
Những căn nhà với miệng hình vuông nằm sâu trong lòng đất đã phổ biến rộng rãi từ thời nhà Thanh và nhà Minh. Mỗi ngôi nhà đều có giếng thoát nước tốt, giúp chống ngập úng trước các trận mưa lớn, đồng thời có khả năng cách âm và chống động đất. Với thiết kế trên, người dân có thể chống chọi lại mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá ở vùng đất này.
Mỗi căn nhà thường gồm một nhà tắm, phòng khách và các phòng ngủ tách rời. Ngoài ra, căn nhà có chuồng thả gia súc và phòng chứa đồ, nhà bếp.
Theo ước tính, phải mất khoảng 3 năm để đào và xây dựng được một căn nhà. Hiện nay, vẫn còn 3.000 người sinh sống trong ngôi làng ngầm này. Họ vẫn duy trì nếp sống đời thường, tổ chức các sự kiện lớn như lễ hội, đám cưới. Các ngôi nhà đã được cung cấp điện, nước và lắp đặt các đồ dùng hiện đại.
Bên trong làng ở Tam Hiệp Môn. Video: Youtube
Từ năm 2015, ngôi làng đặc biệt này được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu du lịch. Khoảng 100 ngôi nhà được lưu giữ và phát triển thành các điểm tham quan cho khách. Giá thuê nhà một phòng ngủ không có điện nước khoảng 30 USD một tháng. Nếu mua cả nhà với 3 phòng ngủ, một phòng tắm cùng sân chung, giá sẽ rơi vào khoảng 44.000 USD.
Một số căn nhà được tu sửa thành điểm du lịch. Ảnh: People’s Daily.
|
Tam Môn Hiệp không phải thành phố vô hình duy nhất ở Trung Quốc. Một cái tên khác là Dixia Cheng, Bắc Kinh nhưng vẫn còn khá mới khi các ngôi nhà xây từ những năm 70. Diện tích khu vực này trải rộng tới 82 km2, là nơi trú ẩn tránh bom mìn, vũ khí hạt nhân vào thời kỳ chiến tranh. Các đường hầm phần lớn được đào bằng tay.
Dixia Cheng được mở cửa chào đón khách. Khách tham quan có cơ hội được nhìn thấy những chiếc giường tầng và đồ đạc thời bấy giờ còn xót lại, hay mua đồ lưu niệm trong các cửa hàng còn mở cửa. Tuy nhiên, năm 2008, Dixia Cheng đóng cửa để tu bổ và vẫn chưa được mở cửa lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét