Kể từ khi mở cửa với thế giới sau một thời gian dài bị cấm vận, Myanmar ngay lập tức trở thành điểm đến mới đầy hấp dẫn với khách du lịch. Lang thang trên các con đường đất dẫn vào từng ngôi chùa hay ngồi trên ghe thuyền lướt giữa sóng mênh mông là những trải nghiệm thú vị đối với du khách khi đến xứ sở "Nàng công chúa ngủ trong rừng".
Old Bagan: Thế giới của hàng nghìn ngôi chùa
Tôi bị đánh thức bởi tiếng vòng quay rất khẽ của bánh xe đạp, tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường, tiếng người gọi nhau í ới đi chợ, tiếng chuông chùa ngân vang. Không một tiếng còi xe, buổi sáng Bagan yên bình hơn bao giờ hết.
Với hơn 2.000 đền chùa trải dài trên diện tích 42 km2 ở bên bờ sông Ayeyarwaddy, hiện nay Bagan là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch nhất của Myanmar. Các công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XIII mang nét kiến trúc tôn giáo đẹp, uy nghi, lộng lẫy và liên tục được bảo trì, tu sửa. Người dân thường dát những tấm lá vàng lên đỉnh chùa thể hiện lòng tôn kính với đức Phật.
Những ngôi đền cũng là địa điểm ngắm khinh khí cầu tuyệt đẹp ở Bagan. Đây dường như là điều tuyệt đối không nên bỏ lỡ. Có những người đợi cả tuần để được thưởng thức tiên cảnh đó. Tôi chọn đền Shwesandaw trong buổi bình minh se se lạnh làm điểm ngắm bình minh. Mới 5h nhưng điểm du lịch này đã chật kín người với máy ảnh, điện thoại sẵn sàng trên tay. Để lại dép ở dưới, tôi phải bước thật cao chân để leo lên từng bậc.
Mùa khinh khí cầu ở Bagan bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Thật may là tôi đã đến đây vào những ngày đầu tiên của đợt đẹp nhất. Và may mắn hơn được ngắm khinh khí cầu ngay vào buổi sáng. Bởi sáng hôm sau trời mưa như trút nước.
Thuê một chiếc xe máy điện, tôi phóng dạo Bagan nhiều vòng trong ngày. Không đi theo những kinh nghiệm du lịch đầy rẫy trên mạng, tôi để cho bản thân tự khám phá những ngôi chùa, những con đường theo ý thích. Có những ngôi chùa ẩn hiện sau rừng hoa tím ngắt, có những ngôi chùa lại lấp ló sau con đường đất dài hun hút. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài vị khách người Việt cũng đang đi du lịch nơi này.
Trên mọi con đường ở Bagan, bạn có thể bắt gặp nhiều vị tu sĩ rảo bước. Nhiều người không thích bị chụp ảnh trộm nên để không gặp phải cái nhìn khó chịu hay cái xua tay từ họ, bạn có thể xin phép trước, phần lớn họ đều đồng ý.
Tôi đến Bagan đúng dịp Thadingyut - Lễ hội ánh sáng (Festival of Lights) - kéo dài 3 ngày. Thadingyut là để kỷ niệm sự kiện Đức Phật trở lại nhân gian sau khi kết thúc 3 tháng ngài đi giảng đạo. Ban đêm, các chùa, tu viện cũng như tất cả gia đình Phật tử đều thắp đèn hoặc nến. Toàn Bagan như chìm ngập trong biển ánh sáng muôn sắc màu tuyệt diệu.
Những điều cuốn hút ở Inle
Tôi bị sốc nhiệt khi rời Bagan đến Inle. Nhiệt độ tại Bagan ở ngưỡng 25 độ C, khi đặt chân đến Inle thì giảm hơn 10 độ. Tuy trời lạnh nhưng không khí yên bình và trong lành. Nếu như ở Bagan, tôi như được tiếp xúc với những người mang dáng dấp gần với người Ấn Độ thì ở Inle, những người phụ nữ đội mũ cối, những ngôi nhà xây theo khối hộp với tờ bùa đỏ dán trước cửa nhà mang đến một màu sắc khá giống với người hàng xóm Trung Quốc.
Mượn chiếc xe đạp ở nhà nghỉ, tôi dạo một vòng quanh thị trấn. Theo tiếng rì rầm tụng kinh, tôi lạc vào một ngôi chùa màu đỏ, nơi có những cậu bé chỉ 5-6 tuổi đã được cạo đầu, mặc áo choàng đỏ đang ôn bài. Thấy người lạ, chốc chốc họ ngoái đầu nhìn. Sau khi ôn bài tập trung, họ trở về các nhà để trả bài trước sự giám sát của vị huynh trưởng.
Với hơn 90% dân số theo Phật giáo, hầu như nam thanh niên ở đây đều ít nhất một lần trải qua việc tu tập trong chùa. Họ sẽ cảm thấy thiếu sót nếu chưa đi tu. Các trẻ nhỏ đến một độ tuổi nhất định đều được gửi đến chùa để học giáo lý và học đọc, viết. Theo phong tục Miến, mỗi thanh niên Phật tử đều phải thọ lễ “Shinpyu” để vào chùa tập tu suốt trong thời gian chư Tăng an cư (thường về mùa mưa chư tăng không đi ra ngoài khất thực) hoặc khoảng một hay nhiều năm, hoặc ít nhất là một tuần. Và khi vào ở chùa, họ sống đời tu sĩ y theo luật Phật chế như cạo đầu, mặc trang phục theo quy định, ăn chay...
Đến Inle, không thể không tham quan hồ Inle và các khu vực lân cận, hồ nằm ở độ cao khoảng 1.000 m trên mực nước biển khí hậu mát mẻ quanh năm, giống như Sa Pa hay Đà Lạt của Việt Nam. Vào sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh nhưng từ 8h trở đi bắt đầu có nắng, đến gần trưa thậm chí bạn phải cởi bỏ bớt áo.
Hồ nước nông này có hệ sinh thái và cộng đồng dân cư độc đáo. Phương tiện duy nhất di chuyển trên hồ là thuyền máy, có thể chở từ 5 -6 người. Mất khoảng 6-8 tiếng để bạn đi dạo chơi được tất cả điểm trên hồ. Đó là nơi người dân dệt vải từ thân sen, làm thuốc lá, người Pa O cổ dài.
Đánh cá giữa hoàng hôn ở hồ Inle
Hồ Inle nổi tiếng bởi các ngư dân chèo xuồng đánh cá bằng một chân rất dẻo, một chân họ được buộc vào tay chèo, một chân làm trụ đứng, còn tay để úp cá hay thu lưới. Trên hồ có các khu vườn trồng cà chua dập dềnh trên mặt nước mỗi khi có tàu ghe chạy ngang. Ở đây du khách có thể thuê những người đàn ông trong trang phục người đánh cá tạo dáng chụp ảnh.
Đàn ông mặc váy nhai trầu, phụ nữ bôi Thanaka
Không chỉ là một loại mỹ phẩm làm đẹp mà còn tạo nên bản sắc độc đáo cho người Mynanmar, đó là tục bôi thanaka lên mặt. Thanaka được chế biến từ loại cây cùng tên, lấy thân cây mài trên một bàn đá thêm chút nước để tạo thành một thứ hỗn hợp sền sệt. Từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể bôi, đàn ông trưởng thành ít sử dụng hơn.
Từ khi bước xuống sân bay, tôi đã ngạc nhiên khi thấy những người đàn ông mặc chiếc váy dài mời chào đi taxi. Đó là chiếc váy longyi truyền thống của người dân nơi đây mà bạn có thể bắt gặp bất cứ đâu tại đất nước này. Váy longyi rất phổ biến, được cả đàn ông và phụ nữ mặc. Chiếc váy được quây lại rất đơn giản, túm một đầu và buộc một đầu. Việc di chuyển, làm việc hay tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đều rất dễ dàng với những người mặc longyi. Với thời tiết nóng, ẩm như ở Myanmar, đây là trang phục tuyệt vời đối với họ.
Một trong những nét đặc sắc khác trong văn hóa Myanmar là dân tộc ăn trầu nhiều nhất thế giới. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ… ai cũng nhai được. Đường phố nhiều chỗ đỏ nước trầu.
Ngoài những người làm dịch vụ du lịch thì tôi rất hiếm khi gặp những người bản địa có thể nói tiếng Anh. Tôi chỉ có thể dùng ngôn ngữ hình thể để giao tiếp. Tuy vậy, người dân vô cùng nhiệt tình mỗi khi tôi cần giúp đỡ. Tôi đã được một người bản địa dẫn ra tận đường lớn trong một lần đi lạc, được một người phụ nữ đứng tuổi tận tay bôi thanaka lên mặt, được một cô gái trẻ hướng dẫn cách mặc longyi…
Thời gian đến với Myanmar khá ngắn ngủi, tôi chỉ kịp đến thăm Bagan và Inle. Myanmar đối với tôi không có những dãy nhà cao tầng hiện đại, không có những chiếc xe sang trọng chạy ngập đường, nơi đó chỉ có những ngôi chùa giữa rừng cây ngút ngàn, có những đàn quạ bay ngợp trời, những chiếc xe ngựa chạy trên con đường đất tung bụi mịt mù, những cô gái bôi thanaka cười hiền lành… Tất cả tạo nên một nét đặc trưng rất riêng cho đất nước này, khiến mỗi kẻ lữ hành cứ mê mẩn mãi không thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét