TTO - Khi đặt chân lên hòn đảo Tahiti chơi vơi ở vùng biển nam Thái Bình Dương, với dừa xanh cát trắng, những đoàn thám hiểm người da trắng đã "nếm trải" sự trao thân tự nguyện của những cô gái bản địa.
Giờ đây, qua nghiên cứu, người ta mới biết rằng đó là sự hiến dâng do tuân lệnh tù trưởng chứ không phải vì ham muốn xác thịt.
Ngày 2-4-1768, nhà hàng hải người Pháp - bá tước Louis-Antoine de Bougainville (1729 - 1811) - cùng thủy thủ đoàn trên chiến thuyền La Boudeuse cập bến và thả neo ngoài bờ biển Tahiti.
Chẳng bao lâu sau, một thiếu nữ địa phương trèo lên tàu và theo như lời kể của thuyền trưởng Bougainville trong nhật ký hải hành của mình, "cô gái hấp tấp đến nỗi làm tuột cả chiếc khố đang quấn quanh thân người và hiển hiện trước mắt mọi người một vẻ đẹp như nàng tiên giáng trần".
Khỏi phải nói là cả thủy thủ đoàn, vốn thiếu vắng phụ nữ trong nhiều tháng ròng, đã suýt soa không sao tả xiết, nhưng họ phải tuân lệnh thuyền trưởng nên không dám động đậy.
Chỉ đến ngày hôm sau và trong suốt 10 ngày lưu lại đảo thì các thủy thủ mới được lần lượt hưởng hoan lạc, ngay trên bờ biển và lộ thiên trước mắt cư dân bản địa.
Toàn bộ thủy thủ đoàn, kể cả những nhà thám hiểm phương Tây có mặt trên chiến hạm La Boudeuse khi đó đều nghĩ rằng những cô gái trẻ, có bé chỉ ở độ 11 - 12 tuổi, đã tự nguyện trao thân cho họ là do ham muốn nhục dục không kiềm chế được. Nhưng họ đã nhầm.
Sau này, một nhân vật khác tên là Felix Fesche ghi nhận: "[…] có thể đã có đến hai phần ba người Pháp đặt chân lên hòn đảo trông thấy cảnh này: cả cha lẫn mẹ dẫn con gái mình đến và khẩn khoản năn nỉ (người Pháp) ăn quả ngọt mà họ tạo ra. Cô gái […] nằm dài trên mặt đất và cởi bỏ quần áo. Và từng người một chờ đến lượt mình. Trong suốt thời gian hành động, những người đến chứng kiến là những cư dân bản địa. Họ đến rất đông và tay cầm những nhánh lá cây rừng vẫy vẫy như thể đó là một ngày hội. […] Khi xong xuôi tất cả, cô gái khóc nhưng cũng nhanh chóng trấn tĩnh lại".
Thế cho nên, đa số những đoàn thám hiểm phương Tây vào thời đó đều mô tả Tahiti là một vùng đất có cuộc sống hoang dã bậc nhất nằm ẩn mình trong vẻ đẹp tráng lệ nhất của thiên nhiên vùng nhiệt đới.
Theo truyền thuyết của dân đảo Tahiti, chỉ có những cô gái thuộc gia đình có địa vị cao nhưng chưa sinh đẻ thì mới còn giữ được khí chất để có thể hấp thụ được quyền năng siêu việt từ các sứ giả của thần linh và sinh ra được những 'đứa con linh thiêng'
Nhà nhân loại học người Pháp Serge Tcherkezoff
Hiện nay, khi câu chuyện đã trôi vào dĩ vãng, các nhà nhân chủng học mói có dịp nhìn lại và lý giải việc dâng hiến của các cô gái còn trinh cho người nước ngoài trên đảo Tahiti.
Nhà nhân loại học người Pháp Serge Tcherkezoff viết: "Trước hết đó là: người dân bản địa tại xứ sở Polynesia thuộc Pháp (trong đó có Tahiti) khi xưa đã hình dung những người phương Tây lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của họ là sứ giả mà các vị thần từ trời cao gửi xuống, đó là những nhân vật có quyền năng linh thiêng chẳng khác gì các vị thần nhưng đã hóa thân thành những con người bằng xương bằng thịt. Người bản địa muốn rút được tinh túy từ quyền năng đó bằng cách hiến dâng các cô con gái của mình để chúng mang thai. Nhưng tại sao đó phải là những cô gái mới lớn? Theo truyền thuyết của dân đảo, chỉ có những cô gái thuộc gia đình có địa vị cao nhưng chưa sinh đẻ thì mới còn giữ được khí chất để có thể hấp thụ được quyền năng siêu việt từ các sứ giả của thần linh và sinh ra được những 'đứa con linh thiêng'".
Cũng cần nhớ lại rằng trước thời điểm đó gần một năm, cư dân bản địa trên đảo Tahiti đã một phen hoảng loạn và kinh hãi trong lần tiếp xúc đầu tiên với người châu Âu khi nhà hàng hải người Anh Samuel Wallis (1728-1795) ghé ngang đảo và nã đại bác làm chết nhiều người.
Từ đó, các tù trưởng quyết định dùng những cô gái còn trinh để hấp thụ sức mạnh của những vị sứ giả của thần linh này. Nhà nhân loại học Serge Tcherkezoff ghi nhận rằng "ở đây không thể hiện một tín ngưỡng phồn thực nào của cư dân bản địa cả".
Xã hội Tahiti khi xưa phân tầng rõ rệt, trong đó phụ nữ thuộc giai tầng thấp nhất, họ phải làm những việc nặng nhọc như trồng trọt. Phụ nữ không được ngồi ăn chung với nam giới, không được tham dự các lễ hội tôn giáo, trừ những trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, xã hội cho phép hoạt động tính dục thoải mái vì cho đó là điều tự nhiên. Xã hội cũng cho phép quan hệ đồng giới.
Thần sắc đẹp Tane là một trong những vị thần linh thiêng nhất trên đảo. Nhưng khi các cô gái Tahiti đã có chồng thì họ phải chấm dứt mọi lễ lạc.
Người chồng ít khi nào cho phép vợ tự do có nhân tình. Ngược lại, chồng có quyền cưới nhiều vợ.
Có những chàng trai ẻo lả thì được xem như phụ nữ, được đặt một tên chung là Mahu. Những người này lo việc dọn dẹp nấu nướng, được ăn chung, nhảy múa và ca hát cùng với phụ nữ, nhưng họ vẫn mặc trang phục đàn ông và được lấy vợ sinh con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét