TTO - Chúng tôi quyết định khăn gói đi phượt đến thủ đô Tokyo một chuyến. Khi sang đến nơi, cô bạn tôi đột ngột thay đổi quyết định. Thay vì đi khám phá những thành phố lớn, bạn ấy lại rủ tôi đi Shizuoka.
‘Các thành phố lớn hiện đại ông thấy nhiều rồi, báo và tivi chiếu đầy. Ông phải về nông thôn Nhật mới thú!’, rồi bạn vừa tư vấn và cũng là người quyết định. Miễn cưỡng đồng ý, tôi đi chuyến tàu siêu tốc Shinkansen từ Tokyo đến Shizuoka.
Shizouka – thị trấn yên bình
Quận Shizouka nằm giữa thủ đô Tokyo và Nagoya. Nếu đi bằng "tàu đầu đạn" shinkansen mất khoảng 1,5 tiếng từ Tokyo và 50 phút từ Nagoya. Tàu đi nhanh nhưng cực êm, có lẽ còn êm hơn cả máy bay vì vậy cả quãng đường dài như vậy mà chỉ mất chút xíu.
Yasu, cậu bạn của cô bạn tôi đã đứng đón chúng tôi ngay ở ga Tokaido. Cậu đã học ở Việt Nam gần 2 năm nên nói tiếng Việt khá tốt. Tuy vậy cậu vẫn than phiền là bây giờ đã quên gần hết. Nơi chúng tôi đến là thị trấn Shizouka gần thành phố Shimoda.
Tôi thật sự bất ngờ trước một thị trấn thanh bình đến thế này của đất nước mặt trời mọc hiện đại và năng động. Những ngôi nhà ngói đỏ nằm ẩn hiện giữa các khu vườn rộng.
Bao quanh nhà là các hàng rào bằng gỗ bằng dâm bụt thấp đến ngang thắt lưng, đủ để ôm quanh các ngôi nhà nhưng không che khuất tầm mắt. Nhà nào cũng có những cánh cổng gỗ treo biển ghi tên chủ nhà như để tỏ rõ lòng hiếu khách.
Thị trấn còn giữ được rất nhiều ngôi nhà bằng gỗ đặc trưng Nhật Bản. Chắc các ngôi nhà đó phải được dựng lâu lắm rồi vì các cột xà gỗ đã ngả màu.
Nhưng khi nhìn những hàng rào cắt tỉa gọn gàng, những khoảng sân vườn sạch sẽ, những mái ngói xếp dọc như sóng lượn, ta biết chủ nhân những ngôi nhà đó đã chăm sóc tổ ấm của mình kỹ lưỡng lắm.
Yasu bảo tôi, trong mỗi ngôi nhà ở đây, bàn thờ tổ tiên được đặt trong phòng chính tại vị trí trang trọng nhất, bên dưới là một bếp sưởi nhỏ cho người già khi mùa đông đến.
Trí tò mò của tôi đã được thỏa mãn khi tôi đã chớp được một kiểu ảnh bàn thờ nhà cậu: thật đơn giản nhưng cũng thật trang trọng và ấm cúng.
Khi ở đây, tôi cảm tưởng như đang ở quê mình vì vẫn nghe thấy tiếng ếch kêu sau mưa, tiếng gà gáy sáng. Ở đây, thứ sản vật dồi dào nhất mà thiên nhiên ban tặng là không khí trong lành.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất này một khí hậu ôn hòa vào bậc nhất Nhật Bản. Chẳng thế mà Shizuoka nổi tiếng là vùng đất trồng chè xanh, cam Navel và Wasabi - một loại củ cải được chế biến dùng với thức ăn tươi sống.
Bạn thử tưởng tượng vào mỗi buổi sáng bạn được hít căng lồng ngực cái lành lạnh của sương mai trong không khí vùng núi buổi sáng, thoang thoảng mùi cam, mùi cây cỏ hăng hăng. Cuộc sống có gì sung sướng bằng. Không có kẹt xe, không có những dòng người chen chúc nhau trong tàu điện, cuộc sống ở đây hoàn toàn "trong lành" theo đúng nghĩa của nó.
Thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Shizuoka là núi Phú Sỹ. Với độ cao 3.776 mét so với mặt biển, núi Phú Sỹ đã trở thành biểu tượng của đất nước mặt trời mọc.
Chinh phục đỉnh núi Phú Sỹ là ước mơ của nhiều người nhưng không phải ai cũng có khả năng làm điều đó.
Vì vậy, tôi quyết định chỉ ngắm núi từ xa và thăm thú thiên nhiên xung quanh chân núi. Ngay dưới chân núi này có khá nhiều người Việt đang sinh sống và bạn có thể dùng cơm tại nhà hàng Sài Gòn trước khi tham quan hồ Hamanako thơ mộng.
Tôi còn được biết thêm rằng Riyo Mori – cựu hoa hậu Hoàn vũ năm 2007 cũng là người con đến từ thị tứ bình yên này.
Thác Shiraito ở chân núi cũng là một địa điểm rất hấp dẫn du khách. Điểm độc đáo của thác này là dòng nước lao thẳng từ độ cao 20 mét dội xuống chân núi, khiến từ xa trông nó như một đường chỉ căng trên dãy núi.
Những dải nước trắng quét trên vách đá phủ đầy rêu dưới chân núi Phú Sỹ. Rộng 130m, con thác hiền hòa này tạo nên bóng râm, sự tươi mát và độ ẩm tuyệt vời cho đám thực vật xung quanh.
Hôm sau, chúng tôi đến thắng cảnh nổi tiếng không kém núi Phú Sỹ của Shizuoka là cầu Horai. Cây cầu dài 897m được làm hoàn toàn bằng gỗ. Các cây gỗ được ghép sát và nối dài với nhau nối hai bờ sông Oi. Cây cầu được dựng từ năm 1879 và đã được ghi vào kỷ lục Guiness là cây cầu gỗ dài nhất thế giới.
Chúng tôi bảo nhau bỏ hết giày dép lại và đi chân trần trên cây cầu. Cảm giác từng thớ thịt của mình được chạm vào gỗ thật là tuyệt. Yasu tự hào bảo tôi bây giờ cây cầu này đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên màn ảnh Nhật Bản…
Cảm nhận trước chia tay
Mấy ngày ở Shizuoka là những ngày thật đáng nhớ. Điều đọng lại trong tâm trí của tôi nhiều nhất là con người ở Shizuoka. Khác hẳn với nhịp sống gấp gáp ở các thành phố lớn, cuộc sống ở đây cứ chầm chậm, ngưng đọng lại với thời gian.
Sống ở đây, ta cảm tưởng như đang sống với tuổi thơ. Có người già ở đây nhưng người già không già thêm, trẻ em thì cứ ngây thơ mãi. Gia đình Yasu sống tới bốn thế hệ trong cùng một mái nhà.
Cụ Yashimazu đã gần trăm tuổi nhưng vẫn muốn cùng đi dạo với chúng tôi để giới thiệu các loại cây ở Shizuoka. Bà nội của Yasu dành cả buổi tối để chế biến món rễ cây tẩm bột truyền thống mời chúng tôi.
Tuy không quen miệng lắm, nhưng tôi vẫn phải khen là … rất ngon. Nước Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2 cho đến hôm nay đã sản sinh ra một xã hội "workalholic" – những con người chỉ biết đến công việc và không thiếu trường hợp thương tâm "chết" vì công việc.
Shimada như một ốc đảo trong thế giới đó. Con người ở đây cũng làm việc nhưng họ làm việc để "sống và tận hưởng" chứ không phải làm việc để "tồn tại". Nếu ai đó cho rằng Shizuoka buồn thì tôi lại rất thích cái "buồn" của Shizuoka.
Chia tay Shizuoka, trong một phút giây nào đó, tôi chợt thấy Shizuoka như một "nàng công chúa ngủ trong rừng" nhưng tôi muốn nàng cứ ngủ như thế này để tôi thấy nàng đẹp hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét