TP - Nhiều khi tôi thấy có gì như áy náy vì không biết sao đời mình nhiều cái may thế không biết. Ðường học hành chả xuất sắc nhưng cũng hanh thông. Vào lính thì không phải ra trận. Lúc khó khăn y như rằng gặp được người tốt. Thêm nữa là đến được khá nhiều nơi mơ ước trong đời.
Hồi nhỏ, ở một làng quê, đói khát, rách rưới, lê la bùn đất nhưng đọc những cuốn sách về địa lý thỉnh thoảng vớ được, cậu bé nhà quê là tôi vẫn ao ước được đến đường Xích đạo, Kinh tuyến gốc số 0 và những miền đất mới. Tưởng như đó là mơ ước xa xôi, viễn vông, ấy nhưng những cơ may đột nhiên đến biến điều đó thành sự thật.
Năm 2013, được cử đi thông tin hoạt động của Ðoàn đại biểu Việt Nam tại Festival Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Ecuador tận Nam Mỹ, tôi đã đến hào sảng đặt chân lên hai bên cái đường kẻ đánh dấu đường Xích đạo, tận hưởng cảm giác đê mê mình làm được cái việc hai nửa bán cầu chân Bắc, chân Nam.
Năm 2017, theo đoàn của Hội Nhà báo Việt Nam đi khảo sát cung cách làm ăn của mấy tờ báo và hãng thông tấn, truyền hình Anh, tôi tham gia chương trình “te tắt” và đến được chính cái điểm gốc của Kinh tuyến số 0, kinh tuyến gốc, kinh tuyến mà người Việt gọi là Grin-guých để lần tới bên cái vạch trên mặt đất đánh dấu đường kinh tuyến ấy để làm cái việc hai nửa địa cầu chân Ðông, chân Tây.
Phải nói ngay rằng cậu phiên dịch khá thông thái làm cho cả đoàn chúng tôi hiểu rằng cả đời mình thực ra đã “nhà quê” khi gọi đó là kinh tuyến Grin-guých. Phải gọi là Gri-ních mới đúng vài chữ cái “w” trong chữ Greenwich thực ra là câm. Kinh tuyến 0 - Greenwich là một đường thẳng nhưng thực ra là cong trên mặt cầu kéo dài từ Bắc Cực đến Nam Cực. Nó có một điểm mốc là Ðài Thiên văn Hoàng gia Greenwich mà tôi cứ gọi là điểm mốc số 0.
Ðịa danh Greenwich này nằm cách khu trung tâm Luân Ðôn không xa, khoảng non tiếng đồng hồ ô tô. Tại đây, có Ðài thiên văn Hoàng gia Greenwich được vua Anh Charles II cho lập từ năm 1675 cùng với việc đặt ra chức danh Nhà thiên văn Hoàng gia với nhiệm vụ "tính toán chi tiết sự chuyển động của các thiên thể, đo đạc vị trí của các ngôi sao trên thiên cầu và xác định chính xác các kinh tuyến nhằm phục vụ cho quá trình định hướng trong hàng hải”. Khỏi nói trong thời đại người Anh quyết chiến với người Tây Ban Nha, người Hà Lan cùng các đối thủ khác trên biển để mở rộng đế quốc và vượt trùng dương tìm kiếm những miền đất hứa thì nhiệm vụ trên là quan trọng đến cỡ nào. Nó chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc hình thành một Ðế quốc Anh mà mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ.
May mắn trong đời khiến tôi đến được đường Xích đạo để tận hưởng cảm giác đê mê mình làm được cái việc “hai nửa bán cầu chân Bắc, chân Nam”. Và cũng may mắn đưa tôi đến điểm gốc Greenwich của Kinh tuyến số 0 để làm cái việc “hai nửa địa cầu chân Ðông, chân Tây”.
Kinh tuyến số 0 được các nhà thiên văn Anh đặt ra năm 1851 và được một hội nghị quốc tế công nhận năm 1884. Cần phải thấy rằng nếu Xích đạo là một đường tự nhiên duy nhất thực sự chia trái đất ra làm hai nửa bán cầu thì Kinh tuyến gốc số 0 lại là một đường quy ước bởi bất cứ kinh tuyến nào cũng chia địa cầu thành 2 nửa bằng nhau như vậy.
Một thời gian dài, để đánh dấu đường kinh tuyến số 0, người ta làm một dải vạch bằng đồng đỏ trong sân của Ðài Thiên văn, sau đó vạch đồng đỏ đó được thay bằng thép không rỉ. Và từ 16/12/1993, đường kinh tuyến 0 được vạch bằng một tia la de sáng rực màu xanh lá cây chiếu từ Ðài hướng thẳng về cực Bắc.
Chúng tôi đến Ðài thiên văn Greenwich vào buổi trưa nên không được thấy tia la de ấy. Nhưng vạch đánh dấu kinh tuyến vẫn còn đó. Mọi người trong đoàn đều đứng hai chân hai bên vạch để tận hưởng cảm giác đang đứng mỗi chân trên một nửa địa cầu ở chính cái đường kẻ lịch sử, chụp một tấm ảnh lưu niệm. Thực ra, đường kẻ đánh dấu này giờ chỉ còn ý nghĩa biểu tượng vì sau nhiều tính toán rắc rối, người ta đã thống nhất chọn một đường kẻ kinh tuyến số 0 mới cách đường này 102,5 mét về phía đông.
Ở Ðài Thiên văn Hoàng gia Greenwich, còn một thứ khác nữa được nước Anh và cả thế giới lấy làm chuẩn để chỉnh theo. Ðó là giờ và đồng hồ Greenwich. Giờ Greenwich được coi là giờ chuẩn quốc tế. Trước năm 1954, giờ chuẩn trung bình Greenwich (giờ GMT) được xác định bằng các phép đo thời gian trong Ðài Thiên văn Hoàng gia. Sau đó giờ GMT được xác định bằng các dữ liệu do các đài thiên văn ở nhiều nơi trên thế giới cung cấp. Bây giờ, giờ GMT được xác định qua quan sát các nguồn phát ra sóng radio bên ngoài thiên hà của chúng ta.
Ðể thông báo giờ GMT chuẩn, năm 1833, nhà thiên văn học hoàng gia John Pond – giám đốc Greenwich đã cho đặt một quả cầu trên một cái cột trên nóc của Ðài Thiên văn. Ðúng 13 giờ hằng ngày, quả cầu đó sẽ được thả cho tụt rất nhanh xuống chân cột. Kể rằng vào thời đã xa ấy, cứ trưa mỗi ngày, tàu thuyền tập trung rất nhiều ở cửa sông gần đấy và người ta hướng cái nhìn chăm chú vào quả cầu này để chỉnh lại đồng hồ. Thời đó, họ không có cách nào để chỉnh giờ cho thật chính xác theo giờ GMT nếu không nhìn cảnh tụt xuống của quả cầu, đặc biệt là đối với những người ra biển rộng, vượt đại dương. Chính vậy mà quả cầu đó có tên là «Quả cầu Thời gian».
Một thứ khác cũng được du khách đông đảo của Ðài Greenwich quây quanh chụp ảnh kỷ niệm là chiếc đồng hồ khá lớn độc đáo mặt chia 24 chứ không phải 12 giờ và đánh số giờ bằng chữ số La Mã. Ðó là Ðồng hồ cổng Shepherd. Có tên như thế là do nó được Charles Shepherd làm và đặt ở ngoài cổng toà nhà chính của Ðài vào năm 1852.
Do vội, chúng tôi không vào được toà nhà của Ðài nay trở thành bảo tàng để xem các dụng cụ thiên văn mà nhiều thế hệ các nhà thiên văn hoàng gia đã dùng để nghiên cứu bầu trời. Nhưng nhìn nhà cửa, những vật dụng bên ngoài cũng đã thấy đẫm hương lịch sử. Biết bao người đã đến và bao việc đã xảy ra ở đây trong lịch sử hơn 340 năm dâu bể ấy. Trong số hằng hà sa số người và việc ấy, có một được chép vào sử sách làm cho Greenwich giống như nơi được ghi nhận là có vụ khủng bố quốc tế đầu tiên. Số là ngày 5 tháng 2 năm 1894, một kẻ vô chính phủ người Pháp tên là Martial Bourdin đã định đánh bom Ðài này. Nhưng quả bom hình như phát nổ trên tay hắn trong khuôn viên của Ðài. Martial Bourdin được tìm thấy, bị thương rất nặng, vẫn còn sống, vẫn còn nói được. Nhưng hắn đã không nói gì trước khi chết trong bệnh viện 30 phút sau đó nên cho đến tận bây giờ người ta vẫn không vén được bức màn bí ẩn phủ lên kẻ khủng bố và động cơ của hắn.
Thời gian ngắn ngủi không cho phép tôi tìm hiểu kỹ hơn về nơi vạch ra đường kinh tuyến số 0, nhưng ít ra sự tò mò và tham vọng đạt được các mốc trong đời của tôi cũng được thoả mãn một phần. Nhưng «lòng tham» của con người là vô độ, giờ đây sau khi đã đến được Xích đạo và Kinh tuyến gốc rồi, trong tôi lại nảy ra ước muốn được đến điểm mà hai đường đó giao nhau. Tôi đã xem trên bản đồ châu Phi, điểm đó nằm ở ngoài khơi phía Tây châu lục này, gần các nước Gabon, Benin, Cameroon. Ca này khó rồi đây. Nhưng cuộc đời ai mà biết trước được, nhỡ đâu cơ hội lại đến. Thôi cứ sống rồi sẽ thấy.
LÊ XUÂN SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét