Ở Nhật du khách có thể tìm thấy các món thịt sống từ bò, ngựa, ếch, gà, lợn, hươu, hay rùa.
Ngoài các loại sashimi làm từ hải sản, người Nhật còn có thể chế biến sashimi bằng thịt bò, hươu, gà, lợn...
Thịt bò
Thịt bò Wagyu với lớp vân như đá cẩm thạch là nguyên liệu mà mọi tín đồ của món bò bít tết đều yêu thích. Nó còn được dùng để làm cả sashimi. Đặc trưng của loại thịt bò Wagyu hảo hạng là những vân mỡ trắng phân bố xen kẽ các thớ thịt đỏ với tỷ lệ tương đồng. Thành phần nạc và mỡ đều nhau giúp miếng thịt vừa mềm vừa có hương vị thơm ngon hơn khi ăn sống.
Không như các món sashimi hải sản, thay vì tương shoyu và wasabi, thịt bò sống được đầu bếp phục vụ với ponzu (sốt đậu nành và giấm) để trên cùng lá tía tô.
Ngoài ra, người Nhật còn dùng các bộ phận khác của con bò để làm sashimi như ở vùng Sendai (cách Tokyo 5 giờ về phía bắc) dùng phần đầu bò. Sendai nổi tiếng với rất nhiều đặc sản trong đó có cả sashimi lưỡi bò. Theo sách hướng dẫn du lịch Nhật của Fodor, phần lưỡi béo khi ăn sống sẽ "mềm như tan trong miệng".
Gan bò sống cũng trở thành sashimi phổ biến ở Nhật và được gọi là rebasashi. Tuy nhiên, đến giữa năm 2012, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi xã hội ban lệnh cấm buôn bán gan bò sống để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, món ăn vẫn có trong thực đơn, gan vẫn được phục vụ với hành lá và nước sốt trộn tỏi nghiền.
Thịt ếch
Video: RocketNews24
Đây có thể là loại sashimi kinh dị và không truyền thống nhất của Nhật - sashimi từ thịt ếch. Tháng 12/2012, một video đăng trên internet về một cô gái vui vẻ thưởng thức món thịt ếch sống ở Asadachi, nhà hàng ở Tokyo nổi tiếng với các món ăn kỳ quái. Video này đạt cả triệu lượt xem chỉ trong vài tháng. Trong nền nhạc nhẹ nhàng video lại quay cảnh làm thịt một con ếch sống. Mọi thứ đều xảy ra rất nhanh tới mức phần đầu ếch vẫn còn cử động được cùng với hai chân trước.
Không ngạc nhiên khi video này thu hút nhiều ý kiến tiêu cực từ các thực khách và cả người Nhật làm trong ngành ẩm thực bao gồm đầu bếp Mamie Nishide đang làm tại Japanese Cooking Studi ở New York, Mỹ. Cô trả lời Fox News: "Tôi không muốn bạn nghĩ về ẩm thực Nhật như thế này, thực sự không phải vậy. Món này rất kỳ quái".
Thịt lợn
Sau lệnh cấm tiêu thụ gan bò sống năm 2012, một số nhà hàng Nhật Bản gỡ bỏ món ăn khỏi thực đơn và thay vào món sashimi gan lợn. Tuy nhiên năm 2014, Bộ Sức khỏe của Nhật ban lệnh cấm mới về việc tiêu thụ gan cũng như thịt lợn sống.
Trong khi thịt lợn sống không được sử dụng ở Nhật thì tại Australia món này rất phổ biến dù phục vụ không theo cách truyền thống. Sokyo, một nhà hàng Nhật cao cấp ở Sydney, phục vụ món sashimi thịt lợn làm từ giống lợn kurobuta. Thịt lợn đen được thái thành từng miếng mỏng dùng với súp dashi, xà lách và sốt caramel mặn.
Thịt gà
Sashimi từ mề gà. Ảnh: modernfarmer.
|
Khi Newsweek xuất bản một câu chuyện về sashimi thịt gà năm 2013, loại gia cầm sống này còn gọi là "thịt hồng". Nơi nổi tiếng với loại thịt này nhất ở Mỹ là Ippuku, một nhà hàng kiểu quán rượu truyền thống của Nhật (Izakaya) ở Berkeley, California.
Christian Geideman, đầu bếp đồng thời là chủ Ippuku cho biết: "Mỗi tối chúng tôi phục vụ tới 24 suất torisashi (sashimi từ thịt gà). Và từ khi nhà hàng mở ra vào năm 2010, chúng tôi đã phục vụ hơn 10.000 đơn hàng". Món gà yêu thích nhất của ông là làm từ ức gà sống, kèm sốt ớt Hàn Quốc, củ cải và trứng cút sống. Gà được lấy từ một nông trại nhỏ ở Manteca, nơi Geideman chắc chắn là họ có cách làm thịt gà chuẩn. Ông nhận xét là: thịt gà phải thật tươi, nhân viên ở đây làm thịt xong và làm lạnh nhanh tức thì. Dao cắt thịt cũng phải rất sạch. Với người chưa từng thử sashimi thịt gà thì Geideman miêu tả món ăn này là "ngon như là thịt cá ngừ sống".
Còn nếu đã quen với món ức gà sống thì bạn có thể còn thích thêm những món khác liên quan tới gà như mề và gan sống. Mỗi loại có một hương vị và dạng riêng mà đầu bếp Nhật đều biết cách xử lý. Thịt ức gà làm sashimi cơ bản thì ăn kèm xì dầu và wasabi. Chỗ thịt dày và chắc lại rất hợp ăn với muối và mù tạt. Mề gà giòn có thể kết hợp với gừng và xì dầu. Dầu mè và muối sẽ thêm vào khi ăn với gan gà.
Thịt ngựa
Basashi ở Kumamoto luôn đi kèm với các loại hành lá, hành, gừng và một miếng chanh để vắt ăn kèm. Ảnh: Hương Chi.
|
Ở Nhật, ăn thịt ngựa không phải một điều lạ lùng. Món ăn này đã có từ cuối những năm 1500 khi nước Nhật rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm. Nhưng đến thập niên 1960 tiêu thụ thịt bò mới thực sự bùng nổ khi người dân bắt đầu thay đổi phương tiện di chuyển. Trên các con đường, ngựa đã được thay thế bởi những chiếc ôtô, trong nông nghiệp thì máy móc cũng dần chiếm phần việc của ngựa nhiều hơn. Các chủ trại ở tỉnh Kumamoto cố gắng tìm cách giải quyết việc quá tải lượng ngựa trong trại của mình. Vì thế mà basashi (thịt ngựa sống) xuất hiện trên thị trường.
Basashi còn được ví là sakura niku (thịt hồng) vì thịt có màu hồng nhạt. Cách thưởng thức ngon nhất là thịt ngựa sống ăn kèm với gừng bào và tương shoyu. Củ cải xắt nhỏ và lá tía tô ăn sau đó sẽ giúp bạn tẩy vị thịt ngựa trong miệng. Một số nhà hàng ở Kumamoto còn sáng tạo ra các món khác từ thịt ngựa khi sử dụng lưỡi ngựa sống, tim, ruột...
Thịt hươu
Trong tiếng Nhật, shika nghĩa là hươu và shikasashi là thịt hươu sống. Màu của thịt thú rừng sống đỏ đậm hơn và cũng dễ ăn hơn. Đây cũng không phải một món lạ với người Nhật nhưng bạn chỉ có thể tìm ăn ở một số vùng như Wakayama. Theo một số người từng ăn thì shikasashi cũng rất hợp khi ăn kèm tỏi, gừng bào, tỏi tây xắt và cả xì dầu. Công thức ăn thịt hươu sống của báo New York Times lại gợi ý thực khách ăn thịt hươu cùng wasabi và xì dầu.
Thịt rùa
Quần đảo Bonin là nơi duy nhất bạn có thể tới để ăn kamesashi (sashimi thịt rùa). Nơi đây còn gọi là quần đảo Ogasawara, cách Tokyo khoảng 965 km về phía nam. Theo Masaya Shishikura, người tới đây để làm luận án tiến sĩ, đầu bếp làm thịt rùa xong, dùng phần chân, mai và ruột để hầm, các phần khác đặc biệt là cơ ức sẽ được lấy ra để làm sashimi. Kamesashi không có sẵn quanh năm. Mùa thịt rùa bắt đầu từ đầu tháng 4 và chỉ cho phép kéo dài khoảng vài tháng. Các nhà hàng địa phương sẽ phục vụ món này cho tới khi họ hết nguyên liệu.
Hương Chi (theo Modernfamer)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét