Luôn được coi là một trong những đường biên giới nguy hiểm nhất nhưng không khí ở Wagah lúc nào cũng đông vui như ngày hội.
Dưới đây là một số đường biên giới căng thẳng nhất hành tinh, do còn trong tình trạng tranh chấp hoặc thuộc vùng khắc nghiệt, nhưng vẫn được du khách háo hức ghé thăm.
Ấn Độ - Pakistan
Gần 3.000 km đường biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan luôn được canh gác cẩn mật, được xếp vào top những đường biên nguy hiểm. Nơi đây được canh gác cẩn thận đến nỗi nó là một trong những đường biên nhìn được từ không gian do những ngọn đèn điện cao áp thắp sáng từ phía Ấn Độ, theo Huffingtonpost.
Từ khi phân vùng biên giới năm 1947 đến nay, nơi đây đã có hàng trăm nghìn người chết và hai quốc gia này đã mất tới hơn 25 năm để tranh chấp lãnh thổ.
Màn đổi gác được nhiều du khách đánh giá là hài hước tại Wagah.
Dù nguy hiểm là vậy nhưng khi nhắc tới biên giới Ấn Độ - Pakistan, du khách lại nghĩ ngay tới Wagah. Tuy là một trong những cửa khẩu nghiêm ngặt nhất thế giới nhưng không khí tại đây lúc nào cũng sôi động như ngày hội. Mỗi ngày tại Wagah đều có hàng trăm du khách, dân địa phương đổ xô tới để xem lễ đổi gác thú vị giữa binh lính hai nước. Nhiều du khách cho biết, họ rất ấn tượng với màn đổi gác như trình diễn ballet này. Du khách cũng có thể vỗ tay và cổ vũ cho binh lính của bên nào biểu diễn đẹp hơn.
Cuối màn đổi gác, người dân hai bên bờ biên sẽ cùng ra giúp binh lính đóng cửa khẩu.
5h chiều, du khách và người dân đồng loạt hướng về phía cửa khẩu Wagah giữa Ấn Độ và Pakistan để chứng kiến không khí tưng bừng đặc biệt tại đây.
Từ Amrisar, Ấn Độ đến cửa khẩu Wagah chỉ mất khoảng nửa tiếng chạy xe nên hầu hết khách du lịch sau khi đã tham quan ngôi đền Vàng nổi tiếng đều cố gắng đến đây. Ai cũng cảm thấy tò mò pha chút thích thú vì được đến sát biên giới Pakistan, một trong những quốc gia khó nhập cảnh nhất thế giới.
Để đến điểm trình diễn, du khách phải mất một đoạn dài đi bộ vào bên trong với hai hàng nam nữ riêng biệt. Khâu kiểm tra an ninh khá chặt chẽ với phòng kiểm tra đồ đạc bên ngoài. Khách nước ngoài được yêu cầu kiểm tra hộ chiếu và mời vào khu vực riêng, tách biệt với người dân Ấn Độ.
Phía bên kia cánh cửa là nước Pakistan.
|
Ổn định chỗ ngồi cũng là lúc tiếng hát ca cất lên. Các cô gái Ấn Độ đồng loạt đổ xuống đường hát và nhảy múa, trước khi nghi thức đổi gác bắt đầu. Phía bên kia, qua cánh cửa vẫn đang đóng kín, những người dân Pakistan cũng đã ngồi chật trên khán đài và hò reo không ngớt.
Buổi chiều là thời gian được chờ đợi nhất trong ngày. Nghi thức diễu hành đổi gác bắt đầu trong không khí vui vẻ. Thay vì những bộ đồ nghiêm chỉnh, mỗi bên đều trang bị những chiếc mũ đội đầu với màu sắc tựa chiếc mào gà, màu đen là của phía Pakistan còn Ấn Độ là màu đỏ sặc sỡ.
Mọi người đổ dồn ánh mắt vào những người lính.
|
Giữa đường biên giới căng thẳng của hai đất nước đã trải qua nhiều cuộc xung đột là sân khấu trình diễn đẹp mắt của những người lính. Những chiến sĩ với gương mặt nghiêm trang bước dứt khoát, tay vung cao và chân đá xoáy như vũ công ballet. Mỗi một cú đá đều khiến người xem hào hứng và ồ lên.
Khi hai bên đối mặt nhau với những cú đá và bước đi mạnh mẽ, nhiều người có cảm giác đang xem một trận chiến của những chú gà chọi, phô diễn sức mạnh để tỏ nhuệ khí với đối phương. Phía bên Pakistan cũng náo nhiệt không kém với tiếng cổ vũ và vỗ tay không ngớt. Để đáp lại, phía bên này Ấn Độ, những người dân cũng nhiệt tình cổ vũ cho những người lính đang diễn phía dưới.
Chỉ mở và kéo quốc kỳ nhưng các động tác cũng mất khoảng một tiếng đồng hồ để thực hiện. Hai cánh cửa biên giới được kéo sang với hai lá quốc kỳ kéo sát lại. Vào cuối chương trình là cảnh những người dân từ hai bờ biên giới cùng giúp những người lính biên phòng đóng cửa khẩu trong tiếng vỗ tay của tất cả mọi người. Những lời bàn tán không ngớt cùng tiếng cười còn mãi, nhiều người còn ngoái lại trên đường ra về.
Những cú chào khiến người xem không khỏi bật cười.
|
Mỗi ngày, lại có những vị khách du lịch từ xa đến xem cho bằng được một lần tại chốt cửa khẩu kỳ lạ này.
Israel - Palestine
Đối với người Israel, du khách thì biên giới Israel - Palestine không khó để đi qua. Nhưng với người Palestine, đó thực sự là một hành trình phức tạp với nhiều giấy tờ, thủ tục do tình hình chính trị căng thẳng của hai quốc gia.
Du khách khi đến đây đều được phép quay phim, chụp ảnh và không bị lính biên phòng ngăn cản. Tuy nhiên nhất cử nhất động của họ đều được quan sát cẩn thận.
Triều Tiên - Hàn Quốc
Không khí ở khu phi quân sự DMZ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc luôn khiến không ít du khách cảm thấy căng thẳng và tiếc nuối. Họ căng thẳng vì đây là nơi luôn nằm trong top những đường biên nguy hiểm trên thế giới, và tiếc nuối vì sự chia cách của hai miền nam bắc vốn từng là một quốc gia.
Chuyến đi tới đây không giống cuộc dạo chơi ở Disneyland, và chỉ cần sang nhầm phía, bạn có thể sẽ "đi tong", một du khách nói về DMZ. Ảnh: Huff.
|
Du khách luôn phải đăng ký trước khi tới đây và bắt buộc phải mang hộ chiếu. Họ cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ tại khu an ninh chung của chính quyền hai miền.
Tại khu phi quân sự này, du khách được vào tham quan những căn phòng chuyên biệt. Tại đây, quân lính hai miền xếp hàng đứng đối mặt nhau và luôn tập trung cao độ, không ai được phép vượt qua điểm giữa phòng sang phía bên kia. Du khách cũng bị cấm chụp bất kỳ thứ gì ở bên phía Triều Tiên. Thứ họ mua nhiều nhất là những chai bia Triều Tiên ở các cửa hàng lưu niệm miễn thuế.
Niger - Chad
Dù Niger và Chad không phải là những quốc gia đứng trong top điểm đến an toàn với du khách, nhưng biên giới giữa hai nước này cũng không bao giờ căng thẳng khiến mọi người phải dè chừng.
Tuy vậy, đường biên Niger-Chad vẫn luôn xuất hiện trong các bảng xếp hạng nguy hiểm nhất thế giới vì nó đi qua giữa sa mạc Sahara. Do vậy, du khách khi vượt qua đây rất dễ bị lạc trong sa mạc và gặp sự cố, nguy hiểm tới tính mạng.
Sa mạc Sahara được coi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhưng cũng nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Huff.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét