(iHay) Panama trong tôi là một quốc gia “mở”. Cái mở được nhìn nhận là miễn visa cho rất nhiều quốc gia và luật pháp cũng thoáng với người khởi nghiệp tại đây. Tham vọng trở thành vùng đất “kinh tế mở”, đặc biệt về lĩnh vực tài chính của Panama trên dãy đất Trung Mỹ, bắt đầu vào năm 2000 khi ngày 31.12.1999 người Mỹ trao trả chính thức kênh đào cho Panama quản lý độc lập.
Để nói về tầm quan trọng của kênh đào Panama, người ta thường có câu nói thế này: “Nếu bạn muốn được thưởng thức trái chuối tuyệt ngon của Ecuador tại Tây Ban Nha hay nhấm nháp hương vị rượu vang tuyệt hảo của Chile ở New York thì hãy nghỉ đến kênh đào Panama bởi chúng đều được xuất phát tại đây để đi khắp nơi trên thế giới”. Cứ theo những câu nói đó, không một du khách nào bỏ qua cơ hội được thăm thú kênh đào Panama nếu đã đặt chân đến Panama.
Tôi bắt chuyến xe buýt với giá 1,25 USD để đến quận Microflora và từ đây đi bộ khoảng 1km để vào trung tâm kênh đào Panama. Chiếc vé vào cổng có giá 15USD (trọn gói) cho phép du khách được ghé thăm bảo tàng Panama, xem một đoạn phim ngắn dưới dạng 3D để hiểu về lịch sử kênh đào, phòng thử lái trong không gian ảo để hiểu cách vận hành khi tàu vào kênh và ngắm nhìn hệ thống kênh đào thật sự từ trên cao.
Kênh đào Panama
Để dễ dàng nối liền và quản lý thuộc địa của mình là Peru dưới thời Vua Charles V, người Tây Ban Nha đã đề xuất giải pháp xây dựng kênh đào xuyên qua Panama nối liền biển Caribe và Thái Bình Dương vào năm 1534. Kế hoạch đã được thông qua nhưng người Tây Ban Nha vẫn không đủ tiềm lực để thực hiện một công trình tầm cỡ như thế. Nhận thấy kênh đào Panama không chỉ có vị trí quan trọng về mặt quân sự mà còn có vị trí chiến lược trong kinh tế khi rút ngắn thời gian và giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới, người Pháp nối tiếp người Tây Ban Nha thực hiện công trình vĩ đại này trong giai đoạn từ 1881 đến 1894.
Người Pháp lại dở dang công trình của mình bởi tiềm lực kinh tế và khi hàng ngàn người đã ngã xuống tại công trường vì bệnh sốt vàng da và sốt rét hoành hành khắp nơi, đến lượt người Mỹ lại tiếp tục dệt ước mơ của nhân loại về một trong bảy công trình khoa học vĩ đại nhất trong thời hiện đại (6 công trình còn lại là: kênh đào Channel giữa Anh và Pháp, tòa tháp Quốc gia Canada, tòa nhà Empire State ở Mỹ, cầu Cổng vàng ở Mỹ, đập nước Itaipu giữa Brazil và Paraguay, và công trình Delta ở Hà Lan). Kênh đào Panama hoàn tất trong 10 năm với độ dài là 77km. Người Mỹ được phép quản lý hoàn toàn kênh đào Panama 85 năm kể từ ngày đưa kênh đào vào hoạt động chính thức vào ngày 15.8.1914.
Nhân viên bảo tàng kênh đào Panama đã kể cho tôi nghe câu chuyện máu và mồ hôi đã đổ xuống cho công trình vĩ đại của loài người như thế nào. Bảo tàng còn là nơi tưởng niệm và vinh danh những người thầy người thợ từ khắp nơi trên thế giới đã từng nằm xuống nơi đây. Họ đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Jamaica, Costa Rica, Cuba, Trung Quốc, Ý, Hy Lạp…
Bộ phim 3D độ dài chừng 10 phút lại kể tiếp cho tôi nghe về công suất hoạt động của kênh đào Panama. Một con số không thể tưởng tượng sau 100 năm đưa vào hoạt động (tính đến năm 2014): từ nơi trung chuyển kênh đào Panama, hơn 1 triệu con tàu hàng hóa đi qua 144 nẻo đường biển để cập bến 1.700 cảng ở 160 quốc gia trên 5 châu lục; và trung bình có khoảng 14.000 con tàu ghé lại đây hàng năm. Để giải quyết nhanh nhu cầu cho tàu bè qua lại, ngày 3.9.2007, chính phủ Panama đã khởi công xây dựng thêm tuyến đường cho tàu bè qua lại chạy song song với đường đã có trước đó.
Tôi bước vào không gian ảo lái thử qua một chiếc tàu để hiểu thêm cách vận hành của kênh đào Panama. Kênh đào Panama được vận hành theo cách người Ai Cập vận chuyển đá để xây dựng kim tự tháp bằng cách dựa vào lũ lụt của sông Nil hàng năm. Hồ nước nhân tạo Gatun cao hơn 26m so với mực nước biển đóng vai trò quyết định trong việc vận hành tàu qua lại. Từ biển Caribe hay Thái Bình Dương, tàu được đưa vào những lock và người quản lý khóa lại, xả nước từ hồ Gatun để nâng tàu lên cao hơn mực nước biển. Sau đó, tàu tiếp tục di chuyển qua các lock khác cho đến khi khi mực nước trong lock đã ngang bằng mực nước hồ Gatun. Sau khi di chuyển qua khỏi hồ Gatun, tàu đi qua nhiều lock khác nhau cho đến khi mực nước xả ngang bằng mực nước biển. Trung bình tàu mất khoảng 6 – 8 tiếng khi đi qua kênh đào Panama.
Đến kênh đào Panama, không chỉ được ngắm nhìn và ngạc nhiên về công trình kỳ vĩ của loài người qua bàn tay và khối óc, mà đến đó tôi còn thực hiện được ước mơ “chỉ cần một bước chân tôi có thể bước qua 2 đại dương: Đại Tây Dương và Thái Bình Dương”. Tôi chỉ hơi tiếc đôi chút là khi đến kênh đào Panama, chưa có cơ hội chứng kiến chuyến tàu nào cập cảng và đi qua kênh đào Panama.
Bài và ảnh: Đào Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét