Cách đây hơn 5 thế kỷ, những người Ấn Độ theo đạo Hin-du đã lập ra cộng đồng Bishnoi. Cho đến tận ngày nay, cuộc sống của những người trong cộng đồng này vẫn còn mối quan hệ thân thiết với các loài động vật. Họ xem chúng như những thành viên trong gia đình và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chúng.
Ngôi làng của người Bishnoi
Người Bishnoi ăn chay, bên cạnh ăn rau củ, họ còn ăn bơ và sữa chua. Do không được phép chặt cây nên người Bishnoi dùng phân bò phơi khô để làm chất đốt. Họ lọc sữa nhằm tránh côn trùng làm hư hại và lọc nước sạch để sử dụng.
Vào thời điểm có gió mùa, khoảng tháng 7 và tháng 8 hàng năm, có những cơn mưa lớn xuất hiện ở sa mạc. Có mưa, các vụ mùa trở nên tươi tốt. Sau khi thu hoạch, các loại nông sản có thể nuôi sống một gia đình trong hai năm. Phụ nữ Bishnoi thường sử dụng bột kê để làm món bánh Chapati phổ biến của họ.
Người Bishnoi rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ yêu cầu những kẻ săn trộm động vật hoang dã phải bị trừng trị thích đáng. Đối với người Bishnoi, một con thú bị giết hại trong khi những kẻ trộm được tự do là điều không công bằng. Vì thế, cộng đồng người Bishnoi tự bắt lấy những kẻ trộm. Trong vòng 10 năm qua, chúng tôi đã bắt được khoảng 800 tên săn trộm.
Người Bishnoi có ý thức bảo vệ động vật hoang dã rất cao
Tại các khu vực khác nhau của sa mạc Thar, người ta luôn nhìn thấy những bức tượng bán thân của người Bishnoi, những người hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ linh dương ga-zen.
Nhiều người Bishnoi đã trở thành anh hùng của cộng đồng. Cách đây khoảng 300 năm, họ đã cố gắng bảo vệ loài cây có tên gọi là “Khejri” – những cây này có thể chống chọi cái nóng của sa mạc. Người Bishnoi sử dụng lá của cây Khejri để làm thức ăn cho gia súc và dùng những thân cây đã chết để cất nhà.
Vào năm 1730, vị vua đầy quyền lực Maharajah của xứ Ba Tư đã ra lệnh đốn cây Khejri trên lãnh thổ của người Bishnoi để xây cung điện cho mình. Người Bishnoi đã phản đối quyết liệt mệnh lệnh ấy. Một người phụ nữ có tên là Amrita Devi đã leo lên một cái cây để bảo vệ cây Khejri. Mặc cho lời hăm dọa của binh lính, cô Devi vẫn không leo xuống. Cuối cùng cô ấy đã bị bọn lính chặt đầu. Vụ việc trên cũng đã khiến 363 người Bishnoi bị thảm sát. Bi kịch này đã in sâu vào tâm trí của cộng đồng người Bishnoi.
Bi kịch 363 người Bishnoi bị thảm sát do bảo vệ cây Khejri qua tranh vẽ
Ngày nay, vị vua Maharajahs không còn tồn tại nữa, không còn ai có thể chặt cây Khejri xây lâu đài nhưng loài cây này lại bị đe dọa bởi mối nguy hiểm từ những người ở nơi khác đến.
Thời gian đã khiến mọi thứ thay đổi và người Bishnoi cũng đã thích ứng với những thay đổi đó. Họ sử dụng điện thoại di động, lướt web và lái xe ô tô. Ngoài ra, họ còn sử dụng cả phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền về cuộc sống của mình.
Cây Khejri
Chính quyền địa phương nói rằng, người Bishnoi có ý thức cao trong việc bảo vệ động vật hoang dã và môi trường nên họ cho phép người Bishnoi cùng ngăn chặn các vụ săn trộm thú hoang.
Hồng Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét