Tel Aviv được bình chọn là thành phố có bãi biển đẹp hàng thứ 9 thế giới |
Sau một buổi thăm viếng Bethlehem nơi Chúa sinh ra và Mount of Olives núi cây dầu ô-liu lịch sử của người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo bằng chuyến đi tour gồm 3 du khách với hướng dẫn viên Nasser, chúng tôi trở về khách sạn lúc 1 giờ trưa. Cả 3 du khách chúng tôi (gồm một thanh niên Hồng Kông) hẹn sáng mai sẽ đi tour tới Biển Chết (Dead Sea) với Nasser.
Nửa ngày còn lại, chúng tôi tận dụng bằng cách tự đi một mình tới thành phố Tel Aviv, trung tâm thương mại và hành chánh của Do Thái từ ngày lập quốc năm 1948 mà tôi đã nghe nhiều từ khi còn học bậc trung học.
Tel Aviv-Yafo là một thành phố đôi nhưng thường được gọi là Tel Aviv, được thành lập vào năm 1910 bởi David Ben Gurion (thủ tướng đầu tiên của Do Thái) và những người nhập cư Do Thái từ bốn phương. Thời đó Tel Aviv chỉ là những đụn cát. Theo huyền thoại, Jaffa được thành lập bởi Japheth, một trong những người con của ông Noah sau trận đại hồng thủy.
Jaffa cũng là thành phố mà vua Solomon đem gỗ tùng từ Li Băng về để xây ngôi đền thờ thứ nhất. Diện tích 50.5 cây số vuông với dân số khoảng 400,000 là thành phố đông nhất của Do Thái sau Jerusalem.
Tel Aviv là thành phố đầu tiên của người Do Thái trên thế giới được người Do Thái tự cai trị lần đầu kể từ khi nước Do Thái bị người La Mã tiêu diệt cách đấy khoảng 1900 năm.
Ngày nay Tel Aviv là một thành phố phát triển, sống động, được liệt vào một trong 10 thành phố đáng đến du lịch nhất, được gọi là một Nữu Ước của Địa Trung Hải, sinh hoạt 24 giờ nên cũng được tặng danh hiệu là thành phố không bao giờ ngủ (the city that never sleeps), được tạp chí National Geographic bình chọn là thành phố có bãi biển đẹp hàng thứ 9 trên thế giới.
Tel Aviv được mệnh danh là White City, thành phố nhà cửa sơn màu trắng
|
Tôi cũng nghe nói ở Tel Aviv có bãi biển dành riêng cho người đồng tính và được quảng bá rộng rãi để thu hút du khách đồng tính trên thế giới. Thật là phóng khoáng so với những nước Á Rập láng giềng rất bảo thủ.
Vì nhà cửa ở Tel Aviv sơn màu trắng, nơi tập trung nhiều binh-đinh xây theo kiểu Bauhaus nên còn được gọi là thành phố trắng (White City) và được UNESCO liệt vào danh sách di sản của thế giới.
Đường tới Tel Aviv
Làm sao đi tới một nơi xa chừng một tiếng đồng hồ bằng xe bus? Làm sao mua vé? Đó là những câu hỏi mà những người đi tự túc, tự dò dẫm di tích thắng cảnh, lần mò đường như chúng tôi phải tự tìm câu trả lời bằng cách lên mạng, xem tài liệu quảng cáo trong khách sạn và hỏi người đi đường. Trong những lúc đi du lịch, tôi thường nói đùa với vợ con rằng không ai bỏ tù hay phạt mình vì mình nhờ họ chỉ đường và nếu họ không biết tiếng Anh hay không muốn trả lời cho một người xa lạ thì cũng chẳng chết ông tây nào cả.
Với phương châm du lịch đó, tôi bảo nhà tôi ngồi ở khách sạn đợi tôi xuống trạm xe bus trung ương cách khách sạn vài chục mét hỏi cách đi đứng. Nối đuôi vào giòng người, tôi hỏi người ta mua vé ở đâu, họ bảo vào bên trong. Nhưng phải qua khâu an ninh kiểm soát và scan hành lý mới được vào bên trong. Vì vậy tôi bỏ xếp hàng để về đón nhà tôi.
Một anh taxi thấy vậy hỏi tôi đi đâu và cho giá 240 NIS (shekel), rẻ hơn taxi đi từ phi trường Tel Aviv về Jerusalem 40 NIS nên tôi cũng muốn đi taxi cho tiện, tiết kiệm thời gian, đợi chuyến trở về đi xe bus cũng được. Tôi bảo anh ta tôi còn trở về khách sạn đón vợ nhưng nếu ông có khách thì khỏi cần đợi chúng tôi.
Nhưng khi trở ra, chiếc taxi đã chạy nên chúng tôi xếp hàng qua khâu an ninh và vào thẳng bên trong. Đây là trạm xe lớn, đi nhiều thành phố nên có những tầng lầu và các tầng hầm với đủ cửa hiệu, tiệm ăn và những platform (thềm ga) để đón xe bus như trong các hầm đón xe metro hay xe lửa.
Các nhân viên làm việc ở các văn phòng hay trạm xe ở Do Thái thường nói được tiếng Anh. Hỏi dò thì cũng tìm ra đường dù người địa phương ở đây không tỏ ra thân thiện với du khách hay người lạ như người Úc của chúng ta (bởi vậy người Mỹ hay bất cứ ai đến Úc mà cho rằng họ thích nước Úc vì người Úc thân thiện là không phải họ nói quá đáng).
Vé hai người chỉ 33.50 NIS, tiết kiệm được cả 200 NIS, tức cả $60 Úc kim. Đi xe bus còn thấy cảnh vật rõ ràng hơn taxi. Chúng tôi vào platform 17. Đường từ Jerusalem tới phi trường quốc tế dài 42km trong khi tới trung tâm thành phố dài hơn, 49km. Thời gian chạy mất khoảng 1 tiếng. Lúc này đã là 2 giờ chiều.
Xe tới central bus station của Tel Aviv lúc 3PM, đậu ở lầu 6. Vào bến xe bus cũng phải qua khâu an ninh, xuống xe đi bộ để scan túi xách hoặc bị yêu cầu mở túi xách để an ninh dòm vào bên trong. Đó là đặc điểm an ninh ở các bến xe của nước Do Thái.
Nhưng chúng tôi đến Tel Aviv không phải để ngắm thành phố mà để... tắm biển. Chúng tôi muốn tắm biển ở các nước nằm ở Địa Trung Hải trong chuyến đi này. Đã tắm biển Hy Lạp, Ai Cập, tại sao lại không ở Do Thái, nơi được tiếng là có những bãi biển đẹp và sạch.
Chúng tôi lại tới quầy vé hỏi xe bus ra biển. Người ta hỏi tôi đi biển nào, tôi trả lời bất cứ biển nào cũng được, miễn là gần thành phố.
Chúng tôi mua vé xe bus 5.8 NIS/ người, xuống hầm tầng 4, platform 6. Xe chạy một đoạn thì nhìn thấy biển, chúng tôi hỏi bác tài và yêu cầu ngừng ở trạm gần nhất. Đấy là đường Ben – Yehuda Street, góc đường Rehow Mapu. Ở thành phố này, bản chỉ đường đề hai thứ tiếng. Quẹo trái đi ra biển vài trăm thước, bắt gặp khách sạn Sheraton Tel Aviv. Từ đây, bạn có thể xuống bãi biển bằng bất cứ lối ngõ nào có thể xuống được, kể cả lối đi trong khu vực khách sạn.
Tới một kiosk nằm sát bãi biển, thấy có du khách mặc đồ tắm ăn uống vui nhộn, chúng tôi gọi “ăn trưa” bởi trong chuyến đi Bethlehem vội vàng hồi sáng chẳng có thì giờ để ăn. Xong ra sát biển thuê hai cái ghế 30 NIS và muốn uống thì cứ việc gọi người phục dịch của kiosk đó.
Các khách sạn nằm dọc bãi biển
|
Tôi thấy trong các quảng cáo bươm bướm tại khách sạn có giới thiệu những bãi biển tuyệt vời giành cho giới trẻ, và những nơi dành cho giới đồng tính. Tôi chẳng biết nơi chúng tôi đến tình cờ thuộc bãi biển loại nào, nhưng rõ ràng là đẹp. Những tòa nhà cao tầng như khách sạn Sheraton Tel Aviv không nhiều và không quá cao, chừng 20 tầng và nằm xa nhau, cách bờ biển một khoảng không gian đủ rộng để tránh cảm giác ngột ngạt. Bãi biển dài và nhất là rất sạch.
Trên bờ có một chòi canh với 2 hai nhân viên cứu hộ luôn theo dõi và nhắc nhở qua loa phóng thanh những người tắm biển vượt khỏi lằn ranh an toàn. Cách bờ chừng một hai trăm mét là những dải đá dài vài trăm thước trông như những hòn đảo nhỏ áng ngữ đại dương như để ngăn chặn sóng. Tôi nghi đấy là những bức tường nhân tạo làm cho bờ biển này giống như những cái vịnh. Quả là một công trình chu đáo để thu hút người địa phương và du khách ngoại quốc đến hưởng cái thú tắm biển ở một vùng biển nổi tiếng với bầu trời xanh và trong sáng như Địa Trung Hải.
Đã nghe, bây giờ mới cảm nhận Địa Trung Hải là cái chi chi.
Đợi xe bus ở khu bãi biển để tới bến xe bus trung ương Tel Aviv mua vé trở về Jerusalem |
Bãi biển Tel Aviv khác xa bãi biển Alexandria ở Ai Cập mà tôi đã có dịp kể, và cũng khác với những bãi biển ở những hòn đảo thơ mộng yên tĩnh tại Hy Lạp. Đông người nhưng sạch sẽ. Trên bãi cát có nhiều vòi nước lộ thiên cho bạn dội nước trước khi kiếm chỗ thay áo quần. Thế thì còn gì hơn.
Nhưng chúng tôi chỉ có thể hưởng cái thú tắm biển Tel Aviv trong vòng 3 tiếng đồng hồ bởi sẽ phải trở về Jerusalem bằng hai chuyến xe bus.
Lạ đường lạ sá phải tính toán kẻo lạc đường nơi xứ lạ, mà lại xứ lạ như Do Thái thì quả là đáng sợ.
7 giờ tối lên đường và về tới khách sạn đúng 9 giờ đêm, chúng tôi đã có một buổi du ngoạn tắm biển thoải mái, lý thú, biết thêm chút đỉnh về đời sống của người dân thành phố Tel Aviv.
Du ngoạn Dead Sea: tác giả trước núi đá với con đường dẫn ra bờ biển Biển Chết
|
Biển Chết: nơi người ta không thể chết chìm
Bạn có thể cho rằng tôi đùa, nhưng đấy là sự thật bởi khi bạn lội xuống biển, nằm bất động, không bơi vẫn không bị chìm. Tôi cầm hai viên đá lội ra chỗ sâu, đưa tay lên trời, vẫn không chìm.
Đó là nét độc đáo của Biển Chết, tiếng Anh gọi là Dead Sea vì nghe nói biển này không có cá và không một sinh vật nào có thể sống dưới biển này (ngoại trừ một số vi khuẩn).
|
Biển Chết hay Biển Muối là một hồ muối đông giáp Jordan và tây giáp Do Thái và Tây Ngạn. Mặt nước Biển Chết thấp 422m dưới mực nước biển là nơi thấp nhất trên trái đất, là nơi nước có hàm lượng muối cao nhất, gấp 8.6 lần so với đại dương. Biển dài 76km, nơi rộng nhất 18km và sâu nhất 378m, nguồn nước do sông Jordan cung cấp.
Biển chết với khả năng trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe là nơi thu hút du khách Địa Trung Hải từ hàng ngàn năm qua, là nơi vua David nương tựa, là nơi nghỉ mát đầu tiên của vua Herod, là nơi cung cấp nhựa thơm để người Ai Cập ướp xác, là nơi ngày nay người ta dùng muối và khoáng sản để sản xuất mỹ phẩm và dược thảo.
Lối ra biển hồ và bên kia Biển Chết là núi đồi của nước Jordan |
Trong năm 2009, có 1.2 triệu du khách ngoại quốc thăm viếng Biển Chết thuộc phần đất Do Thái. Tôi thấy nơi đây có quảng cáo những trung tâm trị liệu và nghỉ dưỡng.
Chuyến đi Biển Chết theo kiểu đi tour do Nasser chở lệ phí $100 mỹ kim một người, đi trong vòng nửa ngày, cách trạm xe bus trung ương ở Jerusalem 96km.
Chúng tôi khởi hành lúc 9 giờ sáng dùng đường Jericho Road. Xe chạy hàng chục cây số giữa những đồi trọc của Mount of Jericho mới thấy có một thị trấn nhỏ ở phía tay trái. Chạy chừng nửa tiếng, Nasser ghé vào một trạm dừng chân cho khách nghỉ ngơi, giải khát. Anh cho biết phía ở tay trái là vùng Emau làm tôi nhớ đến bài hát “Trên đường Emau, hai người lữ khách đi bên nhau” nói về hai người trong nhóm môn đệ cùng đồng hành với Chúa vừa sống lại nhưng họ không nhận ra Chúa.
Sau đó xe chạy qua vùng Massada nơi Herod Đại Đế (King Herod The Great) xây nhà nghỉ mát đầu tiên và cũnng là địa danh một trận đánh lịch sử khi người Do Thái nổi dậy đánh một trận chiến sống còn với quân La Mã. Một giờ sau khi khởi hành, chúng tôi bắt đầu tới nơi và phải qua một trạm gác. Lính Do Thái hỏi Nasser và tài xế dịch lại cho chúng tôi là họ hỏi anh đi đâu, lý do. Và nhìn vào xe thấy 3 du khách chúng tôi là Á Châu, lính Do Thái ngoắc tay cho đi.
Dead Sea: chúng tôi đã nghe, đã có dịp thấy và đã tắm ở nơi đây
|
Ra khỏi khu vực này, chúng tôi bắt đầu thấy bờ của Biển Chết, thấy đường đi Salem với bảng chỉ dẫn Visitors Centre. Nasser nói dãy núi bên kia bờ là lãnh thổ của nước Jordan. Xe đến nơi tắm lúc 10 giờ rưỡi, có nghĩa đi mất tổng cộng một tiếng rưỡi. Nasser nói chúng tôi có 2 tiếng đồng hồ để tắm.
Trời nắng chói, nóng trên 40 độ, nước xanh màu lá cây. Tôi ít thấy một loại biển như thế này, trông như lòng chảo, bên kia là bờ núi trùng điệp của nước Jordan, cảnh đẹp như tranh vẽ. Ở đoạn này, Biển Chết chia ranh giới của hai nước, có một thời là thù địch sau khi Do Thái mới lập quốc.
Xứ của linh thiêng và kỳ lạ: sa mạc, núi đá, biển muối với nước (gần bờ) màu xanh lá cây |
Ở biển này không có bãi cát mà chỉ đá và sỏi, dốc thoai thoải, bước đi hơi đau chân một chút. Nhà tôi nghe nói thả người xuống nước không chìm nên úp mặt nhảy xuống nhưng sau đó đã phải la lên vì cay mắt. Tôi không biết cay như thế nào, lấy chai nước lọc đem cho nhà tôi rửa mặt, nhưng rồi tay mình cũng dính nước biển và thấy mặn kinh khủng.
Biển chết: không cần bơi nhưng người tắm vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt nước |
Qua kinh nghiệm của vợ mình, tôi đã tránh không để cho nước vào mắt khi tắm nhưng rồi nước cũng vào mắt dù biển lặng như mặt hồ thu. Ngâm mình lâu trong nước biển thấy dễ chịu. Hèn chi người ta nói tắm Biển Chết là một phương pháp trị liệu. Tôi thử bơi ra xa bờ, nhưng rất khó bơi do tình trạng độ đậm đặc của muối quá cao làm cho không những thân người nổi mà tay chân cũng nổi gần mặt nước nên bơi không được.
Bạn không cần phải là một người bơi giỏi, biết hít hơi vào bụng để vừa tắm vừa đọc báo như một số người biểu diễn trong các hồ bơi. Bạn chẳng làm gì cả mà người vẫn nổi lềnh bềnh. Vì vậy tôi mới cho rằng ở Biển Chết, người không biết bơi sẽ chẳng chết chìm khi rớt xuống nước!
12 giờ rưỡi, chúng tôi trở về. Chạy một lúc, Nasser chỉ cho chúng tôi những cửa hang động nằm cao gần đỉnh núi đá có tên là Mount Massada nơi xưa kia người Do Thái tử chiến với quân La Mã.
Con đường ở Jericho nơi có câu chuyện người Samaritan tốt bụng |
Đi được nửa đường, xe dừng ở một làng của người Bedouin để chúng tôi xem đồ gồm trưng bày ở các căn lều bên vệ đường. Nasser nói người dân Bedouin dễ thương. Tôi được biết đây là vùng Jericho, thành phố được cho là xưa nhất thế giới, địa danh quan trọng thứ hai của người Do Thái sau Jerusalem.
Theo cựu ước, Jericho là nơi người Do Thái định cư đầu tiên sau khi rời Ai Cập và lang thang 40 năm trong sa mạc. Theo tân ước, đây là nơi Chúa bị quỷ satan đưa lên núi cám dỗ sau 40 ngày ăn chay. Đường đi Jericho cũng là nơi có câu chuyện người Samaritan tốt bụng (the good Samaritan) giúp kẻ lạ gặp nạn trên đường. Chúng tôi chỉ đi bên ngoài chứ không vào trong thành phố.
Về đến Jerusalem, tôi yêu cầu Nasser thả chúng tôi trước Basilica of Gethsemane (vương cung thánh đường Giết-sê-ma-ni). Bên cạnh có Gethsemane Garden là vườn mà Chúa cầu nguyện trước khi bị bắt. Đây là ngày cuối cùng của chúng tôi tại Do Thái. Hẹn bạn trong số báo tới, kỳ chót của chuyến du lịch Địa Trung Hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét