Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Nhân nước Qatar thắng đăng cai World Cup 2022, kể chuyện về một chuyến đi Doha

Bút ký của Nguyễn Hồng Anh


Qatar vừa thắng Úc, giành quyền tổ chức Giải Túc cầu Thế giới năm 2022. Sẽ có bạn đọc thắc mắc Qatar là nước như thế nào mà qua mặt Úc, Mỹ, Nhật và Nam Hàn.

Trong những nước giàu có ở Trung Đông nhờ dầu hỏa, trước đây tôi chỉ biết Ả Rập Saudi, Kuwait. Sau này biết thêm Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống nhất (United Arab Emirates, gọi tắt Emirates) và thỉnh thoảng nghe Qatar.

Emirates nổi danh thế giới với những tòa nhà chọc trời, những khách sạn 7, 8 sao ở thành phố Dubai, và đầu năm nay đã khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới Burj Dubai (800m), cao hơn gấp rưỡi tòa nhà cao nhất thế giới Taipei 101 (508m) trước đó. Hãng hàng không Emirates bảo trợ giải đua ngựa nổi tiếng thế giới Melbourne Cup nên giải này còn được gọi là Emirates Melbourne Cup.

Qatar Airways


Tôi chỉ bắt đầu để ý đến Qatar khi so sánh vé máy bay giữa hai nước giàu ở Trung Đông với một đội ngũ máy bay tối tân và những đường bay dày đặc khắp thế giới của họ. Trong chuyến đi du lịch Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào giữa tháng 10 vừa qua, tôi đã chọn hãng máy bay Qatar Airways bởi vì giá rẻ nhất so với tất cả các hãng máy bay nổi tiếng và lại đi nhanh nhất—như từ Madrid (Tây Ban Nha) về Melbourne chỉ mất 21 tiếng đồng hồ.

Phi trường Doha hầu như chỉ có máy bay của hãng Qatar Airways

Đi máy bay từ Melbourne qua Rome (Ý) hay từ Madrid trở về, máy bay của Qatar Airways đều quá cảnh tại Doha, thủ đô của nước họ.  Khi từ Melbourne đến phi trường Qatar và được chở bằng xe bus từ máy bay vào terminal, điều làm tôi và vợ tôi ngạc nhiên là các máy bay đậu trên phi đạo hay trên bãi đậu hoàn toàn mang nhãn hiệu Qatar Airways. Tại sao không có một chiếc máy bay của nước khác như ở các phi trường quốc tế khác? Chỉ đến khi vào phòng đợi transit trong 2 tiếng đồng hồ, xem các chuyến bay trên màn ảnh mới thấy có tên hai ba chiếc máy bay của nước khác.

Nhà tôi cũng thắc mắc làm sao hãng Qatar Airways có thể sống khi mỗi ngày, chỉ nội ở Melbourne đi Rome mà có đến hai chuyến bay và chuyến bay của chúng tôi từ Melbourne qua Doha bằng Boeing 777-200 có sức chứa trên 300 người nhưng chỉ chở khoảng 100 người nên mỗi người chúng tôi chiếm đến 3 ghế, mặc sức nằm ngủ trong chuyến bay dài 14 tiếng đồng hồ.

Tôi nói với nhà tôi Qatar Airways tính chuyện lâu dài nên họ đầu tư bằng nhiều máy bay tối tân, có nhiều tuyến bay trên thế giới, vì thế phi trường Doha không phải là nơi người ta đến du lịch Qatar mà chỉ quá cảnh. Bởi vậy, trong chuyến bay từ Doha về Melbourne (lúc 12 giờ khuya), máy bay đầy không trống một ghế nào: hành khách là những người từ Tây Ban Nha quá cảnh đổi máy bay như chúng tôi, có thể là từ Ý hay từ Trung Hoa sang Úc.

Hiện đại, vĩ đại nhưng Doha trông thật buồn tẻ

Nước Qatar trong tương lai có thể là một Singapore của Á Châu vì từ Âu Châu sang Á Châu (hay Úc) và ngược lại, đều có thể dừng chân ở Doha để đổi máy bay. Theo tôi nghĩ, hãng Qatar Airways ra đời không phải để phục vụ người dân của họ mà để phục vụ du khách khắp thế giới di chuyển bằng máy bay của họ.

Tuy mới ra đời, nhưng Qatar Airways có đội ngũ máy bay thuộc hàng hiện đại nhất. Trong số 91 chiếc đang hoạt động hiện nay, có 29 chiếc Airbus 330 và 20 chiếc Boeing 777. Trong năm 2007, hãng đã đặt mua thêm 80 chiếc Airbus 350 và 32 chiếc Boeing 777 và 80 chiếc Boeing 787 còn gọi là Dreamliner (đời mới nhất này chưa hoạt động, Việt Nam có đặt mua 5 chiếc). Năm 2012 Qatar Airlines sẽ nhận 5 chiếc máy bay siêu khổng lồ A-380 mà họ đã đặt.

Đi máy bay Boeing 777 của Qatar Airways, có nhiều phim để xem và điều làm tôi thích thú nhất là có khoảng 500 bản nhạc hay để chọn. Hãng này quảng cáo họ bỏ ra trên $30 tỉ đô la để đặt thêm trên 200 chiếc máy bay. Trong chuyến đi vừa qua, tôi thấy hãng này quảng cáo sắp mở tuyến đường đi Hà Nội, tiện lợi cho du khách từ Âu Châu đi Việt Nam.
Vậy Qatar là đất nước như thế nào mà giàu có như vậy?

Nhà cao tầng ở trung tâm Doha, giống các thành phố giàu nhờ dầu hỏa ở Trung Đông

Lợi tức đầu người cao nhất thế giới


Qatar là một bán đảo dài chừng 160 cây số nằm trong vịnh Ba Tư, đất giáp ranh giới với Ả Rập Saudi, cách nước Bahrain bởi một eo biển nhỏ.   Qatar có diện tích 11,437 cây số vuông, dân số gần 1.7 triệu người, nói tiếng Ả Rập, theo chế độ quân chủ tuyệt đối do Emir (tiểu vương) thuộc giòng họ al-Thani cai trị từ thế kỷ 19. Tôn giáo chính thức là Hồi giáo.

Thoát khỏi sự bảo hộ của Anh và tuyên bố độc lập vào năm 1971, Qatar được cai trị bởi tiểu vương Khalifa bin Hamad al-Thani nhưng vào năm 1995 trong khi tiểu vương Hamad đang nghỉ mát ở Thụy Sĩ, con ông làm cuộc đảo chánh không đổ máu và trở thành tiểu vương  Hamad bin Khalifa.

Quỹ Tiền tệ Thế giới xếp hạng Qatar là nước có lợi tức đầu người cao nhất thế giới trong khi CIA World Factbook liệt Qatar đứng hàng thứ hai. Qatar giàu có là nhờ dầu hỏa và nhất là khí đốt, nơi có trữ lượng hơi đốt lớn nhất thế giới.

Tôi biết được chút đỉnh về Qatar nhờ một ngày một đêm phải ở lại Doha khi đáp máy bay từ Tây Ban Nha về Melbourne.

Một ngày ở Doha

Khi mua vé máy bay qua online, tôi thấy chuyến bay trở về chỉ mất 21 giờ, và quá cảnh đổi máy bay ở Doha chỉ mất 30 phút. Không có gì chán bằng ngồi chờ máy bay ở các phi trường nên mặc dầu thấy thời gian chuyển máy bay quá ngắn, tôi vẫn cứ mua, nghĩ rằng cùng một hãng máy bay, họ phải tính toán đúng, chính xác.

Máy bay từ thành phố Madrid đến Doha lúc 12 khuya (0 giờ) sau 7 giờ bay.  Chỉ còn 30 phút cho transit, nhưng từ phi cơ đi xe bus vào terminal cũng đã mất 15 phút, nên vợ tôi lo ngại sẽ bị trễ. Và đúng như thế.

Nhân viên phi trường bảo chúng tôi qua quầy information, ở đây một nữ nhân viên xin lỗi vì phi cơ bay trễ (mà quả thật khởi hành trễ cả hơn nửa tiếng so với giờ ấn định, có lẽ để nhét cho đầy máy bay) nên phải ở lại Doha đúng 24 tiếng đồng hồ. Cô nhân viên nói hãng sẽ bao khách sạn, 3 bữa ăn, bao chuyên chở và miễn phí điện thoại 3 phút cho mỗi người.

Khu vực khách sạn chúng tôi ở trọ, nơi có nhiều công nhân lao động ngoại quốc tới mua sắm và nghỉ ngơi ngắm cảnh cuối tuần, cách xa eo biển chừng một cây số

Đợi xe bus về khách sạn, tôi bắt chuyện với một thanh niên Tây ban Nha qua Melbourne dự đám cưới của người em ở vùng Surrey Hills. Anh ta nói khi mua vé cũng hơi nghi nghi, nhưng vì thấy bay chỉ mất 21 tiếng nên thử. Thật vậy transit chỉ kéo dài 30 phút là điều rất phi lý, nhất là ở phi trường Doha vì máy bay không đậu vào khoang terminal mà đậu ở bãi xa.

Xe chạy về khách sạn mất 10 phút, đã 1 giờ sáng.  Mercure (Mercure Grand Hotel), nơi trước đây có tên là Sofitel, là khách sạn 4 sao. Đứng trên ban-công lầu 8, chúng tôi thấy một thành phố với những cao ốc mà chúng tôi đã từng có dịp nhìn khi máy bay chạy trên phi đạo, điều khác biệt lúc này là khu cao ốc cách chúng tôi cái eo biển (vịnh nhỏ), quang cảnh như ta đi tàu Spirit of Tasmania rời cảng Melbourne.

Sáng hôm sau, tôi hỏi nhân viên tiếp tân của khách sạn cách ra downtown (trung tâm phố, xi-tì) thì nhân viên bảo đây là downtown, nhưng tôi nói muốn đi ra khu nhà chọc trời mà chúng tôi thấy từ trên phòng ngủ.

Ông nhân viên cho biết ở đây không có xe bus, chỉ đi bằng xe hơi nhưng khuyên không nên đi xe thường mà đi taxi có bảng hiệu vì xe thường họ hay chém. Ông nói đi taxi tới khu nhà cao tầng mất chừng 15 Riyads (1 Úc kim ăn 3.1 Riyads, đồng tiền của Qatar). Ông noi đi xe 10 phút, đi bộ khoảng 30 phút.

Mỗi khi đến một thành phố của nước nào, tôi vẫn thích đi bộ để có dịp quan sát thật kỹ đường và phố xá hơn là “cỡi ngựa xem hoa” bằng taxi hay xe bus.

Các công nhân ngoại quốc ngồi trước các cửa hàng ngắm người qua đường, giết thì giờ

Hôm nay là Thứ Sáu, ngày lễ của đạo Hồi, do đó các trung tâm mua bán đóng cửa, shops chỉ mở cửa vài tiếng, đến 12 giờ trưa đóng và mở lại sau 4 giờ chiều. Chúng tôi dự tính đi bộ tới phố hay tệ lắm cũng đi bộ ra biển vì đứng trên lầu khách sạn thấy bờ biển gần, nhưng cũng phải mất cả nửa tiếng mới tới nơi vì không quen đường xá, lại gặp nhiều đoạn đường đang xây cất.

Ở phi trường chúng tôi đã thấy nhiều công trình xây cất đang tiến hành với công nhân phần lớn là ngoại quốc, lúc này đi trong thành phố giữa trưa chỉ thấy nắng, đá, xi măng, cát bụi.  Đúng là khung cảnh một thành phố trong sa mạc. Bây giờ là mùa thu, nhưng nắng ở đây vẫn kinh khủng, thật chẳng thích hợp cho người đi bộ.

Đã thấy biển, trung tâm phố bên kia bờ nhưng chúng tôi không thể băng qua đường để tới bờ biển ngắm cảnh vì xe chạy liên tục. Nhà tôi cũng đã quá mệt nên chỉ muốn đứng lại. Nhìn  ở tầm xa chừng một cây số chẳng thấy cái cầu vượt hay hầm để băng qua đường, tôi phải mất cả năm mười phút đợi che chạy thưa mới dám vượt qua bên kia đường, chụp một số hình làm kỷ niệm.

Trong khi chụp hình, tôi thấy một nhân viên công lực bận sắc phục tới bờ thành đuổi 4 thanh niên có vẻ là công nhân ngoại quốc đứng bên thành bờ biển  nói chuyện với nhau. Tôi lấy làm lạ vì bờ biển ở đoạn này dài vài cây số, không có người mà sao cảnh sát không cho họ đứng? Thấy các thanh niên này bỏ đi, tôi cũng rời khu này sớm vì không muốn gặp rắc rối.

Các thanh niên có vẻ là công nhân ngoại quốc đứng ngắm biển (góc phải) nhưng đã phải bỏ đi khi một nhân viên an ninh sắc phục tới nói gì đó với họ. Hình N.H.A.

Tôi có cảm giác không thoải mái khi tới nước Qatar  bởi qua quầy di trú, thấy một phụ nữ trẻ đẹp mặc áo đen trùm kín đầu chừa khuôn mặt lạnh lùng nhìn du khách khi kiểm soát sổ thông hành. Ấn tượng đầu tiên thường có ảnh hưởng lên tâm lý con người.
Đợi taxi, chúng tôi gặp một số xe hơi đứng lại hỏi nhưng chúng tôi chỉ đi taxi, tới phố tốn 10 Riyahs.

Ở Qatar, người ta nghỉ làm việc trong Thứ Sáu và Thứ Bảy. Chủ Nhật bắt đầu làm việc trở lại.

Chúng tôi vào khu shopping có tên City Center Doha được xem là hiện đại và lớn nhất theo lời giới thiệu của người tài xế (thiết kế bên trong hơi giống Daimaru ở Melbourne ngày trước). Đi ngắm, mua sắm từ 2 giờ đến 6 giờ chiều quên giờ giấc (không phải vì đồ rẻ hay đẹp mà chỉ vì hợp với kích thước của mình).

Khoảng 5 giờ rưỡi,  nhìn ra bên ngoài đã thấy trời tối. Đến 6 giờ, chúng tôi lần mò ra bờ biển của khu phố để quan sát, chụp hình. Đến gần bờ biển, định chụp hình nhưng thấy bảng cấm, nên ngại bị khó dễ với nước xa lạ này.

Trở lại khu shopping để ngắm kiểu vớt vát, chúng tôi được xem trình diễn múa lân, võ thuật mà những người trình diễn có làn da trắng hơn người bản xứ, trông họ như người Li Băng . Khu thương mại này có đề chữ family shopping, khán giả là những bậc cha mẹ đưa con đến xem.

Binh đinh có tên City Doha Center là một trung tâm thuơng mại rất lớn và hiện đại, có cả sân trượt pa-tanh

Trên đường về, tôi bắt chuyện với tài xế taxi. Anh ta là người Tích Lan, mới qua làm 8 tháng. Anh cho biết dù ở 50 năm cũng không được vào quốc tịch Qatar, chỉ được gia hạn visa để làm việc mà thôi.

Hỏi về cuộc sống của người bản xứ, anh nói người dân Qatar được chính phủ lo cho mọi thứ đến năm 20 tuổi, từ học hành, chỗ ở, thuốc men.  Anh tài xế nói thành phố này mới bắt đầu mở mang phát triển cách đây chừng 5 năm.

Ở đây, nhiều người nói tiếng Anh. Họ nói khá thông thạo, trừ những công nhân lao động ngoại quốc.

Biểu diễn võ thuật trong khu shopping cho các gia đình xem mà những người biểu diễn da trắng như người Li Băng (người Qatar da ngăm)

Tài xế nói khu phố khách sạn chúng tôi trọ dành cho giới trung lưu, những người đến mua sắm là người không phải của Doha. Họ là công nhân được chở bằng xe bus tới mua sắm vào dịp nghỉ, và công ty sẽ chở về (nhà trọ tập thể hay hãng xưởng)  vào khoảng 9 hay 10  giờ đêm. Ban ngày, tôi thấy hàng trăm người tụ tập thành từng nhóm trên  đường phố hay vào các cửa tiệm bình dân ở đây để mua sắm áo quần, dày dép. Tối trở về chúng tôi cũng thấy cảnh như vậy.

Bây giờ tôi mới được chứng kiến cuộc sống của lao động ngoại quốc ở các nước dầu hỏa và khí đốt tại Trung Đông như Qatar. Chúng tôi không nghe hay thấy ai có vẻ là người Việt trong thời gian ở Doha.


Cảnh sinh hoạt về đêm của các công nhân ngoại quốc nhộn nhịp hơn nhờ trời mát mẻ. Hình chụp từ khách sạn

Vài điều nên biết về Qatar


Báo Herald Sun trong số ra ngày 4.12.2010 loan tin Úc thua cuộc trong cuộc tranh đăng cai World Cup 2022 với tựa “Stinking hot and no booze, but Qatar rules” đã liệt kê “10 things about Qatar” trong đó có những thứ như:

- Phạt vi phạm giao thông nặng nề nhất thế giới

- Nóng trung bình 41 độ C trong tháng 6

- Internet bị kiểm duyệt rất chặt chẽ

- Áp dụng luật Sharia, một luật Hồi giáo rất khắt khe

- Có ký hiệp ước quốc phòng với Iran

- Lonely Planet gọi Doha là nơi buồn tẻ nhất trên địa cầu

- Quan hệ đồng tính là bất hợp pháp

- Người dân có tỉ lệ xả khí thải trung bình cao nhất thế giới

- Tiểu vương hiện nay lên cầm quyền bằng cuộc đảo chánh người cha

- Say rượu ở nơi công cộng là bất hợp pháp. Nơi có bán bia rượu duy nhất trong thủ đô Doha là những khách sạn 5 hay 6 sao mà một ly bia giá $11 đô la.

“Buồn... suốt bữa ăn” cho tác giả: Khách sạn 4 sao Mercure với phòng ăn kiểu buffet có người hầu bàn nhưng họ chỉ mang nước lạnh rót cho khách. Ở đây không bán bia rượu

Thấy báo Herald Sun viết vậy, tôi nhớ là trong hai bữa ăn trưa và tối kiểu buffet trong khách sạn Mercure 4 sao (được quảng cáo trước quầy tiếp khách) với đồ ăn ê hề nhưng chỉ uống nước lạnh do người hầu bàn đến rót vào ly. Nên cũng mất hứng thú cho những du khách thích có rượu bia trong các bữa ăn tối như tôi.

(TVTS 1290 – 15.12.2010)

Không có nhận xét nào: