Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Versailles hoành tráng và bi thương

Là một trong những lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới, Château de Versailles (lâu đài Versailles) là điểm tham quan không thể bỏ qua một khi bạn đặt chân đến Paris của nước Pháp.
Lâu đài Versailles nằm ở vùng ngoại ô, cách trung tâm Paris khoảng 20 km, đi bằng tàu điện mất từ 25-30 phút, còn di chuyển bằng ô tô thì nhanh hơn nếu không bị kẹt xe. Xét về mặt quy hoạch thiết kế, Versailles đúng là đáng nể với cung điện rộng 67.000m2 gồm 2.000 phòng, một công viên 800 ha. Lâu đài này tọa lạc trên vùng Yvelines, một khu vực xưa kia chỉ có giới quý tộc Pháp và dân nhà giàu ở, tách biệt hoàn toàn với Paris náo nhiệt.
 
Lâu đài Versailles (Paris, Pháp) - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Versailles còn được sử sách lưu truyền như một dấu ấn khó phai vì đó là nơi ở của các đời vua Louis, là biểu tượng cho quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp thời cận đại. Năm 1668, vua Louis 14 (1643-1715) giao cho kiến trúc sư Le Vau tiến hành xây dựng cung điện Versailles mang dáng vẻ cho đến ngày nay. Bên trong cung điện là cả một hạng mục công trình mà cái nào cũng bự, như phòng lớn của đức vua, phòng lớn của hoàng hậu, phòng gương (phòng lớn nhất của lâu đài), phòng ngủ của vua, nhà nguyện, bảo tàng, nhà hát… Riêng công trình bảo tàng ở đây đã rộng gần 2 ha, là bảo tàng lớn nhất thế giới vào thế kỷ 19, được xây dựng dưới triều Louis-Philippe I. Bên ngoài cung điện là quần thể bao gồm 300 ha rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp, 372 bức tượng, 55 hồ và bể chứa nước, 600 vòi phun nước, 35 km kênh đào…
Xét về mặt quy mô xây dựng cũng như sự xa hoa, lộng lẫy của nội thất thì cung điện Versailles có thể xếp vào hàng đầu ở châu Âu. Nhưng nếu xét về mặt lịch sử thì cung điện này cũng trải qua những tháng ngày giông tố khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng này, trong đó, phải kể đến sự oán giận của dân chúng đối với chế độ quân chủ chuyên chế thời bấy giờ. Từ đó, có 3 sự kiện đáng nhớ dính líu đến con số 21 - con số định mệnh: Ngày 21.6.1791 vua Louis 16 và hoàng hậu bị bắt khi đang cố tẩu thoát khỏi nước Pháp; Ngày 21.9.1791 Pháp bãi bỏ chế độ phong kiến, thành lập chế độ cộng hòa; Ngày 21.1.1793 vua Louis 16 bị hành quyết bằng hình thức rơi đầu trên máy chém.
Cung điện Versailles cũng chứng kiến 2 sự kiện quan trọng khác, trong đó có 1 sự kiện được nói đến trong lịch sử Việt Nam. Cả 2 sự kiện này đều được ký tại đây và đều dính líu đến con số 28: Ngày 28.6.1919, Hòa ước Versailles kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất; Trước đó 132 năm, ngày 28.11.1787 (cũng là ngày định mệnh), giám mục Bá Đa Lộc - đại diện cho chúa Nguyễn Ánh ở đàng Trong ký với triều đình vua Louis 16 bản Hiệp ước Versailles mà theo đó, mở đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Để quản lý và điều hành một cung điện rộng mênh mông như Versailles, phải cần đến đội ngũ khoảng 900 nhân viên, gần phân nửa trong số đó là nhân viên bảo vệ. Điều này cũng dễ hiểu vì những tài sản bên trong cung điện này gần như vô giá. Người ta ước tính có khoảng 3 triệu du khách đến tham quan cung điện và 7 triệu người thưởng ngoạn công viên Versailles mỗi năm. Nói riêng về công viên, nếu du khách mải mê dạo chơi với hương thơm cỏ lạ thì chuyện bị lạc đường về là điều có khả năng xảy ra vì nó được bao bọc bởi 20 km hàng rào, còn bên trong thì có đến 42 km đường mòn. Không tin, bạn thử đến thăm Versailles một lần ắt sẽ rõ!
Đoàn Xuân Hải

Không có nhận xét nào: