Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Theo chim cốc đi săn trên hồ Nhĩ Hải

Trong một giờ đồng hồ, chúng tôi được tận hưởng cảm giác vừa hồi hộp vừa sảng khoái của những người đi săn. Khi thuyền quay về bờ, những chiến binh chim cốc lại đậu hiền lành trên mạn thuyền, rỉa lông cho nhau, chờ chuyến đi săn tiếp theo.
Xe vừa dừng lại, đã nghe tiếng múa hát tưng bừng. Bốn, năm cô gái người Bạch mặc trang phục dân tộc, xếp hàng ngang vỗ tay cùng dàn kèn, trống tấu nhạc reo rắt. Một ngư phủ đi đôi ủng lấm đầy bùn, nhảy tưng tưng, hai tay đan vào nhau rất dẻo, giống như đang chèo thuyền. Đây là nghi lễ mở đầu cho một cuộc đi săn. Màn múa hát nghiệp dư đậm màu sắc địa phương nhưng cũng đủ làm du khách cảm thấy phấn khích.


Nơi chúng tôi đến là Cát Thôn, một thôn chài nằm ngay cạnh hồ Nhĩ Hải. Tại sao lại có tên này? Bởi vì đứng trên núi Thương Sơn (Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc) nhìn xuống thấy hồ nước giống một cái tai khổng lồ. Cũng bởi vì câu “Hạ quan phong, Thượng quan hoa, Thương Sơn tuyết, Nhĩ Hải nguyệt”, ca ngợi vẻ đẹp phong, hoa, tuyết, nguyệt của vùng Đại Lý: Gió dưới chân núi, hoa lưng chừng núi, tuyết trên đỉnh Thương Sơn, trăng dưới hồ Nhĩ Hải… mà chúng tôi tìm đến đây.

Hồ Nhĩ Hải nằm ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển, dài 40km, rộng trung bình khoảng 7-8km, tổng diện tích khoảng 250km², là hồ lớn thứ hai trên cao nguyên tại Trung Quốc, chỉ sau hồ Điền Trì (298km²), cũng thuộc tỉnh Vân Nam.  Hồ Nhĩ Hải 116km, độ sâu trung bình khoảng 11m, độ sâu tối đa tới 20m.

Trước khi bước lên những chiếc thuyền sắt, trừ các ngư dân, mọi người đếu phải mặc áo phao. Với độ sâu như thế thì yêu cầu an toàn là bắt buộc. Trên thuyền, ngoài người chèo còn có một cô gái trẻ duyên dáng, tay này cầm ô, tay kia mang chiếc loa pin để thuyết minh.

Bốn mặt là núi, mây trắng bao quanh, tất cả có vẻ như vẫn đang chìm trong giấc mộng đêm qua. Mái chèo khua khẽ, mặt hồ phẳng lặng, sương giăng lãng đãng. Những bông hoa tím, hoa vàng ngoi trên mặt nước khẽ rạp xuống trước mũi thuyền. Người dân vùng này nổi tiếng với việc dùng chim cốc để bắt cá, một phương pháp đánh cá cổ xưa còn giữ lại đến ngày nay.

Thú thật đến bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy chim cốc lần đầu tiên. Tả một cách đơn giản thì trông nó chẳng khác gì con vịt, lông màu ghi đen, bàn chân 4 ngón kéo màng, duy có điểm khác là mỏ không dẹt, mà khoằm xuống, sắc bén như mỏ chim ưng. Ngư dân bắt chim cốc từ khi còn non để huấn luyện cách bắt cá. Đến khi được 3 tháng tuổi thì mỗi con chim cốc đã trở thành một thợ săn tuyệt vời, có thể bắt được những con cá nặng tới cả chục cân.

Thuyền ra đến giữa hồ bắt đầu bơi theo vòng tròn. Những “thợ săn” điềm tĩnh đậu trên mép thuyền đợi lệnh. Ngư phủ lần lượt tóm từng con, buộc một sợi dây vào cổ, ngăn không cho nuốt cá vào bụng. Kế đến, họ dùng sào tre gõ lên mạn thuyền, đồng thời khẽ đập xuống nước để dụ cá đến.

Ngư phủ chăm chú quan sát mặt nước, rồi bất ngờ chém mạnh bàn tay xuống. Lệnh xuất kích! Những con chim cốc ào xuống nước, cái cổ dài ngẩng cao, rẽ sóng, tìm mồi. Chúng bơi oai nghiêm như những chiếc tàu ngầm tí hon trên mặt biển.

Bạn tôi chợt reo lên lanh lảnh: “Ôi, nhìn kìa!”. Con cốc đầu tiên đã có chiến lợi phẩm. Hình như con cá quá to và chống cự quyết liệt nên chim cốc phải quạt cánh dữ dội để áp sát mạn thuyền. Ngư phủ nhanh nhẹn lôi ra chiếc vợt cán dài, thò xuống nước, vận hết sức bình sinh nhấc lên. Nặng quá, ùm, cả cá và chim cùng rơi xuống nước! Ba lần nâng lên, rơi xuống như thế, nhưng cái mỏ bé nhỏ của chim cốc vẫn quắp chặt mang cá hệt như kẹt bằng kìm sắt. Cuối cùng thì ngư phủ cũng nâng được chiếc vợt lên cao. Chú chim cốc kiêu hãnh bám chắc vào thành vợt, đầu của nó chúi xuống mặt nước vì sức nặng của con mồi. Con cá nặng không thua gì trọng lượng con chim đã thôi vùng vẫy “bó giáo quy hàng”!

Thật ra đây chỉ là màn biểu diễn kịch tính cho khách xem, chứ việc bắt cá đơn giản hơn nhiều. Sau khi tóm được con mồi, chim cốc nổi lên mặt nước, ngư phủ chỉ việc lướt thuyền tới, nhấc cá quẳng vào trong khoang.

Trong một giờ đồng hồ, chúng tôi được tận hưởng cảm giác vừa hồi hộp vừa sảng khoái của những người đi săn. Khi thuyền quay về bờ, những chiến binh chim cốc lại đậu hiền lành trên mạn thuyền, rỉa lông cho nhau, chờ chuyến đi săn tiếp theo.

Trên bờ, những chú cá chép nướng vàng ươm, chiến lợi phẩm của cuộc đi săn trước đã chờ sẵn thực khách. Vậy là thành một vòng khép kín. Ngư dân được hưởng lợi từ nguồn thu du lịch và bán sản phẩm đánh bắt. Chắc họ chẳng dại gì dùng mìn, lưới quét hay điện ắc-quy đánh cá (như một số địa phương ở bên ta), không những vi phạm pháp luật, lại tự triệt đi nguồn sống của mình. Bài toán bảo vệ môi trường bền vững cùng nguồn lợi thuỷ sản đã được giải quyết hài hoà, hợp lý.

Đó là điều tâm đắc mà những chú chim cốc đã dạy cho chúng tôi. Và cho dù chưa biết đến khi nào mới có dịp quay lại ngắm trăng trên hồ Nhĩ Hải, thì chuyến đi này cũng để lại những ấn tượng và chiêm nghiệm khó quên…
Xuân Thu

Không có nhận xét nào: