Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Thượng Hải có còn hào hoa và văn minh?

Đây là lần thứ hai đến Thượng Hải, sau lần đầu vào năm 2009, nhưng tôi đã không còn thấy một Thượng Hải hào hoa và hiện đại của 7 năm trước. Những gì tôi được chứng kiến ở chuyến đi lần này – Thượng Hải ngoài cái hay còn có rất nhiều thứ dở…
30/11/2016, 14:39
Bài HUYENLE Ảnh
1. Máy bay và tàu điện luôn ồn ào
Nhà ga đi – sân bay Thượng Hải
Vừa lên chuyến bay tới Thượng Hải tôi đã được chứng kiến sự ồn ào cố hữu của người Trung Quốc. Ngồi ngay sau lưng tôi là một nhóm người Trung Quốc, bay 3 tiếng nhưng họ nói chuyện ồn ào tới hơn 2 tiếng. Bà hành khách kế bên ngồi nói có vẻ chưa thỏa bèn đứng dậy nói cho sướng. Tôi không hiểu tiếng nhưng chắc câu chuyện của bà hấp dẫn lắm khiến những người xung quanh cũng xì xồ tham dự như nghe kể chuyện về đa cấp.
Xuống sân bay, tôi tìm mua thẻ điện thoại để kết nối mạng nói chuyện với người ở nhà, nhưng cả khu vực nhập cảnh chỉ có một cái quầy bán thẻ với giá rẻ nhất là 200 tệ (khoảng 680.000VNĐ). Vậy là đành tạm từ bỏ giấc mộng trò chuyện với người thân.
Trung tâm Thượng Hải
Sân bay Thượng Hải bình thường giống những sân bay tầm trung nhưng rất to rộng, đi mỏi rã rời mới đến ga tàu Maglev (tàu siêu tốc ). Đi tàu này về một ga, đổi sang tàu thường mới tới khu vực phố đi bộ, nơi tôi đặt khách sạn. 
Nghe người bạn quảng cáo đây là tàu “ngôi sao” của Thượng Hải, tốc độ 300km/giờ khiến tôi rất hào hứng dù đã đi loại tàu hơn 300km/giờ cách đây chục năm. Chỉ mất 8 phút đi tàu từ sân bay về trung tâm, nhưng lại có cảm giác không được an toàn. Giống như bạn đang đi trên những con đường chứa những gờ giảm tốc độ thấp. Tiếng lịch kịch, lộp cộp phát ra từ dưới đường ray lên khoang tàu khiến hành khách có cảm giác bất an. Nội thất của con tàu càng khiến tôi thất vọng, không như tưởng tượng khi nghe cậu bạn quảng cáo, trong khoang khá bẩn, phần lớn ghế ngồi đều đã sờn rách và hôi hám.
Chuyến tàu thường ở Thượng Hải
Trải qua cảm giác bất an, xuống ga tàu chúng tôi phải đi bộ để chuyển sang một line khác đi về trung tâm. Vừa ra khỏi ga tàu cao tốc, một mùi khai nồng bốc lên từ con đường đi bộ phía dưới chân cầu thang, làm mất đi sự hào hứng gặp lại một Thượng Hải hào hoa và hiện đại của 7 năm trước. Mặt đường vẫn lát những loại gạch dùng cho nhà vệ sinh, vuông vuông nhỏ nhỏ. Trong ga tàu metro lát những miếng gạch vá chằng vá đụp chẳng hề xứng với một thành phố lớn. Lên tàu lần nữa lại càng thấm sự ồn ào của người dân bản địa. Tôi đã đi tàu điện nhiều lần ở nhiều nơi, điều tối quan trọng khi lên tàu ai cũng hiểu đó là tôn trọng sự riêng tư và yên tĩnh của những người bên cạnh. Nhưng trên chuyến tàu này, sự văn minh đó dường như không tồn tại.
Trung tâm đi bộ Phố Đông
2. Bến Thượng Hải ngày mưa ăn “mì chửi” và uống ly Capucchino to bằng… bát canh
Ra khỏi ga tàu là lên tới trung tâm đi bộ Phố Đông. Cảnh quan nơi đây giúp cho cảm giác của tôi nhẹ nhàng hơn sau một hành trình không mệt nhưng… bực. Phố xá hào hoa, những toà nhà chọc trời cao ngất, ánh sáng văn minh ở khu phố này hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết. Trời mưa lất phất, từng đôi tình nhân tình tứ đi dưới những chiếc ô nilon trong vắt. Cả một khu phố lớn đã được chặn lại, phía trong chỉ còn người đi bộ và những chiếc xe điện chạy theo tuyến phục vụ khách du lịch. Những biển hiệu xanh đỏ tím vàng, những toà nhà bằng kính với những dàn đèn nhấp nháy tràn ngập mọi nơi khiến cho không gian trở nên sôi động và nhộn nhịp.
Con đường cạnh Bảo tàng Văn hóa Thượng Hải
Tôi lại tiếp tục ghé qua 3-4 cửa hàng tạp hoá trên đường để tìm mua thẻ điện thoại, nhưng có vẻ mua thẻ nạp điện thoại còn khó hơn tìm đường tới khách sạn. Cuối cùng sau khi mua được một chiếc thẻ điện thoại có thể gọi và sử dụng được dung lượng 300MB internet với giá 60 tệ, chúng tôi phải đi lên tầng 3 của một toà nhà khác để làm thủ tục kích hoạt. Xuất trình hộ chiếu và trả lời rất nhiều câu hỏi, tôi vẫn không hiểu lý do tại sao Thượng Hải không đơn giản hoá nhu cầu liên lạc như ở quê nhà.
Cảnh sinh hoạt cộng đồng vào sáng sớm cuối tuần ở Phố Đông, các cụ già được cắt tóc miễn phí
Về khách sạn nghỉ ngơi đôi chút, chúng tôi đi kiếm bát mì chống đói rồi nhẩn nha đi bộ lên bờ sông Hoàng Phố để ngắm cảnh buổi đêm. Quán mì ở đây mang đúng phong cách thời bao cấp, mua bát mì trả tiền trước rồi tự tìm chỗ ngồi. Những người đàn bà phục vụ của quán có nét mặt đăm đăm và khá khó chịu. Không có giấy ăn và tăm, nếu bạn muốn dùng phải trả thêm tiền. Nhưng phải nói món mì ở đây rất ngon. Tôi không hiểu tiếng nên không rõ đây có phải “quán mì chửi” giống…  “quán bún chửi” ở Hà Nội hay không.
Các em thiếu nhi sinh hoạt cuối tuần
Đi bộ ra bờ sông Hoàng Phố, trời vẫn mưa mù, không thể ngắm được gì với thời tiết này, cộng thêm cái lạnh xuống khoảng 15 độ C, chúng tôi đành tìm một quán cà phê ấm cúng và làm một ly Capucchino. Anh bạn gọi đồ uống, chỉ vì lời quảng cáo khéo léo là thêm 2 tệ sẽ được ly to mà cuối cùng tôi phải uống một ly Capucchino to bằng… bát canh ở nhà. Nhìn tôi đánh vật với cốc cà phê, anh bạn không nhịn được cười. 
Một khu phố bên sông Hoàng Phố dưới trời mưa lất phất
Hôm sau phải làm việc cả ngày nên chúng tôi không có thời gian để đi thăm thú vãn cảnh. Nhưng buổi tối hôm đó hai anh em lại tìm được quán lẩu Triples Hot pot, ăn ngon và cay xé lưỡi như tôi đã đề cập trong bài viết riêng về món ăn đặc biệt này.
Phố Đông về đêm
3. Dự Viên – Thiên đường mua sắm giá rẻ
Khung cảnh Dự Viên
Hôm sau nữa làm việc xong sớm, chúng tôi đi tới Vườn Yuyuan hay còn gọi là Dự Viên, một trong những điểm đến mà ai đặt chân tới Thượng Hải đều không thể bỏ qua. Tôi đã đến đây một lần và biết nơi này chỉ xem… người là chính chứ không thể ngắm cảnh vì quá đông, nhưng người bạn đi cùng chưa biết nên tôi lại ghé qua cùng anh lần nữa.
Khu vườn Dự Viên được xây dựng vào năm 1559-1577, ban đầu là khu nghỉ dưỡng của vị quan có tên Phan Doãn Đoan, xây cất để phụng dưỡng cha mẹ. Trải qua các biến cố lịch sử, khu vườn này đã được tu sửa lại và hiện nay trong khuôn viên 5 mẫu này bao gồm nhà cổ bảo tàng và vườn cảnh. Đặt biệt những gian nhà được trang hoàng nội thất bằng những vật dụng đã có từ 400 năm trước và có 6 khu vườn cảnh. 
Các nghệ nhân làm việc tại Dự Viên
Vốn tọa lạc tại khu phố cổ, mấy trăm năm trước, nơi đây là khu thương mại đầu tiên của Thượng Hải. Nhưng bước chân vào Dự Viên thì chỉ thấy người và người, không chen lấn xô đẩy nhưng cứ đi một bước là chạm vào nhau, tiếng cười nói ồn ào, tiếng gọi nhau í ới khiến khung cảnh trở nên náo loạn không giống đi thăm quan, dù cảnh tương đối đẹp. 
Một cửa hàng tại Dự Viên
Nơi này còn là đường mua sắm của Thượng Hải. Nếu bạn cần mua bất cứ quà lưu niệm gì ở đây đều có đủ, giá cả rất phải chăng, có thể nói là rẻ hơn những nơi khác. Ai mê shoping vào đây sẽ khó lòng ra về. Khu này có quán bánh bao rất ngon, người người xếp hàng dài cả dãy phố để mua bằng được. Chúng tôi không có thời gian để xếp hàng và thưởng thức nhưng lại được xem công nghệ làm bánh bao qua một ô cửa kính rộng. Chứng kiến rồi mới biết tại sao nhiều người xếp hàng để thưởng thức như vậy.
Những đầu bếp tài hoa đang chế biến bánh bao tại Dự Viên
4. Người dân Thượng Hải đa số đi xe đạp điện và xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm
Từ đây chúng tôi tiếp tục đi bộ ra Bến Thượng Hải để đón tàu đi sang bên khu Trung tâm hành chính kinh tế bên kia sông Hoàng Phố. Có đi bộ lang thang thế này mới thấm được cái giá trị sâu hơn phía trong vẻ hào nhoáng của Thượng Hải. 
Người Thượng Hải đi xe máy không cần đội mũ bảo hiểm
Nhiều người dân ở đây sử dụng xe đạp điện và xe máy rất cũ kỹ và họ thường đi với tốc độ rất cao mà không cần mũ bảo hiểm. Để đối phó với cái lạnh khi mùa đông đến, người Thượng Hải sản xuất những chiếc áo bông để mặc cho xe máy, xe đạp điện. Hình thức tuy không đẹp nhưng vô cùng hiệu quả. 
Các khu phố ít rác nhưng nhiều loại mùi khó chịu chẳng khác gì khu phố cổ của ta, nhưng điều hơn hẳn là họ không lấn chiếm vỉa hè và lòng đường nên không có cảnh trật tự phường mang loa đi dẹp các gánh hàng rong. Người dân kinh doanh tập trung phần lớn vào những sản phẩm truyền thống hơn là hiện đại. 
Sông Hoàng Phố ban ngày khi thời tiết trở lạnh
Tới Bến Thượng Hải, chúng tôi mua vé để lên tàu sang bờ bên kia. Nhìn ban ngày mới thấy sông Hoàng Phố bẩn, rất nhiều rác và đục ngầu. Các chuyến tàu sang bờ luôn chật kín người nhưng tiếc rằng lan can thành tàu quá cao khiến du khách khó có thể ngắm được cảnh đẹp của hai bên bờ. 
Xe bus hop-on off 
Mất 20 tệ lên xe bus hop-on off, vài phút sau chúng tôi đã đặt chân tới tháp Truyền hình Phương Đông nổi tiếng. Lúc này trời đã nhá nhem tối, cứ tưởng vắng người sẽ lên tháp dễ hơn, ai dè vào trong nhìn đoàn người xếp hàng chúng tôi đành lại lặng lẽ quay ra. 
Tháp Truyền hình Phương Đông nổi tiếng
Về tới khách sạn, người mỏi rã rời, nghỉ ngơi tắm rửa chúng tôi lại tiếp tục sang quán lẩu Triples Hot pot ở đối diện khách sạn ăn tối, món mà ăn 3 ngày vẫn thấy ngon.
Tạm biệt Thượng Hải ra về với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn sau 5 ngày “tạm trú” ở thành phố được cho là đẹp và hiện đại có tiếng của châu Á, nhưng lại đang dần mất đi những nét đẹp văn hóa vốn có. Tôi vẫn hy vọng, đó chỉ là một góc của Thượng Hải mình được chứng kiến, vẫn còn có một Thượng Hải văn minh khác, hoặc ít ra ở chuyến đi sau, tôi sẽ gặp lại một Thượng Hải hào hoa như ngày nào…
Bên sông Hoàng Phố
Bài & ảnh: Michaeljo
logo

Không có nhận xét nào: