Mì xào Okonomiyaki - phong cách riêng của người Hiroshima
Thoạt đầu tôi thật ngạc nhiên khi thấy dòng người xếp hàng dài dằng dặc để được xếp chỗ trước quán ăn nhỏ trong khu di tích văn hóa Itsukushima. Qua ô cửa sổ, tôi nhìn thấy đôi tay thoăn thoắt của người thợ tạo nên món mì có hình tròn nhỏ tựa như những chiếc pizza.
Người ăn thường chọn một trong hai loại mì truyền thống của người Nhật là Soba và Udon và chúng tôi gọi hai phần Okonomiyaki Soba xào hải sản. Nhìn chiếc máy bào nhuyễn bắp cải để phục vụ việc chế biến món mì Okonomiyaki, bà Aurora - đến từ nước Ý - thì thào: “Người Nhật quả là thông minh, việc gì họ cũng nghĩ ra được! Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một chiếc máy nhỏ xinh hoạt động thay cho đôi bàn tay để cho ra những mảng bắp cải bào nhuyễn rất đều đặn thế này”.
Ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo hoạt động không ngừng nghỉ của hai người thợ trên chiếc chảo không dính dài độ chừng 2 m, tôi nhỏ to với bà Aurora: “Cách xào mì trông rất giống món ăn truyền thống của người Mông Cổ, nhưng lại có đôi chút khác biệt và có lẽ đó là cách người Hiroshima tạo nên hương vị riêng cho mình”.
Món mì xào đặc trưng của vùng Hiroshima
|
Khác hẳn với người Trung Hoa, người Mông Cổ khi xào mì thường sử dụng chảo gang lớn không dính để hạn chế lượng dầu mỡ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu tiên đạm động vật sẽ được áp chảo cho đến khi chín và lượng mỡ của những miếng thịt tiết ra vừa đủ tạo cho các loại rau cải thêm vào bóng mượt.
Một ít hạt đậu phộng khô giã nhỏ hay mè được cho vào trước khi những sợi mì đã qua phần sơ chế được cho vào trộn sau cùng. Nhưng Okonomiyaki tạo phong cách riêng cho người Hiroshima chính là bởi những vỏ bánh được tạo thành bằng việc áp chảo bột mì và trứng. Lớp bánh đầu tiên được tạo thành từ lớp bột mì và lớp thứ hai được làm từ trứng đánh nhuyễn trên chiếc chảo không dính.
Tất cả giá đỗ, bắp cải, rau mùi, hải sản và những sợi mì Soba được bện chặt kết dính vào nhau trong chiếc vỏ bánh hai mặt khác nhau làm người ăn dễ dàng thưởng thức. Món Okonomiyaki được đặt trong chiếc chảo gang nhỏ xinh đã được làm nóng trước đó giúp người dùng luôn được thưởng thức những sợi mì xào nóng, khác với những đĩa mì xào của người Mông Cổ sẽ nguội dần theo thời gian.
Bà Aurora luôn chép miệng khen ngon sau khi thử qua Okonomiyaki và cho rằng đây là món ăn ngon nhất mình đã được thử qua trong 7 ngày ở Hiroshima, dù chiếc bánh khá to và chẳng hề rẻ chút nào: gần 20 USD. Tôi cho rằng, điều tạo nên cái hồn cho chiếc bánh chính là nước xốt màu vàng nâu với hương vị thơm ngon, ngòn ngọt có tên gọi là Okonomiyaki được rưới lên trên.
Nếu thích lớp phô mai tan chảy được đặt trên chiếc bánh, người ăn có thể yêu cầu đầu bếp. Cô hướng dẫn viên ngồi cạnh tôi không thể giải thích cho tôi nước xốt Okonomiyaki được chế biến như thế nào bởi đó là bí quyết riêng của quán, nhưng có một điều chắc chắn rằng trong nước xốt Okonomiyaki có hương thơm của những hạt đậu nành đến từ vùng đất Hokkaido.
Momiji Manju – Chiếc bánh hình lá phong
“Namagachi là từ chung dùng để diễn tả các loại bánh kẹo khi uống trà trong ngôn ngữ của người Nhật. Mochi được làm từ bột gạo là chiếc bánh truyền thống không thể thiếu trong các cữ trà thơm của họ và có khoảng 15 loại Mochi khác nhau trên xứ Phù Tang. Nhưng người Hiroshima lại có chiếc bánh Momiji Manju với hương vị và phong cách rất riêng để thưởng thức cùng cốc trà mà bạn không thể không thử qua trong những ngày lưu trú tại Hiroshima”, anh chủ nhà trọ Omotenashi lưu ý với tôi.
Trong cuộc hành trình rong chơi của mình, khi đặt chân đến vùng đất tâm linh Itsukushima, nhà thơ nổi tiếng Kanke (1760 - 1849) đã cảm hứng viết bài thơ khi nhìn những chiếc lá phong đang đỏ màu trên đỉnh núi: “Kono tabi wa Nusa mo toriaezu Tamukeyama Momiji no nishiki Kami no mani mani” (tạm dịch: Trong hành trình này, tôi không thể mang những lời cảm tạ đến các vị Thần linh mà hãy để những chiếc lá phong tuyệt đẹp vào mùa thu trên đỉnh núi Tamuke cảm tạ các vị Thần”. Từ bài thơ nổi tiếng này, người Hiroshima cảm hứng tạo ra chiếc bánh ngọt có hình dáng một chiếc lá phong có tên gọi là Momiji Manju.
Lúc đầu, người Hiroshima tạo nên chiếc bánh “Lá phong” theo hương vị riêng của mình bằng cách sử dụng những hạt đậu đỏ Azuki của vùng đất nông nghiệp Tokachi - Hokkaido để làm nhân bánh và hương vị vỏ bánh nướng sẽ đậm đà hơn khi sử dụng nguồn nước khoáng dưới chân núi Hiura để pha bột mì. Để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, chiếc bánh Momiji Manju hiện nay có 5 loại nhân mà mỗi loại đều có hương vị thơm ngon khác nhau: đậu đỏ Azuki, đậu đỏ Adzuki nguyên vỏ, khoai lang, phô mai và chocolate.
Vỏ bánh mềm nhưng rất mịn màng khi tôi thử qua, hương vị chỉ đạt độ ngọt thanh tao và mọi thứ dường như hòa quyện tan chảy vào nhau trên đầu lưỡi. Để người ăn có thể thưởng thức qua các hương vị khác nhau, các quầy hàng bánh kẹo luôn có bán lẻ từng chiếc một mà người mua có thể chọn lựa và gói hộp cho mình.
Mỗi một chiếc bánh gần 1 USD, nhưng tôi không tiếc tiền khi mua thêm nhiều chiếc nữa sau khi thử qua hương vị chiếc đầu tiên. Mỗi sáng thức dậy, bên ngoài song cửa sổ, ngắm nhìn những cánh hoa anh đào theo gió xuân bay xa, tôi lại nhấm nháp cốc trà thơm cùng chiếc bánh “Lá phong”.
Nguyễn Chí Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét