Rất đắn đo khi dùng từ “đắng lòng” đã bị lạm dụng hồi năm rồi. Nhưng thiệt tình khó có thể kiếm được từ ngữ thể hiện đúng hơn cảm giác đó khi đi trên những con đường sơn cước tuyệt đẹp xứ Ấn
Một đoạn đường chạy ngâng dòng Teesta xanh sắc lá.
Khách du đến Ấn Độ hành hương miền thánh địa, danh thắng… thường ở đồng bằng nắng, nóng, bẩn, bụi, ít đến miền núi phía bắc được khách quốc tế mê mẩn. Cả miền cực bắc từ đông sang tây ôm viền Himalaya quanh năm mát mẻ, nhiều nơi mùa đông đường đèo tuyết ngập băng trơn nguy hiểm cấm xe cộ tách biệt cả mùa dài với thế giới bên ngoài… Rất khác, rất đẹp. Nhưng, như câu danh ngôn thường nghe “hành trình quan trọng hơn đích đến”, chính những con đường lên miền bắc đã là tưởng thưởng tuyệt vời, như cung đường xuân rồi lang thang miệt sơn cước Kalimpong, cũng như mấy năm trước Sikkim. Đẹp lắm, nhưng sao đắng lòng.
Một đoạn đường không nhiều sắc, đơn giản nhưng tương phản đẹp.
Đường giặm đá bằng tayThị trấn sơn cước Kalimpong nằm trên nhánh rẽ của quốc lộ 31A, nối từ đồng bằng lên tận Gangtok, thủ phủ bang Sikkim, Ấn Độ. Men theo dòng Teesta màu ngọc lục bích khá lạ nhưng hay gặp ở những núi đồi phương bắc xứ này vốn nhiều khoáng chất bơm thêm sắc cho sông suối. Con đường chạy đoạn ngắn giữa miền danh trà hơi bằng phẳng ngoại vi Siliguri, còn lại phần lớn dốc đèo quanh co khi viền theo sông lúc ẩn khuất sau những vạt rừng.
Người phụ nữ đập đá ở Pelling, cứ ngỡ Côn Sơn 100 năm trước chứ không phải đã qua thế kỷ 21 lâu lắm rồi.
Xe leo đèo, cũng là lúc thấy dấu lạ trên đường và nghe tiếng lạo xạo khi bánh lăn qua những hàng đá dăm trải trên mặt nhựa. Chưa thấy ở Việt Nam nhưng kiểu làm đường để tăng ma sát, giảm tai nạn ở những đường đèo núi nguy hiểm tôi cũng đã gặp ở Lào trong chiều mưa gió đi nhờ xe từ cửa khẩu Bờ Y tới Salavan. Nhưng mới nhìn đã thấy ngay con đường ở Lào – vốn do Thái Lan tài trợ, tốt hơn ở đây nhiều vì đá sỏi mịn phủ cả con đường, chứ không thô và thưa thớt như thế này.Thoạt đầu nhìn những hàng đá dăm khá ngay hàng, cứ nghĩ là được rải, giặm bằng máy. Nhưng sau mấy hôm lang thang về gặp đoạn đường đang sửa, ôi trời ơi ngỡ ngàng đến sốc khi tận mắt thấy các công nhân ngồi cặm cụi ghim từng viên đá một vào mặt nhựa đường nóng rực mới vừa trải. Những phuy nhựa đường đun đốt bằng củi bên lề nghi ngút khói hắc ín hăng xè… vẫn không cay mắt bằng hình ảnh người sàng lựa đá, rồi cắm mặt xuống đường ghim đá bằng tay cho an toàn con đường mình đi nhưng trước đây nào có hay. Chợt nhớ chưa lâu ngày lang thang Pelling cũng miền Đông Bắc Ấn còn thấy những phụ nữ ngồi đập từng viên đá. Cứ ngỡ đâu đó Côn Sơn 100 năm trước chứ không nghĩ là đã qua thiên niên kỷ thứ ba lâu lắm rồi. Nên nghẹn đắng lòng, mắt nhoà dù thiên nhiên diễm lệ kề cận bên đường, ngay phía trước.
Đường sơn cước xanh đẹp xứ Ấn
Nhưng quả thật, những cung đường và miền sơn cước Kalimpong quá đẹp. Chỉ tiếc đi xe đò không tuỳ tiện dừng như xe cá nhân nên nhiều cảnh đẹp chỉ lướt qua không thu được vào hình. Bù lại, nhiều đoạn dốc đèo nguy hiểm, xe chậm chậm bò cũng tận dụng được bấm vài khung ảnh.
Trước những sắc màu mạnh và gần kề của phố, núi tuyết Himalaya xa xa bỗng nhạt nhòa.
Lên miền ngược, điều đầu tiên là màu xanh thay hẳn nhà cửa cỏ cây ruộng đồng thường bị phủ bụi dày dưới xuôi. Nhất là những rặng cây lá kim dáng thẳng thanh thoát giữa lá hoa ngày chớm xuân đậm đà. Thường đi với con đường là sông suối xanh màu lạ, thi thoảng bạc đầu thêm màu khi sóng trắng vỡ trên ghềnh đá. Lên cao cao, con sông thoắt ẩn hiện dưới tít sâu thung lũng. Khi lấp lánh trong con nắng chỉ mới bò qua được nửa con đèo, lúc mờ mịt chìm trong bóng râm vì nắng chưa tỏ… Tạo nhiều bức tranh khác nét. Núi đồi xanh chập chùng làm đẹp bối cảnh gần. Xa xa bên kia núi già, trên mấy thung lũng sâu mịt mờ là Himalaya tuyết trắng lúc rạng rỡ khoe dáng uy nghi, khi tiu nghỉu chìm trong lũ mây trắng quẩn quanh che mờ.Nhấn nhá thêm là những sắc màu đến từ bàn tay của những người dân bản địa lậm tình với sắc. Nhưng ngộ thay, loáng thoáng điểm chấm giữa miền xanh chúng không bị rợ màu mà sáng đẹp hài hoà. Hồng, xanh dương, đỏ, cam, vàng cam… thôi thì chẳng thiếu gì. Còn chưa đủ, những sắc khá đậm nhà thờ Hindu, Islam, Thiên Chúa… rồi cờ phướn ngũ sắc Phật giáo Mật tông giăng giăng ở những khu vực gần chùa chiền, nơi tôn nghiêm, trên những cây cầu, triền sông soi bóng càng nhân thêm sắc lạ.
Đi miên man trên đường sơn cước Kalimpong và nhiều con đường khác xứ Ấn, cảnh quan thật ngoạn mục khó quên. Nhưng khi chia xa lại nhớ rất nhiều những dáng người khi lặng im đập từng viên đá, lúc cắm xuống mặt đường bốc khói ghim từng viên sỏi… Nhớ ngậm ngùi!
Theo Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét