Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Thành cổ Sigirya - vẻ đẹp "kinh đô" bí ẩn mà ít người dám khám phá

OCT, THEO TRÍ THỨC TRẺ 

Di tích lịch sử thì mỗi nơi một vẻ, nhưng hiếm nơi nào đem lại cảm giác... chóng mặt như ở đây.

Với quá trình phát triển kéo dài hàng ngàn năm, người xưa đã để lại cho con cháu vô vàn những di tích lịch sử.
Những di tích này khác biệt qua từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ và từng nền văn hóa. Trong đó có những di tích đặc biệt đến mức được đánh giá là kỳ quan - như Kim tự tháp của Ai Cập, hay Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
Một số di tích khác thì ít người biết đến, nhưng trải nghiệm nó mang lại thì tuyệt đối không ai có thể bỏ qua. Tại Sri Lanka có một nơi như vậy, và liệu bạn có dám đến và khám phá nó hay không? Hãy xem ngay video dưới đây để biết thêm chi tiết.
Phế tích các bạn vừa được chiêm ngưỡng là ngôi thành cổ Sigirya - hay còn gọi là "Hòn đá sư tử" - một trong những biểu tượng du lịch của Sri Lanka.
Phế tích này nằm trên một tảng đá bằng phẳng, cao đến 200m, nhìn xa giống như một con sư tử đang quỳ. Theo sử sách ghi lại, đây là cung điện của nhà vua Kassapa trong giai đoạn 477 - 495, và cũng từng là thủ đô của quốc gia này.
Nhà vua chọn xây cung điện ở một địa thế hiểm trở như vậy bắt nguồn từ việc ngài là con của vợ lẽ, sau đó giết cha cướp ngôi và lưu đày Thái tử Moggallana. Sau vì lo lắng vị Thái tử lưu vong kia trở về, ông đã chọn xây cung điện trên vách đá cheo leo.
Có điều, 20 năm sau đó, Thái tử Moggollana đã trở về giành lại ngai vàng, khiến vua Kassapa buộc phải tự sát. Nhà vua mới sau đó dời đô về Anuradhapura, còn cung điện Sigirya được dùng làm tu viện. Qua năm tháng, vương quốc suy tàn, cung điện trở thành phế tích, cho đến khi người Anh tìm ra vào năm 1907.
Nguồn: The Culture Trip

Lâu đài cổ hàng nghìn năm tuổi trên cao nguyên đá

Sigiriya là một trong những công trình kiến trúc cổ đại có giá trị nhất còn tồn tại ở Sri Lanka, được xem như là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Lâu đài cổ cùng hệ thống pháo đài kiên cố, phức tạp nơi đây có giá trị quan trọng với ngành khảo cổ, thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm.


Sigiriya bắt nguồn từ Sihagri, có nghĩa là sư tử đá, một trong những khung cảnh ấn tượng nhất của Sri Lanka. Do đó, ngọn núi đá có hình dáng giống một con sư tử cao 180m, dựng thẳng đứng giữa trời xanh này còn có tên gọi dân gian khác là núi Sư Tử. Trên đỉnh đá granite bằng phẳng này có hệ thống dấu tích thành phố cổ Sigiriya, thủ đô do Vua Kassapa I xây dựng nên vào thế kỷ 5.
Lâu đài cổ hàng nghìn năm tuổi trên cao nguyên đá - 1
Vua Kassapa I là con trai của Dhatusena, lên nắm quyền sau khi ông lên kế hoạch ám sát người cha của mình và trong một thời gian ngắn đuổi luôn người anh trai. Lo sợ có sự trả thù sau này, Kassapa I đã cho xây dựng một cung điện kiên cố trên ngọn núi đá Sigiriya, được xem là nơi bất khả xâm phạm. 
Tuy nhiên, đó lại chính là nơi ông bị đánh bại sau một cuộc chiến ngắn nhưng tàn bạo vào năm 495, khiến ông cắt cổ tự sát. Sau cái chết của Kassapa I, Moggallana biến cung điện ở Sigiriya thành tu viện cho các tu sĩ. 
Trong 11 năm Vua Kassapa I sinh sống tại Sigiriya, ông đã tạo ra một nơi cư trú đặc biệt lộng lẫy và thành lập thủ đô của mình ở đó. Di tích ấn tượng về thủ đô kiên cố này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Dấu tích thành phố cổ Sigiriya còn sót lại trên đỉnh hòn đá Sư tử là tàn dư của các pháo đài kiên cố, cung điện, khuôn viên rộng lớn, vườn cây, hồ nước, lối đi dạo và một chuỗi các đường hầm, cầu thang đi bộ bằng đá granite, thạch cao...
Lối vào chính của lâu đài nằm ở phía bắc, được thiết kế như một con sư tử đá khổng lồ, phần chân của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, tuy nhiên phần cơ thể phía trước đã bị phá hủy theo thời gian. 
Bức tường phía tây của Sigiriya được bao phủ bởi những bức tranh vẽ các mỹ nữ Sigiriya khổng lồ, kéo dài 140m và cao tới 40m mà danh tính của những người này vẫn là điều bí ẩn tới tận ngày nay, được khắc trên đá trong thời kỳ trị vì của Vua Kasyapa.
 Những bức tranh là sự ca tụng vẻ đẹp của người phụ nữ, là khởi nguồn cho phong cách diễn tả bằng hình tượng tồn tại qua nhiều thế kỷ và cũng là những tuyệt phẩm mà con người ngày nay không khỏi thán phục. Đường nét uyển chuyển trong các bức họa những cô gái xinh đẹp trên vách đá được cho là giống với phong cách vẽ Ajantha ở Ấn Độ. 
Ước tính đã từng có 500 bức tranh vẽ tại khu vực này, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 22 bức, trong đó một số bức còn khá nguyên vẹn với màu sắc tươi tắn và sống động. Những bức tranh mô tả hình tượng người phụ nữ khỏa thân, người ta cho rằng đây là những bà vợ của nhà vua hoặc cũng có thể là những bà đồng đang tiến hành các nghi thức tôn giáo.
Lâu đài cổ hàng nghìn năm tuổi trên cao nguyên đá - 2
Trong số các công trình còn lại của Sigiriya, đáng chú ý là hồ nước được đục từ đá liền khối có diện tích 27 x 21m, trông giống như một bể bơi trên nóc tòa nhà hiện đại. Ngoài ra, trong khuôn viên của Sigiriya còn có các phiến đá nhẵn hướng về phía mặt trời mọc khiến người ta liên tưởng đến ngai vàng bằng đá của vua. Các phiến đá này nằm dưới chân núi đá, được bảo vệ bởi các bức tường lớn cao 3m.
Bên cạnh những công trình kiến trúc nói trên, còn có khu vườn bậc thang được tôn tạo bởi kênh rạch nhỏ và đài phun nước vẫn còn hoạt động bên trong khuôn viên của Sigiriya.
Năm 1982, UNESCO đã công bố thành cổ Sigiriya của Sri Lanka là Di sản Văn hóa thế giới, vì thế được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Dẫu không còn là một cung điện và pháo đài nguyên vẹn, nhưng những vết tích quý giá còn lại của Sigiriya cũng đủ để thấy sức mạnh và khả năng sáng tạo phi thường của người Sri Lanka xưa
  
Theo Trần Thắng (Công an nhân dân)

Không có nhận xét nào: