Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Thành phố nhà quê kiểu Mỹ



Một thành phố nhỏ kỳ diệu, tự thân phát triển, vượt xa khỏi các loại tiêu chí đánh giá đô thị bền vững thông thường. Có thể “số phận” thành phố này khá may mắn. Song không thể không nhờ ý thức con người: biết cách chăm chút nơi ăn chốn ở và đặc biệt, rất biết tôn trọng thiên nhiên…
Nha-kieu-My (1)Nhà chìm trong cây
 Nha-kieu-My (2)Bờ hồ Bebe xanh rượi
Từ phi trường Philadelphia, tôi đón chuyến bay sớm nhất trong ngày về Ithaca, thành phố nhỏ bé với chừng 30.000 dân nằm ở mạn tây bắc của tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Phải chật vật lắm tôi mới vác được va li cầm tay lách về chỗ ngồi trong khoang máy bay chật ém với lối đi lại hẹp té của một chiếc máy bay tua bin cánh quạt, xem chừng đã đến lúc xứng đáng được đưa vào viện bảo tàng hàng không. Tiếp viên duy nhất trên máy bay, một người đàn ông trung niên bụng đã phệ (nhân vật thường thấy trên các chuyến bay dọc ngang nước Mỹ, chứ không phải hình ảnh kiều diễm của các cô tiếp viên xinh đẹp như các hãng hàng không châu Á) cẩn thận… đếm số hành khách, đa phần là sinh viên, rồi vui vẻ bảo: “Hôm nay may mắn mới gặp số chẵn, chứ bình thường số lẻ, tôi phải ước tính cân nặng mấy em rồi phải mất công đổi chỗ tới lui để hai bên thân máy bay được thăng bằng!”.
Từ trên không, địa hạt Ithaca – Tompkins hiện ra nhỏ nhắn nằm lọt giữa những vạt đồi trải rộng bạt ngàn rừng non cỏ dại. Và trên chuyến taxi từ sân bay về thành phố, tôi không chút chần chừ mở toang cửa kính để tự do hít thở bầu không khí trong lành thoảng hương cây cỏ tươi xanh. Vừa đặt chân đến Ithaca, tôi biết ngay rằng phải may mắn lắm tôi mới có duyên được sống một thời gian ở cái chốn yên bình như thế này.
Nha-kieu-My (3)
 Nha-kieu-My (4)
Cổng gỗ, vài phong cách
Buổi chiều đầu tiên, trong nắng hừng mùa hè, tôi tranh thủ dạo mát dọc Đường Thư Giãn Đồi Nam (South Hill Recreation Way), một con đường mòn chạy băng qua cánh rừng phong xanh rượi. Vốn xưa kia, từ thập niên 30 của thế kỷ 19, nó là một phần của tuyến đường sắt chở than đá nối liền hồ Erie và sông Susque- hanna trong dự án thông thương giữa Ngũ Hồ với Đại Tây Dương; rồi sau đấy, địa hình đồi dốc của Ithaca làm tăng chi phí vận tải khiến cho chính phủ phải tìm kiếm những cung đường giao thông khác bằng phẳng hơn. Từ đó trở đi, hoàn toàn không giống bất kỳ khu thị tứ nào ở Mỹ, Ithaca không phát triển giao thông xuyên đô thị, thậm chí không kết nối với cả hệ thống xa lộ nội bang New York (một phần là do sự phản đối của người dân, bao gồm 32 công dân từng đoạt giải Nobel*!). Chắc nhờ sự thờ ơ với giao thông dẫn tới kinh tế giậm chân tại chỗ nên Ithaca giờ đây tuy không có khu trung tâm cao tầng hoành tráng lộng lẫy như các thành phố lân cận, nhưng bù lại, vẫn giữ được lối sống lý tưởng và môi trường tinh khôi hiếm có. Tôi đang nghĩ lẩn thẩn, thì một bầy… ba chú nai từ trong bụi nhảy phóc ra và thản nhiên đứng gặm cỏ, phớt lờ sự hiện diện của con người, góp thêm chút hình ảnh minh chứng cho giá trị của chủ nghĩa lãng mạn còn rơi rớt lại.
 Nha-kieu-My (5)
Người dân tự sửa chữa nhà cửa
Ngay hôm sau, tôi nổi hứng đi hiking (đi du ngoạn) quanh khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Chứa của thành phố. Lòng tôi hân hoan biết mấy khi lững thững dạo bước trên lối mòn “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, nghe chim hót vang trên những tàn cây, hít thở mùi gỗ rừng vừa ngai ngái vừa nồng nã lạ thường. Đi ngang một con thác nhỏ nước bắn tung tóe từ những tấm đá phiến xếp lớp xuống một cái ao trong veo đáy sỏi bập bềnh mấy bông hoa dại trắng ngần rụng xuống từ những bụi cây ven bờ, tôi cầm lòng không đặng nên lột đồ nhảy đại xuống tắm. Nước lạnh cóng, nhưng khi đã quen rồi thì tôi chỉ muốn ngâm mình mãi không thôi.
Nha-kieu-My (3)
Đi tiếp đến một ngã ba, tôi đang loay hoay giở bản đồ ra xem đường, thì chợt ngó thấy tấm biển gỗ nhỏ chỉ lối vào một trang trại trồng dâu hái ăn ngay trong vườn (pick-up strawberry farm) nép mình sau cánh rừng thưa. Chỉ trả chừng 5 đô la là bạn thỏa sức vào vặt trái ăn đến no ứ cũng được. Nhưng chắc nhờ dân tình có ý thức cao độ, chỉ hái đủ ăn, nên trang trại vẫn lúc lỉu dâu to dâu bé, chứ không xơ xác vì những bàn tay ham hố vô độ. Đây là một trang trại nhỏ thuộc diện trang trại “xanh”; không sử dụng hóa chất; không trồng dâu thành luống trên mặt đất, mà với chừng trăm mét vuông trồng từng dây dâu trong chậu nhựa rồi cứ chục chậu nhựa chồng lên nhau chọc xuyên qua một ống nước vừa làm trụ đỡ vừa là hệ thống tưới tự động. Nhờ thế, tôi chỉ việc đứng ngắt mấy trái dâu đỏ mọng ở ngang tầm mắt mà không cần phải mất công đem đi rửa, cứ cắn ngập răng vào lớp thịt mềm cho nước dâu ngọt thanh sần sật ứa ra. Trước khi lưu luyến rời trại dâu, tôi hái thêm một bịch nhỏ mang đi, cười ngượng với bà chủ vì thấy mình vẫn còn tham lam quá. Nhưng không sao, tôi hứa sẽ quay trở lại nhiều lần nữa, rủ thêm bạn bè để ủng hộ cho vườn dâu của bà chủ hiền hậu này (chẳng khác nào tôi hay đi ăn… ủng hộ cho bánh canh dì Sáu, bánh bèo cô Năm lúc ở nhà).
Gần cuối cuộc chu du, khi đã mỏi gối chồn chân, tôi phát hiện ra một đồn điền rượu nằm bên đường với bạt ngàn đồng nho xanh rờn (Ithaca nằm kề hồ Cayu- ga, với bể nước tràn trề hấp thu nhiệt mùa hè và từ từ phân tán hơi ấm vào mùa thu, tạo ra một hệ vi khí hậu tương đối ôn hòa ven hồ, cho nên những giống cây ăn trái thường mọc ở phía nam nước Mỹ, đặc biệt là nho, vẫn có thể trồng được quanh vùng này). Quả thật, đứng nhấm nháp rượu vang làm từ nho trồng ngay sau vườn, trong một gian nhà gỗ thông xù xì, là thú vui ẩm thực quyến rũ chết người, và không thể không gật gù với thứ mà người Pháp lịch lãm gọi là “nước của sự sống” này.
Nha-kieu-My (4)
 Nha-kieu-My (6)Một ngôi nhà tinh tươm, chịu ảnh hưởng nhà bờ đông nước Anh
Hai hôm sau ngày đầu đi học, cô Roberta, một người bạn lớn tuổi mới quen, mời tôi về nhà ăn tối. Cô nói mình phải đi chợ, rồi lái xe chở tôi thẳng ra một… thửa ruộng mà cô cùng với một người bạn hùn hạp mua đất trồng các loại rau củ và nhờ tôi phụ bẻ bắp, hái cà chua và xà lách mang về. Chúng tôi dùng bữa tối giản dị sau hiên nhà cùng hai người bạn của cô, với nguyên vật liệu vừa mới “lìa cành” và phải nói thêm là bữa ăn thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi về hình ảnh ẩm thực Mỹ chỉ rặt đồ ăn nhanh. (Kỳ thực, các cửa tiệm Mac Donald chỉ đông đúc ở mấy thành phố lớn mà thôi, chứ ở mấy thành phố nhỏ, tôi thấy chúng ế chỏng ế chơ!). Bắp luộc ngọt lừ ăn kèm một ít bơ frais. Gà quay miếng nhỏ với nước xốt tỏi. Xà lách tươi ròng trộn dầu giấm balsamic. Cô Roberta vừa mới thử món xà lách thì ồ lên bảo mình quên mất rau thơm, rồi tỉnh queo thò tay qua chậu lá lăn tăn gần bàn ăn ngắt một chùm bỏ vào thố. Khoai tây xăm lỗ rồi đút lò vi sóng, đơn giản mà ngon. Cô Roberta đưa tôi lọ muối để rắc vào khoai tây và “trịnh trọng” bảo đây là muối biển chớ không phải muối thường đâu. Tôi cười, nói mình là dân mắm cá xứ biển Nha Trang, hồi nhỏ hay khoái múc nước biển về đổ vào đĩa phơi nắng chờ mấy ngày chưa chắc được hột muối nào. Chúng tôi tráng miệng bằng cà phê thơm mùi bí đỏ. Dân gốc vùng New England rất thích mùi bí đỏ, một truyền thống có lẽ thừa hưởng từ lễ Halloween…
Tôi mê khung cảnh thiên nhiên tươi xanh của vùng này và lối sống mộc mạc của người dân. Tôi cũng mê lắm hình ảnh đặc trưng của một ngôi nhà Ithaca bằng gỗ phủ sơn (màu sắc thì tùy ý gia chủ) nép mình ngoan hiền sau những tàn cây đung đưa bóng nắng hay chìm trong một bể hoa đủ màu đủ hương đủ ba mùa (trừ mùa đông lạnh thấu xương chắc chỉ có hoa tuyết mà thôi). Tôi thương mấy nhà nhỏ xíu nằm cheo leo bên bờ suối, và thích ngắm hình ảnh mấy ông bà nội ngoại dẫn đám cháu vác phao ra mé nước cạn nhách để tập bơi hay tập xếp đá chồng thăng bằng. Tôi mê lắm mấy ngôi nhà gạch phủ kín dây thằn lằn (tên tiếng Anh là ivy) xanh rờn – giá của mấy ngôi nhà cỡ đó còn thua xa mấy căn hộ chung cư cao cấp ở Sài Gòn. Tôi khoái mấy cánh cửa gỗ đục lỗ hình chó con hay mặt trăng mặt trời (cũng tùy ý gia chủ); thích mấy cái đu bằng lốp xe treo toòng teng từ cái cây to chảng ngoài vỉa hè; hay quý mấy cái máng đồ ăn cho lũ chim trời đủ kiểu đủ dạng, có cả những “độc bản” làm bằng tay mà chắc phải thương chúng lắm, ai đó mới bỏ công sức ra thiết kế như vậy. Lúc rảnh rỗi đi dạo quanh khu ở, thường tôi hay để ý mấy cái hiên nhà người ta – cái nơi nửa trong nửa ngoài, cái không gian nhạy cảm mà gia chủ lộ ra lối sống cá nhân. Tinh tươm có, xuề xòa có, điền viên có, kiểu cách có, lãng mạn có mà “sến” cũng vui (ai đời bà chủ sơn hình trái tim đỏ chói khắp các cửa đi lẫn cửa sổ, chắc đang yêu!). Mà không phải chỉ tự tay trang trí, người dân Ithaca cũng tự tay sửa chữa nhà cửa luôn. Hỏi chuyện một bác đang xẻ gỗ ốp lại phần nhà đã tróc mẻ nhiều, tôi mới hay bác cần loại gỗ gì, kích thước bao nhiêu thì cứ ra siêu thị nguyên liệu vật dụng Lowe’s mà vác về. Giá máy cưa xẻ cũng dễ chịu. Còn đến phần sơn thì dịp cuối tuần huy động gia đình đến phụ giúp, xong rồi mở tiệc đứng vui vẻ cùng nhau…
Nha-kieu-My (7)
Có thấy người dân Ithaca bỏ công lao động ra sơn sửa, chăm chút tu bổ nhà cửa, yêu quý loài vật, thương cỏ mê cây, tôi càng quý hơn cái thành phố nhỏ kỳ diệu tự thân phát triển vượt xa khỏi các loại tiêu chí đánh giá đô thị bền vững thông thường.
Nha-kieu-My (8)
————————————————————
 *32 vị này là công dân danh dự của thành phố. Họ từng sinh sống ở Ithaca trong một thời gian,ngắn hạn thì khoảng 1 đến 3 năm, chủ yếu để giảng dạy; còn thường trú thì hiện có 10 người.

 Bài & ảnh: Sơn Đặng

Không có nhận xét nào: