Những pháo đài, những dãy tường thành gợi nhớ về thời kỳ của các hiệp sĩ, các tu sĩ mặc giáp sắt tham gia thập tự chinh. Những bữa tiệc thắng trận trở về với rượu vang chảy tràn như suối. Đó là những hình ảnh giàu tưởng tượng về Saint-Emilion (vùng Bordeaux, Pháp). Hay thực tế hơn, đó là nơi ta có thể vừa khám phá nhiều di tích giá trị, vừa thưởng thức được nhiều loại rượu vang ngon nổi tiếng.
Bordeaux quả thực là vùng rượu vang quan trọng, cả về quy mô lẫn tiếng tăm. Chưa ra khỏi ngoại vi thành phố đã thấy những ruộng nho nối tiếp nhau bất tận. Có nơi con đường nhựa chạy cắt vào những ruộng nho, ngỡ như cứ đưa tay ra là chạm ngay vào các luống nho san sát. Château Haut Brion, Château l’Angelus, Clos Fourtet,… những cánh đồng nho danh tiếng lần lượt đi qua, trước khi làng Saint-Emilion hiện ra trên một vùng đất cao. Tại bãi đậu xe, những ô tô xếp thành hàng dài ngay dưới chân tường thành. Một hình ảnh vừa tương phản vừa hòa hợp. Như quá khứ và hiện tại đan xen một cách tự nhiên, liền mạch. Như những mùa nho cứ nối tiếp nhau, từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác…
Một hình ảnh vừa tương phản vừa hòa hợp, quá khứ và hiện tại đan xen
Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan qua các lối đi trong làng. Từng đám dây leo xanh vươn dài trên tường đá, quấn quít nâng niu những bảng hiệu cổ xưa nhìn xuống những con đường dốc nhỏ. Trên bảng hiệu bao giờ cũng có cảnh mùa nho rộn ràng. Nho và rượu vang chính là không khí, là nguồn sống của mảnh đất này; nếu biết rằng Saint-Emilion và vùng phụ cận chỉ có hơn 6.000 dân nhưng hằng năm sản xuất hơn 50 triệu lít rượu vang. Nghề trồng nho và làm rượu nơi đây đã trải gần hai ngàn năm, với các ruộng nho đầu tiên được trồng từ thời La Mã, thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.
Những tiệm rượu vang
Những con đường nhỏ lát đá ở Saint-Emilion cho ta cảm giác êm đềm tĩnh lặng lẫn với sự háo hức của những khám phá bất ngờ. Đây, ngay cạnh lối đi là khu giếng giặt cổ, nước trong veo, nơi ngày xưa dân làng vẫn đến giặt giũ, ngày nay thành điểm nghỉ chân cho du khách. Và kia, một khung cửa thấp bé với tấm bảng gỗ cũ kỹ ghi dòng chữ: “Sách cổ”; như lời chào mời hấp dẫn hứa hẹn một thế giới quý giá và bí ẩn. Rải rác khắp nơi trong làng là những tiệm rượu. Hoặc đơn giản hoặc trưng bày bắt mắt và sơn màu sặc sỡ để thu hút du khách, vẻ bên ngoài có thể khiến ta lầm tưởng chúng là những quán tiệm tầm thường. Thế nhưng, có khi bên trong là một hầm rượu quý với hàng trăm thùng gỗ sồi đang chờ ta thưởng thức…
Một cánh đồng nho
Nằm trên địa hình đồi nên Saint-Emilion có rất nhiều đường dốc khá cao. Leo ngược những con dốc này không dễ, nhưng cho ta một tầm nhìn xứng đáng. Trước mắt chúng tôi đây, một con đường mòn chạy dài thoai thoải về phía xa. Bên trái là những mái ngói lô xô màu gạch và một tháp chuông nổi bật trên nền trời. Bên phải là những đoạn tường cũ và vết tích của tu viện các soeur dòng Ursule. Trước thềm tu viện giờ đã bỏ hoang là một vườn nho nhỏ… Những mẩu ruộng nho như thế chỉ rộng khoảng vài trăm mét vuông, thật không là gì so với những cánh đồng nho mênh mông quanh vùng; chúng hiện diện nhiều nơi trong thị trấn, dễ cho ta cảm giác đó là những vườn nho tự phát và chuyện làm rượu ở đây khá dễ dãi. Nhưng chớ xem thường, rất có thể đây là vườn nho đạt quy chế “grand cru”, phẩm cấp cao nhất của rượu vang Pháp. (Saint-Emilion có một quy chế kiểm soát xuất xứ hẳn hoi, nằm trong hệ thống kiểm soát của rượu vang Pháp, rất chặt chẽ và phức tạp; theo đó các ruộng nho dù lớn hay nhỏ đều được kiểm soát đến từng gốc nho, đến từng mét vuông, nhằm đảm bảo rượu làm ra đúng xuất xứ và chất lượng).
Quang cảnh Saint-Emilion, nhìn từ một terrasse
Quay trở lại khu vực trung tâm, chúng tôi vào một tiệm ăn có terrasse nhìn xuống quảng trường nhỏ. Dưới quảng trường, du khách vừa nhâm nhi những ly vang đỏ Saint-Emilion hảo hạng, vừa tranh thủ sưởi nắng. Cách không xa quảng trường là ngọn tháp Vua (la tour du Roy) sừng sững, phần còn lại của pháo đài xây dựng vào thế kỷ 13 dưới thời vua Henry III. Tháp chuông nhà thờ và tháp Vua là hai công trình có thể nhìn thấy từ bất cứ vị trí nào trong làng. Đỉnh tháp Vua cũng là nơi lý tưởng để quan sát toàn cảnh Saint-Emilion và vùng phụ cận. Bốn phía xanh ngắt một màu nho trên các tầng đá vôi cổ, nối tiếp đến tận chân trời – quang cảnh cho ta phần nào hiểu được vì sao Saint-Emilion và vùng nho phụ cận được vinh danh là Di sản Thế giới.
Những con dốc mở ra những thú vị bất ngờ
Rời terrasse này, chúng tôi theo một lối đi dẫn xuống nhà thờ Đá Nguyên Khối (eglise monolithe de Saint-Emilion). Có lẽ đây là di tích ấn tượng nhất với ngôi nhà thờ đuợc khoét ngầm trong đá. Nhìn từ bên ngoài thật khó hình dung tầm vóc của nó: 15 ngàn mét khối đá được đục đi để tạo thành công trình nhà-thờ-đá-nguyên-khối lớn nhất châu Âu. Trừ tháp chuông được xây chồng lên trên, toàn bộ nhà thờ với gian lễ chính, các gian phụ, nhà nguyện, bệ thờ, mái vòm, cột đỡ,… đều đục nguyên khối trong đá. Một số không gian của nhà thờ bao gồm gian lễ chính, nhà nguyện Thánh Ba Ngôi cũng được xếp hạng di tích riêng biệt. Bản văn cổ khắc trên trụ đỡ mái vòm thứ ba cho biết công trình được thực hiện trong khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, bởi các tu sĩ dòng thánh Saint Benoît trở về đây sau cuộc tập tự chinh thứ nhất. Dưới nhà thờ còn có khu hầm mộ cổ cũng là một di tích lịch sử. Trong các ngách hành lang sâu dưới mặt đất, các thi hài được đặt vào quan tài đá và xếp vào vách đá, là cách mai táng phổ biến của Thiên Chúa giáo thời Trung cổ.
Từ nhà thờ, bước qua một cánh cửa gỗ, chúng tôi đã thấy mình đang đứng trong sân một chủng viện xưa. Bao quanh khoảng sân vuông nhỏ là bốn dãy hành lang với các hàng cột Gothique. Ánh nắng xiên ngang soi bóng hàng cột đứng im lìm trong không gian tĩnh mịch, gợi nhớ cuộc sống lặng lẽ và khổ hạnh của các chủng sinh dòng tu kín.
Nghi lễ trên đỉnh tháp Vua, để bắt đầu một mùa hái nho
Ra khỏi chủng viện, chúng tôi lại theo một con đường dốc khác để xuống quảng trường. Từ đây nhìn ngược lại phía nhà thờ, mới thấy rõ kết cấu được tạc chìm vào đá, tiếp nối với các phần xây tô thêm về sau này ở phía ngoài hoặc bên trên, cùng với tháp chuông. Phía sau quảng trường, những con đường dốc lại đưa du khách tiếp tục đến với những góc khác của ngôi làng có rất nhiều di tích tôn giáo này: nhà tu dòng thánh Francis, nhà thờ Saint-Martin de Mazerat, một phần còn lại của cung điện Hồng y, các ngôi nhà Gothique cổ. Di tích nối tiếp di tích khiến du khách mải mê, vừa như say với những khám phá, vừa như say với những ly rượu vang được mời nếm thử…
Saint-Emilion đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Không kể các nhà thờ vẫn là nơi hành lễ, một số di tích ngày nay đã trở thành điểm tham quan, số khác thì trở nên hoang phế. Nhưng truyền thống vẫn luôn được giữ gìn và tiếp nối. Theo một nghi thức có từ cuối thế kỷ 13, vào tháng Chín hằng năm, các vị chức sắc trong bộ áo thụng đỏ lại diễu hành qua các phố trước khi lên đỉnh tháp Vua để long trọng tuyên bố bắt đầu mùa hái nho. Một lần nữa, các hầm rượu ở Saint-Emilion lại sẵn sàng cho một mùa vang mới.
Saint-Emilion nằm cách thành phố Bordeaux 35km, là một trong bốn vùng làm rượu vang đỏ chính của vùng nho Bordeaux (ba vùng kia là Pomerol, Graves và Médoc). Năm 1999, vùng trồng nho Saint-Émilion đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới với tư cách là một vùng đất lịch sử với nhiều di tích có từ thời Trung cổ và truyền thống làm rượu vang nổi tiếng.
Saint-Emilion có 13 cánh đồng nho xếp hạng “premier grand cru classé” và 55 cánh đồng nho xếp hạng “grand cru classé”. Trong số này Château Cheval Blanc rất nổi tiếng; vào những mùa nho ngon đặc biệt và được trữ đủ lâu để trở thành rượu quý, một chai Cheval Blanc có giá đến vài ngàn euro.
Bài & ảnh: Khương Hữu Luyến
KTNĐ tháng 1-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét