Được xem là một trong những cung đường trekking tuyệt vời nhất Nepal, cung Langtang thuộc dãy Himalaya huyền thoại đã trở thành lựa chọn để khép lại năm 2016 của tôi. Và quả thật không thỏa lòng mong đợi khi tôi đã có một chuyến đi thật sự đáng nhớ với những trải nghiệm khó quên
23/02/2017, 23:26
Bài HẢI LUYẾN Ảnh HẢI LUYẾN, THÁI VIỆT
Đó là khoảnh khắc khi đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên từ những ngọn núi khổng lồ, phong cảnh tuyệt đẹp hai bên đường đến những ngôi làng nhỏ ven núi hay những hồ nước xanh thẳm ở độ cao trên 4.000m…
Quả thật, khi quyết định trekking Langtang chúng tôi khá lo lắng vì cả ba đều là những người ít hoạt động thể thao.
Dù đã tập luyện thể lực kỹ càng, tham gia trekking nhiều tại Việt Nam nhưng lo lắng và hồi hộp là điều không chối cải. Cả bọn đều chuẩn bị tâm lý có thể sẽ phải kéo dài hành trình hơn so với dự kiến nhưng sẽ quyết không bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, Ganesh, tour guide kiêm “bảo mẫu”, động viên rằng “Không sao cả. Sẽ ổn thôi. Tôi tin chắc các bạn sẽ không phải nhờ trực thăng cứu viện cho những ngày cuối”. Chúng tôi cũng tin thế!
Từ làng “động đất” Langtang đến đỉnh Kyanjin Ri
Xuất phát từ 8 giờ sáng, chúng tôi đi bộ 11km tới Lama (2.420m). Những bước chân đầu tiên ở cuộc phiêu lưu này dẫn đến cây cầu bắc qua sông Kosi và bước vào đường mòn leo lên một sườn đồi dốc.
Trên đường đi, phong cảnh rất yên bình và không khí thật trong lành. Do vẫn còn ở khu vực thung lũng nên thời tiết khá mát mẻ. Có lúc bạn sẽ bắt gặp một thác nước nhỏ đổ từ trên vách núi cao dựng đứng hay lại có cơ hội chiêm ngưỡng “núi đá” tổ ong khổng lồ bên kia sông mà bạn chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.
Từ Lama chúng tôi tiến về ngôi làng Langtang (3.430m) để từ đó chinh phục ngọn núi Kyanjin Ri, ngọn núi ở độ cao 4.779m cũng là đích đến trong chặng đầu tiên của hành trình. Ngôi làng Langtang là một trong những khu vực ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất kinh hoàng vào tháng 4/2015. Việc di chuyển vô cùng khó khăn vì phần lớn đường sá vẫn chưa được phục hồi.
Cũng tại ngôi làng, người dân đã dựng lên một khu tưởng niệm dành cho hơn 200 nạn nhân kém may mắn đã bỏ mình trong trận động đất, gồm cả người dân địa phương, tour guide và khách du lịch nước ngoài.
Một điều nữa khiến tôi xúc động không kém là sự hiện diện của nhiều bức tường cầu nguyện thể hiện tâm nguyện về một cuộc sống an bình của người dân địa phương.
Trước khi “chạm trán” Kyanjin Ri, chúng tôi dưỡng sức tại làng Kyanjin Gompa mà cá nhân tôi đặc biệt yêu thích. Cũng như bao ngôi làng mà chúng tôi gặp trên đường, Kyanjin Gompa đẹp một cách thanh bình, thơ mộng đến mức chẳng ai dám trò chuyện lớn tiếng như sợ bức tranh tĩnh vật này sẽ bị rạn nứt.
Thực ra theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ chinh phục đỉnh Cholari cao 5.050m cách làng vài cây số. Thật không may, một chuyện bất ngờ đã xảy ra khi đêm ấy tôi đã bị say độ cao với các triệu chứng chóng mặt, đau đầu và tiêu chảy. Dù Ganesh đã chuẩn bị thuốc và dầu nóng để tôi có thể nhanh chóng phục hồi, nhưng mọi người vẫn khuyên rằng ngọn núi cao trên 5.000m không hẳn là đích đến phù hợp cho tôi vào thời điểm sức khỏe không ổn định như lúc này. Cuối cùng tôi buộc phải từ bỏ Cholari trong sự thất vọng vô hạn và chuyển hướng sang Kyanjin Ri.
Con đường từ ngôi làng đến đỉnh Kyanjin Ri cũng là con đường ngắn nhất trong suốt hành trình nhưng lại cũng khổ cực trần ai bởi càng lên cao thì nhiệt độ càng thấp, không khí càng loãng.
Xuất phát từ 4 giờ sáng, sau khi lên đến đỉnh, bao háo hức chờ mong của cả bọn đã hoàn toàn bị dập tắt bởi… các đám mây. Mây, mây khắp nơi. Mây quá nhiều đã khiến chúng tôi cảm thấy thật xui xẻo vì không thể chứng kiến cảnh tượng mà nhiều chuyên trang du lịch đã mô tả là chỉ có thể “chụp” lại bằng mắt chứ không thể bằng các thiết bị điện tử. Ganesh an ủi và đề nghị cả nhóm nên chờ cho mây tan. Chúng tôi đồng ý!
Và sau gần 120 phút co ro trong cái lạnh ở độ cao hơn 4.800m, thậm chí phải gom củi vụn đốt lửa để sưởi ấm, thành ý của cả nhóm đã được đền đáp. Khung cảnh trước mắt hiện ra thật không lời nào tả xiết khiến cho ai nấy đều phải ngỡ ngàng không thôi.
Bên này là thung lũng Langtang và Kyanjin Gompa được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh. Bên kia là những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa như một bức tranh 3D khổng lồ làm choáng ngợp cả không gian. Và kia là dãy Himalaya trong truyền thuyết với những ngọn núi cao nổi tiếng như Dorji Lakpa, Langtang Lirung, Tsego ri, Langshsisa, Junio Kanga hay Ganja.
“Sao lại phải chờ để già, để chết?”
Hoàn thành chặng thứ nhất của hành trình, chúng tôi ngược đường trở lại để di chuyển đến Thulo Shyabru (2210m), khởi đầu cho chặng đường thứ hai.
Đây là một ngày di chuyển vất vả nhất với 18km đường rừng, xuống dốc hơn 2.000m rồi lại lên dốc cả 1.000m. Sau một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, ba ngày tiếp theo, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Sing Gompa (3.330m) rồi đến Gosainkunda (4.380m) và cuối cùng chinh phục đỉnh Laurebina cao 4.610m.
Chặng đường này đi xuyên rừng với phong cảnh đồi núi tuyệt đẹp, rừng cây cổ thụ và bạt ngàn những cây lá phong. Bên cạnh đó là những con đường đá cheo leo vách núi khi lên độ cao trên 4.000m. Lúc chúng tôi có mặt ở Gosainkunda đã là thời điểm gần cuối giờ chiều, nhiệt độ ngày càng giảm, mọi thứ gần như đóng băng. Thời tiết trở nên lạnh buốt đến mức thở cũng là một việc hết sức khó khăn.
Theo người dẫn đường chia sẻ thì ở Gosainkunda có tất cả 7 hồ thiêng. Đây là khu vực thiêng liêng của cả Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Theo truyền thuyết kể rằng, ao thánh Gosaikunda là nơi ẩn cư của thần Shiva và nữ thần Gauri. Đạo Hindu tin rằng ao hoang sơ này đã được hình thành do đào đất bằng Trishul – vũ khí của thần Shiva. Khi đó Shiva đã phải pha loãng thuốc độc để cứu thế giới với nước từ ao mà ông đã làm. Bởi thế, hàng ngàn khách hành hương từ Ấn Độ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan… đã đến đây để tỏ lòng tôn kính với thần Shiva. Họ ở lại khu vực quanh hồ, cầu nguyện, tụng kinh, đi thiền hành và tắm.
Nghe kể lại rằng, bất kỳ người đàn ông đạo Hindu nào cũng phải tắm một lần trong đời tại ao thánh này, và ngụp xuống đủ 3 lần dù thời tiết rất lạnh. Buổi sáng ngày hôm sau khi rời đi, chúng tôi đã được chứng kiến 5 người đàn ông trẻ tuổi ngụp lặn xuống hồ nước lạnh dưới 1 độ C.
Chỉ trong buổi sáng sau khi rời Gosaikunda, chúng tôi đã đứng trên đỉnh núi cao nhất trong chặng đường này, đỉnh Laurebina. Đường đi rất vất vả, đã có không ít các du khách nước ngoài buộc phải bỏ cuộc giữa chừng vì không chịu được sự thay đổi nhiệt độ, say độ cao hoặc sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục. May mắn là “đại diện” Việt Nam không nằm trong số này. Nhưng bù lại, cảnh vật hoàn toàn không hề kém cạnh so với Kyanjin Ri, thậm chí còn mang theo nét đẹp riêng vì ngọn núi này được bao quanh bởi các hồ nước thiêng.
Tạm biệt Laurebina, chúng tôi lên đường trở về mà chẳng thấy mệt mỏi chút nào dù rằng trước mắt là đoạn đường xuống dốc hơn 2.000m và hai ngày đường để đến bìa rừng.
Điều tôi thích nhất trong các chuyến đi đó là những cuộc gặp gỡ bất ngờ từ những người bạn quốc tế. Langtang cũng không là ngoại lệ.
Đó là đôi vợ chồng Thụy Sĩ đã cho tôi xem các bức ảnh trên đỉnh Kyanjin Ri và thành thật khuyên tôi nên đến đây thay vì Cholari.
Đó là đoàn khách Hindu mang theo những trang kinh thánh được viết trên nhiều tấm vải nhỏ rồi kết thành những sợi dây dài treo lên đỉnh gửi gắm ước nguyện. Một hình ảnh thật linh thiêng, nhất là khi bắt gặp trên độ cao 4.610m.
Và không thể không nhắc đến hai người bạn đặc biệt cùng đồng hành trên Kyanjin Ri. Một người đến từ Israel, một người đến từ Nhật Bản. Cụ ông Israel tuy 67 tuổi nhưng thú thật xét về độ “trâu bò” thì đám trẻ chúng tôi còn phải xách dép cho cụ khi ít nhất 3 lần cụ đã bỏ cả đám khá xa. Còn ông cụ người Nhật (66 tuổi) đã ở Nepal 6 tháng trong năm nay, trong đó 4 tháng cụ đi tự do còn 2 tháng leo núi ở Langtang cụ nhờ người dẫn đường. Cụ bảo, tuổi của cụ mà ở Nhật thì chỉ có chờ cho già, cho chết thôi. Nhưng cụ không muốn già đi như thế nên cụ buộc phải… đi.
Nghe cụ kể mà tôi chợt giật mình, đúng rồi, suốt 10 ngày chúng tôi chủ yếu cũng chỉ gặp các “bô lão” vác balô mà đi chứ hiếm khi gặp các bạn trẻ. Tôi cảm thấy ghen tị với cụ vì sau Langtang cụ lại còn đi tiếp, đi nữa, đi mãi còn chúng tôi phải quay về để làm việc tiếp, làm việc nữa và làm việc mãi.
FACTS & TIPS
– Tăng cường luyện tập đi bộ, leo núi hoặc leo cầu thang trước khi đi để tránh trường hợp bị căng cơ, đau nhức.
– Luôn trang bị đầy đủ áo ấm, mũ, găng tay để giữ ấm cơ thể.
– Nếu bị say độ cao (thường xảy ra từ độ cao 2.500m trở lên) với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, khó thở… cần lập tức thông báo cho người dẫn đoàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tiếp tục lên cao mà phải di chuyển xuống vùng thấp hơn để ổn định, nghỉ ngơi đầy đủ và cân nhắc hành trình.
– Dụng cụ lọc nước (giá khoảng 650.000 đồng mua tại Việt Nam) giúp chúng tôi thoải mái uống nước tại các con suối dọc đường mà không cần phải mua nước với giá cắt cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét