Bài viết “Chuyện thiên đô” đăng ở mục này số trước có đưa ra ví dụ Tokyo, nơi người Nhật bắt đầu đi tìm con đường phát triển bằng cách kết nối ngoại lực văn minh phương Tây. Lần này, chúng ta thử đến với Berlin – tâm điểm của nền văn minh đó – để hiểu thêm những cái giá phải trả cho một xu hướng phát triển bền vững.
MÀU XÁM
Berlin là thủ đô có những biến động mạnh mẽ nhất thời đại của chúng ta. Thành phố từng có 300 năm là thủ đô của Đế chế Phổ, Đế chế Đức và Cộng hòa Liên bang Đức. Trong chuỗi thời gian này, ít nhất, Berlin từng trải qua hai cơn kịch phát của lịch sử, nó chứng kiến cả sự khai sinh cũng như sụp đổ những bi kịch bi thảm nhất của nhân loại.
Sau 1989, bức tranh tái thiết Berlin không có được sắc độ mạnh mẽ, tương phản như tập hợp ba màu Đen – Đỏ – Vàng trên lá cờ của quốc gia này.
Khi những âm thanh cuối cùng của khúc khải hoàn Thống nhất đã tan dần trên các con phố cũng là lúc Berlin phải đối mặt với câu hỏi lớn và nhức nhối nhất: tiền đâu để tái thiết thủ đô?
Thực tế là bức tường Berlin sụp đổ đã xô đẩy và làm lung lay tận gốc rễ đời sống kinh tế – xã hội. Có hàng triệu người tiếp tục rời bỏ, trốn chạy cũng như dịch chuyển về thủ đô. Nhiều người Tây Đức di cư sang một số nước Bắc Âu để tìm kiếm những cơ hội sống tốt hơn. Những “phương diện quân Đông Đức” lại kéo nhau tiến về phía tây, bỏ lại nhiều khu phố lớn cho mèo hoang và cỏ dại.
Công viên Vườn thú lớn – Grober Tiergarten
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của KTS Pei
Cổng Brandenburg
Cho đến đầu thế kỷ 21, nhìn nhận của thế giới với CHLB Đức nói chung, Berlin nói riêng là chẳng có gì tươi sáng. Năm 2000, tờ báo Mỹ New York Times cho rằng pháo đài Đức đã bắt đầu rạn vỡ như một ngôi nhà nằm ngang đường đứt gãy ở California. Năm 2003, tờ báo Anh The Guardian viết: giống như vai trò của Anh những năm 1970, nền kinh tế Đức là một “kẻ ốm yếu của châu Âu”. Có những phán xét của các nhà bình luận từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã coi những gì nền kinh tế Đức thể hiện là “mãi mãi nghèo nàn”. Họ dự đoán rằng không có gì ngoài sự “mục nát và biếng nhác” ở phía trước.
Còn bản thân không ít người Đức thì cho rằng Berlin là thủ đô của thất nghiệp, quan liêu, nợ nần, phân cách xã hội và một nền chính trị trì trệ. Không ở đâu mà khoảng cách giữa nhu cầu đổi mới và sự cuồng si trong việc bảo tồn lại lớn như tại Berlin. Thành phố đã vội vã đi ngược lại cái cao điểm của quá khứ hiển vinh của nó. Đó là thủ đô của chia rẽ, nhiều sẹo, ít thú vị, đầy mâu thuẫn…
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại không mấy lo lắng về những khó khăn kinh tế. Bản lĩnh của một dân tộc lớn đã giúp họ có niềm tin về việc thành phố sẽ vượt qua những thách thức để trở thành một mô hình cho nước Đức của tương lai. Đó cũng là cơ hội duy nhất để Berlin thí điểm cho những gì có thể!
Và điều lớn nhất mà người Đức quan tâm là Ber- lin lựa chọn triết lý phát triển nào cho riêng mình?
Kiến trúc của Richard Rogers trên Quảng trường Postdam
Nghĩa trang Do Thái của KTS Peter Eisenman
HỒI TỤ
Có thể tìm được những câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi trên từ quy hoạch, kiến trúc và xây dựng của Berlin?
Trong quá khứ, ít nhất thì Berlin cũng một lần chứng kiến cuộc di tản của những tài năng thuộc trường phái Bauhaus như Walter Gropius, Ludwig Mies van der Rohe, Hannes Meyer; thiên tài vật lý Albert Ein- stein; các nhà danh họa, nhà thiết kế nổi tiếng như Jo- sef Albers, Lyonel Feininger, Wassily Kandinsky, Paul Klee, Oskar Schlemmer… Hậu quả của chiến tranh và những cuộc tị nạn trí thức còn để lại vết dấu dị dạng trên những kiến trúc phía đông cũng như phía tây.
May mắn là mọi chuyện rồi cũng đã có kết cục sáng sủa hơn. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chỉ trong vòng gần chục năm, Berlin trở thành công trường xây dựng lớn nhất trong lịch sử của nó. Chưa bao giờ thành phố lại hồi tụ, tập hợp được nhiều tác giả và công trình kiến trúc tiêu biểu hàng đầu thế giới như thời kỳ này.
Ai cũng có thể nhìn thấy Berlin thực sự tái sinh qua sự đổi thay đến chóng mặt của Postdammer Platz ở phía đông nam.
Sau chiến tranh, nơi đây từng là những khu đất hoang tàn. Những nỗ lực trong quy hoạch chi tiết của Renzo Piano và Kohlbecker đã và đang trả lại vị thế trung tâm giao thương lớn nhất châu Âu cho khu vực này. Trái tim kinh tế mới của Berlin có được những ấn tượng nổi bật bởi các cao ốc, tòa nhà văn phòng mang phong cách High-tech của Richard Rogers đến từ Anh; sự tinh tế trong hình khối, màu sắc của Arata Isozaki đến từ Nhật Bản hay những tạo hình khác lạ ảnh hưởng chủ nghĩa chiết trung của Rose Rafael Moneo Tây Ban Nha…
Thú vị hơn cả là Trung tâm Sony của KTS Helmut Jahn đến từ Mỹ. Trên một bản quy hoạch khá tự do về hình thể, chú trọng vật liệu và công nghệ xử lý hình thức kiến trúc của Renzo Piano, kiến trúc sư gốc Đức này đã tiên phong trong sử dụng công nghệ cao, tạo cho Trung tâm Sony một biểu tượng mới mạnh mẽ với cấu trúc không gian chặt chẽ và giàu cảm xúc.
Helmut Jahn thiết kế một quảng trường nhỏ kín đáo nằm lọt giữa sáu tòa nhà cao tầng. Trong đó có tổ hợp các nhà hàng, đài phun nước, rạp chiếu phim và không quên lưu giữ khách sạn sang trọng Esplanade như là những chứng tích văn hóa. Bên trên khoảng sân này là mái vòm thiết kế bằng kính, thép, vải trắng. Ban đêm, mái vòm được chiếu sáng bằng hệ thống đèn nhiều màu tạo ra những hiệu quả thị giác đặc biệt. Chi tiết này mang tới cho người châu Âu một ấn tượng phương Đông khó quên. Nó cũng gợi cho những nhà đầu tư của xứ sở Phù Tang nỗi hoài nhớ về đỉnh linh sơn – Fuji.
Trung tâm Sony không chỉ thành công trong đầu tư, thương mại; nó đã trở thành một không gian giao thoa văn hóa Đông – Tây, nó cân bằng được nhịp sống hiện đại với kết cấu vốn có của một đô thị truyền thống.
Phủ Thủ tướng của KTS Axel Schultes & KTS Charlotte Frank
ZiCZAC
Thiết kế một trung tâm thương mại mới với những đặc tính nổi trội như Postdammer Platz đã là rất khó. Nhưng có lẽ việc thiết kế một không gian kết nối với chính những quá khứ đau buồn của dân tộc, với những tội lỗi tổ tông thì lại là câu chuyện đã vượt ra ngoài khuôn khổ, trật tự của kiến trúc.
Có thể chưa giải mã hết những mật mã từ khối kiến trúc bọc thiếc, tạo hình ziczac của Daniel Libes- kind. Nhưng khi quan sát từ vệ tinh, nghiên cứu bản vẽ rồi trực tiếp quan sát những thay đổi của các khối kiến trúc Bảo tàng Do Thái trong các thời điểm khác nhau, người ta chợt nhận thấy Daniel Libeskind không chỉ hiến dâng cho nhân loại một phán xét xuất sắc về tội ác chống nhân loại của chủ nghĩa phát xít.
Đó là một kiến trúc khó định hình được lối vào. Còn những lối đi thì gợi lại cho mọi người nhớ về ba con đường: hủy diệt, hy vọng và tha hương của người Do Thái ở Đức trong thập niên 1930. Những mặt đường được lát bởi những hình mặt người trong tận cùng đau khổ. Trong tháp cao, tối, hẹp, không có sưởi ấm về mùa đông, tiếp nối các khoảng không trống rỗng dường như chỉ có tiếng gió rít qua những lỗ hổng mang hình vết sẹo…
Là một kiến trúc sư Ba Lan gốc Do Thái, Daniel Libeskind dường như đã thiết kế Bảo tàng với tất cả khát vọng của một tộc người từng mang theo nỗi đau vong quốc, vong bản suốt hai nghìn năm.
Cách Bảo tàng Do Thái không xa, ngay cạnh trung tâm quyền lực của Đức, người ta lại có dịp phải nghiêng mình trước một khu tưởng niệm những người Do Thái xấu số. Berlin đã bỏ ra hơn 25 triệu Euro để dựng lên 2.711 phiến bê tông trên một khu vực rộng gấp ba lần một sân bóng đá. Có ý kiến cho rằng không gian này giống một bãi tha ma, một thành phố hoang phế hoặc giả là nó đã được rơi xuống từ sao Hỏa…
Nhưng tác phẩm có kích cỡ lớn rộng khác thường này chính là một ý tưởng phi thường được thể hiện bằng ngôn ngữ bất thường. Bản thân Peter Eisenman, người thiết kế công trình này cũng không đoán định được những biến đổi tâm lý, cảm xúc khi bước vào kiến trúc. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Spiegel, kiến trúc sư nói rằng: “Tôi đã không thể ngờ âm thanh lại tĩnh lặng như thế khi bước vào bên trong. Bạn không nghe thấy gì ngoài tiếng bước chân của chính mình. Lần đầu tiên tôi trông thấy dòng người đi vào trong nó và kinh ngạc biết bao khi thấy những cái đầu biến mất. Nói đúng hơn, dường như họ đang bị kéo xuống địa ngục”.
Có lẽ hiếm tác giả nào lại như KTS Peter Eisen- man, luôn hoài nghi và không hề thấy mãn nguyện, hạnh phúc khi công trình lớn, những sản phẩm tinh thần tiêu biểu của mình được hoàn thành. Ẩn sâu bên trong tâm trạng ấy, là sự đặt cược niềm tin của ông vào việc con người hãy luôn biết cách để vượt qua những mặc cảm tội lỗi?
Trung tâm Sony của KTS Helmut Jahn
Nhà Quốc hội – phần cải tạo của KTS Norman Foster
VÀ THẲNG…
Nghiên cứu mô hình Berlin thì không thể bỏ qua những kiến trúc thuộc trung tâm hành chính, chính trị. Đương nhiên phải kể đến công trình cải tạo Nhà
Quốc hội của KTS Norman Foster. Một khối thép kính lớn có dạng chuyển động xoắn giống như cấu trúc ADN đang nâng đỡ một mái vòm khổng lồ đã mang tới cho Reichstag một biểu tượng mới của Đế chế Đức mới đầy tham vọng.
Đó là tác phẩm được thiết kế để thể hiện lòng tin của nhân dân và ý nghĩa quan trọng của chế độ nghị viện. Một thắng lợi của Cách mạng dân chủ thế giới. Là tượng đài của dân tộc, gắn liền quá khứ, hiện tại, tương lai của một nước Đức hiện đại trong châu Âu mới. Sự hiểu biết và tôn trọng lịch sử tạo nên sức mạnh dân tộc. Kiến trúc phải thích ứng khí hậu, tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi, hạn chế các điều kiện bất lợi, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sự thải nhiệt và các chất ô nhiễm vào môi trường sống.
Bên cạnh Reichstag là tác phẩm Phủ Thủ tướng Liên bang của Axel Schultes và Charlotte Frank, chuỗi tác phẩm Paul Loebe House và Marie Elisabeth Lued- ers House của KTS Stephan Braunfels và vườn Chan- cellors đã tạo nên một dải băng lớn (100m x 1.500m) nối dòng sông Spree với thành phố (công viên, quảng trường, các tòa nhà) và cánh rừng lớn Grober Tier. Những khối hình vuông tròn, đặc – rỗng cùng những con đường, hành lang hay khoảng đệm với dòng sông Spree tạo nên những chuyển động thú vị cho kiến trúc. Nó giúp cho kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, gắn bó trung tâm quyền lực của Liên bang với những nhu cầu đi lại, tham quan, giải trí bình dị của người dân. Nhìn từ trên cao xuống càng dễ nhận thấy cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước này cũng chính là nhịp cầu kết nối bờ Đông với bờ Tây từng bị chia cắt trong chiến tranh lạnh…
Sau gần 20 năm xây dựng thủ đô mới, Berlin là một lộ trình phát triển rất mạnh mẽ và khác biệt. Không chỉ đi tìm những sức mạnh mô phỏng Big bang của máy gia tốc, người Đức đang từng ngày hướng tới tương lai phát triển bền vững bằng cách hòa giải với quá khứ, hòa hợp với chính bản thân mình.
Những điều này có thể là những bài học thiết thân với Hà Nội?
Nhà ga mới Deutche Bahn của KTS Josef Paul Kleihues & KTS Meinhard von Gerkan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét