Trẻ con dưới 3 tháng tuổi ở Bali
không được tiếp xúc với nền đất bẩn còn các nhóc tỳ sơ sinh ở Ireland
được người lớn bôi bánh kem lên trán để mang tới điềm lành là những tục
lệ gây bất ngờ cho nhiều du khách ghé thăm.
Nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn trên hành trình du lịch, một trong số đó có thể là những phong tục lạ về sinh nở.
Bali - Không để trẻ con chạm xuống nền đất
Người dân Bali tin rằng trẻ sơ sinh rất trong sáng, thuần khiết và
không nên tiếp xúc với nền đất bẩn, vì sẽ bị ô uế. Sau 3 tháng, gia đình
mỗi em bé sẽ tổ chức một buổi lễ chính thức để bé có thể chạm đất lần
đầu tiên.
Ngoài ra người dân cũng tin rằng nhau thai cũng có linh hồn và nó trở
thành thiên thần hộ mệnh cho mỗi em bé. Do vậy cha mẹ thường chôn nhau
thai ở một nghĩa trang đặc biệt.
Trẻ em trong ba tháng đầu ở Bali không được tiếp xúc với nền đất. Ảnh: Balistarisland.
|
Jamaica - ăn nhau thai
Nhau thai là "cầu nối" giúp mẹ truyền thức ăn cho em bé khi ở trong
bụng. Nhiều người tin rằng đây là một thứ bổ dưỡng và sản phụ nên ăn để
tẩm bổ. Không chỉ người Trung Quốc, Jamaica và một phần của Ấn Độ cũng
tin ăn nhau thai sẽ giúp sản phụ chống lại được căn bệnh trầm cảm, căng
thẳng sau sinh. Tuy nhiên các nhà khoa học và thầy thuốc tây y thì không khuyến khích hành động này vì không có dẫn chứng cụ thể nào ăn nhau thai thực sự tốt.
Ireland - bôi bánh kem lên trán trẻ con
Các cặp vợ chồng người
Ireland có một truyền thống: giữ lại bánh kem trong lễ cưới và sử dụng
trong lễ rửa tội cho đứa con đầu lòng của mình. Trong lễ rửa tội, cha mẹ
sẽ cắt tầng trên cùng của chiếc bánh, phân phát cho khách và rắc một ít
vụn bánh lên trán của đứa trẻ với ý nghĩa ban phước lành.
Ngoài bánh, đôi vợ chồng còn thường để lại một ít rượu sâm banh từ đám
cưới và mở nó vào ngày lễ rửa tội của con. Họ sẽ dùng rượu này để làm
ướt đầu em bế với lời cầu chúc về sự may mắn.
Trong lễ rửa tội, trẻ con được rắc bánh kem lên trán như một sự cầu may mắn. Ảnh: Internet.
|
Trung Quốc - không sửa nhà trong thời gian mang thai
Theo quan niệm của văn hóa truyền thống Trung Quốc cổ xưa, khi một cặp
vợ chồng kết hôn người chồng phải có nghĩa vụ dắt tay vợ đi qua ngưỡng
cửa trong lần đầu tiên cô dâu về nhà chồng. Người chồng cũng phải bế vợ
bước qua bếp than đỏ lửa để đảm bảo rằng người vợ có thể sinh con mà
không gặp phải bất kỳ vấn đề nào.
Trong thời điểm người vợ mang thai, căn nhà đang ở không được sửa chữa
hay xây mới. Người mẹ cũng hạn chế quan hệ với chồng mình và phải ngủ
dưới một con dao để dưới gầm giường nhằm ngăn chặn tà ma.
Mauritania - bôi nước bọt lên người trẻ con
Người Wolof ở Mauritania và các nước xung quanh tin rằng nước bọt con
người có thể giữ lại những lời nói. Khi một đứa trẻ được sinh ra, đàn
ông sẽ nhổ nước bọt vào tai đứa bé còn người phụ nữ sẽ nhổ vào mặt.
Bộ tộc Igbo ở Nigeria lại có phong tục khác. Họ mang em bé mới sinh đến
một ngôi nhà của tổ tiên trong gia đình. Ở đó một người có khả năng
hùng biện tốt sẽ nhai một ít hạt tiêu cá sấu rồi nhả lên ngón tay, sau
đó đặt vào miệng em bé. Điều này có ý nghĩa mong em bé lớn lên sẽ trở
thành một nhà hùng biện xuất sắc.
Nigeria - phụ nữ đơn thân vượt cạn
Ở một số nơi tại Nigeria, phụ nữ mang bầu phải tự sinh con một mình mà
không nhận được sự hỗ trợ nào từ nhân viên y tế. Điều này hình thành là
do sự nghèo đói, phụ nữ có địa vị thấp trong xã hội.
Trong một số trường hợp, chính người
nhà của thai phụ không muốn nhận sự giúp đỡ từ người ngoài trong việc
vợ sinh con. Chính sự đơn thân vượt cạn này mà tính mạng của nhiều trẻ
em và thai phụ ở Nigeria gặp nguy hiểm.
Pakistan - phụ nữ sinh con bị cô lập
Những bà mẹ Kalash ở Pakistan cũng phải đối mặt với hủ tục sinh con một
mình và phải rời khỏi nhà khi đến giai đoạn sinh nở. Văn hóa ở đây cho
rằng các bà mẹ khi mang nặng đẻ đau là sự vấy bẩn, vì vậy họ phải sinh
con trong một ngôi nhà hẻo lánh. Những người duy nhất có thể vào nhà để
giúp họ là phụ nữ đang có kinh nguyệt bởi vì họ cũng không được "sạch
sẽ" ở giai đoạn này.
Trên thế giới còn nhiều hủ tục lạc hậu khiến nhiều bà mẹ và trẻ em phải chịu thiệt thòi. Ảnh: Internet.
|
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét