Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Hành hương về núi Popa

Cách trung tâm Bagan khoảng 50 cây số về hướng đông nam, Popa là điểm hành hương nổi tiếng của Myanmar. Ngọn núi lửa đã tắt này thờ tất cả thần linh của cả đất nước từ hơn một ngàn năm nay. Do nằm đơn độc giữa trung tâm Myanmar nên người dân tin Popa là biểu tượng của núi Tu Di, trung tâm của vũ trụ và nhân loại. Đền thờ trên đỉnh núi lưu giữ rất nhiều tượng Phật lớn.
 
dn569-dddt080814-popa-3.jpg
Tượng Phật trên núi
 
Một Myanmar huyền bí
 
Xe đưa chúng tôi ra khỏi Bagan chừng một cây số là đường sá bắt đầu rộng rãi hơn. Đường quê vắng vẻ, không khí thơm mùi cây cỏ, mùi đất ẩm. Dưới những cụm cây thốt nốt cao ngất ngưởng lặng im trong sương sớm bình minh, cánh đồng hướng dương vàng lắt lay thi thoảng điểm xuyết vài căn nhà tre thưa thớt bên đường. Cảnh trí lặng lẽ nhưở một thời nào không thực. Đường đi càng lúc càng uốn lượn lên cao.
 
Núi Popa cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, nhưng do nằm trên cao nguyên cao hơn 500 mét nên lên gần tới nơi, chiều cao ngọn núi đã bớt đi một phần ba. Tuy nhiên không phải nhờ độ cao mà chính các huyền thoại liên quan đến Popa khiến núi trở thành điểm hành hương của rất nhiều người Myanmar.
 
Trước khi Phật giáo phát triển mạnh ở đất nước này vào thế kỷ thứ X và XI, người bản địa thờ các vị thần linh tùy theo địa lý và hoàn cảnh dân cư. Đất có thổ địa, nhà có thần gác cửa, núi có sơn thần, sông có hà bá, cổ thụ có thần cây, rừng, suối hay thác cũng đều có linh thần, làng có thần làng. Người dân gọi các vị thần này là nat.
 
Tín ngưỡng dân gian của người Miến Điện rất mạnh, thể hiện qua nhiều lễ hội linh đình kéo dài nhiều ngày được tổ chức quanh năm để tưởng nhớ các vị nat.
 
dn569-dddt080814-popa-1.jpg
Đường đến chân núi Popa
 
Còn nhớ, hôm tôi sắp rời Mandalay, bác xe ôm tình nguyện chở đi xem một lễ hội đang diễn ra tại làng Taungbyon cách Mandalay khoảng 20 cây số về hướng bắc để tưởng niệm hai vị thần làng, theo truyền thuyết là hai anh em ruột, tên là Shwe Phyin Gyi và Shwe Phyin Nghe.
Lễ hội này kéo dài trong tám ngày đêm liên tục, đặc biệt dành cho người đồng tính luyến ái nam. Đây là lễ hội đồng tính nam lớn nhất châu Á, nhiều nhà nghiên cứu Myanmar còn cho rằng đây là lễ hội đồng tính nam đầu tiên của nhân loại. Dân Myanmar khắp cả nước và hội viên các câu lạc bộ đồng tính nam ở Thái Lan đến tham dự lễ hội rất đông. Các cửa hàng ăn uống, các màn nhảy múa diễn ra suốt ngày đêm.
 
Những người đồng tính nam mặc trang phục sặc sỡ, đánh phấn thoa son, họ nhảy nhót và cúng tiền hay thực phẩm cho những người lên đồng mà người ta tin là do hai vị nat nhập xác. Ở một đất nước mà nhiều người cho là lạc hậu lại có một lễ hội tầm quốc gia dành riêng cho người đồng tính, đủ thấy người Myanmar khoáng đạt và hiểu biết về kiếp người như thế nào.
 
dn569-dddt080814-popa-7.jpg
Ngư dân kiếm sống trên một dòng sông gần núi Popa
 
Ngọn núi thiêng giữa 200 dòng suối
 
Ngôi đền Taung Kalat trên đỉnh Popa được xem là ngôi đền linh thiêng nhất của Myanmar. Muốn đến đây, du khách phải leo tổng cộng 777 bậc thang. Sau khi vượt qua thử thách đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên rộng lớn xinh đẹp.
 
Ngày nay, khu vực núi Popa cũng đã được quy hoạch như một công viên quốc gia, phục vụ thêm nhu cầu du lịch sinh thái. Núi Popa là điểm duy nhất ở Miến Điện thờ các linh thần nat, mỗi vị đều có lai lịch gay cấn và đầy màu sắc. Những câu chuyện dân gian xung quanh các vị thần linh khiến Popa có một sức hút mãnh liệt đối với người bản địa.
 
Lúc anh xe ôm dừng xe trong một quán nhỏ dưới chân núi, chúng tôi thấy cảnh người địa phương lên xuống núi tấp nập, hàng quán đông người qua lại, dưới đất nhiều con khỉ già khỉ nhỏ chạy nhảy nghênh ngang chung đụng với người. Cảnh nhộn nhịp khác hẳn con đường vắng vẻ vừa đi qua dù bầu trời vẫn vần vũ mây xám, mưa thu lất phất nhuốm một vẻ buồn rầu.
 
dn569-dddt080814-popa-5.jpg
Đường lên đền Taung Kalat thường bị sương mù bao phủ
 
Du khách chỉ cần leo một mạch mất khoảng nửa giờ là lên tới đỉnh, nơi có đền Taung Kalat khá lớn. Sau này hỏi lại tôi mới biết mình đã leo 777 bậc thềm mà không biết và không mệt vì khi leo không biết có nhiều bậc thềm như thế.
 
Trên bậc cấp và hai bên đường đi có rất nhiều khỉ nhảy nhót qua lại. Những người đi lễ còn rải bắp cho khỉ ăn hoặc nhường lối nên chúng càng ngang nhiên ngồi hay nằm ngay giữa lối đi. Cũng may lên gần tới đỉnh thì lượng khỉ bớt đi, lối đi cũng được quét dọn tươm tất hơn.
 
Từ chân cho tới đỉnh núi Popa đều có các ngôi đền nhỏ thờ Phật chung với các thần nat. Ba mươi bảy vị thần nat đều có trang phục khác nhau. Họ mặc áo trắng, vàng, đỏ, tím, nâu, đủ cả. Mỗi vị một hình tướng, người trông dữ tợn, kẻ hiền lành hay trầm ngâm. Nhưng ấn tượng chung khi nhìn vô một gian phòng có nhiều tượng nat là lạnh lẽo âm khí dù đèn điện thắp sáng. Giống như nhìn một thế giới âm binh và lơ lửng âm khí, đôi mắt của các bức tượng buồn phiền hoặc bất mãn, họ khiến tôi nhớ những hình nộm bằng tre có dán giấy màu mà người miền Trung đốt đi sau khi cúng.
 
dn569-dddt080814-popa-6-1.jpg
Đền Taung Kalat trên đỉnh Popa
 
Ra khỏi đền, đứng trên đỉnh ra nhìn chung quanh thật không uổng công người leo núi. Hướng đông là các rặng núi bao quanh tiểu bang Shan, ba hướng kia cũng toàn núi, dưới xa ẩn hiện những chùm mimosa vàng ươm, những bụi cây xương rồng xanh mướt, hoa dại đủ sắc màu, những tháp chùa vàng óng nằm từng cụm hay rải rác, xa nữa là ngôi làng Popa rải rác mái nhà lợp tôn. Xung quanh núi có nhiều suối nhỏ, dòng suối lớn nhất là sông Pin chảy ra sông Voi. Dù tọa lạc tại vùng đất khô cằn nhưng riêng Popa có đến 200 dòng suối bao quanh tạo nên phong cảnh rất đặc sắc.
 
dn569-dddt080814-popa-4.jpg
Những con khỉ không sợ người trên đường lên đền Taung Kalat
 
Từ chân núi, trước khi đi bộ xuống làng Popa để nhìn ngược lên, chúng tôi mua một hòn đá nhỏ có tên “hai hòn” làm quà lưu niệm. Đó là một viên đá bên ngoài có nham thạch bao lại, cầm lên lắc lắc mới biết bên trong có một viên đá nữa. Từ con đường làng nhìn lên, núi Popa có hình dáng như một cái tháp bị cắt đầu, triền núi dốc và cân đối như hai cạnh một tam giác, xung quanh triền núi đá nhiều hơn rêu và cây.
 
Trên mặt bằng bị cắt ngang ấy là ngôi chùa Taung Kalat. Từ xa, cả ngọn núi như một cái chuông từ trên trời úp xuống đất, dáng cô độc, nhưng là nỗi cô độc hiền lành chứ không hùng vĩ nghênh ngang hay chứa điều gì ẩn mật.
 
Người Myanmar thường ví Popa như núi Tu Di trong Phật giáo. Có lẽ cách so sánh này cũng đúng về mặt tâm linh. Bởi vì Popa là trung tâm của mạch sống tâm linh, là nơi có các linh thần ẩn cư duy nhất của đất nước này.
 
Theo Từ Khanh (Doanh nhân Sài Gòn)

Không có nhận xét nào: