Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

(THVL) Mưa trong cuộc sống của người Nhật

Nhật Bản có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700 mm, lớn gấp đôi so với lượng mưa trung bình hàng năm của thế giới. Tại đất nước này, mưa có quanh năm, tùy từng mùa mà lượng mưa nhiều ít khác nhau. Mưa là một phần không thể thiếu để duy trì sự sống của con người và vạn vật.
Vùng đồng bằng Kanto, phía đông Nhật Bản, hưởng lợi rất nhiều từ nguồn nước mưa dồi dào. Đây cũng là một trong những nơi thể hiện rất rõ sự tác động của mưa đến cảnh quan thiên nhiên. Vào đầu mùa xuân, những cơn mưa phùn Harusame phảng phất khiến vạn vật như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài. Những rặng đào phớt hồng cùng các cánh đồng hoa cải vàng đua nhau khoe sắc trong khí trời mát mẻ. Đây cũng là lúc tinh thần của con người trở nên phấn chấn, thư thái nhất.
Tháng 5, các cánh đồng lúa của Kanto được tiếp thêm sức sống nhờ những cơn mưa cuối xuân Samidare. Đến mùa hè, vùng đất này lại trải qua mùa mưa kéo dài và xối xả, những cơn mưa rào nặng hạt bắt đầu đổ xuống từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7. 
Nhật Bản là quốc gia có gió mùa nên mùa hè thời tiết nóng và mưa nhiều. Vào mùa hè, gió thổi từ biển vào đất liền mang theo nhiều hơi nước tạo không khí nóng ẩm, dễ hình thành mây và mưa. Vùng đồng bằng Kanto nằm gần biển nên lượng mưa rất lớn. Những nước có gió mùa như Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, mùa hè vừa nóng vừa mưa nhiều là điều kiện tốt cho cây lúa phát triển. Đây cũng là khu vực trồng lúa nước tập trung trên thế giới. Nhật Bản không phải là nước nông nghiệp nhưng cây lúa rất được người dân xem trọng vì nó mang lại nguồn lương thực chính cho họ.
Mưa nhiều là điều may mắn nhưng cũng gắn liền với tai họa. Từ mùa hè đến mùa thu là thời điểm nước Nhật thường xuyên hứng chịu những cơn bão lớn kèm theo mưa và gió lốc. Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, mỗi năm, nước này có trung bình 11,4 trận bão. Mỗi trận bão đi qua luôn để lại thiệt hại, tùy thuộc vào cường độ bão lớn hay nhỏ mà thiệt hại do chúng gây ra nhiều hay ít. Mưa bão gây ngập lụt và tổn thất về người và vật chất chủ yếu ở các khu vực ven biển.
Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, mưa lại là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận. Utagawa Hiroshige là họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh phong cảnh về đề tài mưa.
Họa sĩ Utagawa Hiroshige
Một trong những kiệt tác của ông là bức tranh có tên gọi “Ohashi Atake no Yudachi” tạm dịch “Mưa rào trên cầu Atake”. Bức tranh vẽ cảnh cơn mưa rào mùa hè bất chợt tuôn ào ạt xuống cầu Atake, ở đó có những con người đang vội vã tìm mọi cách để tự bảo vệ bản thân trước hiện tượng tự nhiên đến đột ngột này. Bức tranh còn chứa đựng thông điệp rằng con người trở nên nhỏ bé trước cơn cuồng nộ của tự nhiên.
Tác phẩm "Mưa rào trên cầu Atake"
Mưa trong bức tranh Nakatsugawa, tạm dịch là Bên sông Nakatsu là cơn mưa ngâu rả rích mà ở đó, mọi người đều có sự chuẩn bị, họ mặc áo che mưa và bước đi thong thả.
Tác phẩm "Bên sông Nakatsu"
Bức tranh Ojido Kitsune no Yomeiri, nghĩa là “Đám cưới Cáo” mô tả cảnh đám rước dâu của dòng họ nhà cáo diễn ra vào mùa xuân dưới cơn mưa phùn phảng phất.
Bức tranh "Đám cưới cáo"
Ở Nhật Bản, loài cáo thường ra khỏi hang vào những ngày đầu xuân thời tiết quang đãng, sự xuất hiện của chúng báo hiệu mùa đông lạnh giá đã đi qua.
Vào thời cổ đại, người xưa tin rằng, cáo là con vật linh thiêng theo phò trợ thần linh và có quyền năng đặc biệt. Đám cưới cáo vào đầu xuân là hình ảnh tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc.
Bên cạnh yếu tố tâm linh, từ xưa, người Nhật cũng nghĩ ra cách tự tích lũy nguồn nước quý báu đề phòng trường hợp hạn hán. Họ đào hồ và xây đập chứa nước. Ước tính trên khắp Nhật Bản có trên 200.000 hồ nước qui mô lớn. Trong đó, tỉnh Kagawa chiếm số lượng nhiều nhất, do địa hình vùng đất này cao nên người dân sử dụng hồ chứa nước để trữ nước ngọt dùng vào mùa khô.
Hồ Mannoike được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VIII, hồ có chu vi 20 km, lượng nước chứa trong hồ khoảng 15.400.000 mét khối. Đây là một trong những hồ nước lớn nhất ở Nhật.
Hồ Mannoike là một trong những hồ nước lớn nhất Nhật Bản
Theo thông lệ, vào tháng 6 hàng năm, người ta bắt đầu xả đập tại hồ Mannoike. Sự kiện mang tính truyền thống này được tổ chức trọng thể với sự góp mặt của khoảng 20 quan chức trong chính quyền và chức sắc tôn giáo. Nguồn nước ngọt từ hồ chứa sẽ được dẫn đến các con sông trong vùng để cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân chúng. Mỗi giây có khoảng 4 mét khối nước tuôn ra từ cống xả, dòng nước trong lành này hòa vào hệ sống sông ngòi, chúng tưới mát cho 3 triệu hecta đất đồng lúa và hoa màu của địa phương. Nước xả đập giữ vai trò rất quan trọng, nó thay thế nguồn nước mưa lúc thời tiết khô hạn.
Hồ chứa nước cũng là giải pháp mà người Nhật dùng để xử lý lượng nước khổng lồ vào những lúc mưa lớn kéo dài gây ngập lụt. Tại thành phố Kasukabe thuộc tỉnh Saitama, giáp ranh thủ đô Tokyo có một hệ thống xử lý nước qui mô nhằm ngăn chặn lụt lội. Người ta gọi nó là Kênh ngầm Thoát nước Bên ngoài Đô thị. Thật ra, đó là hồ chứa nước nhân tạo trong lòng đất. Hồ chứa ngầm này được xây dựng cách đây 30 năm, nhiệm vụ của nó là giúp giảm tải lượng nước quá lớn tại các con sông vào mùa mưa.
Hồ chứa ngầm được xây dựng bên dưới tuyến đường quốc lộ, ở độ sâu 50 mét, chiều rộng của hồ chứa là 10 mét và chiều dài của nó là 6,3 km.
Hồ chứa nước có sức chứa 670.000 mét khối nằm trong lòng đất này tỏ ra rất hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng lụt lội ở khu vực nội ô. Thành phố Kasukabe khô ráo vào những ngày mưa một phần nhờ vào hệ thống xử lý nước này.
Kênh ngầm Thoát nước Bên ngoài Đô thị
Sân vận động Mái vòm Tokyo là nơi thường xuyên diễn ra các trận đấu bóng chày với lượng khán giả rất lớn. Để phục vụ nhu cầu cá nhân cho những người này phải cần đến một khối lượng nước không hề nhỏ. Trên phần mái của sân vận động được trang bị hệ thống trữ nước mưa, nguồn nước này chính là cách để giải quyết vấn đề trên. Người ta dùng nước mưa để làm vệ sinh và dội toilet trong sân vận động, bằng cách này, ban quản lý sân vận động có thể tiết kiệm tiền chi trả cho 68.000 mét khối nước mỗi năm.
Nước mưa cũng được dùng để chữa cháy. Ngoài sân vận động Tokyo, việc sử dụng nước mưa hiện đang được phổ biến trong dân chúng. Đó không phải là hành động tự phát mà là kết quả của chiến dịch vận động mọi người tận dụng nguồn nước mưa phong phú do ông Murase Makoto khởi xướng.
Người đàn ông với biệt danh “Tiến sĩ Nước mưa” này đã bắt đầu chiến dịch cách đây 30 năm. Khi đó, ông nhận thấy nước mưa là nguồn tài nguyên vô tận nhưng lại bị lãng phí vì không ai dùng đến.
Tiến sĩ nước mưa Musare
Trong vai trò là một công chức làm việc tại quận Sumida thuộc Tokyo, ông Murase vạch ra dự án rất nghiêm túc kêu gọi cư dân đô thị dùng nước mưa trong sinh hoạt.
Dự án mang tính thực tế và khả thi của ông Murase cũng đã được áp dụng tại đấu trường sumo Kokugikan ở thủ đô Tokyo. Tại nhiều tuyến đường trong khu dân cư của Tokyo và một số thành phố lớn khác, người ta bố trí các trụ nước mưa công cộng để người đi đường sử dụng.
Các trụ nước này là sáng kiến của ông Murase, chúng có tên gọi “Nước của Trời”. Không chỉ phục vụ nhu cầu rửa ráy cá nhân, các cột nước còn được dùng trong những trường hợp khẩn cấp như dùng để chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.
Trụ “Nước của Trời” cũng được thiết lập trong những hộ gia đình có nhu cầu. Người dân sử dụng nguồn nước này để tưới cây cối trong vườn, rửa chén bát hoặc giặt giũ. Với các trụ nước của trời, ông Murase cho rằng nó sẽ giúp giảm ¼ lượng nước tiêu thụ của mỗi gia đình trong 1 năm.
Trụ nước mưa sáng kiến của ông Murase có tên gọi "Nước của trời"
Ngoài mục đích dùng trong sinh hoạt, nước mưa còn có thể sử dụng để uống một cách an toàn. Đó là nhận định của ông Murase và ông đã áp dụng điều này vào thực tiễn. Xử lý nước mưa để uống là dự án mà ông Murase đang thực hiện tại Bangladesh. Hiện nay, dự án được đánh giá rất thành công.
Bangladesh là quốc gia có lượng mưa rất lớn vào mùa mưa, điều này rất thích hợp để tích trữ. Vả lại, nước mưa tại các vùng nông thôn khá tinh khiết. Trong dự án của ông Murase, nhiều hồ chứa nước mưa đã được lắp đặt tại các vùng nông thôn ở Bangladesh. Nước được xử lý cẩn thận và người dân dùng nước đó để uống.
Sử dụng nước mưa sẽ là một giải pháp tích cực trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm nước sông ngòi gia tăng do hoạt động sản xuất công nghiệp của con người. Ông Murase luôn hy vọng dự án của mình sẽ được nhân rộng và nguồn nước mưa không còn bị lãng phí nữa.
Thanh Tâm
 

Đối với người Nhật, mưa không đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên, mà là lộc trời ban, mưa mang lại sự sống cho con người, cây cỏ. Mưa tô điểm cảnh quan thiên nhiên thêm thơ mộng.
Vùng núi Odaigahara là nơi có lượng mưa trung bình hàng năm lớn nhất Nhật Bản, lên đến 5.000 milimet. Nằm cách Thái Bình Dương 15 km, các dãy núi cao ở Odaigahara chính là bức tường ngăn cản những đợt gió mang theo hơi nước bốc lên từ biển thổi vào đất liền, hơi nước ngưng tụ bên sườn núi tạo thành mây và gây ra những trận mưa lớn. Hơi ẩm cao cùng lượng mưa dồi dào là điều kiện thích hợp để thực vật phát triển mạnh mẽ tại Odaigahara.
Mưa làm cho cảnh quan thiên nhiên thêm thơ mộng
Không khí âm u của núi rừng ở đây cũng khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. Vì thế, người đời đã thêu dệt nên những câu chuyện mang tính tâm linh, ma quái liên quan đến vùng rừng núi này. Ngày nay, những yếu tố hình thành nên khí hậu đặc biệt ở Odaigahara đã được khoa học giải thích một cách rõ ràng và thuyết phục. Nó giúp con người hiểu thêm về sự kỳ bí của tự nhiên.
Cư dân địa phương gọi những cơn mưa giăng khắp bầu trời, những hạt mưa nối tiếp nhau không ngưng nghỉ là Bowaema. Giới nghiên cứu đã dùng máy quay phim độ phân giải cao để ghi lại chi tiết từng giọt mưa. Vô số giọt mưa kích thước lớn nhỏ không đồng đều thi nhau rơi xuống. Đường kính của chúng dao động từ 1 – 4 milimet.
Kích thước của giọt mưa quyết định mức độ lớn nhỏ của từng cơn mưa. Ở Odaigahara có những cơn mưa rất lớn mà ở đó đường kính của giọt nước mưa ước tính lên đến 1 cm. Đi dưới những cơn mưa như thế chúng ta có cảm giác rát buốt cả cơ thể.
Nằm lọt thỏm giữa các cánh rừng của Odaigahara là ngôi làng nhỏ biệt lập. Cư dân địa phương có nhiều cách để thích ứng với điều kiện thời tiết đặc biệt của vùng đất này. Phía trước mỗi ngôi nhà là bức tường bằng đá cao sừng sững dùng để chắn gió và ngăn nước. Mái nhà thiết kế hệ thống thoát nước mưa kết hợp giữa máng hứng nước và ống dẫn khá lớn. Các ngôi nhà đều có mái hiên rộng để tránh nước mưa tạt vào nhà.
Phía trước mỗi căn nhà giữa các cánh rừng của Odaigahara là bức tường đá cao…
…và những thanh tre dựng dọc phía trước hiên nhà để ngăn mưa bão
Ngoài ra, để chuẩn bị đối phó với những trận bão, người dân có 1 cách rất độc đáo. Họ dùng những thanh tre dựng dọc phía trước hiên nhà và dùng dây thừng cột chặt chúng lại. Khi bão đến, lượng mưa mà nó mang theo khoảng 200 milimet mỗi ngày, mưa kéo dài suốt nhiều ngày liền. Lúc bấy giờ, bức tường rào bằng đá và bức tường tre trước hiên nhà là công cụ bảo vệ ngôi nhà hiệu quả nhất. Trong khi ở bên ngoài trời mưa rất lớn thì phía trong hiên nhà, đằng sau bức tường tre hầu như không có 1 giọt nước nào lọt vào.
Lượng nước mưa dồi dào của Odaigahara bắt nguồn từ hơi nước bốc lên từ vùng biển Thái Bình Dương cách đó không xa. Và khi rơi xuống, nước mưa tạo thành những dòng suối chảy xuống đồng bằng hòa vào các dòng sông. Biển cả là nơi kết thúc cuộc lữ hành của mưa, nhưng đây cũng chính là nơi xuất phát của nó.
Nhật Bản là quốc gia mưa nhiều nhưng cũng có đôi lúc xảy ra hạn hán. Khô hạn kéo dài khiến các hồ chứa nước cạn kiệt và đồng ruộng nứt nẻ. Vào những lúc như thế, người xưa tiến hành các nghi lễ cầu mưa. Ngày nay, các nghi lễ đó vẫn được duy trì tại nhiều địa phương.
Tại thành phố Tsurugashima thuộc tỉnh Saitama hàng năm đều diễn ra lễ hội cầu mưa long trọng. Lễ hội là cuộc diễu hành rồng có tên Tsuneori amagoi. Rồng được làm từ rơm và tre, có chiều dài 36 mét và nặng đến 3 tấn. Theo quan niệm của người Nhật, rồng là con vật linh thiêng có thể mang lại mưa thuận gió hòa. Khoảng 300 thanh niên khỏe mạnh tham gia cuộc diễu hành khiêng rồng đi khắp những con đường chính của thành phố. Điểm dừng cuối cùng của cuộc diễu hành là tại hồ nước gần ngôi đền Thần đạo trong vùng.
Diễu hành rồng cầu mưa tại tỉnh Saitama
Khi toàn bộ mình rồng được đưa xuống nước, mọi người leo lên đó và phá nát toàn bộ mô hình. Họ tin rằng, làm như vậy thì linh hồn rồng thiêng mới bay lên trời và mang mưa xuống.

Không có nhận xét nào: