Bất kỳ đâu ở Scotland, du khách cũng có thể thấy ngựa một sừng, sinh vật biểu tượng cho sự thuần khiết, khôn ngoan và quyền lực.
Ở một góc thủ đô Edinburgh, cung điện Holyroodhouse hiện lên với những tòa tháp "mũ phù thủy" và pháo đài. Bên ngoài, Kenny Hanley, hướng dẫn viên du lịch 74 tuổi, vẫn hướng ánh mắt về một biểu tượng nằm trên cánh cổng ở phía nam của tòa nhà.
Đó là ngựa một sừng (kỳ lân) trong truyền thuyết, đồng thời cũng là sinh vật biểu tượng của Scotland. Hanley cho biết, trong tiềm thức của người dân, con vật tượng trưng cho quốc gia về sự thuần khiết, khôn ngoan và quyền lực.
Đối diện với kỳ lân bị trói bởi dây xích là một con sư tử đá với vẻ ngoài hung dữ, đội vương miện và cầm cờ nghi lễ đang đứng canh gác. Ảnh: BBC.
|
Ngày nay, ngựa một sừng có ý nghĩa to lớn trong đời sống của người dân Scotland. Nó không chỉ xuất hiện lộng lẫy trong phòng của trẻ em hay trên những hộp ngũ cốc đầy màu sắc, mà còn được mang vào trong phim ảnh, hoạt hình, thời trang và mạng xã hội. Tiểu thuyết Harry Potter của J.K Rowling cũng được lấy cảm hứng từ nhiều địa điểm có thật ở Edinburgh, trong đó xuất hiện những chi tiết về máu và lông kỳ lân.
Là cầu nối giữa tưởng tượng và thực tế, con vật này được in, khắc trên các huy hiệu, tiền vàng, con dấu hoàng gia, tấm thảm, áo choàng và cả đài tưởng niệm. Trong những kiến trúc ở Edinburgh như cung điện Holyroodhouse, lâu đài Edinburgh, lâu đài Craigmillar và nhà thờ St Giles, kỳ lân rất phổ biến. Về hướng tây của thủ đô, đến cung điện Linlithgow, nơi sinh của nữ hoàng Mary, bạn có thể nhìn thấy những con ngựa một sừng xuất hiện ở đài phun nước và trần nhà được bảo tồn kỹ lưỡng.
Ở lâu đài Stirling, sinh vật thần thoại được đặt ở trung tâm của các tấm thảm nhiều chi tiết. Bảy tấm thảm ở đây được dệt bằng tay, mô phỏng Unicorn Tapestries, một trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất vào cuối thời Trung cổ (nguyên mẫu đang được trưng bày ở bảo tàng Met Cloisters, New York, Mỹ).
Scotland đã chọn ngày 9/4 hàng năm là ngày Quốc gia Ngựa một sừng. Ảnh: BBC.
|
Từ lâu đài Delgatie của Aberdeenshire đến HMS Unicorn, tàu chiến cổ của Dundee, hay trên những cây thánh giá của Prestonpans và Glasgow có vô số con kỳ lân móng guốc, đeo vòng cổ khắc dấu ấn của hoàng gia.
Câu chuyện lịch sử về ngựa một sừng xuất hiện từ hơn 3.000 năm trước. Người Hy Lạp cổ tin vào sự tồn tại của loài sinh vật có hình dáng giống ngựa này. Nó cũng được ghi lại lần đầu trong một cuốn sách cổ của nhà sử học Ctesias vào thế kỷ thứ 4 TCN. Ông mô tả nó như một con lừa hoang với chiếc sừng mọc từ giữa đầu.
Niềm tin về loài kỳ lân được truyền bá rộng rãi khi nó xuất hiện trong Kinh cổ như những con ngựa thần thoại. Những sinh vật có thật như tê giác, linh dương sừng kiếm và kỳ lân biển đã được đưa ra để giải thích về truyền thuyết. Một giả thuyết về sự biến mất của kỳ lân cho rằng, sinh vật này đã không kịp lên tàu Noah’s Ark (con tàu cứu sống Noah, gia đình và các con thú trước trận lũ, theo Kinh Thánh).
Tiếp nối vua James II, vua James III, James IV và cháu trai là James V đã in ấn kỳ lân lên tiền xu, con dấu hoàng gia, áo giáp. Trước năm 1603, huy hiệu hoàng gia Scotland luôn có sự xuất hiện của hai con ngựa một sừng. Ảnh: BBC.
|
Theo bảo tàng quốc gia Scotland, truyền thuyết kể về một vị vua, người duy nhất có thể kìm giữ được ngựa một sừng và khắc chế sức mạnh của nó. Câu chuyện này được vua James II thích thú. Sau đó, kỳ lân trở thành biểu tượng của sự thuần khiết và quyền lực mà các vị vua, giới quý tộc Scotland công nhận trong thế kỷ 15.
Mặc dù, ngựa một sừng gắn liền với lịch sử lâu đời của Scotland nhưng ý nghĩa của sinh vật huyền thoại này vẫn bị hiểu sai. Liam Devlin, người có nhiều năm gắn bó với biểu tượng này, cho biết ông nhận thấy ý nghĩa thật sự về kỳ lân đang dần bị mai một. Các nhà chính trị trên thế giới coi kỳ lân là biểu tượng về sự hư ảo và bất ổn định. Một số người Scotland theo chủ nghĩa dân tộc lại cho rằng, sinh vật tượng trưng cho tinh thần bất khuất này có nguồn gốc từ Anh. "Lập luận này thật vô lý, hình tượng kỳ lân đã xuất hiện trước khi thành lập Vương quốc Liên hiệp Anh năm 1707", Devlin khẳng định.
John Donaldson, thợ điêu khắc 72 tuổi, là người đã đưa kỳ lân trở lại các cuộc thảo luận mang tính quốc gia thông qua nghệ thuật, bằng cách thêm biểu tượng này vào các di sản kiến trúc và huy hiệu đất nước. Ông đã làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy môi trường lịch sử Scotland, để cải tạo lâu đài Stirling trong 7 năm, tái tạo Stirling Heads - huy chương bằng gỗ sồi từ thế kỷ 16, khắc hình ảnh của các vị vua, hoàng hậu và quý tộc. Trên huy hiệu ở trần nhà và trên giường ngủ của vua James V, hình ảnh kỳ lân nằm ở vị trí trung tâm.
Theo Donaldson, kỳ lân gắn bó với những di sản của Scotland theo năm tháng. Khách du lịch tới thăm Scotland để khám phá lịch sử, thông qua hình tượng kỳ lân và những lâu đài cổ. Đó là sức hút riêng biệt của quốc gia và sinh vật huyền thoại này là một phần không thể thiếu trong các kiến trúc. "Kỳ lân nói lên con người của Scotland", Donaldson cho biết.
Lan Hương (Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét