Công viên Imjingak (tên Hán Việt là Lâm Tân Các) là một công viên nằm bên bờ sông Imjin giới quân sự 7km, được xây dựng năm 1972 trong niềm hy vọng thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay Imjingak là địa điểm du lịch hàng đầu về chủ đề chiến tranh Triều Tiên.
Imjingak nằm ở cực bắc của tỉnh Gyeonggi và vì chỉ cách Kaesong của Triều Tiên khoảng 22km. Nơi đây cũng được xem là biểu tượng của hòa bình, nơi du khách mỗi khi đến đây có thể cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh và mong muốn thống nhất 2 miền Nam - Bắc.
Hiện Imjingak là địa điểm du lịch hàng đầu về chủ đề chiến tranh Triều Tiên rất được du khách ưa chuộng. Ông Seo Il Soo - Đại diện cục xúc tiến du lịch tỉnh Gyeonggi cho biết, Imjingak là điểm đến du lịch lớn nhất của tỉnh Gyeonggi-do, với khoảng 4 triệu du khách mỗi năm. Đặc biệt, du khách quốc tế ghé thăm đạt khoảng 500 nghìn lượt người/ năm.
Công viên Imjingak có thắng cảnh nhìn ra hợp lưu của sông Hangang và Imjingak. Nơi đây có khá nhiều tượng đài kỷ niệm liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên, được xây dựng nhằm mục đích an ủi những người ở hai miền không thể trở về quê hương vì sự chia cách giữa hai miền đất nước.
Bên trong công viên Imjingak có một nhà hàng, một đài quan sát, một bể bơi có hình dạng bán đảo Triều Tiên và một công viên vui chơi nhỏ để du khách vừa có thể thăm thú, dạo chơi và thư giãn. Ngoài ra, xung quanh công viên trưng bày hơn 400 hình ảnh và tài liệu thể hiện cuộc sống ở Triều Tiên.
Điều gây thu hút sự tò mò hơn cả đối với du khách có lẽ là nơi trưng bày 12 xe tăng và chiến đấu cơ được sự dụng trong chiến tranh Triều Tiên, đồng thời, tuyến đường tàu Gyeongui vốn đã bị phá hủy trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950 cũng đã được khôi phục vào năm 2000.
Imjingak còn có đài tưởng niệm Mangbaedan, nơi những người Hàn Quốc có quê quán hay người thân ở Triều Tiên, thực hiện những nghi lễ tổ tiên và cúi lạy về quê hương cũ trong dịp Xuân về và lễ Chuseok (Lễ Trung thu ở Hàn Quốc giống như Lễ Tạ ơn). Đây cũng là nét văn hoá truyền thống mà người dân xứ kim chi đặc biệt coi trọng.
Sát cạnh quảng trường trong công viên là cây cầu Tự do dài 83m, rộng 4,5m, cao 8m được làm bằng gỗ thông và sắt, bắc ngang dòng sông Imjingang nối hai bờ Triều Tiên. Được biết, tên của cây cầu bắt nguồn từ những tiếng hô "Tự do" của một số người lính được trao trả sau Hiệp định ngừng bắn năm 1953, đã đặt những bước chân đầu tiên lên cầu sau khi trở về từ bên kia chiến tuyến.
Đây cũng được xem là cây cầu được thành phố Paju khôi phục lại nhằm thu hút khách thăm quan. Ở phía cuối cầu được người dân treo những mong ước về ngày hai miền thống nhất. Những lời cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất ở bán đảo Triều Tiên được viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh hoặc bất kỳ thứ tiếng nào khác trên các dải lụa nhiều màu sắc.
Sát cây cầu Tự do và tuyến đường tàu Gyeongui là một đài tưởng niệm. Mỗi dịp lễ, Tết và những ngày đặc biệt trong năm, người dân Hàn Quốc lại đến đây mang nhiều lễ vật để cúng tế và bày tỏ tình cảm của mình với những người thân đã khuất trong cuộc chiến tranh và thể hiện mong ước hòa bình, đoàn tụ với những người dân đang sống ở CHDCND Triều Tiên.
Mỗi lần như vậy, người dân Hàn Quốc lại cùng nhau hát ca khúc "Ba mươi năm chia cắt" để nói về tâm trạng và tình cảm của mình.
Thả bộ dọc bờ sông Imjin, du khách sẽ đến Doanh trại Greaves (Camp Greaves), nằm cách đường biên giới của khu phi quân sự khoảng 2km.
Camp Greaves là vùng đất của lính Mỹ trước đây, nằm trong khu vực kiểm soát dân sự. Đây cũng là không gian giúp khách tham quan có thể ngắm nhìn những dấu vết của quân đội Mỹ và hiện thực ly tán một cách sống động, đang trở thành tâm điểm nằm trong chương trình khám phá đường hầm xâm lược DMZ.
Nếu nói về khu du lịch DMZ, người ta chỉ biết đến tâm điểm là Imjingak Pyeonghwanuri nằm bên ngoài khu vực kiểm soát dân sự và dừng lại ở chỗ một bộ phận khách du lịch thường thăm quan địa đạo số 3, đài quan sát Dora v.v... Ngược lại, Camp Greaves lại nằm bên trong khu kiểm soát dân sự, nổi bật là nơi khác biệt vẫn còn nguyên dấu tích của quân lính Mỹ với môi trường thiên nhiên được gìn giữ nguyên vẹn suốt hơn 10 năm qua.
Tại Camp Greaves vẫn có nhiều khu vực trưng bày ngọn cờ, các di vật, bản đồ đầu tiên chính thức đánh dấu đường phân giới quân sự trong nước theo Hiệp định đình chiến được bảo quản tại Ủy ban giám sát quốc gia trung lập của JSA.
Camp Greaves còn đặc biệt thu hút du khách khi trở thành địa điểm chính quay bộ phim truyền hình nổi tiếng "Hậu duệ mặt trời" của Hàn Quốc, và cũng có lẽ nhờ vậy, số lượng khách trong và ngoài nước đã tăng đột biến kể từ sau khi tác phẩm này trình chiếu tại nhiều quốc gia Châu Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét