Qikou một thời sầm uất, giờ quạnh vắng là một nét duyên miễn nhiễm bởi nhân danh phát triển của du lịch. Hắc Long Miếu to lớn theo độ sầm uất ngày cổ giờ cũng buồn lây. Nhưng Hoàng Hà vẫn sóng sau xô sóng trước cuồn cuộn…
Tôi đã đến Qikou trước đó. Nhưng vừa xuống xe là vội cõng ba lô leo ngược con đường dốc tìm đến ngôi làng cổ 550 năm tuổi Lijiashan nổi tiếng với những căn nhà hang động đục vào vách núi. Phần do ham hố, phần thì chiều đã muộn, sợ lên tới lúc tối mịt ở nơi chốn lạ xa, rừng xanh núi đỏ không tìm được đường lối, chỗ nghỉ ngơi, nên vội bỏ Qikou lại. Mê mải rong chơi mấy ngày. Lếch thếch xuống núi, trong thời gian chờ xe đi Lishi, đọc, hỏi và biết có Hắc Long Miếu nổi tiếng gần đó cùng Qikou cũng khá lừng danh, nhưng chỉ vì nằm dưới chân Lijiashan nên bị “bóng đè”. Bèn phi ngay tới.
Báo hại cho việc lang thang ở đó là bỏ mấy chuyến xe. Hơn nửa khuya đó tôi mới tới được Thạch Gia Trang, không còn kiếm được khách sạn nhà trọ gì hết, phải vác ba lô vô McDonald’s gọi đại món để có chỗ ngồi gật gà thức ngủ trông trời sáng. Mệt đứ đừ, vẫn vui.Vì biết rằng lần trở lại ngôi miếu lặng lẽ bên dòng sông vàng cuộn sóng sẽ là điều rất khó có thể làm lại được lần nữa trong đời.
Nét duyên tàn phai miền thịnh vượng xưa
Nằm bên bờ Hoàng Hà, Qikou – trấn Thích Khẩu, huyện Lâm, thuộc địa cấp thị Lữ Lương (Luliang), tỉnh Sơn Tây (Shanxi) là điểm dừng chân quan trọng trên cung giao thương giữa các miền Sơn Tây, Thiểm Tây (Shaanxi), Cam Túc (Gansu)… từ thời xa xưa, lúc giao thông đường thuỷ còn là chủ yếu. Hơn thế nữa, Qikou toạ lạc nơi chi lưu Qiushui đổ vào Hoàng Hà, ngã ba sông với các bãi cát bồi thuận tiện để tàu thuyền cập bến, xuống lên hàng hoá trong giang trình ngược xuôi Hoàng Hà cuồn cuộn sóng dữ.
Các thương gia người Tấn (đất Sơn Tây ngày rất xưa là nước Tấn), nổi tiếng với tài mua bán từ hồi Xuân Thu chiến quốc, từng dừng chân ở Qikou. Đến thời nhà Thanh, hồi thịnh vượng Qikou có hơn 200 lữ điếm để khách thương hồ nghỉ chân, chưa nói đến các nhà kho, quán xá ăn theo… Có tài liệu ghi lại con số hơn 380 cửa hiệu, kho bãi, còn trên bến sông tấp nập cả trăm tàu thuyền với hơn 2.000 thuỷ thủ, thương khách dập dìu.
Những con đường ra đời, rồi máy móc, xe cộ thay sức ngựa lừa, Qikou rơi dần vào hoang vắng. Nhất là lúc các đường tàu nối liền Bắc Kinh – Bao Đầu (tỉnh Nội Mông), Đại Đồng (Datong, tỉnh Sơn Tây) – Phong Lăng Độ (Fenglingdu – Sơn Tây), rồi sau cùng là nhánh đường sắt Lan Châu (Lanzhou, tỉnh Cam Túc) – Liên Vân Cảng (Lianyungang, tỉnh Giang Tô) ra đời trong thế kỷ 20. Rồi sau đó là những năm 1940, cuộc kháng chiến chống Nhật xảy ra, nơi này trở thành căn cứ địa của Hồng quân, kéo theo chiến trận ác liệt, rồi đổ nát, tang thương. Miền đô thị nhộn nhịp ngày nao giờ đến nơi tôi quá ngỡ ngàng khi cố lắm vẫn không thể hình dung được cảnh tấp nập ngày trăm năm cũ. Chỉ những con đường đất bụi mờ, đá lổn ngổn chạy giữa những ngôi nhà cũng chủ yếu nhiều bùn đất, không hiếm xiêu vẹo, hư đổ. Phố phường quạnh vắng, nhà cửa hoang phế im lìm ngủ vùi. Dù vài góc phố được trùng tu, những hiệu buôn, cửa hàng cũ được phục dựng nhưng vẫn quá đìu hiu làm sao.
Nhưng đó lại là nét duyên hiếm có khó gặp ở các điểm du lịch trên đất này, ai từng đi tour đều biết. Khoe thêm tý là trước khi tới đây, tôi có ghé Bình Dao, một trong mười làng cổ nổi tiếng nhất đất Trung, thấy hơi choáng vì độ giả cổ và sắc màu hực hỡ ở đó. Nên rất thích nét mộc mạc, quê cũ Qikou. Thêm nữa, leo lên con đường phai phôi bạc sắc đó còn sẽ được tưởng thưởng ngôi Hắc Long Miếu cổ xưa nằm ở vị trí đắc địa nhìn xuống Hoàng Hà, lấp lánh ánh vàng trong nắng sớm vẫn vấn vương sương bàng bạc.
Buổi mai an yên bên cọp nằm, rồng đen bay ngắm sông vàng
Nằm trên đồi Hổ Phục (Lying Tiger Hill) lạ thay là ngôi miếu rồng đen – Hắc Long Miếu (Black Dragon Temple). Lúc đầu đọc tiếng Anh, tôi cứ ngỡ là chùa, tra tiếng Hán thì ra “miếu”, không phải “tự”. Lên tới nơi, càng thấy đúng khi chánh điện vị thần được thờ nhiều là “ông mặt đỏ râu dài”, mà nếu còn ngờ ngợ thì các hình ảnh ông cỡi chú ngựa đỏ hực hỡ – Quan Công và Xích Thố, sẽ làm rõ hơn. Hơi khác bên mình khi các miếu thường nho nhỏ, cụm kiến trúc xưa này khá rộng, gồm bốn gian điện ôm quanh khoảng sân vuông, chưa kể trước tiền điện cũng có ông Thiện, ông Ác đứng canh.
Ngoài Quan nhị ca – theo cách gọi của anh em giang hồ, ngôi miếu từ thời nhà Minh còn thờ nhiều vị thần bản địa và cả cặp hắc long. Linh thần được cho là sẽ mang mưa móc về, cung cấp nước nôi, phù sa cho nương đồng Qikou, dù có những lúc ưu ái hơi quá, nước Hoàng Hà miệt này từng dâng cao hơn 6 mét. Những sắc màu mới cũng có trong miếu, nhưng không quá rực rỡ.May sao, nhiều bích hoạ, tranh tường, tượng gỗ xưa mộc mạc giúp cân lại, mang đến nét cũ cũ dễ chịu cho ngôi miếu tường đá xám, với mái cũng lợp ngói sẫm màu.
Lang thang Hắc Long Miếu, tôi dừng lâu nhứt ở lầu trống, nơi có tầm nhìn thoáng đãng xuống Hoàng Hà, qua bên kia bờ là loáng thoáng Thiểm Tây. Tôi đến đây ngày tháng 10, tiết trời đã chuyển lạnh. Hơn 10 giờ rồi vẫn sương la đà bên sườn núi trên triền sông. Do vậy, cứ ngồi chờ miết cho sương tan mong có tấm hình rõ đẹp hơn nhưng lâu quá sương mây, lẫn cả khói bếp vẫn không dứt – báo hại trễ mấy chuyến buýt, rồi một đêm ngồi chóc ngóc trong McDonald’s chờ trời sáng ở Thạch Gia Trang (Shijiazhuang, tỉnh Hà Bắc). Không hề nuối tiếc. Những thời khắc an nhiên bên chùa vắng, từ trên cao ngắm sông vàng chờ sương tan có lẽ là phần thưởng lớn nhất cho tôi ở buổi mai sớm đó.
Bài và ảnh: Thái Hoãn/Thegioihoinhap
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét