Nếu từng đọc "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ", bạn sẽ muốn một chuyến đi tha thẩn đến thành phố Á - Âu trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Istanbul là một trong những thành phố năng động bậc nhất thế giới. Nơi đây có sự pha trộn thú vị giữa Âu và Á, quá khứ và hiện tại, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo... Thành phố chia đôi bờ Âu - Á đưa du khách đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trong cuốn sách Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, tác giả từng đề cập đến lời khuyên: "Dành một ngày cho các bức tường thành và pháo đài, vài ngày thăm thú hệ thống ống nước và bể chứa của thành phố, một tuần đi thăm các cung điện, một tuần nữa thăm viện bảo tàng, một ngày cho các cột và tháp, vài tuần cho các nhà thờ và thánh đường… Dành vài ngày xem các khu mộ, nghĩa trang và cách trang điểm cho người chết có khi hay hơn ta vẫn tưởng”.
Đến Istanbul, du khách đừng quên đi qua cây cầu Bosphorus nối liền hai lục địa, nơi có dòng chữ Welcome to Asia, ngược lại là Welcome to Europe để thực hiện chuyến đi “xuyên Âu - Á chỉ bằng một bước chân”. Bosphorus nối liền biển Đen và Marmara, từ lâu đã là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Ảnh: Get Your Guide.
Có niên đại từ thế kỷ 6 do hoàng đế La Mã Justinian I cho xây dựng, Hagia Sophia là công trình tôn giáo lớn bậc nhất thế giới lúc bấy giờ với đường kính mái vòm 30 m. Sau khi rơi vào tay đế chế Ottoman ở thế kỷ 15, Hagia Sophia đã được biến đổi thành thánh đường Hồi Giáo cho đến năm 1935 trở thành bảo tàng.
Ấn tượng nhất ở Hagia Sophia là những hình ảnh của Thiên Chúa giáo song hành cùng những dòng chữ Ả Rập của Hồi giáo cùng tồn tại cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ không chỉ về văn hóa mà còn tín ngưỡng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành phố Istanbul có vô số cung điện dưới nước nhưng Basilica Cistern có quy mô lớn hơn cả. Cả cung điện dài 140 m, rộng 70 m, 336 cột đá theo phong cách Corinthian cao 9 m để chống đỡ mái vòm bằng gạch khổng lồ.
Cung điện dưới nước được xây dựng vào năm 542, lượng nước lưu trữ của cung điện đạt tới 100.000 tấn, có thể cung cấp nước dùng cho cả thành phố trong vòng 1 tháng.
Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed thường được gọi với cái tên Nhà thờ Xanh (Blue Mosque), được xây dựng vào năm 1616. Hơn 20.000 viên gạch men màu xanh với hơn 50 mẫu thiết kế hoa tulip khác nhau đã đem đến khác biệt cho nhà thờ Hồi giáo này. Nơi đây chỉ cách ga xe điện Sultanahmet và ga tàu điện ngầm một quãng ngắn đi bộ.
Nếu từng xem bộ phim về điệp viên 007 James Bond – Sky Fall, bạn sẽ nhớ cảnh mở đầu khi diễn viên Daniel Craig lái xe máy băng băng trên những mái ngói. Dưới đó là 4.000 gian hàng của Grand Bazaar, một trong những khu chợ có mái che lớn và cổ nhất thế giới.
Đến Grand Bazaar, bạn cần chuẩn bị kỹ năng mặc cả vì người bán sẽ nói thách hoặc bền bỉ dụ bạn mua và cẩn thận tránh bị lạc.
Turkish Delight là món quà ngọt ngào đầy màu sắc du khách nên thử khi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ vốn chuộng ngọt nên sản xuất rất nhiều loại lokum dẻo với các vị, cách chế biến khác nhau. Màu sắc đa dạng và cả loại có nhân, chẳng hạn đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân…
Khi mua món quà ngọt ngào này, bạn hãy "dũng cảm" trả giá thật thấp và kiên nhẫn lên dần để mua được nhiều hơn mà không lo hớ.
Evil Eyes được xem là biểu tượng may mắn của người Thổ Nhĩ Kỳ. Những bà mẹ người Thổ thường khâu một chiếc bùa mắt quỷ vào quần áo của em bé để bảo vệ chúng khỏi điều không may. Nếu bùa này vỡ có nghĩa đứa trẻ vừa tránh được một điều xấu, cần tìm ngay chiếc mới để thay thế.
Một số lưu ý:
Vừa qua tạp chí Travellive tổ chức chương trình Amazing Tour đến Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tài trợ của Nokia và hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines.
Chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Istanbul của Turkish Airlines mất khoảng 10 tiếng với giá vé từ 1.000 USD. Các hãng khác đều phải quá cảnh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng thị thực điện tử (e-visa) với những thủ tục nhanh chóng và tiện lợi. Điều kiện là khách có visa Mỹ, Schengen hoặc Anh còn thời hạn. Với e-visa chỉ cần một vài thao tác trực tuyến, du khách có thể dễ dàng hoàn tất các thủ tục đăng ký thị thực mà không phải mất thời gian 3 tuần hay một tháng như hình thức visa thông thường. Không cần chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại đại sứ quán, người đăng ký chỉ cần khai thông tin cơ bản trực tiếp tại website https://www.evisa.gov.tr/en/ và thanh toán bằng thẻ Master Card hoặc Visa Card với lệ phí 45 USD. Ngay sau đó, e-visa sẽ được gửi về hộp thư của người đăng ký. Du khách in và xuất trình e-visa kèm hộ chiếu, vé máy bay tại quầy xuất nhập cảnh.
Minh An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét