Khách nườm nượp tới tham quan hộp sọ nằm trong một chiếc tủ kính đặc biệt tại nhà thờ Santa Maria in Cosmedin.
Kiều Dương
Theo Foradatoca
Theo Foradatoca
Quá khứ tang thương ít người biết về ngày Valentine
Một mục sư gửi lá thư vĩnh biệt người trong mộng, ký tên "từ Valentine của em" vào đúng ngày 14/2 - trước khi bị xử tử.
Ngày nay du khách đến nhà thờ Chiesa di Santa Maria in Cosmedin tại Rome, Italy có thể tìm thấy tủ trưng bày hộp sọ của Thánh Valentine - vị thánh gắn liền với ngày lễ Tình nhân. Ngoài ra, chiếc quan tài chứa hài cốt của Thánh Valentine và một lọ máu của ông được cất giữ trong nhà thờ phố Whitefriar, ở Dublin (Ireland) từ năm 1936.
Nhiều cặp vợ chồng thường xuyên đến nhà thờ này để thỉnh cầu vị thánh này che chở cho gia đình. Những đôi tình nhân sắp cưới cũng đến đây vào ngày 14/2, ngày lễ Thánh Valentine, để cầu phước cho nhẫn đính hôn trước sự chứng giám của thánh tích.
Người xưa cho rằng thánh Valentine bị bắt vì bí mật cử hành hôn lễ cho các cặp uyên ương theo đạo Thiên Chúa. Ảnh: Fototeca Storica Nazionale/Hulton Archive.
|
Những tài liệu cổ cho thấy có rất nhiều Thánh mang tên Valentine tử vì đạo vào ngày 14/2. Một số câu chuyện dân gian cho rằng Valentine bị lấy đầu vì giải cứu những tín đồ Thiên Chúa giáo khỏi các nhà tù La Mã, nơi họ thường bị đánh đập và tra tấn tàn độc.
Phiên bản quen thuộc nhất kể về Thánh Valentine là một mục sư trẻ tuổi tại thành Rome, theo Telegraph. Ông bị bắt vì bí mật cử hành hôn lễ cho những người bị Hoàng đế giam. Trong thời gian ngồi tù, Valentine phải lòng con gái của viên cai ngục. Ông gửi lá thư tình vĩnh biệt người trong mộng, ký tên "dal vostro Valentino" (từ Valentine của em) vào đúng ngày 14/2 - khi bị hành quyết theo lệnh Hoàng đế La Mã Claudius Gothicus đệ nhị (thế kỷ 3). Cụm từ "from your Valentine" cũng thường xuyên được sử dụng trong các tấm thiệp ngày nay.
Dù tam sao thất bản, mọi câu chuyện đều chung một chi tiết: Thánh Valentine đã bị xử tử và mai táng vào ngày 14/2 tại nghĩa trang La Mã trên con đường cổ Via Flaminia nối từ thành Rome tới thành phố Rimini, Italy.
Hộp sọ của Thánh Valentine trong nhà thờ Chiesa di Santa Maria in Cosmedin tại Rome, Italy. Ảnh: Dnalor 01/Smith Sonian Magazine.
|
Ngày lễ Valentine lần đầu tiên diễn ra vào 14/2/496, do Giáo hoàng Gelasius đệ nhất tổ chức để tôn vinh vị thánh này. Theo History, nhà thơ Anh thời trung cổ Geoffrey Chaucer có thể là người đưa chất lãng mạn vào ngày Valentine. Trước khi bài thơ Parliament of Foules của Chaucer ra đời vào năm 1375, không ai ăn mừng 14/2 như một ngày lễ tình nhân. Chaucer đã kết nối tình yêu với ngày lễ Valentine, khi loài chim đi tìm bạn kết đôi.
Tới khoảng giữa thế kỷ 18, ngày Valentine du nhập vào Anh, trở thành dịp để những đôi tình nhân tặng nhau kẹo, thiệp, hoa và tranh ảnh thần Cupid.
Theo thời gian, Valentine trở thành một ngày lễ được thương mại hóa trên toàn cầu. Thiệp in ra đời, thay cho những tấm thiếp viết tay. Năm 1913, công ty Hallmark tại thành phố Kansas (Mỹ) bắt đầu sản xuất hàng loạt thiệp mừng Valentine. Ngày nay, khoảng một tỷ tấm thiệp được trao tặng hàng năm, và 14/2 trở thành ngày thế giới tặng thiệp nhiều thứ hai trong năm.
Không chỉ có thiệp, phái đẹp còn gửi hàng nghìn bức thư tay tới nhà nàng Juliet ở thành phố Verona (Italy). Người ta vẫn tin ngôi nhà cổ kính có ban công là nơi Juliet tựa mình nhìn xuống khi Romeo nói lời yêu thương.
Người dân trên thế giới có nhiều cách ăn mừng Valentine khác nhau. Người Anh thường tặng hoa hồng đỏ, thiệp in hình bắp ngô và kẹo chocolate. Trong khi đó, những cặp tình nhân Đan Mạch lại thích tặng hoa giọt tuyết, còn người Philippines chuộng kết hôn vào 14/2. Tại châu Phi, phụ nữ sẽ đính tên người họ thầm thương trộm nhớ lên áo.
Người Trung Quốc còn có lễ Valentine phiên bản nội địa là ngày Thất Tịch (7/7 Âm lịch). Vào dịp này, các cô gái trẻ sẽ chuẩn bị lễ vật để đến đền chùa cầu duyên.
Tại châu Mỹ, người Brazil cũng có ngày lễ Tình nhân riêng vào 12/6, mang tên Dia dos Namorados với nhiều lễ hội âm nhạc và màn biểu diễn nghệ thuật. Trong khi đó, cư dân Argentina sẽ ca tụng tình yêu trong tuần đầu tiên của tháng 7 mang tên La Semana de la Dulzura (Tuần lễ Ngọt ngào).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét