Tại phi trường quốc tế Sangster International Airport thành phố Montego Bay của Jamaica, các nhân viên cầm xấp giấy rảo quanh mời du khách đang đợi phi cơ rời Jamaica trả lời thăm dò về cung cách phục vụ, tiện nghi, vệ sinh… của phi trường. Tờ giấy còn thăm dò nhận xét của du khách về thái độ những nhân viên quan thuế làm thủ tục nhập cảnh cho đến những nhân viên hàng không, nhân viên phụ bốc dỡ hành lý, các tài xế taxi đưa đón. Đọc những câu hỏi ghi trong tờ giấy, du khách thấy dường như chính phủ Jamaica đang cố gắng và đầu tư nhiều công sức cho kỹ nghệ du lịch của mình. Một đảo quốc nhỏ bé, không trội bật nhưng xem ra kỹ nghệ du lịch nơi đây khá thành công và thu hút du khách ngày càng nhiều hơn.
Thành phố Ocho Rios – photo Mai Trung
Ngồi nhìn qua ô cửa sổ, chờ phi cơ cất cánh từ Jamaica bay về Mỹ, tình cờ tôi bắt gặp cảnh một nhân viên an ninh đang rà tay, khám xét người nhân viên cầm cờ hướng dẫn phi cơ dưới phi đạo. Họ làm nhanh gọn và khá thản nhiên, rồi mỗi người quay lại với công việc của mình. Có vẻ như là một thủ tục quen thuộc hàng ngày nhằm ngăn chận tình trạng đánh cắp đồ của du khách hơn là một sự nghi ngờ. Cũng nên. Một quốc gia sống nhờ kỹ nghệ du lịch thì chỉ cần một đôi nhân viên xấu bụng, táy máy tay chân, ảnh hưởng chung sẽ rất lớn. Du khách thời nay đã có sẵn internet, đã sẵn các trang mạng xã hội và du lịch để lan truyền những điều không hay. Quốc gia nào không hiểu hay dung túng tình trạng này thì đừng bao giờ mong cất cánh về kỹ nghệ không khói đầy lợi nhuận này. Như Việt Nam chẳng hạn.
Múa khạp Jamaica
Cảng Columbus, nơi Columbus đến Jamaica
Nhiều năm qua, tình trạng hành khách bị đánh cắp đồ đạc, hành lý tại các phi trường Việt Nam xem như bất trị và ngày càng tệ hơn. Người ta có quyền nghĩ rằng nó được dung túng, bởi chẳng lẽ những người có thẩm quyền tại các phi trường, của ngành du lịch và cao hơn, là nhà cầm quyền Việt Nam, không biết đến để ngăn chận. Những thước phim quay cảnh hành khách tại các phi trường Việt Nam tức giận, than phiền về việc hành lý của họ bị rạch tung, đồ đạc quý hiếm bị mất cắp được đưa lên internet trong thời gian qua rất nhiều và nhận được không biết bao nhiêu là lời bình, lời kể về tệ trạng cũng như các kinh nghiệm bị mất đồ, bị sách nhiễu tại phi trường Việt Nam ra sao. Một số người có tinh thần “tự ái dân tộc”, mà cũng có thể là những “tuyên truyền viên” đã ra sức bảo vệ “hình ảnh” Việt Nam bằng các chống chế rằng, “Mỹ cũng có ăn cắp hành lý của hành khách”. Cái thói quen lấy cái xấu để bào chữa cho cái xấu của mình khá phổ biến ở không ít người. Đúng! Trong hàng trăm ngàn nhân viên tại các phi trường Hoa Kỳ, chẳng làm sao kiểm soát được những kẻ xấu. Nhưng để chống lại những điều đáng xấu hổ này, các nhân viên an ninh đã theo dõi, cài đặt các máy thu hình ở những khâu vận chuyển hành lý và kết quả là một số kẻ gian đã bị bắt giam tại các phi trường New York, Miami hay Orlando… như báo chí đã đưa tin vài tháng trước, mà những người binh vực cho các phi trường tại Việt Nam lấy đó để làm cớ. Họ quên hay không biết rằng, những việc mất cắp như vậy chỉ mang tính cá nhân và những quốc gia như Hoa Kỳ hay nhỏ bé như Jamaica, quyết không dung túng tình trạng này. Bằng nhiều cách khác nhau. Như phi trường Dallas-Fort Worth vừa kiểm soát lại toàn bộ hồ sơ nhân thân và an ninh của các nhân viên đang làm việc, cho đến việc rà xét nhân viên bằng tay nhỏ nhặt tại Jamaica như đã kể bên trên. Và tất nhiên những người đứng đầu phi trường hay ngành du lịch của Jamaica không so sánh và chống chế, tuyên bố kiểu … “như Việt Nam mà còn ăn cắp đầy ở phi trường của họ”, kiểu như các viên chức tại Việt Nam đang tự bào chữa cho một tệ nạn mang tính hệ thống như hiện nay.
Bán dạo ven đường
Nằm phía bắc Caribbean, Jamaica là một đảo quốc nhỏ bé trong cụm các đảo quốc du lịch vùng Caribbean, chỉ cách Cuba khoảng 80 hải lý và cách Dallas chỉ hơn ba giờ bay. Với khoảng 2.8 triệu dân, Jamaica không phải là đảo quốc du lịch hàng đầu hay xuất sắc trong vùng, nhưng vùng đất và con người riêng biệt của Jamaica đã thu hút hàng triệu du khách, phần lớn đến từ Mỹ, Châu Âu đổ vào đảo quốc này mỗi năm. Ðây là một đảo quốc khá nghèo trong khu vực và cư dân sống nhờ vào những dịch vụ cung cấp cho du khách. Nhưng xét về lịch sử và văn hóa, quả Jamaica phong phú hơn so với mức thu nhập đầu người khá thấp của nó. Năm 1494, Columbus đặt chân đến Jamaica trong hải trình tìm ra Châu Mỹ của mình. Jamaica trở thành thuộc địa Tây Ban Nha và sau đó bị người Anh nắm giữ hơn 300 năm, trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1962, nên người dân Jamaica nói tiếng Anh thay vì tiếng Tây Ban Nha như nhiều quốc gia khác trong vùng. Jamaica từng là một thương cảng quan trọng hàng đầu – chỉ thua sau Boston, để các đế chế Châu Âu giao thương cùng Châu Mỹ cho đến khi trận động đất dữ dội phá hủy chúng toàn bộ cách đây hơn ba thế kỷ mà không được tái phục. Hơn năm thập niên từ khi giành độc lập từ người Anh, ngoài cà phê, mía đường và xuất cảng bô-xít, Jamaica chỉ còn phụ thuộc vào du lịch để thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới và tạo công ăn việc làm cho người dân. Bên cạnh điệu nhạc reggae với ca sĩ Bob Marley cùng vài anh chàng lực sĩ điền kinh nổi tiếng tại các cuộc thi Olympic, Jamaica chẳng còn gì nhiều khác. Để khai thác thêm điểm du lịch, Jamaica đưa thêm tên tuổi của tiểu thuyết gia Ian Fleming, cha đẻ của điệp viên 007 – người đã viết phần lớn các cuốn truyện trinh thám hấp dẫn của mình nơi đây, cũng như hai bộ phim Doctor No và Live and Let Die đã được quay tại Jamaica. Một bãi biển James Bond Beach đã được đặt theo tên người điệp viên hào hoa, như một niềm tự hào của Jamaica về Ian Fleming và James Bond. Vậy mà họ phát triển du lịch được. Chính phủ Jamaica dường như có những chiến lược phát triển và cân đối kỹ nghệ du lịch khá tốt, khi chia đều các khu du lịch rộng khắp cả đảo, không dồn lại chỉ một hai nơi. Các khu nghỉ mát và du thuyền ghé vào cả ba cảng, ba thành phố thế chân vạc: Kingston – thủ phủ của Jamaica, cùng Montego Bay và Ocho Rios, tạo công ăn việc làm cho người dân các khu vực chung quanh các điểm du lịch này.
Hàng xén
Cũng những bờ biển trải dài để bơi lội hay với các môn thể thao nước, những đồi núi chập chùng và những thác nước hùng vĩ mời gọi sự mạo hiểm của du khách, Jamaica mang một màu sắc kiến trúc, phong cách, con người hoàn toàn khác biệt với những khu nghỉ mát quen thuộc tại Mexico như Cancun, Cozumel, Los Cabos… Không còn nhiều dấu vết mang màu sắc Tây Ban Nha như Mexico hay một vài quốc gia Caribbean khác, Jamaica là sự kết hợp giữa những bản sắc Châu Mỹ, lẫn Châu Phi và cả Châu Âu. Những người dân đảo quốc này là sự lai trộn giữa những người thổ dân bản xứ, những nô lệ Châu Phi được Anh mang sang làm phu đồn điền và sau này là những sắc dân Ấn Độ, Trung Hoa bị đưa sang làm phục dịch cho người Anh, cùng với một khí hậu, thổ nhưỡng rất nhiệt đới đã mang lại cho Jamaica tính chất Mỹ-Phi-Á khá riêng. Du khách Việt Nam đến đây thì có lẽ sẽ thú vị thêm với những trái cây quen thuộc vùng nhiệt đới như xoài, mận, mãng cầu, saboche, mít tố nữ… ngọt ngay, thơm lừng
Đêm trên biển
Với vài lý do khác nhau, tôi đến Jamaica đã là lần thứ ba, dù sau lần ghé đầu tiên cách đây khoảng bảy hay tám năm trước, tôi đã nghĩ rằng một lần đã đủ và sẽ dành thời gian để sang những nơi khác hơn. Nhưng nhờ vậy đã ít nhiều cho tôi những so sánh, ghi nhận về những thay đổi, cố gắng của Jamaica trong vài năm qua. Đời sống và kỹ nghệ du lịch huyết mạch của Jamaica dường như tốt hơn nhiều, cũng như người dân đối xử với du khách thân thiện hơn so với trước đây. Tôi vẫn còn nhớ đến Errol, anh chàng tài xế chở chúng tôi đi đến thác Dunn khá đẹp và vòng quanh thăm thành phố, chợ búa. Hoạt bát, kiên nhẫn, Errol đậu xe ngoài nắng đợi chúng tôi leo thác vài tiếng đồng hồ mà vẫn vui vẻ và luôn làm theo đề nghị của chúng tôi muốn ghé đó đây. Một tài xế hay một hướng dẫn du lịch như vậy cũng đã đủ, nhưng Errol để lại trong tôi một kỷ niệm đẹp khác hơn. Anh ta xài một chiếc điện thoại “cục gạch” vừa xa xưa lại cũ kỹ, vậy mà khi một anh bạn trong nhóm để quên chiếc iPhone trên xe, sáng sớm hôm sau anh ta đã lái xe đến khách sạn để gởi trả lại cái điện thoại. Chẳng thể đánh giá một quốc gia chỉ qua một vài việc nhỏ hay đôi người mình gặp gỡ, nhưng tâm lý chung thì du khách chỉ ghé đến vài ngày hay một đôi tuần lễ thì những gì xảy ra với họ, những ai họ gặp gỡ sẽ để lại cho họ những ấn tượng về quốc gia đó như thế nào. Ya mon, Errol! À! Nếu bạn còn đang thắc mắc “ya mon” (hay “ya man”) này là gì, thì khi viếng Jamaica, đây là từ đầu tiên và thông dụng mà tài xế taxi cho đến nhân viên khách sạn sẽ chỉ cho bạn hoặc chính họ sử dụng thường xuyên, thay cho tiếng “yes”. Ya mon, Jamaica!
Biển Montego Bay
Du khách leo thác Dunn nổi tiếng của Jamaica
ĐYT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét