Người Việt trước đây gọi Indonesia là Nam Dương, bây giờ mệnh danh họ là Xứ sở Vạn đảo (gồm 13.487 hòn đảo, trong đó 6.000 đảo không có... người ở). Đây cũng là quê hương của khoảng 150 ngọn núi lửa đang hoạt động lụp bụp, đôi khi đỏ vàng ánh lửa, và hàng triệu năm qua vẫn nghi ngút ngất trời biển khói bụi một cách đáng rùng mình nhất.
Kỳ quan núi lửa trên Xứ sở Vạn đảo
Tôi đến Surabaya, thành phố lớn thứ 2 của Indonesia, nơi có hai kỳ quan núi lửa đang hoạt động và đã trở thành “con gà đẻ ra những quả trứng vàng ròng và rực lửa” cho nước bạn. Ở đó, tôi đi dọc, đi vòng quanh rồi lẫn mình vào đám khói bụi kinh thiên của các ngọn núi lửa đang hoạt động Bromo và Ijen (cao 2.329m và 2.799m so với mực nước biển) mà cảm nhận sâu sắc được sức mạnh vô song và sự bí ẩn kỳ vĩ đầy thách thức của tự nhiên nhiệm màu.
Với người Indonesia thì lại khác, cả dòng người rồng rắn chỉn chu và tươi cười làm đủ thứ dịch vụ du lịch để mưu sinh nhờ món quà rực lửa của tạo hóa, mặc kệ biển lửa chết chóc kia có thể phụt ra và xóa sổ tất cả trong chớp mắt. Thực tế là, mới chỉ năm 2016, tức là hơn 2 năm trước, Bromo đã phun trào. Năm 1999, núi lửa Ijen cũng khạc ra mênh mông lửa khói và tro bụi đe dọa tính mạng nhiều triệu người dân và du khách ở cả một vùng mênh mông, khiến nhiều hoạt động cùng tê liệt. Loài người đã thêm một phen ngơ ngác hoảng hồn trước thiên nhiên kỳ bí.
Sau khoảng 5h phiêu du và mệt mỏi trên bầu trời, sau hành trình vật vạ ra sân bay từ 2 giờ sáng, quá cảnh chạy như vịt giời, xếp hàng nhập cảnh xuất cảnh dằng dặc như một phận người buồn, tôi đã lâng lâng thoát tục khi gặp nụ cười của DoSi và DeSi. Ở sân bay quốc tế Surabaya, ngay sát cửa nhập cảnh, họ giơ cao tờ giấy to có viết tên tôi và nhoẻn cười. DeSi là người Hồi giáo, mặc váy thâm, trùm khăn xanh kín đầu, nụ cười lấp lóa hơn, răng như trắng và đều hơn bởi da cô khá đen. Cô và anh chồng DoSi như là biểu tượng của vẻ đẹp đen giòn. Tôi luôn mời họ ăn tối các ngày đi cùng, có lẽ trước hết vì nụ cười khiến người ta hiểu tại sao thế giới có hòa bình kia. DeSi đang có bầu đứa con thứ 5, chửa kềnh cang vậy, nhưng anh chồng lái xe đi đâu là cô nhất định đi theo. Vì ở nhà nội trợ nó buồn chán, cô bảo thế. Còn DoSi thì quả quyết, nàng đi để giữ rịt lấy em không cho nó thoát. Quả là DeSi khác với những phụ nữ Hồi giáo mà tôi biết. Họ hôn nhau, ôm nhau và ríu rít bất cứ giây phút có thể nào.
Sau 6 tiếng lái xe, với một đoạn cao tốc, còn lại là xuyên qua bản làng, rừng nguyên sinh tuyệt mỹ, chúng tôi đến một cao nguyên sương khói như kiểu Sa Pa. Đó là vùng giáp ranh núi lửa Bromo. Một cái làng với tên dài mấy chục ký tự, không liên quan gì đến Bromo, nằm cách núi lửa 2 giờ lái xe địa hình, vậy nhưng cái tên Bromo tràn ngập khắp từng ngõ ngách, từng khách sạn, homestay, từng quán cà phê và các hình thức tour tuyến khám phá núi lửa. Dân ở đây thức thời hơn Sa Pa hay Đà Lạt, Tam Đảo của ta nhiều. Không có các công trình cày xới ăn xổi xiên thịt thiên nhiên như Sa Pa hay Tam Đảo khói bụi thời mới. Mây mù giăng phủ. Các cô lễ tân hiền như nai, áo màu xanh lá núi. Và họ để chúng tôi ở trong các cabin hiện đại như tàu vũ trụ. Đẹp hơn nội thất tòa lâu đài công nghệ Boeing.
Đúng 2 giờ sáng, cả làng thức dậy, phút chốc, khu dân cư nghỉ dưỡng trở lại vẻ yên bình như từ hàng ngàn năm trước. Không du khách, không lúc lỉu xe cộ đồ đạc phục vụ núi lửa Bromo. Vài cô lễ tân, mấy người già cụ cựa chào khách lạ rồi lặng lẽ rúc vào chăn như con rùa ẩn mình giữa rơm rạ mà ngủ tiếp.
Bình minh kỳ ảo đến từ Cửa Địa ngục
Sau hai tiếng tiếp tục lái xe và những chầu đi bộ trong gió lạnh đỉnh núi cao hơn 2.500m so với mực nước biển, tôi và DoSi đến một nơi tưởng như tuyệt đối hoang vu. Nhiệt độ ngoài trời 6 độ C. Gió lồng lộn, tôi trùm kín mặt, chỉ hở hai con mắt, ngái ngủ bảo, sao mà ngắm cái cột khói, đám lửa, ngọn núi, lại phải đi sớm đến vậy. Dăm tiếng nữa trời mới sáng, giờ có nhìn thấy cái quái gì đâu. “Rồi anh sẽ hiểu vì sao ta phải đến đây trước 0 giờ”, DoSi cười hài hước, giọng tỏ ra bí ẩn.
Bromo là núi lửa đang hoạt động, nằm trên dãy núi nổi tiếng Tengger ở tỉnh Đông Java, Cộng hòa Indonesia. Nó trở nên khét tiếng và khét lẹt trên toàn thế giới, nhờ các cột khói và tiếng nổ chát chúa, rồi khói bụi bay ào ạt như từ Cửa địa ngục chui ra.
Sương ướt hết các cột để tựa và để đặt chân máy ảnh hoặc máy ảnh lên. Vì thế, DoSi phải mang sẵn rất nhiều giấy vệ sinh để thấm bỏ nước trước khi chúng tôi sắm nắm chụp ảnh ở chế độ rất chậm. Tôi bảo: “Bình minh ở các thắng cảnh, tớ đón nhiều lắm rồi, đón ở khắp thế giới”. DoSi: “Nhưng anh à, anh đã đón bình minh ở nơi nào mà phía dưới ánh sáng đang lên kia là miệng của cái lò lửa nghìn độ chảy ra từ lõi của quả đất bí ẩn và khốc liệt chưa? Phía trên bình minh là đầu của cột khói nóng, khi trắng lốp, khi đen kịt từ mặt đất lên đỉnh trời. Cột khói to đến mức, trùm kín tầm mắt của người ta. Từ hàng triệu năm rồi, núi lửa này vẫn phun khói ùng ục, hứng lên khạc lửa lốp bốp và tro bụi mênh mông. Vùi lấp núi non làng mạc. Việc giận dữ hay các khúc hoan ca ồn ã kia của núi lửa đã làm thay đổi địa hình địa vật, cỏ cây và cả lối sống của con người ta sở tại. Nó đổi màu sắc của bình minh và thói quen thức dậy của ánh sáng trong toàn khu vực”... DoSi diễn thuyết như một giáo sư địa chất và thiên văn, nhưng tôi vẫn nghi ngờ, cho đến khi trời hửng sáng nhè nhẹ, căng mắt ra thì bắt đầu thấy đỉnh núi đen sẫm ở trước mặt với một tấm khăn voan mỏng tang trinh trắng... Khi gặp những người bạn thân thiện cười tươi xứ người, chuyến bay dài đã hết mệt mỏi, nhưng khi gặp bình minh và cột khói mỹ miều (và chết chóc) của núi lửa Bromo rồi Ijen, thì đúng là mọi ngờ vực, mọi nguyền rủa với cái việc lầm lũi cầm đèn pin và leo núi dốc đứng từ lúc 23 giờ đến lúc mặt giời của ngày hôm sau đứng bóng... mới thật sự được đền đáp. Bấy giờ tôi mới hiểu cái cười ý nhị của DoSi. Đúng là món quà vô giá của thiên nhiên, dành cho những người dũng cảm chiến thắng sức ỳ ngày càng lớn của thân xác và tuổi tác.
Chắc chắn do lý hóa, thổ nhưỡng hay sự huyền bí nào đó của trái tim quả đất, để rồi dòng dung nham và khói bụi từ trong khối chất lỏng hàng nghìn độ nóng và chưa bao giờ thôi sôi ùng ục ở đó đã tạo nên vẻ đẹp của bình minh trên các “Cửa Địa ngục” Bromo và Ijen. Núi, mây và sắc màu của từng tia sáng nơi này rất kỳ ảo. Mơ màng, rực sắc. Mây trắng, mây voan hồng hoặc xanh dương, mỡ gà - cứ chạy như một trò ú tim cum cúp. Nó khiến người ta lâng lâng và hiểu rằng, mình vừa mới có diễm phúc khởi đầu một ngày mới bằng những cọng bình minh tinh mảnh, tinh khôi, khác hẳn hàng vạn ban mai đã nếm trải trước đó. Đây là món quà mà chư thánh thần cùng ban tặng các cái con người đang rưng rưng cảm khái bên miệng núi lửa - thứ quyền năng tạo tác và hủy diệt cả vỏ trái đất chỉ trong một cơn ngẫu hứng nào đó.
Xuống tận đáy núi lửa Ijen, cách chân của các cột khói bụi 30cm!
Bình minh lên rất tinh tế, nó hửng dần từng chút màu loang thẽ thọt, và đẩy bóng tối đi rất dịu dàng. Đầu tiên là những cột khói trắng cứ tỏ dần. Cột khói to chiếm cả góc đường chân trời, nó lẫn vào trong mây. Lúc đầu mắt thường không thấy được, chỉ có thể để máy ảnh với độ nhạy cao, đón ánh sáng tiêm dần vào ống kính trong vài phút, thì “mắt thần” của máy mới bắt được các làn mây, dáng núi và cột khói mơ hồ của Bromo. Khi trời sáng hơn, núi xanh thẫm như màu đại dương. Đỉnh chóp của các núi đã và đang là núi lửa bao giờ cũng có hình dáng rất đặc trưng. Nó có hình như cái nón úp, chóp nón bị chặt cụt. Ở vị trí cụt đó, bụng núi hõm xuống sâu, đó là miệng phễu, là cửa thoát vọt lên của dòng dung nham nung chảy nghìn độ nóng, có khi là bùn đất, khói bụi, có khi là dòng đá chảy thành nước đỏ lòm ma quái. Chúng chui ra kèm những tiếng nổ long trời lở đất. Nó óng ánh như màu của giời leo hay dòng sông với hàng triệu con đom đóm lấp lánh.
Ở núi lửa Ijen, lý do để chúng tôi đi trắng đêm gặp góc địa cầu đang ngùn ngụt phun khói, đôi lúc khói đỏ lửa địa ngục này còn xứng tầm hơn. Hai tiếng lái ôtô, 2 tiếng đi bộ, khoảng 3 giờ sáng bạn có mặt ở miệng của ngọn núi ngất trời khói trắng. Nếu may mắn thiên nhiên mở lòng phải dịp, bạn sẽ chứng kiến làn khói xanh mờ ảo, mơ màng, chập chờn ẩn hiện trên bề mặt núi lửa Ijen. Khói xanh do sự cháy của khi sulfuric khi bất ngờ vọt ra từ miệng núi lửa và gặp không khí. Bốc cháy. Ngọn lửa, đám mây xanh kia cứ thế bay chà là bên làn khói trắng toát, vàng khè đang mải mê phụt thật dữ dằn. Giữa lúc khí lưu huỳnh đậm đặc bủa vây, người ta đeo mặt nạ mà vẫn không thở được. Đi cách cả cây số, đã thấy mùi không chịu nổi, tiến lại gần nơi khói bụi phụt tơi bời, ở cự ly 30cm (!), tôi có cảm giác tim mình đứng lại. Lửa nóng rừng rực. Khói mù trời, cột khói bốc cao hết tầm mắt người ta, hòa vào với mây trời. Giữa sự khắc nghiệt đầy hăm dọa giết chóc đó, làn lửa khói xanh mơ màng như một vị cứu tinh. Người ta ví lửa khói xanh và ánh sáng xanh này như thiên thần hộ mệnh mỹ miều của vùng đất Ijen. Nó là lý do quan trọng để cả thế giới đổ về đây thăm ngắm. Nó giống với Bắc Cực quang, một hiện tượng thiên văn kỳ thú và nổi tiếng thế giới ở vùng Bắc Cực cũng như bán đảo Scandinavia (Bắc Âu).
Khi đến Bromo, tất cả mọi người đều sững sờ. Bởi cột khói to và cao có thể nhìn thấy từ dăm bảy cây số xa. Và tiếng nổ ầm ầm, ùng ục, lốp bốp, dai dẳng từ triệu triệu năm (chắc thế) ở dưới lòng đất.
Tôi nhìn sâu xuống hàng trăm mét vực ở nơi khởi phát dòng khói bụi và những tiếng nổ kinh hoàng. Ở đó vàng vọt các loại dung nham đông kết. Đất đá nứt ra như tấm bản đồ rách. Vài chỗ hoang vu, triệu triệu năm chắc chắn chưa có sinh vật nào sinh sống, nhưng sự sống vẫn có vẻ như chưa bao giờ chấm dứt sinh sôi, khi bề mặt của vách núi miệng núi lửa vẫn liên tục được làm mới bởi bùn đất, khói bụi.
Núi lửa đang hoạt động Ijen thì lại khác. Nó hiền lành hơn, lãng mạn hơn với làn khói xanh hư ảo và huyền hoặc nhất. Với hệ thống các cột phun khói không quá nóng bỏng, cũng như không quá hăm dọa và ít tiếng nổ đinh tai nhức óc hơn. Sau nhiều tiếng đi bộ, chúng tôi tụt dốc xuống một thung lũng đen kịt lúc 2 giờ sáng. Đoàn người đi như ma trơi, mỗi người nhất định phải có một mặt nạ dưỡng khí, một đèn pin siêu sáng và một người dẫn đường địa phương. Nếu không đủ ngần ấy điều kiện thì ở nhà. Bởi quá nguy hiểm. Chúng tôi bò từng bước từ độ cao mà nhìn xuống thung sâu, biết là có người đang làm việc, song họ bé hơn cả con kiến. Lúc ở đáy vực nhìn lên, chỉ thấy các chấm bé xíu di chuyển trên nền trời, đó là dòng du khách và người lao động. Bò, luồn, đi bộ qua từng hốc đá. Chúng tôi xuống đến đáy của miệng núi lửa khi trời chưa sáng. Có người nằm lại dọc đường chờ cứu hộ, nhiều người sau 1 tiếng đi bộ từ bãi đỗ xe đã buộc phải kết thúc cuộc viễn thám từ lúc chưa ngửi thấy mùi khói. Đi bộ trắng đêm đã mệt, đằng này lại chinh phục các cột khói bụi cao nghìn thước. Khói ngùn ngụt như có người khổng lồ đang thổi ra, từng cột từng cột vút cao. Những dòng nước vàng óng, đỏ quạch cũng phọt ra. Chả biết từ bao giờ, người Indonesia đã dũng cảm đặt những đường ống như thể bằng gốm nung rất to để khuyến dụ dòng nước chứa lưu huỳnh đậm đặc trôi từ bụng núi lửa ra ngoài. Ở đó, họ ngâm các cục “dung nham vàng óng” và nóng rẫy kia vào nước hoặc chờ nó đông kết rồi chặt từng khúc vác về bán cho một nhà máy. Nghe nói, đây là một cái nghề cổ xưa và công xá rất rẻ mạt. Nghề nữa, là đứng ở đám khói bụi cách miệng phụt khói của núi lửa 30cm (vì rất nóng, không thể đến gần hơn) rồi hứng chất lỏng nghìn độ từ núi lửa cho du khách xem. Sau đó, nhúng cốc dung nham vàng vào trong một thùng phuy nước, đổ đến đâu, gặp lạnh, lưu huỳnh đông kết lại thành đá đến đó.
Trong lòng núi lửa Ijen có cả một cái hồ tuyệt bích. Nước xanh biếc, khói sương trắng lóa, bay lượn mơ màng. Núi và khói in hình xuống nước xanh, tạo nên những sắc màu tiên cảnh. Nó đẹp hơn các tuyệt tình cốc hay các điểm sống ảo giới trẻ hay thích check in. Vì thi thoảng, gió đổi chiều, mặt hồ lại biến mất hoàn toàn khỏi tầm mắt của ta, bởi các cột khói từ miệng núi lửa được gió đưa qua. Nó chiếm lĩnh toàn bộ không gian, có đợt phun, bầu trời đen kịt. Mặt đất phủ một lớp “phù sa” mềm mượt, mịn màng. Các vách đá sờ vào mát lạnh, mềm như ai đó phủ chocolate lên trên.
Không còn mùi khói nào nữa. Tôi đi 7 tiếng ra sân bay, DoSi mời tôi một bữa tiệc chia tay. Dẫn tôi đi thăm các địa danh nổi tiếng của quê anh. Nước mắt anh rơm rớm khi đến một công viên lớn ở thành phố Bondowoso, cách núi lửa đang hoạt động Ijen cao khoảng 2.799 nghìn mét so với mực nước biển không xa. “Tôi đã sinh ra ở đây, tượng đài này là để tưởng nhớ những người dũng cảm đã chiến đấu chống lại người Hà Lan xâm lược. Họ dùng gươm giáo, gậy gộc và súng thô sơ để chống lại các đội quân tinh nhuệ với vũ khí hiện đại. Cuối cùng họ bị bắt và đưa tất cả lên những toa tàu đi hành quyết dã man”. Dosi chỉ cho tôi thấy con tàu. Nó cũ, đen bóng và được người ta trưng bày trên bục cao giữa ngã tư đường lớn nhất. Con đường của lịch sử.
Sân bay Surabaya rộng và rất nhiều chim chóc, sóc chuột. DoSi đưa tôi vào tận cửa kiểm tra an ninh. Tiếng Anh của cậu nghe lốp bốp vui tươi như tiếng nứa nổ trong rừng cháy. Tôi đi xa, ngoái lại vẫn thấy DoSi dắt vợ ra khỏi phi trường đầu quay về phía anh bạn Việt Nam. Bàn tay anh bạn giơ cao lên trời xòe ra xoay lật liên tục. Trông xa nó lấp lánh như một ánh mắt, nhìn lâu thì thấy chóng mặt. Cả hai, vẫn ríu rít cười đi xa dần. Bà bầu DeSi dáng đã lặc lè với đứa con thứ năm lắm rồi.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
LĐO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét