Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Dubai – Những đêm Ả Rập

Nhắc đến Trung Đông là nhắc đến những chiến tranh, khủng bố trong một thế giới Hồi Giáo Ả Rập giàu nghèo lẫn lộn với những mỏ dầu lửa. Nhưng khoảng một thập niên qua, vượt lên những tin tức về những xung đột của các quốc gia Hồi Giáo này, người ta được nghe nhắc đến Dubai thường xuyên hơn qua một chiến dịch quảng bá tên tuổi đầy thực lực và hữu hiệu với nhiều công trình và thành tựu vượt bực về kiến trúc, xây dựng, du lịch, hàng không, tài chính, kỹ thuật … được tung ra.  “Hạt vừng, hạt vừng, hãy mở cửa!”. Như câu bùa chú của chàng Ali Baba trong cổ tích Ngàn Lẻ Một Đêm của thế giới Ả Rập huyền bí , mời bạn hãy cùng chúng tôi bước vào tiểu quốc Dubai qua loạt ký sự này.
nhung dem arap2
Khách sạn cánh buồm 7 sao Burj Al Arab, một biểu tượng của Dubai
Kỳ 1
Dubai, thế giới của hai mặt
Từ năm 2014, đón khoảng 78 triệu lượt khách đến hay trung chuyển, phi trường Dubai đã qua mặt phi trường đông khách nhất Châu Âu London Heathrow của Anh để lọt vào nhóm ba phi trường quốc tế đông khách nhất thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế chung và sự mở rộng hoạt động của ngành hàng không nói riêng, có lẽ việc bắt kịp hay qua mặt hai phi trường Atlanta và Bắc Kinh đang dẫn đầu, không phải là một tham vọng ngoài tầm tay của Dubai. Như hãng hàng không Emirates của Dubai, từ một hãng vô danh và non trẻ trong làng bay của thế giới, nhưng nay đã qua mặt nhiều đàn anh tên tuổi, mở cả chuyến bay đến Việt Nam mỗi ngày trong kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại  Đông Nam Á.
nhung dem arap4
Xa lộ Dubai
Nghe tiếng thơm về cung cách phục vụ cùng những phi cơ Airbus 380 đời mới khổng lồ của hãng Emirates, tôi cũng muốn bay thử với nó một lần ra sao. Nhưng chuẩn bị từ lâu, nên khi gặp đợt United Airlines giảm giá, vậy là mua luôn. Mua vé được một tuần, đọc tin tức thấy United hủy bỏ đường bay thẳng từ Washington DC sang Dubai, lòng phân vân không biết mình sẽ bị trung chuyển ở đâu trước khi đến Dubai? Delta đã bỏ đường bay thẳng từ Atlanta đến Dubai vài tháng trước, nay đến lượt United, xem như chẳng còn hãng hàng không Mỹ nào bay đến Dubai. Các hãng than rằng không cạnh tranh nổi với Emirates cùng các hãng hàng không vùng Vịnh khác được chính phủ họ tài trợ. Chưa kịp gọi cho United thì nhân viên của họ đã gọi lại để đổi vé máy bay. Té ra sẽ bay với Lufthansa, hãng liên minh hàng không của United và sẽ quá cảnh sang Đức. Thay vì bay thẳng từ Dallas sang Dubai với Emirates mất khoảng 15 giờ bay, đường bay ghé Đức cũng xấp xỉ thời gian như vậy không kể thời gian dừng chân, cũng làm đỡ ngán với chuyến bay dài giờ. Và nhờ vậy mà tôi lại vô tình có dịp trở lại nước Đức sau gần 15 năm. Uống một vại bia Đức và nhâm nhi xúc-xích Đức ngay tại phi trường nước Đức thì có gì để than phiền?  Lufthansa bán quá số vé, cả chuyến đi và về thì hãng đều thông báo rằng hành khách nào đồng ý dời chuyến bay sang ngày hôm sau, họ sẽ lo ăn ở và trả 600 tiền mặt tiêu xài. Giá đi một mình, có lẽ tôi đã đổi vé để thăm lại nước Đức, xem có gì thay đổi sau ngần ấy năm.
nhung dem arap1
Đại sảnh dát vàng bên trong khách sạn 7 sao
Về đến khách sạn đã khuya, tôi vẫn thích lên tầng thượng của nó ngắm toàn cảnh thành phố Dubai về đêm. Chẳng phải vì phấn khích mà chỉ muốn thấy Dubai khác với tưởng tượng của mình như thế nào. Mỗi dịp sang một xứ sở hay thành phố nào đó, tôi vẫn dành nhiều thời gian đọc hay xem phim để tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, đời sống của nó. Dubai là một trong những quốc gia luôn đem đến cho tôi nhiều điều thú vị và suy nghĩ trong nhiều điều khác nhau mỗi khi đọc về sự phát triển thần kỳ của nó. Từ một làng chài nhỏ bé của mới vài chục năm trước, Dubai trở nên một trung tâm quyền lực có tên tuổi thế giới quả cũng đáng kể. Đúng hơn phải gọi Dubai là một tiểu quốc so với danh xưng một “quốc gia” có vẻ to tát. Bởi vì Dubai chỉ là một trong bảy tiểu vương quốc thuộc  Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE),  mà gộp chung hết lại thì UAE cũng chỉ là một quốc gia Hồi Giáo Trung Đông bé nhỏ không tới 10 triệu dân và diện tích chỉ khoảng một phần tư diện tích Việt Nam hay cỡ phân nửa tiểu bang Florida. Nằm tại bán đảo Ả Rập và dọc theo vịnh Ba Tư thuộc khu vực Tây Nam Châu Á, nó giáp giới với Ả Rập Saudi và Oman. Nếu đi phà sang Iran thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ và bay thêm bảy tiếng là về đến Việt Nam. Một số người Việt tại Mỹ đã bắt đầu bay theo đường bay này để về Việt Nam, thời gian cũng chẳng khác hơn bao nhiêu so với đường bay quá cảnh tại Nhật hay Đại Hàn. Thêm vào đó, hãng Emirates cũng có chương trình cho ở lại Dubai ba đêm để du ngoạn.
nhung dem arap3
Một ngôi đền Hồi Giáo giữa các cao ốc
Như hàng chục quốc gia Trung Đông khác, UAE cũng là thành viên của khối xuất cảng dầu lửa OPEC. UAE phát triển được như ngày ngày cũng nhờ thứ “vàng đen” này, nhưng điều đáng nói không phải nguồn tài nguyên có giới hạn này mà chính ở tầm nhìn và chiến lược phát triển hữu hiệu và lâu dài của giới lãnh đạo UAE hay Dubai nói riêng. Từ một vùng đất sa mạc khô cằn và nghèo nàn, sau khi khám phá ra các mỏ dầu vào thập niên 60 rồi giành độc lập từ tay người Anh vào năm 1971, UAE mới chập chững từng bước kiến thiết quốc gia trong vòng hơn 40 năm qua. Cho đến gần cuối năm 70 thì Dubai mới chỉ bắt đầu xây đôi ba khách sạn, trong khi những khách sạn Continental, Majestic hay Rex sang trọng và bề thế đã nằm giữa Sài Gòn năm bảy chục năm trước. Nghe bảo có cả hàng chục ngàn người Việt sang làm việc bên này nhưng suốt cả chuyến đi, dù có ý để mắt, tôi cũng không có dịp gặp được một người nào. Ngoại trừ lần gặp một đoàn du khách từ Việt Nam sang Dubai vào ăn trưa tại khách sạn “bảy sao” Burj Al Arab . Phần ăn trưa chỉ khoảng một trăm đô la, nghe họ bảo các hãng du lịch tính tiền đến ba trăm để được vào khách sạn danh tiếng thế giới này chụp ảnh và ăn trưa, cách duy nhất để  vào đây nếu không phải trú trong khách sạn. Giới nào có đủ tiền để ở những phòng khách sạn từ hai ngàn đến hai chục ngàn đô la một đêm và một bữa ăn tối lãng mạn cho hai người có trực thăng và  tàu ngầm đưa rước có thể đến hơn năm ngàn đô la? Daniel, người nhân viên gốc Hoa tại nhà hàng Junsui bên trong khách sạn này giới thiệu cho tôi tủ rượu vang mà có chai trên hai chục ngàn đô la. Lần đầu tiên tôi uống chai bia đắt giá nhất trong đời tại đây, đến 80 Dirham tiền Dubai-  tức khoảng 22 đô la,  có hơi … “đắng” hơn chai bia vẫn thường uống. Nhưng liệu Dubai có phải chỉ những dịch vụ cực mắc cùng các hình ảnh xa hoa tráng lệ với những chiếc xe Ferrari  hay Lamborghini sang trọng đậu ở Dubai Mall, khu shopping lớn nhất thế giới như vậy?
nhung dem arap
Vườn hoa Dubai
Không đủ nguồn nhân công, UAE cho người nước ngoài nhập cư ồ ạt vào nước mình làm việc. Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà chỉ có khoảng hơn 10 % dân số là người bản địa, còn lại là dân nhập cư. Nên đời sống Dubai chia làm hai thái cực: cực giàu và cực nghèo. Phân nửa nguồn nhân công nhập cư là sắc dân Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, còn lại là những sắc dân Ả Rập nghèo cùng nhiều quốc gia khác, trong đó Phi Luật Tân chiếm cũng một phần rất đông. UAE cũng có thuê mướn nhân công Việt Nam sang làm công việc tạp dịch, bảo vệ hay xây dựng. Dù vậy, theo tin tức từ báo chí trong nước thì hồi cuối năm qua, UAE đã chấm dứt những giao kèo trước hạn định và trả vài ngàn nhân công Việt về lại nước. Lý do cũng chẳng có gì khác hơn những gì đã xảy ra với nhân công Việt được đưa sang các nước khác làm việc: vô kỷ luật, đánh lộn, bài bạc, ăn cắp. Dăm người hay bảo tôi đừng quơ đũa cả nắm khi nhắc những việc như vậy. Không phải tôi.  Các quốc gia sở tại đã “quơ đũa”. Chỉ cần vài con sâu làm rầu nồi canh, họ đuổi hết cả nhóm về. Chỉ tội nghiệp cho những người khác đã phải vay mượn, lo lót tiền bạc để được sang Dubai làm việc, nay bị trả về trước thời hạn.
nhung dem arap6
Tác giả tại phố ăn đêm khu Bur Dubai
Người nhập cư làm đủ việc, nhưng cũng ít nhiều phân chia theo ngành nghề, dịch vụ. Người Ấn Độ làm nhân viên tiếp tân, nấu bếp, người Phi Luật Tân phục vụ nhà hàng, khách sạn… Suốt cả chuyến đi, hầu hết những tài xế taxi tôi gặp đều là người Pakistan, chỉ một đôi chuyến là gặp người Bangladesh hay Ấn Độ. Họ có cùng chuyện kể khá giống nhau. Chạy taxi 12 tiếng mỗi ngày, làm việc suốt bảy ngày và kiếm được khoảng bảy, tám trăm đô la. Nhưng đó đã là thu nhập khá cao so với những người khác chỉ ở mức trên dưới năm trăm đô. Không kể đến dặm vuông đắt tiền nhất thế giới tại trung tâm tài chính và downtown Dubai cùng các khu nổi tiếng như Marina Dubai, Mall of Emirates, đảo cọ nhân tạo…,  người dân bản địa giàu có hay nước ngoài vào Dubai đầu tư hay làm việc ở những khu riêng, còn dân nhập cư tập trung ở những khu Deira, Bur Dubai nhếch nhác, cũ xưa cùng các phố nghèo nàn khác. Đừng nghĩ xứ sở Hồi Giáo luật lệ nghiêm minh, các tờ rơi quảng cáo mại dâm cũng gắn đầy trên kính xe những khu phố nghèo này, chẳng khác gì Las Vegas. Nhưng tất nhiên là do dân nhập cư làm và phục vụ cho nhau, khi những tấm hình tôi bắt gặp là in hình những cô gái Châu Á.
nhung dem arap5
Chung cư nghèo
Dù vậy Dubai cho tôi cảm giác an toàn và những kỷ niệm đáng nhớ khi dạo qua những phố nghèo Dubai. Đêm trước ngày về, tôi bắt chuyện hai anh bạn Ấn Độ vừa xong một ngày làm bên ngoài khu chợ địa phương, hỏi cho biết giá tiền lon nước họ vừa mua. Bập bẹ tiếng Anh trả lời rồi mời tôi lon nước, họ uống chung lon nước còn lại nhưng nhất quyết không nhận tờ tiền tôi đưa cho họ. Cũng giống như tại khách sạn tôi ngụ, những người phục vụ tỏ ý vui mừng và biết ơn mỗi khi tôi bày tỏ sự cảm ơn của mình bằng dăm đồng tiền tip, vậy mà khi anh bạn tôi móc trả tiền taxi và đánh rơi tờ tiền 500 dirham, tức trăm mấy đô la, họ nhặt và trả lại. Chơn chất, đáng mến, đôi khi lẫn cả dăm câu chuyện xúc động trong những mảnh đời tha phương cầu thực. Như câu chuyện của cô bé người Phi Luật Tân chạy bàn tại một nhà hàng bình dân khu Bur Dubai mà chúng tôi ghé ăn đêm. 23 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị khách sạn, cô sang Dubai bằng visa du lịch rồi tìm nhà hàng bảo trợ để ở lại làm việc. Cô kể còn cha mẹ và hai em nhỏ đang đi học nên ráng sang làm việc giúp gia đình, hy vọng một ngày nào đó sẽ vào làm được trong một khách sạn. Chúng tôi hỏi đùa, “Em có người yêu chưa?”. “Rồi”. “Có nhớ người yêu không?”.  “Dăm lúc”. Đang trò chuyện vui vẻ, em nhỏ giọng và tôi nhận ra một thoáng nghẹn ngào trong câu trả lời. “Mối tình đầu hả?”. Lại một thoáng xúc động khác, em trả lời như đang nói với chính mình, “Không! Nhưng nó là mối tình cuối của em”. Tôi bâng quơ bắt qua chuyện khác, áy náy vì chúng tôi có thể đã gợi nên nỗi  buồn cho cô bé. Những câu chuyện như vậy cho tôi nhiều kỷ niệm hơn là những tòa nhà chọc trời, những khu shopping sáng bóng, những thứ “nhất thế giới” mà Dubai đã và đang nhắm đến, dù không thể không ngưỡng mộ và thán ngạc trước những kỳ tích của xứ sở này.  Đêm Ả Rập, không phải ai đến đây cũng với mộng ước tìm được hang động đầy vàng bạc châu báu mà chàng Ali Baba đã tìm được trong cổ tích. Với cô bé người Phi này, tìm được một công việc trong khách sạn theo ước nguyện nhỏ nhoi của mình cũng đã đủ để đánh đổi việc xa gia đình và người yêu. Xin chúc em may mắn.
Giành độc lập từ tay người Anh năm 1971, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) mới bắt đầu giai đoạn tái thiết và phát triển đất nước của mình. Hưởng lợi trong vòng hơn ba thập niên tiếp theo nhờ giá dầu lửa thế giới tăng cao, Dubai và UAE thiết lập được một nền tảng vững vàng cho một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Dù vậy, với trữ lượng giới hạn và giá dầu đang tụt dốc trong những năm qua, giới lãnh đạo Dubai và UAE nói chung đã và đang có những chiến lược và kế sách hữu hiệu để tiếp tục giữ cho đất nước của mình vẫn là một trong những quốc gia Trung Đông tên tuổi và giàu mạnh như hiện nay.

Một công trình đang xây dựng
Kỳ 2
Dubai, tầm nhìn và chiến lược
Vợ chồng Phó Tổng Thống Joe Biden mở màn chuyến công du Trung Đông của mình bằng việc ghé thăm Dubai và thủ phủ Abu Dhabi của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE) một ngày sau khi tôi đến Dubai. Đọc báo chí Anh ngữ  địa phương tại khách sạn, thấy hình ảnh giới lãnh đạo UAE đón tiếp vợ chồng Joe Biden trang trọng với những tít lớn, xiển dương mối giao hảo giữa UAE với Hoa Kỳ. Quả thật, giới lãnh đạo UAE quả đã có sự chọn lựa đúng đắn khi chọn Hoa Kỳ làm đồng minh ngay sau khi giành được độc lập và duy trì hơn 40 năm qua. Là một trong những đồng minh thân cận và tín cẩn của Hoa Kỳ tại Trung Đông, UAE duy trì và phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ từ chính trị, ngoại giao, quân sự, đầu tư, mậu dịch đến các vấn đề như y tế, giáo dục, du lịch và môi trường. UAE từng ủng hộ tài chánh và làm căn cứ tiếp liệu cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến Vùng Vịnh, hợp tác các biện pháp chế tài với khủng bố rồi tham gia cuộc chiến chống ISIS hiện nay. Chính vì vậy, dù vẫn còn tuân thủ theo nhiều Hồi giáo luật nghiêm ngặt, với xu hướng thân Hoa Kỳ và phương Tây này, Dubai có vẻ phóng khoáng và Tây phương hóa hơn những gì tôi đọc và mường tượng trong đầu trước khi sang.
Dinh Tổng Thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE
Cầm thông hành Mỹ và có con nhỏ, chúng tôi được ưu tiên chỉ vào một lối riêng không phải chờ đợi, so với những hàng dài đông nghịt khách đang sắp hàng khác. Để kẹo trên bệ cho khách, người nữ nhân viên quan thuế mang áo choàng và khăn trùm đầu đen không vồn vã cũng chẳng lạnh lùng, chỉ hỏi vỏn vẹn hai câu hỏi trước khi rà sổ thông hành qua máy. “Mấy người? Du lịch hả?”. Thủ tục chỉ vài phút. Nhanh gọn, không có bất cứ thứ khai báo hay kiểm tra gì khác. Sau chuyến bay dài giờ, chỉ việc nho nhỏ như vậy cũng đủ tạo thiện cảm cho du khách phương xa. Những hành xử của các nhân viên tại phi trường rất quan trọng trong việc tạo nên những ấn tượng tốt đầu tiên, nhất là muốn phát triển du lịch. Cả UAE chưa đến 10 triệu dân và riêng Dubai chưa đến 2 triệu mà trong năm qua Dubai đón hơn 14 triệu du khách, con số quả khá cao nếu tính theo tỉ lệ dân số.  Dubai đặt tốc độ phát triển du lịch của mình vào khoảng 7-9 % mỗi năm và nhắm đến con số 20 triệu du khách vào năm 2020, tôi tin rằng họ đưa ra những dự báo trong tầm tay.
Khách sạn Atlantis tại đảo cọ nhân tạo
Đi theo đường hướng và định chế phương Tây nên UAE là một liên bang có tổng thống, thủ tướng, hội đồng bộ trưởng…, nhưng nếu xem UAE là một quốc gia quân chủ có lẽ đúng với thể chế chính trị của nó hơn. Dù không chính thức mang danh xưng Quốc Vương, nhưng bảy tiểu quốc thuộc UAE đều do các hoàng tộc nắm quyền kiểu cha truyền con nối và người dân cũng cung kính nhắc đến họ như là một vị vua hơn là các chức vụ Tổng Thống hay Phó TT. Quốc Vương của hai tiểu vương quốc hùng mạnh, giàu có và đông dân là Abu Dhabi và Dubai nắm chức Tổng Thống và Phó TT, còn các Quốc Vương của các tiểu quốc nhỏ còn lại thì tham gia vào Hội Đồng Tối Cao Liên Bang. Không chỉ nắm quyền mà họ và người trong hoàng tộc còn là chủ nhân của những đại tập đoàn, các hệ thống thương mại , khách sạn, kỹ thuật chính yếu của UAE. Hình ảnh của họ treo khắp mọi nơi, trong khu thương mại, khách sạn, gallery nghệ thuật, cũng như nhiều xa lộ, đường sá mang đầy tên của những quốc vương tiền nhiệm hay đương thời này.
Ảnh Quốc Vương Rashid Al-Maktoum tại một phòng tranh nghệ thuật
Năm 2016 này kỷ niệm tròn 10 năm chấp chính của  Quốc Vương Dubai – người có cái tên thật dài là Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum, hay ngắn gọn hơn là  Sheikh Mohammed,hiện đang là Phó Tổng Thống kiêm Thủ Tướng UAE. Nhắc đến vị quốc vương Dubai này vì ông là kiến trúc sư về những sự thay đổi ngoạn mục của Dubai từ khi chấp chính. Sinh năm 1949, Sheikh Mohammed tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Anh, làm thơ và là một tay đua ngựa nhà nghề có hạng. Ở tuổi 66, trông ông có vẻ trẻ hơn so với những người Trung Đông nói chung. Là con thứ của Quốc Vương Sheikh Rashid đã qua đời năm 1990, Sheikh Mohammed trở thành người kế vị từ sau khi anh trai ông qua đời năm 1996. Ảnh hưởng viễn kiến của cha, người từng bảo với các ký giả phương Tây rằng, “Đời ông nội tôi cỡi lạc đà, đời cha tôi cỡi lạc đà, đời tôi thì đi Mercedes, con tôi đi Land Rover, con nó đi Land Rover nhưng cháu nó sẽ lại cỡi lạc đà”, ý ông bảo rằng nguồn dầu lửa rồi sẽ bị cạn kiệt, Dubai sẽ vỡ nợ, quay lại với nghèo đói nếu không có chiến lược và chính sách phát triển khác hơn nguồn tài nguyên trời cho. Bởi vì dù phất lên nhờ dầu lửa nhưng trữ lượng dầu lửa của UAE được dự đoán chỉ còn khai thác khoảng vài chục năm nữa. Nhiều người cho rằng Dubai giàu có nhờ dầu lửa, nhưng thật ra kỹ nghệ dầu lửa của UAE hiện nay chỉ chiếm khoảng hơn 20% GDP, còn lại là các kỹ nghệ và dịch vụ khác.
Bên trong Dubai Mall
Các họa sĩ vẽ trang trí trên vách tường
Nối nghiệp cha và anh trai, Sheikh Mohammed đưa ra kế sách phát triển Dubai thành một tiểu quốc không phụ thuộc dầu lửa trong tương lai. Ông lập khu vực tự do mậu dịch và miễn thuế, cho nước ngoài đầu tư và làm chủ tại Dubai nhưng có cách kiểm soát khá khôn ngoan. Những hãng nước ngoài muốn đầu tư bên ngoài khu vực này phải liên doanh với các hãng hay cá nhân địa phương và chỉ nắm được 49% cổ phần, tức quyền quyết định nằm trong tay của người hay tập đoàn Dubai. Nếu Việt Nam học được bài học này từ Dubai thì có lẽ những công ty và người Trung Quốc đã không lan tràn, ngạo ngược ở khắp các tỉnh thành Việt Nam khi lập những “cứ địa” riêng của mình bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam như hiện nay. Ông khuếch trương kỹ nghệ hàng không, xây và mở rộng các phi trường, đưa phi trường Dubai thành một trong những phi trường đông khách nhất thế giới như chúng tôi đã nhắc trong kỳ báo trước. Ông cho xây dựng những kỳ quan tân thời của thế giới như đảo cọ nhân tạo, xây tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới, xây Dubai Mall lớn nhất thế giới và đặc biệt là khách sạn “bảy sao” Burj Al Arab, được xem là “tháp Eiffel” của Dubai. Sheikh Mohammed muốn biến Dubai thành một trung tâm về kỹ nghệ, tài chánh, thương mại và du lịch của thế giới cho đến đầu thập niên tới qua kế hoạch Vision 2021.  Năm 2020 cũng là một cột mốc quan trọng cho Dubai khi đã thắng quyền tổ chức hội chợ thế giới. Không chỉ đang gấp rút chuẩn bị cho Expo 2020 mà Dubai còn đang xây dựng chung nhiều đại công trình khác. Các số liệu cho biết khoảng 20-25% số cần cẩu của thế giới đang hoạt động tại Dubai, nên đi đâu tôi cũng bắt gặp những cần cẩu vươn lên giữa trời cao. Thú thật là khi đọc chỉ riêng về những kỹ thuật xây dựng và bảo dưỡng các cao ốc chọc trời giữa sa mạc hay kỹ thuật lọc nước biển để cung cấp cho cả tiểu quốc này, tôi nghĩ cũng đủ tài liệu cho vài ba bài báo khác. Tất nhiên kỹ thuật và những cái “nhất thế giới” kia là nhờ vào bàn tay của phương Tây nhưng chúng chứng tỏ sự hùng mạnh và giàu có của Dubai, rất khác với cái “nhất thế giới” của những anh chàng ăn đong, vay mượn nhưng hợm mình của những nước nghèo. Kiểu như Việt Nam, mon men dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới, chẳng biết để làm gì và le lói được với ai?
Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ngày và đêm
Một ký giả BBC từng tháp tùng Quốc Vương Sheikh Mohammed kể rằng số điện thoại của ông được công bố đại chúng và người dân có thể gọi đến ông mỗi khi có chuyện. Không biết thật hư vì giá tìm được, tôi đã  gọi điện cho ông để bày tỏ sự thán phục của mình. Khi xem những thước phim tài liệu về Dubai trước lúc tôi sang đây, thấy người dân có vẻ kính mến ông thật sự. Gần gũi và chăm lo dân sinh với các chương trình phúc lợi và y tế, giáo dục cho người dân của mình, UAE hay Dubai nói riêng đã chẳng bị ảnh hưởng trong cuộc Cách Mạng Mùa Xuân lan tràn tại các nước Ả Rập vài năm trước. Không chỉ vậy, Dubai còn có tham vọng sẽ trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới, nên vài tháng trước, ông thành lập một Bộ Hạnh Phúc với hoạt động nhắm vào các mục tiêu như tương lai, tuổi trẻ, hạnh phúc và thăng tiến giáo dục. Một trong những câu nói nổi tiếng của Quốc Vương Sheikh Mohammed về chấp chính là, “Một nhà lãnh đạo giỏi là người biết tạo ra những lớp lãnh đạo khác chứ không phải gom hết về mình”.  Thể chế quân chủ, quyền lực thu gom vào tay mình ắt chẳng tránh khỏi độc tài, nhưng hiểu, nói và chăm lo cho dân chúng được như vậy, có lẽ những quốc gia đang phát triển cũng cần một minh vương như vậy.
Nhân viên một tập đoàn tài chính và đầu tư trong thương xá
Ông Vladimir Putin là một lãnh tụ có thói quen thích tạo ra những điều bất ngờ khó đoán trước trên chính trường quốc tế. Hôm Thứ Hai 14/3 tuần qua, một lần nữa, ông Putin lại gây ngạc nhiên sau khi tuyên bố rút một phần quan trọng lực lượng quân sự của Nga tại Syria, chỉ sáu tháng sau khi ông đưa quân vào tham chiến tại đây. Quyết định bất ngờ này đã làm cho chính quyền Obama và có lẽ cả thế giới tỏ ra bối rối không biết ông Putin đang toan tính chuyện gì.
Không quân Nga rút về từ Syria. Ảnh: EPA
 
Và chỉ một ngày sau đó, Thứ Ba 15/3, đúng ngày kỷ niệm 5 năm cuộc chiến tại Syria, một số chiến đấu cơ và phi cơ vận chuyển quân sự đã cất cánh từ căn cứ không quân Hmeimim tại Latakia trên đường trở về Nga. Trong khi đó cuộc hòa đàm về Syria cũng vừa được nhóm lại tại Geneva, Thụy Sĩ. Thông thường, khi những cuộc thương thuyết như trên đang diễn ra, những quốc gia tham dự luôn luôn muốn tiếng nói và ảnh hưởng của mình mạnh hơn trên bàn hội nghị và vì vậy, quyết định rút quân trong lúc này là điều không ai nghĩ có thể xảy ra.
Hòa đàm về Syria cũng vừa được nhóm lại tại Geneva, Thụy Sĩ – nguồn AFP
Theo một số phân tích gia, trong thời gian mấy tháng qua, ông Putin ngày càng tỏ ra thất vọng vì sự cứng đầu ương ngạnh của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, đã không chịu nhường bước tại cuộc hòa đàm. Quyết định rút quân của ông Putin có thể là lý do tạo áp lực buộc al-Assad phải nhượng bộ để hy vọng đạt được giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, ta cần hiểu rõ một số điều quan trọng về quyết định rút bớt quân của ông Putin. Trước hết, Nga không hoàn toàn rút hết lực lượng của họ. Vẫn tiếp tụp duy trì sự có mặt của họ tại căn cứ hải quân Tartus; vẫn còn một số chiến đấu cơ sẽ tiếp tục bay từ căn cứ không quân gần Latakia; khoảng 1,000 cố vấn quân sự và binh lính thuộc lực lượng đặc biệt còn đồn trú tại Syria; và hệ thống phòng không hiện đại S-400 mới vừa được thiết lập trong khu vực tây bắc của Syria cũng sẽ còn được để nguyên. Nếu như cuộc hòa đàm lần này thất bại, như đã từng thất bại trước đây, tình hình chiến sự sẽ leo thang rất nhanh và Nga vẫn có thể mang quân trở lại. Nhưng ngay vào lúc này, chính phủ Nga có thể cắt giảm chi phí cho những hoạt động quân sự của họ tại Syria khoảng $3 triệu mỗi ngày, trong khi vẫn duy trì được ảnh hưởng của họ tại bàn hội nghị.
Thứ đến, về lý do quyết định rút quân, ông Putin tuyên bố lực lượng quân sự của Nga “đã hoàn tất sứ mạng chính yếu của họ tại Syria.” Điều này có nghĩa là việc can thiệp của Nga để nhắm đánh trả và ngăn chặn lực lượng của nhóm khủng bố ISIS và củng cố chế độ độc tài Bashar al-Assad đã  đạt được thành công. Những cuộc không kích với khoảng 9,000 chuyến bay của chiến đấu cơ Nga kể từ Tháng 10 đã làm nghiêng cán cân quân sự về phía chính phủ al-Assad trong thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoygu, còn khoe rằng lực lượng quân sự Nga đã giúp chính phủ al-Assad lấy lại quyền kiểm soát hơn 400 thị trấn có dân cư và một khu vực lãnh thổ rộng 10,000 cây số vuông.
Syria vừa kỷ niệm đúng 5 năm cuộc chiến tàn khốc đã xảy ra tại đây, kéo theo sự tham dự của một số cường quốc trên thế giới và khích động sự trỗi dậy của những nhóm Hồi giáo cực đoan như tổ chức ISIS, mà ngay lúc ban đầu chỉ là một cuộc biểu tình hòa hoãn đòi hỏi cần có thay đổi chính trị. Cũng thế, những quốc gia gần đó như Libya và Yemen hiện nay vẫn đang bị kẹt trong những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.
Đây là một phần hậu quả của một loạt những cuộc nổi dậy của dân chúng trong khu vực có tên gọi mỹ miều là Mùa xuân Ả Rập. Cuộc cách mạng này khởi đầu với biết bao hy vọng là có thể mang đến một sự thay đổi chính trị cho đời sống của người dân trong khu vực và kết quả là sự hỗn loạn và chiến tranh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của quốc tế, trong đó một phần lớn trách nhiệm là do những quốc gia phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, đã bất nhất và không có một chính sách rõ rệt nào để giải quyết tình hình trong thời gian đầu khi cuộc cách mạng này xảy ra.
Trong một bài báo trên tờ The Atlantic, ký giả Jeffrey Goldberg nhận định: Tổng thống Obama có lần đã từng nói “Tôi không làm điều ngu xuẩn” – ý là trước khi làm một việc gì đó, nếu không nắm được phần thắng hay biết được trước kết quả ra sao thì không nên làm để không phạm lỗi lầm. Theo sự phân tích của các cố vấn, Hoa Kỳ không thể thắng được cuộc chiến ở Syria và do đó Obama đã án binh bất động trong một thời gian khá lâu. Việc án binh bất động này đã để lại những khoảng trống lớn tại Syria và tạo cơ hội cho những nhóm Hồi giáo cực đoan như ISIS trám vào những chỗ trống ấy. Goldberg kết luận: nhiều khi có những việc mình quyết định không làm gì cả vẫn có thể gây ra những lỗi lầm lớn.
Một phụ nữ Syria đi với đứa con của mình qua những tàn tích của Kobani sau khi các chiến binh Hồi giáo Nhà nước đã được đẩy ra khỏi thị trấn đầu năm nay. nguồn rferl.org
Tại những quốc gia khác, ví dụ như Ai Cập, những chế độ độc tài trở lại nắm quyền và trả thù những người dân nổi dậy, khép chặt lại quyền tự do hơn cả trước khi những cuộc biểu tình xảy ra.
Ở tại những quốc gia trên, ngoại trừ Tunisia, những nhóm ôn hòa chiếm ưu thế vào những ngày đầu của cuộc nổi dậy hiện đang bị bịt miệng, bị bỏ tù, bị bách hại hay phải lưu vong, hoặc bởi chính quyền nơi đó đang tìm cách trấn áp họ hoặc bởi những nhóm khủng bố quá khích đã trám vào những khoảng trống tạo ra khi chính quyền của quốc gia đó sụp đổ.
Không nơi đâu mà những hậu quả của thất bại từ Mùa xuân Ả Rập lại to lớn và sự thiệt hại quá cao cho bằng như ở Syria. Khoảng 300,000 người hoặc hơn đã thiệt mạng. Một nửa dân số nước này phải lưu lạc không nhà không cửa. Cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể nói là tệ hại nhất từ trước tới nay trên thế giới đã tràn ngập những quốc gia láng giềng và đưa tới một cuộc di dân ồ ạt chưa từng có vào Âu châu.
Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền tại Damascus, nhưng quốc gia này nay chỉ còn là đống vụn đổ nát. Tổ chức ISIS chiếm được một phần khá lớn lãnh thổ Syria và là trọng tâm của các cường quốc trên thế giới đang cố gắng ngăn chặn để thảm họa này không lan ra thêm nữa. Một số nhóm nổi dậy ôn hòa vẫn còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ, nhưng phần lãnh thổ này cũng đang ngày một teo nhỏ lại.
Nhìn ở góc độ chính trị, ta có thể nói, trong vụ Syria, ông Putin đã thắng ông Obama và những quốc gia phương Tây thêm một ván cờ nữa, ít ra là ngay trong lúc này. Như những vụ khủng hoảng trước đây – chiếm bán đảo Crimea và gây hấn tại khu vực phía đông Ukraine chẳng hạn – Tòa Bạch Ốc đã gặp nhiều bối rối vì không được chuẩn bị và không nắm rõ mục tiêu và ý đồ của ông Putin. Theo tờ Washington Post, ông Obama đã từng chế nhạo rằng Nga đem quân vào cuộc chiến Syria vào Tháng 9 năm ngoái sẽ chỉ gặp phải sa lầy, cũng như ông đã từng tuyên bố rằng việc sáp nhập Crimea cũng như vụ chiếm đóng vùng Donetsk (Ukraine) sẽ là tự chuốc lấy thất bại. Trong vụ Syria, cho đến nay, ông Putin đã gặt hái được khá nhiều thành công, và những thắng lợi của ông cũng đồng nghĩa là những mất mát quyền lợi của Hoa Kỳ và mục tiêu chính trị của ông Obama ở trong vùng.
Ngoài những mục tiêu đạt được ở Syria, ông Putin đã thành công trong việc tái lập lại vị trí của Nga như một cường quốc tại khu vực Trung Đông. Hoa Kỳ bắt buộc phải nhìn nhận Nga ngang tầm ảnh hưởng với mình trong cuộc thương thuyết ngưng bắn và một vòng đàm phán mới cho hòa bình Syria, cũng như phải chấp nhận một số điều kiện đưa ra từ phía ông Putin – trong đó không bắt buộc ông Assad phải từ chức trong một tương lai gần như đã đòi hỏi trước đây. Gỡ được cái nút thắt bị cô lập ngoại giao của Điện Kremlin sau vụ chiếm đóng Ukraine và tự đưa mình vào vị trí nhân vật chính trong việc định đoạt tương lai dòng người tị nạn Syria sẽ còn tiếp tục đổ vào Âu châu nữa hay không, hình như ông Putin đang có mưu đồ tìm sự ủng hộ của Liên Âu trong việc bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế lên chính phủ của ông từ mùa hè vừa qua.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng thỏa thuận ngưng bắn là cần thiết để cứu trợ cho hàng triệu người dân Syria, trong khi bạo loạn đã giảm bớt và những đoàn xe cứu trợ đã đến được những khu vực bị bao vây cô lập trong nhiều tháng qua. Nhưng sự thiệt hại về nhân mạng do hành động can thiệp của Nga cũng quá cao. Những tổ chức nhân quyền và những quan sát viên độc lập tố cáo Nga là đã cố tình nhắm đánh vào những khu vực bệnh viện cũng như kho chứa thực phẩm, và đã sử dụng bom chùm làm thiệt mạng nhiều trăm nếu không muốn nói nhiều ngàn người dân vô tội. Đến nay, Nga vẫn chưa phải trả bất cứ một giá nào cho những hành động tội ác này.
Việc Nga rút quân khỏi Syria có thật sự tiếp tục nữa hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Mặc dù Nga đã cho đưa về một số phi cơ quân sự và vũ khí, căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân gần Latakia của họ vẫn cho Moscow khả năng đưa quân trở lại, như ông Putin nói trong một cuộc họp báo là chỉ cần mấy giờ đồng hồ, một khi có những hành động quân sự nào chống lại Bashar al-Assad, một khách hàng lâu năm của họ. Hai năm trước, Nga tuyên bố rút quân đang đóng tại những khu vực biên giới với Ukraine, nhưng hóa ra sau đó chỉ là cuộc chuyển quân thông thường không hơn không kém.
Cuộc hòa đàm tại Geneva để giải quyết cuộc chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn. Trong khi các phe tham dự cuộc hòa đàm tiếp tục đối đầu nhau: Iran và Ả Rập Saudi vẫn đang ăn miếng trả miếng; xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurds ngày càng kịch liệt và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền al-Assad và các nhóm đối lập sẵn sàng chịu nhượng bộ. Nay Nga bất ngờ tuyên bố rút bớt quân ra khỏi Syria tạo thêm sự nghi ngờ về thiện chí của họ trong việc giải quyết hồ sơ Syria. Hy vọng cho một nền hòa bình tại Syria có thể nói là khá mong manh.
Đêm Dubai! Những tia nước phun cao thấp, múa nhảy theo giọng ca trầm ấm của Andrea Bocelli hay rộn ràng nhạc khúc Ả Rập, như điệu múa bụng của nàng vũ nữ Ả Rập đang uốn éo trong ánh đuốc bập bùng giữa màn đêm sa mạc. Để kết thúc loạt ký sự Dubai trên chuyên mục, mời bạn cùng chúng tôi chiêm ngưỡng dăm điều khác lạ hay làm vài điều có thể đem lại cho bạn những sự thú vị bất ngờ một khi quyết định sẽ sang xứ sở này trong một dịp nào đó. Tại sao không? Hãy đến, hãy vui và hãy dạo vang khúc nhạc.
Piano đặt giữa trời cho du khách chơi nhạc
Kỳ cuối
Dubai, Come and Play
Du lịch cá nhân hay mua tour theo đoàn có những điểm lợi hại khác nhau. Những người thích tìm hiểu, khám phá và đã quen ngao du đó đây thì thích hợp với việc tự mình sắp xếp chuyến đi , tiết kiệm chỉ đôi chút nhưng được toàn quyền quyết định nơi sẽ đến, việc sẽ làm, lại thêm chẳng phải phụ thuộc người khác hay mất thời gian chờ đợi những người luôn trễ nải, điều chắc chắn luôn xảy ra nếu phe mình đi với… phe ta. Đi theo tour là chọn lựa an toàn cho những người còn lại, chẳng phải lo nơi ăn ngủ, chỗ đi chơi, nhưng luôn vội vã, đi nhiều mà… chẳng biết bao nhiêu vì mục tiêu của các hãng du lịch là sắp xếp để du khách được… chụp hình nhiều nơi. Như vậy quyết định đi như thế nào là tùy bạn, nhưng Dubai chẳng phải là thành phố mà bạn sẽ chẳng biết xoay trở làm sao.
Phố vàng Dubai
Cũng vậy, nếu bạn chọn khu vực trung tâm, ngay biển hay đảo cọ nhân tạo, tất nhiên có tiện lợi nhưng giá cả đắt đỏ, lại chẳng nhìn được mặt khác của thành phố. Còn ra hướng phi trường hay bên bờ rạch Dubai khu Deira hay Bur Dubai thì giá cả rẻ hơn nhiều, vào trung tâm chỉ hơn mười phút taxi. Không kể hệ thống Metro của Dubai được xem là tân tiến nhất Trung Đông, taxi ở đây khá rẻ. Trung bình các điểm đến chỉ khoảng từ năm đến mười đô la, có đi xa lắm thì cũng chẳng hơn hai mươi đô la. Cũng có Uber nhưng tôi không xài thử,  vì bấm giá thấy chẳng chênh lệch bao nhiêu so với taxi. Muốn ghé nhiều nơi, bạn có thể mua vé  xe bus Hop on Hop off như tại các thành phố du lịch khác. Vậy là xong. Nơi ăn, chốn ở, phương tiện di chuyển tạm là vậy, bây giờ bạn sẽ đi những đâu và làm gì?
Dubai Fountain tại Dubai Mall
Đầu tiên hãy ghé souk – những khu chợ truyền thống của người dân Dubai, để ít nhiều biết thêm về sinh hoạt thường nhật của người bản địa, hoặc cũng có thể mua sắm dăm món hàng lưu niệm vì giá cả những nơi này bình dân hơn. Dubai cũng có những khu thương mại riêng biệt cho vàng bạc, hàng điện tử, thảo hương, mộc dược hay  chà là – là thức ăn đặc sản và mang tính tôn giáo của người Ả-Rập và Hồi Giáo nói chung, khi dùng ăn sáng trong mùa lễ Ramada hay ăn vặt uống trà. Khu Gold Souk – chợ vàng Dubai bên kia rạch Dubai, là một điểm đến nổi tiếng và thường nằm trong chương  trình đưa  khách du ngoạn của các công ty du lịch, là nơi bạn đừng bỏ qua. Cái “Phố Hàng Kim” này tập trung cũng vài trăm tiệm kim hoàn lớn nhỏ, được nhắc như là chợ vàng lớn nhất thế giới. Các số liệu cho biết số vàng trưng bày nơi đây luôn có hơn mười tấn vàng và khoảng 20% lượng vàng thế giới đến hay đi qua đây. Vàng thỏi, vàng trang sức sáng chói, muốn mua món đồ khoảng vài lượng đến vài chục lượng vàng ròng cũng có đủ. Nghe bảo vàng ở đây khá rẻ và chính phủ kiểm soát chợ vàng rất chặt chẽ nên người mua không sợ mua nhầm vàng giả, chỉ có điều phải trả giá. Đồ trang sức không chỉ phụ thuộc vào cân lượng mà còn tùy vào sự tinh xảo của món đồ, biết giá nào để trả, mà mua. Muốn mua thì nhắm giá mà trả, có khi bớt xuống vài chục phần trăm. Vòng đeo cổ chẳng biết nặng nhẹ, nghe các bà dạm hỏi và người bán hàng nói giá gần sáu ngàn đô la. Đeo vòng này không biết có đẹp không, chứ không gãy cổ thì cũng sụm lưng… chồng.  Du khách đến Dubai nghe tiếng mà ghé khu chợ vàng đông như trẩy hội, phần lớn để ngắm và chụp hình. Có điều lạ, nhìn quanh chỉ thấy vàng và vàng, vậy mà cửa mở khơi khơi và không hề thấy có bóng dáng cảnh sát hay nhân viên bảo vệ trước các tiệm kim hoàn. Chợ vàng mở đến mười giờ đêm, nghe bảo ban đêm dạo chơi chợ vàng cũng lung linh lại mát mẻ.
Dubai Miracle Garden
Hết vàng đến hoa, bạn có đến Dubai từ tháng Mười đến tháng Tư thì Dubai Miracle Garden, một vườn hoa kỳ ảo như tên gọi là nơi phải đến. Chỉ khánh thành khoảng ba năm trở lại, vườn hoa này lớn và đẹp nhất thế giới theo đánh giá, là nơi mà khi bước vào, bạn sẽ thốt lên tiếng “wow!” đầu tiên. Phụ nữ thích nữ trang và hoa, còn đàn ông thì thích… phụ nữ, nên đến những nơi này thì số lượng nam nữ xem như đồng đều, mỗi “phe” đều có cái để… ngắm. Thật ra nơi vườn hoa này chẳng có những kỳ hoa dị thảo gì, chỉ đơn giản là du khách sẽ lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một rừng hoa được thiết kế và kiến tạo từ vài chục triệu cây hoa và cây cảnh tuyệt đẹp, rực rỡ  theo những hình dạng bắt mắt khác nhau. Theo số liệu thì chính xác là 45 triệu cây hoa được tỉa trồng. Những bức tường hoa, những mái vòm, những trái tim khổng lồ, những hình chim thú, những ngôi nhà hoa, những dặm đường hay thảm hoa… trở thành một bức tranh thiên nhiên muôn sắc hút hồn du khách. Với tôi, không chỉ đẹp mà việc giữ được hoa cỏ và cây xanh giữa sa mạc quả là điều bội phần kỳ công. Vì ngay cả đường sá, xa lộ của Dubai cũng trồng đầy hoa ven đường. Những tài xế taxi bảo tôi rằng, hoa héo lại được nhổ bỏ, trồng hoa mới xuống. Có khi thay hoa mỗi vài ba tuần, tùy theo khí hậu trong năm, để lúc nào thành phố cũng rực rỡ hoa tươi. Dubai lọc nước biển để cung cấp nước uống cho người dân, rồi lại tái chế nước thải để tưới hoa cỏ, cây xanh hay dùng cho canh nông. Con số hơn hai tỉ lít nước biển được lọc thành nước sạch mỗi ngày chỉ tại riêng một nhà máy lọc nước biển của Dubai, quả là một con số đáng kinh ngạc và ngưỡng mộ.
BigBus Tour
Một điểm đến khác mà du khách ắt chẳng bỏ qua là Dubai Mall. Không chỉ vì danh tiếng của nó mà nơi đây là khu vực tập trung nhiều thứ đáng thưởng lãm. Như hồ phun nước nhạc Dubai Fountain, ngay sau Dubai Mall vậy. Được thiết kế tương tự và do cùng một hãng đã thiết kế vòi phun nước nhạc trước khách sạn Bellagio tại Las Vegas, Dubai chỉ muốn thêm vào cụm từ “lớn nhất thế giới” cho vòi phun nước nhạc có thể bắn cao lên đến hơn 40 tầng lầu giữa hàng triệu bóng đèn lung linh, du dương theo tiếng nhạc. Cứ mỗi ba mươi phút, từ 6 giờ chiều đến 11 giờ khuya hàng đêm, mỗi lần nước phun lại thấy đông nghẹt người xem. Sát ngay bờ hồ của Dubai Fountain là tháp Burj Khalifa, “chiếc cột chống trời” Dubai, lại với danh hiệu “cao nhất thế giới” và hàng chục kỷ lục thế giới khác. Chiều cao hơn 800 mét, cao gấp đôi Sears Tower, tức Willis Tower tại Chicago một thời lừng lẫy, thì mấy anh Châu Á có chơi trội, muốn xây cao hơn ắt cũng khó lòng bắt kịp (nhưng nghe bảo “đàn anh” dầu lửa Ả-Rập Saudi cũng đang xây dở dang tháp cao hơn một cây số, sẽ giữ kỷ lục cao nhất này một khi khánh thành).  Kể cũng lạ, đứng dưới đất xem nước phun và nghe nhạc miễn phí không muốn, lại bỏ vài chục đô la để lên chót vót trên cao rồi… nhìn xuống đất. Biết là vậy, nhưng chúng tôi cũng chẳng là ngoại lệ.
Ski Dubai, trượt tuyết giữa sa mạc  
Mức độ thích thú của trẻ nhỏ có giới hạn trước những chuyện cao to hay lớn “nhất thế giới”, nên có con nhỏ, hãy dắt các em đến Mall of the Emirates, nơi có Ski Dubai và nhiều khu trò chơi cho trẻ em. Trượt tuyết nhân tạo trong mái che ắt chẳng thể bằng trượt tuyết giữa thiên nhiên nhưng chẳng mấy trẻ nhỏ nào không phấn khích khi vào Ski Dubai, khu trượt tuyết trong nhà nổi tiếng và  (lại) lớn nhất thế giới này. Có sẵn đồ và dụng cụ cho mướn được bao luôn trong vé vào cửa, trẻ em (và cả người lớn) được học cách trượt tuyết nếu chưa từng chơi qua. Thêm nữa, một đêm du ngoạn ra sa mạc cho trẻ em vọc cát, cưỡi lạc đà, vẽ henna, đùa với chim ưng trong khi người lớn ngắm hoàng hôn rồi ăn tối, nghe nhạc Ả Rập giữa sa mạc cũng là một kỷ niệm đáng nhớ cho du khách lớn nhỏ. Nghe bảo còn có khu World Village, khu làng quốc tế cũng đem lại nhiều thích thú cho trẻ em nhưng chúng tôi không đủ thời gian để ghé đến.
Hướng dẫn trượt tuyết
Còn khá nhiều điểm đến, nhiều điều có thể làm khác tại Dubai mà trong khuôn khổ bài báo, tôi chỉ kể cho bạn dăm điểm chính chẳng thể bỏ qua và vì cũng đã đến… giờ ăn. Ăn gì, ăn ở đâu và  ăn mắc rẻ cũng là điều mà những du khách thường muốn biết mỗi khi du lịch một nơi chốn lạ.  Nói chung, bạn đã đến San Francisco hay New York thì thức ăn và  giá cả tại Dubai ắt chẳng đắt hơn. Nhưng muốn thốt thêm một tiếng “wow” khác cho chuyến đi, mời bạn vào khách sạn “bảy sao” Burj Al Arab ăn bữa ăn cho khác lạ đôi chút. Đây là khách sạn cánh buồm danh tiếng do hoàng tộc Dubai làm chủ. Du khách thông thường chỉ vòng bìa mé biển chụp hình, ngoại trừ có khả năng trả đôi ba ngàn một đêm để ở.  Không ở mà muốn vào thì phải đặt bàn tại một trong những nhà hàng sang trọng của nó. A! Ra vậy. Vào trang mạng của khách sạn mà chọn nhà hàng và đặt bàn trước khi sang. Uống trà ăn bánh ngọt thì khoảng trăm đô một người. Thêm khoảng  năm chục nữa thì vào nhà hàng buffet, tiện lợi cho gia đình có con nhỏ. Vậy là đặt bàn. Truyền thống của khách sạn này là mỗi khi có khách nổi tiếng ghé đến, pháo hoa sẽ được đốt lên tưng bừng chào đón. Đưa giấy đặt bàn cho an ninh phía bên này đầu cầu, xe chúng tôi vừa lên cầu đã thấy pháo hoa nổ tưng bừng. Tất nhiên là đón chào nhân vật nổi tiếng nào đó ở … xe chạy phía trước. Thoạt đầu tôi cũng nghĩ rằng, ăn chỉ là cái cớ để có dịp tận mắt vào chiêm ngưỡng khách sạn này, nhưng té ra sau khi ăn thì cảm thấy quả đáng tiếc nếu đã không vào. Nghe “buffet” có vẻ… rẻ rúng nhưng nhà hàng Junsui mà chúng tôi chọn quả là nhà hàng Châu Á đặc biệt nhất mà tôi đã từng ăn qua. Hãy nghĩ đến một nhà hàng có đến 40 đầu bếp thượng thặng được tuyển mộ từ khắp Châu Á sang để chế biến và trang trí hàng trăm món ăn Châu Á, vừa ngon miệng lại đẹp mắt tại cả chục bếp ăn, lại thêm những trái cây tươi nhiệt đới tráng miệng như măng cụt, chôm chôm, thanh long… thì cũng đáng thử. Luật Dubai không phạt những du khách chỉ ăn fast-food hay mì gói khi sang đây, nhưng một khi đã sang Dubai, bạn đừng bỏ dịp vào dù có hơi đắt tiền. Tôi nghĩ bạn sẽ không thất vọng.
Đầu bếp Thái Lan nướng thịt tại nhà hàng Junsui
Vài tiếng “wow” cũng đã đủ cho một chuyến đi nào đó. Thôi tạm biệt Dubai, nơi ít nhiều có thể mang cho bạn dăm phút giây thán ngạc, để rồi sẽ còn lưu giữ lâu dài những hình ảnh đặc sắc và riêng biệt của nó. Nhưng thú thật, tôi chỉ kể dăm cảm nhận của riêng mình. Còn bạn, hãy cứ tự mình đến và cảm nhận theo cách của mình. C’mon! Come and Play. Why not?
“Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ” (TCS).  Và đừng quên nghĩ về lý do tại sao Dubai lại có sự phát triển thần kỳ như vậy.
Cưỡi lạc đà giữa sa mạc


Không có nhận xét nào: