Vườn hoa Hanakairo xứ sở vùng Tottori (Nhật Bản) nằm giữa hai thị trấn bé nhỏ và êm đềm có tên Kruku-cho và Nanbu-cho, bên dãy núi Oyama và gần ngọn Dai sen, đang choàng áo khoác đỏ màu lá phong và màu vàng của lá ngân hạnh.
Vườn hoa Hanakairo có một mái vòm giống như cái chảo kính khổng lồ úp nghiêng xuống vườn.
Xa xa là những con đường nhỏ như lạc vào rừng cổ tích của câu chuyện về nàng Bạch Tuyết và du khách cứ nhỏ bé như những chú lùn giữa thiên nhiên rộng lớn.
Người Nhật Bản có tuổi thọ rất cao. Người 80 tuổi vẫn tự đi xe đẩy và mua vé tàu điện Torokko đi dạo một vòng vườn hoa, và có thể nhìn thấy mặt trời nhô lên ở núi Dai sen như chiếc nón trắng khi mùa đông phủ tuyết. Bên cạnh những vườn hoa xác pháo đỏ rực, đỏ chín hơn màu đỏ lá phong.
Nhưng người vùng Tottori quen với bốn mùa thay áo của hoa trong vườn và họ dành rất nhiều thời gian tắm nắng và ngắm hoa. Người Nhật thì luôn luôn nhường nhịn và tránh đường cho người khác đi trước. Cách xử sự của họ lặng lẽ và an nhiên. Nhưng nếu ai đó cần giúp đỡ họ sẵn lòng ngay.
Tôi đi du lịch một mình, nên thấy cảnh đẹp gặp người Nhật, vẫn phải “nói bằng tay” nhờ ông hay bà chụp ảnh kỷ niệm giúp. Họ, dù là người quét lá hay đang sửa chữa đèn, sẵn lòng bỏ đồ nghề xuống, tháo găng tay và chụp ảnh giúp. Tàu điện Torokko có tiếng chuông rất giống tàu điện ở bờ hồ, từ Hồ Gươm lên Bưởi, xuống Mơ của Hà Nội những thập niên xưa.
Cảm giác nhớ nước Việt ở Nhật lại bắt nguồn từ tiếng leng keng tàu điện. Tiếng chuông rung vào ký ức, không năm tháng. Rung vào nỗi nhớ nhà, khơi dậy giữa thảm hoa đẹp; và thật khác biệt, nơi đây khi có nắng đẹp, bạn nhìn rõ ngọn núi Dai sen như chiếc nón tuyết đầy nắng, choàng lên vai núi chiếc áo đỏ màu lá phong. Mùa hoa anh đào trải thảm dưới mùa xuân và mùa thu thì đủ hoa vàng và hoa hồng tím, hoa hồng nhung nở níu chân ta.
Ở cổng vườn hoa có bán những loại táo và lê, đồ gốm Nhật được làm bằng tay; kỹ và tinh xảo, nhưng rất đắt ở sự tinh xảo ấy. Các loại rau cũng bán ở đây, rau ở Nhật rất đắt, nhưng thịt thì rẻ, có thể tha hồ ăn thịt bò trong thực đơn món nướng. Người Nhật vốn ăn rất ít, bát nhỏ, họ ăn tinh và kỹ.
Buổi tối họ đi tắm onsen. Họ không tắm vòi sen mà hay tắm bồn, tắm nước khoáng và ngâm nước khoáng. Bồn tắm ở ngoài trời có nhiều hoa hồng trải trên mặt nước. Những ngọn núi lửa đã đem lại nguồn nước khoáng nóng, và họ rất biết chăm sóc cho chính bản thân mình. Bởi vậy, tuổi thọ của người dân quanh vùng thường từ 80 - 90 tuổi là thường.
Người Nhật khác người Việt là rất ít tiếp khách ở nhà, phần lớn họ gặp bạn bè, hẹn hò, nhắn tin xong đều mời nhau ra quán. Người Nhật lại rất coi trọng nhà vệ sinh, vào mùa đông lạnh, cái bệ ngồi luôn ấm và có nước chảy, có nhạc nghe rất êm dịu. Phòng ngủ cũng được chăm sóc như nhà bếp. Không gian sạch như không hề có một hạt bụi đường. Bếp của họ cũng luôn luôn ngăn nắp. Đó là không gian nhà riêng. Sự khác của người Nhật nữa là nhà nhỏ, sống trong không gian nhỏ, không hề đua “chuồng cọp” ra như nhà tập thể của Việt Nam.
Ngoài hoa hồng, hoa cúc, hoa xác pháo, hoa xô thơm, hoa anh đào Nhật Bản nhìn hao hao giống đào phai ở Việt Nam. Nhưng hoa hồng, hoa cúc, hoa xác pháo ở xứ sở đất nước mặt trời mọc, nơi thờ Thần mặt trời lại có vẻ gì đó khác ta, khác ở những nét văn hóa dung dị mà trân quý chăng? Bạn luôn trân trọng giữ gìn từng giọt nước, từng bông hoa mà thiên nhiên ưu đãi.
Bỗng ngẫm, mình nghèo mà hoang phí, cảnh đẹp non sông chưa biết cách khai thác, giữ gìn. Bởi thế, mỗi ngày ta đi ra thế giới là để nhìn lại chính mình. Ngay như ở đây, tôi cứ tự hỏi, biết bao giờ mới theo kịp bạn, khi dừng chân ở vườn hoa Hanakairo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét