Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Tắm sento ở Nhật Bản - không đơn giản chỉ cần khỏa thân

Nhiều du khách e ngại khi khỏa thân tắm ở nơi công cộng, nhưng thực tế khi bước vào các sento, không ai để ý đến cơ thể của bạn.


Việc tắm khỏa thân ở nơi công cộng không phải là nét văn hóa mà nhiều du khách có thể thích ứng ngay khi tới Nhật Bản. Nhiều du khách thừa nhận, họ rất lúng túng khi trên người không có mảnh vải che thân và bước vào phòng tắm chung với người xa lạ.
tam-sento-o-nhat-ban-khong-don-gian-chi-can-khoa-than
Bên ngoài các sento thường có máy bán hàng tự động, mọi người đến có thể mua nước uống. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, tắm sento (các nhà tắm công cộng) lại là một hình thức thư giãn rất được yêu thích sau những ngày làm việc mệt mỏi. Họ đến đây không chỉ đơn giản là cởi đồ và xuống nước mà còn có nhiều công đoạn khác.
Trước tiên, bạn phải vào đúng phòng dành cho mình. Các nhà tắm công cộng ở Nhật Bản thường chia làm hai khu nam - nữ, nhưng vị trí đặt cạnh nhau. 
tam-sento-o-nhat-ban-khong-don-gian-chi-can-khoa-than-1
Bạn cũng không nên chạy trong phòng tắm, không mang theo khăn hay quần áo vào trong bồn tắm chung, dù là bikini. Ảnh: CNN.
Khi vào đúng khu vực, bạn cần phải cởi toàn bộ quần áo và tắm gội ở "trên bờ" trước khi xuống bể bơi. Khi tắm, bạn nên ngồi xuống ghế để tránh làm bắn nước sang người bên cạnh. 
Phụ nữ tóc dài nên buộc tóc gọn gàng để tránh tóc rơi rụng xuống làm bẩn nước trong bồn ngâm. Nếu đi theo nhóm, bạn nên tránh nói chuyện, cười đùa ồn ào làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Và điều bạn cần nhớ nhất chính là đừng quá e ngại hay lo sợ về hình thể của mình khi khỏa thân. Vì vào các sento, không mấy ai để ý hay nhòm ngó cơ thể bạn. Ai cũng có việc riêng để làm.
tam-sento-o-nhat-ban-khong-don-gian-chi-can-khoa-than-2
Các sento không có ngày nghỉ cố định nhưng hầu hết đều đóng cửa một ngày trong tuần. Thời gian mở, đóng cửa sẽ được từng sento ghi bên ngoài cửa chính. Ảnh: OffbeatJapan.
Phần lớn sento ở Nhật e ngại và không chào đón các khách hàng có hình xăm vào tắm. Một số nơi thậm chí còn cấm, do nhiều người Nhật vẫn giữ quan điểm xăm mình thuộc tầng lớp xã hội đen. 
Theo quy định của hiệp hội Sento Tokyo, giá vào cửa phòng tắm công cộng là 460 yên (hơn 90.000 đồng) đối với bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em phải mua vé vào cửa với giá 180 yên (36.000 đồng) và dưới 5 tuổi sẽ có mức giá là 80 yên (16.000 đồng).
Nước tắm ở sento không phải lúc nào cũng trong vắt. Nhiều sento cũ ở Tokyo dùng nước được bơm lên từ dưới sâu mặt đất, nên sẽ có màu sắc tự nhiên là vàng hoặc đen, tùy từng khu vực. Một số nơi có nước ánh đỏ hay các đốm nhỏ màu đen. Bạn không cần quá lo ngại về màu nước này, vì đây toàn là nước sạch và có chứa khoáng chất tốt cho da.
Với hầu hết người Nhật, sento gợi họ nhớ về những ngày xưa, khi nhà cửa được xây mà chưa có phòng tắm riêng. Vì vậy, mọi người thường kéo nhau đến các nhà tắm công cộng ở địa phương để tắm gội, ngâm mình trong các bể nước nóng.
Theo CNN, đến ngày 1/9/1923, Tokyo có tất cả 2.800 sento. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, nơi đây trải qua một trận động đất kinh hoàng và chỉ khoảng 400 nhà tắm công cộng "sóng sót".
Ngày nay, con số này đã lên đến 1.200 quanh khu vực thủ đô Nhật Bản và 7.000 khắp nước.
Một số sento được CNN đánh giá cao và gợi ý cho du khách khi đến Nhật Bản là Takara-yu, Daikoku-yu (nơi này thường xuất hiện trong các chương trình truyền hình quốc gia), Rokuryu Kosen (nước ở đây có màu hổ phách, rất tốt cho da)...

Anh Minh

Không có nhận xét nào: