(Dân trí) - Đến thăm trung tâm làng nghề truyền thống ngay tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, nơi tổ chức các lớp học giới thiệu về nghệ thuật Batik, là dịp để du khách tìm hiểu về môn nghệ thuật độc đáo này.
Đến thăm trung tâm làng nghề truyền thống cách trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia không xa, đón tiếp đoàn chúng tôi là nụ cười thân thiện của nhân viên và những nghệ nhân đang làm việc tại đây.
Trung tâm làng nghề truyền thống ở thủ đô Kuala Lumpur
Batik là tấm vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Nghệ thuật Batik xuất hiện từ hơn 2500 năm về trước ở vùng Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia là nơi mà nghệ thuật này đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, nếu như Batik ở Indonesia chỉ mang một số mẫu mã nhất định như hình chim muông, mặt trời, thì Batik của Malaysia lại có ưu thế cạnh tranh quốc tế do chúng sáng màu, nhiều mẫu mã linh hoạt hơn.
Chị Siwok, nghệ nhân Batik hướng dẫn cách vẽ cho các học viên
Mỗi học viên được phát khung vải đã vẽ sẵn các họa tiết và tự phối màu theo ý thích
Để có được món thành phẩm hoàn chỉnh cũng cần lắm công phu. Trước tiên, người thợ thủ công can hoa văn lên tấm vải. Họ dùng chiếc muôi chuyên dụng – món đồ có thể làm bằng ngà voi hoặc kim loại, múc trực tiếp sáp ong được nung nóng, rồi khéo léo dùng đầu nhọn của muôi như đầu bút, đưa sáp chảy theo vệt hoa văn. Thông thường, người ta sẽ dùng loại vải cotton màu trắng. Với những người chưa thạo nghề, họ sẽ vẽ trước lên nền vải bằng bút chì, rồi tô lại sáp ong trên nền đó. Những vị trí bôi sáp ong sẽ không bị nhuốm màu, tạo nên hoa văn trắng.
Các món dụng cụ cơ bản để tô màu
Những bức vẽ tô màu hoàn chỉnh theo họa tiết Batik
Phần gia công đã xong, bước tiếp theo, người thợ sẽ tô màu lên nền vải. Tấm vải trắng được phủ bằng họa tiết hoa văn với nhiều gam màu đa sắc, để khô trong vài tiếng để giữ màu. Sau cùng, người thợ sẽ luộc những tấm vải Batik với mục đích làm các đường nét sáp ong trên vải biến mất, chỉ để lại phần hoa văn với màu sắc như ban đầu. Một tấm vải Batik như vậy có ứng dụng rất cao. Ngoài việc sử dụng để cắt may trang phục, làm túi ví, hay đơn giản biến chúng thành bức tranh Batik treo tường.
Các học viên hào hứng chia sẻ tác phẩm của mình
Một lớp học vẽ Batik của trung tâm có sức chứa tối đa lên tới 400 học viên. Vào ngày cao điểm, trung tâm có thể đón tới 600 khách tới thăm quan và tham gia buổi học tại chỗ. Thông thường, với khách đi theo đoàn thường sẽ chủ động đăng ký trước với trung tâm. Nếu chỉ tham quan đơn thuần, du khách sẽ không mất phí vào cửa. Nhưng muốn trải nghiệm lớp học vẽ Batik, mức phí vào khoảng 15 ringit/ người (khoảng 75 nghìn đồng).
Chị Siwok, nghệ nhân Batik làm việc tại trung tâm làng nghề truyền thống từ năm 1997, đồng thời là giáo viên đứng lớp trong buổi học, vui vẻ chia sẻ: “Tôi học vẽ Batik trong suốt 3 năm và cũng là người đầu tiên trong gia đình theo đuổi môn nghệ thuật này. Batik mang lại cho tôi mức thu nhập khá và cuộc sống ổn định”.
Lê Huyền, một du khách đến từ Hà Nội, hào hứng chia sẻ tác phẩm của mình sau hơn 15 phút tô vẽ. Cô cho biết: “Tôi nghĩ đây là một trải nghiệm rất thú vị dành cho giới trẻ, đặc biệt với những bạn mê nét văn hóa truyền thống của Malaysia. Với một bức Batik được phác họa sẵn các họa tiết, bạn chỉ việc ngồi phối màu sao cho hài hòa và phù hợp với sở thích bản thân. Đặc biệt, bạn có thể mang bức tranh về nhà để giữ làm kỷ niệm. Nếu có cơ hội lần nữa, tôi vẫn sẽ tiếp tục tham dự lớp học này”.
Ngoài việc tìm hiểu, trải nghiệm về nghệ thuật Batik, xuyên suốt trong khuôn viên trung tâm còn là nơi trưng bày giới thiệu nhiều nghệ thuật truyền thống khác của Malaysia như dệt vải songket, điêu khắc gỗ, khu bán sản phẩm với mức giá hợp lý…
Các quầy hàng bán nhiều món đồ thủ công truyền thống của Malaysia
Nghệ nhân điêu khắc gỗ
Quầy hàng bán các món đồ ứng dụng từ vải Batik như quần áo, khăn vải, túi ví và nhiều loại phụ kiện phong phú
Nghệ nhân dệt vải Songket - một loại vải dệt thủ công bằng sợi chỉ đan xen chỉ vàng, chỉ bạc, tạo thành tấm vải kim tuyến có mẫu mã cầu kỳ
Bài và ảnh:
Việt Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét