Chú thích trước lý do chi phí chuyến đi của mình rất thấp:
-Chi phí này của mình không bao gồm tiền khách sạn, vì mình ở nhờ nhà bạn là du học sinh. Còn nếu các bạn book phòng dorm hay khách sạn thì cũng chỉ tầm 400-800k/ngày (ngay cả cái dorm 400k/ngày nhìn cũng đã đẹp rồi).
-Mình không tốn phí làm visa (50$). Xem phần 1 để biết bạn có thuộc diện được miễn số tiền này không nhé.
-Mình thích lang thang và khám phá dọc đường từ những điều nhỏ bé và tự nhiên, chứ không đặt nặng chuyện phải theo lịch trình định sẵn, đến cho kỳ được một địa danh xa xỉ nào đó chỉ để cho biết (tất nhiên một số nơi nổi tiếng nhưng mình thích thì mình vẫn đi).
1.Cách đi
-Mình mua vé máy bay Vietjet, bay thẳng đến Taipei trong khoảng 3h. Vé khứ hồi đặt trước 5 tháng là 2tr7, nhưng bạn mình nói mua sớm hay không thì cũng khoảng tầm đó hoặc nhỉnh hơn một chút thôi.
-Bạn nên đổi tiền Việt ra tiền tệ Đài Loan vì ở đây không dùng đô Mỹ. Múi giờ sau VN 1h.
A. Diện ưu tiên
-Đi Đài Loan cần có visa. Bạn nên tham khảo chính sách, quy định trên web của Lãnh sự quán (LSQ) bất kỳ nước nào trước khi lên kế hoạch, vì tùy thời điểm mà một số nước sẽ nới lỏng quy định cho khách du lịch.
Từ ngày 1/9/2016, Đài Loan nới lỏng quy định, theo đó những người chưa từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và có visa trong thời hạn còn hiệu lực của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Úc, New Zealand và visa Schengen châu Âu (bao gồm cả thẻ định cư) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh Đài Loan lưu trú trong thời gian 30 ngày (với điều kiện phải đăng ký trên mạng để được xét duyệt, sau khi được chấp thuận mới có thể làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh Đài Loan). Thông báo chính thức của LSQ tại
đây.
Trường hợp của mình lọt vào diện này (vì mình có visa Úc còn hạn) nên thủ tục của mình cực kỳ đơn giản: ngồi nhà vào trang chủ của LSQ, điền thông tin vào phom (trong đó mục số visa của 1 trong số các nước trên - là số có dán ngay trên hộ chiếu). Sau đó hệ thống sẽ trả lời ngay, mình được approve và in ra tờ giấy đó, cùng với hộ chiếu và vé máy bay 2 chiều, cứ thế ra sân bay, không cần thêm bất cứ giấy tờ gì khác, không cần đến LSQ, không cần đóng 50$ luôn.
B.Trong trường hợp bạn không nằm trong diện trên thì cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Hộ chiếu bản gốc và 1 bản photo (hộ chiếu phải còn hiệu lực trên 6 tháng).
- 1 bản mẫu đơn xin visa được kê khai đầy đủ và ký tên theo quy định và đăng ký visa trực tuyến, kèm 2 tấm ảnh 4×6 hình màu nền trắng chụp trong 6 tháng gần nhất.
- Hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc nhé bản chính và bản photo kèm giấy nghỉ phép đi du lịch do đại diện có thẩm quyền của công ty nơi bạn đang làm việc ký tên, đóng mộc xác nhận. (Nếu không có, có thể nhờ dịch vụ làm)
- Bản sao sổ tiết kiệm ngân hàng (cần mang theo bản chính để cơ quan lãnh sự đối chiếu). Giá trị tài sản ít nhất 60 triệu đồng. (Nếu không có có thể nhờ dịch vụ làm, chỉ mất 600k thôi)
Thủ tục: Sau khi điều mẫu đơn và đăng ký visa trực tuyến, mang hồ sơ bao gồm cả đơn đăng ký in từ trên website, có kèm mã vạch, đến đóng 50$ và làm thủ tục tại Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội hoặc TP. HCM
2. Di chuyển
Đi lại: chủ yếu dùng tàu điện ngầm (MRT). Bạn mua thẻ ở quầy Passenger Service ngay trong MRT, thẻ này rất tiện lợi và rẻ, còn có thể dùng để trả tiền xe bus và cả xe đạp công công có ở khắp nơi. Nếu thẻ hết tiền có thể nạp tiếp tại quầy đó luôn hoặc máy tự động trong MRT hoặc tại 7-Eleven đều được.
Riêng bus từ sân bay thì phải mua vé trong quầy và xếp hàng chờ đến lượt ra xe, (vali được cất trong khoang bên dưới xe) chiều ngược lại cũng vậy, nhưng xe bus đi lại trong thành phố thì chỉ cần đứng ngay trạm bắt xe như bình thường là được. Khi gần đến chỗ bạn muốn dừng thì ấn nút có ở mỗi hàng ghế (kể cả hàng đứng), xe sẽ dừng ở trạm kế tiếp. Ngoài ra những thôn, làng quá xa, không có trong bản đồ MRT thì khi lên xe bạn sẽ được phát thẻ, nhớ giữ lại thẻ đó vì phải đưa lại cho tài xế.
Internet: wifi free có ở tất cả các ga MRT và nhiều nơi công cộng khác. Một số có cài pass, bạn phải có sim card Đài Loan mới đăng nhập sử dụng được. Mình không cần gọi nhiều, chủ yếu nhắn tin, gọi bằng facebook nên không mua sim luôn, bạn mình ở Đài Loan thậm chí cũng không dùng sim!
3. Hành trình và ăn uống
Trong hành trình của mình, chỉ có 3 nơi nổi tiếng mà mình rất thích là làng cổ Jiufen, suối nước nóng Xin Beitou và Cultural Creative Arts Park ngoài ra, lang thang là chính.
Không như cám cảnh mà nhiều người hình dung về đất nước này qua chuyện "lấy chồng Đài Loan", đây là một nơi yên bình, thoáng đãng, người dân chân phương, tốt bụng, phù hợp với những chuyến nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa nhẹ nhàng.
Trước khi đi, bạn mình có nói "Nếu chưa đủ điều kiện đi Nhật thì nên đi Đài Loan". Thật chẳng sai vì Đài Loan từng là thuộc địa của Nhật gần 60 năm nên có thể nói Đài Loan khá giống Nhật. Bạn có thể bắt gặp kiến trúc và cách bài trí đậm phong cách Nhật Bản tại rất nhiều nơi, thậm chí có nhiều ngôi nhà giữa lòng thành phố còn giữ được kiến trúc kiểu vườn zen mini rất thanh cảnh, làm dịu lòng người và tuyệt nhiên cực kỳ yên tĩnh. Quanh các trường đại học có nhiều quán cafe đẹp, cửa hàng lưu niệm bày bán cực nhiều những món đồ rất lạ mắt và thú vị. Ngay cả cửa hàng tiện lợi ở Đài Loan cũng chất lượng hơn hẳn, đồ ăn như cơm, mì... có nhiều món khác nhau, khá nhiều và khá ngon chỉ với giá vài chục tệ.
Ngay ngày đầu sau khi tới nhà bạn để vali là bọn mình đã đi... leo núi voi (Elephent Mountain) ngay. Núi tuy cao nhưng lên đến đỉnh có thể nhìn bao quát toàn thành phố, kể cả tòa nhà cao nhất Đài Loan.
Điểm đến mình thích nhất trong chuyến đi này chắc chắn là làng cổ Jiufen. Để đến đây phải đi bus hơn 1h, xe leo lên ngọn đồi lắt léo mà bạn có thể thấy ánh đèn đỏ từ xa xa. Nguyên cái làng cổ nằm trong... 2 con hẻm nhỏ song song khác biệt hoàn toàn so với ngoài đường chính, sẽ làm bạn ngỡ ngàng ngay lần đầu bước chân vào. Trong đó, mỗi ngã rẽ lại chia thành nhiều lối nhỏ, dắt lên xuống những bậc thang dẫn đến các cửa hàng đồ lưu niệm, các mặt hàng truyền thống, quán ăn uống, trà bánh khắp nơi.
Đường vào làng cổ
Có cả một cửa hàng chuyên bán mèo cầu tài, cả tiệm toàn mèo là mèo. Một chỗ để ăn mặc hóa trang thành người thời xưa và chụp ảnh lưu niệm. Vài quán cafe trên cao nhìn xuống dưới đồi. Trời mưa nhỏ và gió lớn nhưng Jiufen vẫn rất đông khách du lịch, dù vậy khung cảnh cổ xưa với nhà gỗ, mái ngói và lồng đèn đỏ giăng khắp nơi vẫn dễ dàng đốn tim bất cứ ai yêu vẻ đẹp hoài cổ hay nếp sống bình yên, cách xa thành thị.
"Soái ca" trong tiệm màn thầu nghi ngút khói
Một loại nấm cực to được tẩm ướp gia vị và nướng
Một loại bánh có hạnh nhân, chỉ 10 tệ (7k) giòn, ăn rất ngon và lạ miệng, nguyên liệu đơn giản nhưng càng ăn càng ghiền
Một số món ăn ngon ở đây là bánh nhân đậu đỏ/ bơ, nấm "đùi gà", trà và bánh nhân dứa cũng là đặc sản rất ngon mà khách du lịch hay mang về. Tuy nhiên nên lưu ý 8-9h tối là hết xe bus về thành phố tùy ngày thường hay cuối tuần, thông tin có ghi ở trạm xe bus xéo phía trên, đối diện hẻm vào làng (không phải chỗ bus dừng ban đầu).
Đường khi lên đèo lắt léo, lúc về phải tranh thủ, nếu trễ sẽ không thể trở về, bên trong làng lại cổ xưa, lồng đèn đỏ giăng khắp nơi, rất giống với khung cảnh của phim hoạt hình kinh điển Spirited Away, và ngôi làng này cũng chính là niềm cảm hứng của bộ phim huyền bí đó.
Suối nước nóng ở Xin Beitou cũng là một địa danh nên đến, tuy nhiên phải mặc đồ bơi mới được vào. (Nếu không mang theo, bạn có thể mua trước ở chợ Dongmen, Ximending, bán đồ rẻ, đẹp, chỉ khoảng 300k đổ lại là đẹp rồi). Trước khi đến suối, sẽ đi ngang một thư viện hoàn toàn bằng gỗ và kính, có kiến trúc khá hay ho.
Đường vào suối nước nóng
Hồ nước nóng sôi, bốc khói liên tục lại gặp gió nên khói bay bảng lảng, cây cỏ thanh bình, rất "bồng lai tiên cảnh", tuy có mùi hơi khó ngửi nhưng lại rất tốt cho sức khỏe. "Tắm suối" không phải tắm trong hồ này, người dân đến thưởng lãm cảnh vật là chính, còn tắm thì bạn đi lên chút có những nhà, quán kinh doanh loại dịch vụ này, có máy bơm nước suối vào và xử lý nhiệt độ cho phù hợp, xả vào hồ. Hồ tắm chung nam nữ khoảng 300k/người, tắm riêng khoảng 1tr2 /nhóm.
Creative Arts Park ở Huashan là nơi thường tổ chức những hoạt động liên quan tới nghệ sỹ, nghệ thuật, sáng tạo, thường chiếu phim, triễn lãm và bán những món đồ độc đáo, hay ho. Trong này rất rộng nên nếu bạn không hứng thú với triển lãm cũng còn rất rất nhiều điều hay ho khác để tham quan, một số có thu phí nhưng đa số đều miễn phí và mỗi lần đều khác nhau. Có bán những tấm postcard 3D có thể chuyển động, những đĩa nhạc hiếm hay đồ decor lạ mắt...
Đợt mình đến có trưng bày đồ chơi bằng gỗ nhỏ xíu của Wooderful Life cực kỳ thú vị. Hãng này tạo ra hàng triệu triệu nhân vật và đồ vật liên quan đến tất cả các mặt cuộc sống, có thể tùy biến để sắp xếp thành một ngôi nhà, trường học, thành phố hay thậm chí cả thế giới. Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn đi một mình cũng ngồi chọn chọn, ghép ghép tạo nên thế giới của riêng mình.
Fuhe Bridge Flea Market - Một khu chợ đồ cũ diễn ra ngoài trời vào cuối tuần, người bán là các cô chú lớn tuổi, mặt hàng là đủ thứ đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn dùng tốt. Nếu chịu khó lựa bạn sẽ tìm được những món đồ siêu chất với giá rẻ như cho. Mình đã mua được mấy cái áo len cashmere cực đẹp chỉ với giá 7k/cái, áo thun 20k/cái... Ngoài ra, mua sắm hàng thời trang bình dân, hàng hiệu giá rẻ đến tầm trung có thể đến các khu chợ Dongmen, Ximending...
Ở các quán ăn, nhà hàng nhỏ, thay vì phục vụ đứng chờ gọi món, bạn sẽ được phát 1 phiếu menu có những món in sẵn, chỉ việc đánh dấu vào món bạn muốn ăn rồi đưa cho họ là được.
Một món ăn sáng đặc trưng của Đài Loan tại Yonghe Doujang.
Lẩu 1 người ăn, chọn loại nước lẩu bạn ưa thích rồi order những món ăn kèm.
Đầu bếp nấu ăn trên dàn bếp ngay trước mặt khách
Nước sâm và soup là 2 thứ thường miễn phí ở hầu hết những quán ăn bình dân.
Bingsu ở Đài Loan cả tô đều là kem bào rất ngon và chất lương, không phải kem ở trên, bên dưới là đá bào như "phiên bản lỗi" ở VN.
Ngoài ra, để ăn cho hết những món ăn vặt, ăn no đặc trưng của Đài Loan thì bạn không thể bỏ qua khu chợ đêm ẩm thưc Songshan.
2 chú chó ở cửa hàng thú cưng ra trước nhà nằm cho khách chụp hình, sờ vuốt thoải mái.
4. Một số điều lưu ý
Về phần quà mang về, nếu là đồ ăn uống thì mình thực sự thấy không nên mua gì dọc đường về làm quà cả, vì mang theo lỉnh kỉnh hơi bất tiện, mà trong sân bay có nhiều cửa hàng bán đặc sản, bánh kẹo rất ngon, hàng bày biện trong hộp trang trí đẹp, sang và quan trọng là rẻ. Tốt nhất về đồ ăn uống mang về, nên mua trong sân bay.
Còn với quà lưu niệm đặc trưng, không đụng hàng thì nên mua ở Jiufen, ngay bên ngoài làng cổ có vài tiệm bán những đồ họa tiết truyền thống nhưng cực dễ thương và tiện dụng, không sợ mua về rồi vứt xó. Hơn nữa còn cực rẻ, mang về tặng chị em đồng nghiệp đều rất thích. Đặc biệt có loại bùa gỗ Nhật, bùa vải gấm, rẻ nhưng xịn, bên trong túi bùa còn có túi chứa đá nhiều màu chứ không chỉ đơn thuần là bùa kiểu trang trí như loại bán đại trà ở VN.
Trước cửa lên tàu MRT có vạch riêng phân định 2 lối cho người ra, người vào để đảm bảo không chen lấn, cản trở người khác. Trên MRT hay xe buýt tránh ngồi vào những hàng ghế đậm màu hơn hoặc có dán hình dành cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Đi thang cuốn cũng chỉ đứng thành hàng 1 bên phải, để phần còn lại cho những người có việc gấp, cần di chuyển nhanh. Các quán ăn, nhà hàng hầu hết khách đều tự phục vụ đũa muỗng, khăn, nước... chứ không đem tận bàn.
Hóa đơn của tất cả những gì bạn mua dù giá trị bao nhiêu đều có in 1 hàng số, chính là vé xổ sổ trúng thưởng hàng tháng của người dân Đài Loan. Nhớ giữ lại vé này để xem may mắn có đem bạn đến Đài Loan lần nữa không nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét