(PLO)- Chúng tôi đến Beaune trưa cuối tháng 3-2016, coi như chặng cuối trong chuyến viếng thăm Bourgogne, nếu không tính đến trên đường về ghé Bazoche, tỉnh Nìevre, thăm lâu đài riêng của Thống chế Vauban, nhà kiến trúc lâu đài-pháo đài nổi tiếng thế giới.
Beaune trong nắng gắt nhưng tiết trời vẫn lạnh đủ để mặc chiếc doudoune và khoác áo da. Cho chiếc Peugeot 308 vào bãi, bước vô quảng trường Carnot, sừng sững trước mắt tôi một bức tượng đồng lạ. Lữ khách, tác giả Bruno Catalano, nặng 600 kg, cao 4m
Mặt tượng ngẩng cao, rắn rỏi, đậm nét phong trần, dáng bước nghiêng tới trước mà sau này đọc tài liệu, thấy các nhà phê bình nhận xét: Đó là dáng impavide, không chùn chân trước hiểm nguy, không ngại ngần sợ sệt.
Khoảng không giữa thân tượng làm cho tượng như hòa nhập vào hậu cảnh. Con người lữ khách này không tách khỏi thế giới hiện thực nhưng mắt nhìn hướng tới vô cực với những bước chân huyễn hoặc siêu thực.
Trong một khoảnh khắc, tôi như quên mục đích đến Beaune là thăm di tích lịch sử nhà thương Beaune nổi tiếng.
Từng nét điêu khắc Lữ khách-Kẻ nhập cư rất tả thực, không một chút gì trừu tượng nhưng vẻ khắc khổ, bước chân vô định, khắc họa tầm vóc con người trong thế giới hôm nay.
Bruno Catalano là ai?
Bruno Catalano, nhà điêu khắc hiện đại Pháp tại xưởng của ông.
Sinh năm 1960 ở một vùng quê gần Casablanca, thủ đô kinh tế của Maroc. 1975 Bruno cùng gia đình bị buộc phải ly hương. Bước chân đầu tiên của ông đặt lên đất cảng Marseille với niềm hy vọng về một cuộc sống mới, Bruno đem theo trong tâm tưởng nỗi đau của một người mất gốc rễ, mất quê hương.
Bruno làm nhiều nghề để kiếm sống. 18 tuổi làm thủy thủ, rồi sau đó làm thợ điện. 30 tuổi, Bruno tiếp cận nghệ thuật từ một xưởng tranh tượng của một họa sĩ, François Hamel. Ông bỏ ra hai năm lui tới đây để học nghề nặn tượng và tìm cảm hứng ở các nhà điêu khắc cổ điển Giacometti, Cesar, Rodinvà họa sĩ bậc thầy như Degas, Dalí...Đồng thời, ông nghiên cứu sách vở, nhất là của nhà điêu khắc Ý Bruno Lucchesi, mày mò làm chủ nghệ thuật điêu khắc đất sét.
2005, ông được biết đến lần đầu trong triển lãm ở một salon nghệ thuật hiện đại tại Paris, Bruno chuyển từ đất sét sang đồng, thuê xưởng, mua thiết bị đúc đồng và điêu khắc những bức tượng ngày càng hoành tráng.
Bộ sưu tập "Lữ khách" nổi tiếng toàn thế giới và đưa tên tuổi ông đến với nhiều triển lãm cá nhân quan trọng ở New York, Thụy sĩ, Pháp, Trung Quốc...
Một chiếc valise, một con người, dấn thân vào vô định, con người hiện đại, công dân thế giới có thể là người du khách tự nguyện hoặc bị ép buộc phải lưu đày, mang theo mãi mãi nỗi đau, nỗi mất mát một nơi chốn, một tự tình trên bước đường tìm tự do và tồn tại.
Người lữ khách của Bruno Catalano là con người như thế, bị xô đẩy ném mình vào cõi vô tận của không gian và thời gian. Ngôi nhà chỉ còn là chiếc valise, với tất cả những gì được coi là cần thiết nhất cho kiếp lưu đày của một công dân thế giới, tự xoay xở với tất cả bản năng thông thái mà xã hội của chúng ta đã trang bị cho.
Mỗi bước chân vượt qua một lằn ranh, một biên giới, anh ta càng trở nên dễ gãy vỡ hơn trước sự mênh mông của thế giới. Anh ta trở nên mất cân bằng hơn và những bước chân hướng tới lời chào mời cũng là những bước chân đi về sự mất mát. Người du khách đánh mất dần mình mỗi khi bước vào vùng đất mới lạ.
Bruno nói với báo chí: Trong công việc, tôi luôn tìm kiếm sự chuyển động và cách thức diễn tả những tình cảm. Tôi mang theo trong valise đầy ắp những kỷ niệm. Đó không chỉ là hình ảnh mà còn là những kinh nghiệm sống và những ước muốn: Gốc rễ cội nguồn trong sự chuyển động.
Tình cờ ở Beaune cũng như tình cờ ở Auvers sur Oise năm 2014. Và hôm tôi đến, cuối tháng 3. Hữu duyên.
Lần tới tôi sẽ đến Gallerie Medicis và đến xưởng của Bruno như đã ba lần đến Auvers với Van Gogh. À mà trong những lữ khách của mình, Bruno đã dành cho Van Gogh một chỗ đứng, Van Gogh cũng là người lữ khách xuyên biên giới và xuyên thời gian.
Tháng 9-2016
(Ảnh Brunocatalano.com và nhiều trang web)
(Ảnh Brunocatalano.com và nhiều trang web)
THẨM TUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét