(Dân trí) - Thị trấn Colma ở phía nam San Francisco, Mỹ, còn được mệnh danh là “thị trấn của cái chết” khi thậm chí các nghĩa trang tại đây là nơi an nghỉ của hơn 1.5 triệu người chết. Con số này lớn hơn hẳn so với tổng số người dân đang sinh sống tại thị trấn.
Nằm ở phía nam San Francisco, Mỹ, gần thành phố Daly, thị trấn nhỏ Colma được mệnh danh là “thị trấn của cái chết” khi tỷ lệ người chết so với người sống là 1000:1. Chỉ vỏn vẹn gần 5km2 nhưng nơi này có tới 17 nghĩa trang, là nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 1.5 linh hồn người đã khuất.
Một trong các nghĩa trang ở thị trấn
Gần như tất cả những người đã khuất đều tự hào là cư dân gốc của San Francisco. Vào khoảng cuối thế kỷ trước, chính quyền thành phố thông qua một sắc lệnh yêu cầu đưa toàn bộ phần mộ ra khỏi thành phố vì cho rằng, các nghĩa trang là nguyên nhân truyền bệnh tật. Tuy nhiên, động cơ chính của việc này do giá bất động sản ở San Francisco tăng lên. Người ta cho rằng, không nên lãng phí đất đai vào việc xây dựng nghĩa trang.
Người phu bốc mộ di chuyển các mộ phần tới nơi khác
Hàng trăm ngôi mộ được đào lên để vận chuyển tới khu đất phía nam thành phố. Thị trấn Colma cũng được hình thành từ đó. Trong khoảng thời gian dài, đa phần cư dân ở Colma là phu đào mộ, người trồng hoa, làm bia mộ. Phải tới cuối những năm 1980, các loại hình nghề nghiệp mới hình thành tại đây. Ngày nay, Colma là thị trấn nhỏ với nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh, bao gồm cả đại lý xe hơi, trung tâm mua sắm. Những năm gần đây, Colma thậm chí còn tổ chức nhiều sự kiện boxing.
Di chuyển mộ khỏi nghĩa trang Odd Fellows
Lịch sử của Colma kể từ giữa thế kỷ 19 với cơn sốt vàng ở California năm 1849. Cơn sốt này kéo theo hàng trăm ngàn thương nhân, người nhập cư, thợ thuyền từ khắp nơi trên thế giới tới California. Hàng chục ngàn người đã “kết thúc” ở San Francisco. Vàng không phải là thứ kiếm được dễ dàng. Hàng ngàn người đã tử vong vì tai nạn, trong khi những người khác cũng qua đời vì dịch tả. Người ta nhận thấy nhu cầu nghĩa trang lớn dần lên. Từ đó, hơn 20 nghĩa trang được xây dựng và nhanh chóng kín chỗ.
Chủ nghĩa trang cũng tìm kiếm những khu vực mới, trong đó có Colma. Nghĩa trang đầu tiên ở đây được xây dựng vào năm 1887. Năm 1900, chính quyền San Francisco thông báo, thành phố không còn đủ chỗ xây dựng nghĩa trang nữa. Không ngôi mộ nào được phép chôn thêm. Sau đó, đến năm 1914, chính quyền nơi này còn “thu hồi” phần đất của nghĩa trang. Bởi vậy, các ngôi mộ được di dời tới Colma.
Năm 1924, thị trấn Colma chính thức được thành lập. Ban đầu, nơi này có tên là Lawndale, nhưng sau đó được đổi lại tên thành Colma năm 1941.
Ngày nay, Colma là nơi sinh sống của 1800 dân cư và hơn 1.5 triệu người đã khuất. Trong số những người nằm lại ở nghĩa trang có một số nhân vật nổi tiếng của Mỹ. Tiêu biểu có thể kể tới “người tiên phong” chiếc quần jean Levi Strauss, “ông trùm” báo chí William Randolph Hearst, “ông trùm” kinh doanh Amadeo Giannini – người sáng lập ra Ngân hàng Mỹ.
Colma còn có tên gọi khác là “thị trấn của sự im lặng”. Tuy nhiên, khẩu hiệu chính thức của cư dân trong thị trấn là “Thật tuyệt khi được sống ở Colma”.
Việt Hà
Theo APt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét