Một hình ảnh không mấy hiếm lạ khi có dịp tạt ngang các khu chợ ở Myanmar, là rất nhiều người đàn ông đứng bán hàng. Ông chủ sạp bán quýt vàng, chủ của chiếc xe bán trầu cau, bán nước mía, bán mì xào, phá lấu đêm…. Đến cả người bán món sữa chua đá giải khát trong một chiều hè đổ lửa như 45 độ cũng thuộc nửa kia của thế giới.
Nếu không có tấm bảng rao hàng là sữa chua, ít người có thể tưởng tưởng món đựng trong các hũ đất nung tròn trò xinh xinh kia là môt chế phẩm từ sữa. Những chiếc hũ nhỏ như điểm tô thêm cho món ăn có phần đặc sắc, với màu nâu sậm được lên nước từ quá trình sử dụng nhiều năm mà tạo thành. Những chiếc hũ con con không đều nhau nhuốm màu thời gian.
Trên một góc phố nhỏ gần bờ sông, ông chủ vẫn thoăn thoắt vừa nhận đơn hàng, vừa dùng chiếc muỗng nhẹ nhàng uyển chuyển tách chiếc hũ đất nung ra ly mà không làm phá vỡ liên kết từng mảng của sữa chua nhờ lên men rất đẹp mắt. Vừa bán hàng, vừa trò chuyện, hỏi thăm xem du khách đã đi những đâu, đã đến chùa vàng, thăm nơi lưu giữ tóc của Phật hay thử đi tàu của người địa phương chưa... Và tất nhiên cũng không quên nói về món ăn mình làm. Sữa chua làm hoàn toàn thủ công, lên men theo phương pháp tự nhiên, ủ trong thời gian 14 tiếng nên hơi chua hơn so với vị mua ở cửa hàng.
Số lượng hũ làm cố định mỗi ngày, bán hết hay không hết cũng trước 5 giờ quẩy gánh trở về nhà. Có lẽ cá tính không tranh không đoạt, cứ chậm rãi, từ tốn của nhiều người dân khiến cho con con phố “Tây”, nơi mỗi ngày đón hàng ngàn khách du lịch đến tham quan vẫn không có vẻ xô bồ tấp nập.
8 ngàn đồng tiền Việt cho một ly sữa chua đá trong một ngày hè nóng bức quả là môt thứ giải khát thật tuyệt vời. Thực khách có thể chọn sữa chua trắng. Hoặc muốn ngon hơn thì thêm một chút cà phê kiểu Myanmar vào, sẽ mau chóng trở thành món nước nâu nâu, vừa bùi bùi, béo béo, lại hơi chút chua chua của sữa cộng chút đắng của cà phê. Cũng đủ làm phấn khích tinh thần những kẻ lãng du hơi chút rệu rã, để mà tiếp tục hành trình khám phá miền đất mới.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét