Bảo tàng Bàn tính Trung Quốc, nằm ở thành phố Nam Thông, trưng bày đủ loại bàn tính từ lớn đến nhỏ trên diện tích rộng 6000 m2, biến nơi này thành bảo tàng bàn tính lớn nhất thế giới.
Thành phố Nam Thông nằm ở bờ bắc cửa sông Trường Giang. Với lịch sử hơn 1000 năm, thành phố Nam Thông là nơi có bề dày lịch sử văn hóa. Vào năm 1905, bảo tàng đầu tiên của Trung Quốc được thành lập ở đây. Ngày nay, có hơn 12 bảo tàng khắp thành phố, và bảo tàng Bàn tính Trung Quốc là bảo tàng nổi tiếng nhất trong số đó.
Ngay trước tòa nhà bảo tàng là một nhóm công trình điêu khắc được đặt tên là Linh hồn Bàn tính. Bức điêu khắc chính cao 19 mét, mô phỏng một chiếc bàn tính khổng lồ với 2 cột tính.
Bàn tính được phát minh ở Trung Quốc và được thế giới xếp vào danh sách 4 phát minh vĩ đại nhất của người Trung Quốc cổ đại. Sau đó, trong quá trình trao đổi văn hóa, loại bàn tính này bắt đầu được giới thiệu cho hơn 20 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Singpore và Mỹ.
Với việc phát minh ra máy tính số và sau đó là máy vi tính, bàn tính gảy đã gần như biến mất khỏi cuộc sống thường nhật. Ở Trung Quốc, người ta vẫn thỉnh thoảng trông thấy chúng ở các của hàng dược liệu. Tuy nhiên, để thấy được sự đa dạng và quan trọng của loại công cụ này trong nền văn hóa cổ Trung Quốc, người ta phải ghé thăm bảo tàng bàn tính ở Nam Thông.
Người phát minh ra bàn tính vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là lịch sử của bàn tính Trung Quốc bắt đầu từ năm 600 trước Công nguyên. Không giống như loại bàn tính hiện đại thường được làm từ khung tre với các hột tính được xâu trên dây thép, bàn tính cổ thường được thiết kế với các hạt trượt trên các đường rãnh bằng gỗ, mỗi rãnh có 10 hạt.
Tầng hai của bảo tàng trưng bày đủ loại bàn tính. Bên cạnh rất nhiều bàn tính được thiết kế theo phong cách nghệ thuật với đủ loại chất liệu từ vàng, bạc, đồng, sắt, ngọc quý, đá mã não, sứ và ngà voi, có rất nhiều phiên bản đặc biệt cải tiến từ loại bàn tính cơ bản.
Chiếc bàn tính gần như đã biến mất khỏi đời sống thường nhật của con người. Tuy nhiên, công cụ tính toán cổ này vẫn còn rất hữu dụng trong một số lĩnh vực. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, việc sử dụng bàn tính đòi hỏi sự phối hợp của não, mắt và tay, là một dạng vận động nhận thức lý tưởng. Chính vì thế, ở bảo tàng này, người ta vẫn mở các khóa học tính nhẩm và tính bằng bàn tính cho trẻ em.
Theo afamily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét