Khi đọc truyện này lần đầu, tôi đã khóc. Khóc vì xót thương cô bé, khóc vì cái nghèo khổ và sự thờ ơ của xã hội. Tôi là anh lớn của 6 đứa em. Chính câu chuyện đã tiếp thêm cho tôi nghị lực. Mỗi lần gặp nghịch cảnh, tôi vẫn thường tự an ủi: “Mình vẫn còn may mắn hơn, vẫn còn ba mẹ và mái nhà tranh ấm áp”. Thuở bé, tôi thường ước mơ được đến xứ sở của cô bé bán diêm và để cảm ơn em, cảm ơn tác giả câu chuyện.
Nhiều người Việt Nam, trước khi đến Đan Mạch đã một thời mê mệt bởi những trò chơi lắp ráp sáng tạo trên cả tuyệt vời của Tập đoàn Lego. Lego trở thành một phần “thiên đường tuổi thơ” của trẻ em toàn thế giới. Dân tàu biển và logistic thì không ai không biết Maersk A.P Moller Marsk, tập đoàn vận tải hàng hải lớn nhất thế giới. Maersk còn tham gia khoan và khai thác dầu khí, kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Maersk có chi nhánh tại hơn 130 nước, là 5 trong số 150 tập đoàn kinh doanh có hiệu quả nhất thế giới. Dân sành điệu thì mê bia Carlsberg…
Ảnh: shutterstock |
Người Đan Mạch đã giành được 11 giải thưởng Nobel. Hoàng thân Henrik - phu quân của Nữ hoàng Margrethe đệ II (lên ngôi năm 1972) của Đan Mạch từng sinh sống ở Hà Nội và Đông Dương những năm 1945 - 1954. Có lẽ Henrik là hoàng thân duy nhất của thế giới (trừ Campuchia và Lào) có thể nói tiếng Việt, thích nước mắm và nhiều món ăn Việt.
Quốc gia Đan Mạch nghèo khổ và bất công hơn 100 năm trước đã hoàn toàn thay đổi. Dù diện tích chỉ gần bằng 1/8 Việt Nam (43.094 km2) và dân số bằng 1/16 (5,5 triệu người), nhưng ngày nay Đan Mạch là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về phúc lợi xã hội, về bình đẳng thu nhập, môi trường kinh doanh, chỉ số hạnh phúc, về sự minh bạch và trong sạch của chính phủ… Là nước nghèo tài nguyên và thiếu nhiên liệu nhưng “cái khó ló cái khôn”, Đan Mạch đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các nguyên liệu tự nhiên, rất tiết kiệm và hiệu quả. Đan Mạch kiên quyết nói KHÔNG với điện hạt nhân, cũng không làm thủy điện vì sẽ đảo lộn và tổn hại môi trường. Đan Mạch là quốc gia tiên phong làm cách mạng về điện gió. Các trạm phong điện được xây dựng khắp đất nước và vươn ra ngoài biển khơi. Từ trên máy bay nhìn xuống, rất nhiều tua-bin gió từ ngoài biển đến đất liền như những cây “năng lượng sạch”, một biểu tượng tự hào của quốc gia. Là nước nằm lọt thỏm giữa biển khơi, địa hình thấp, rất dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Đan Mạch quyết tâm phát triển năng lượng sạch, đáp ứng được gần 30% tổng sản lượng điện quốc gia bằng điện gió và các nguồn nhiên liệu sinh học - cao nhất thế giới. Trên nhiều nóc nhà ở Đan Mạch có những “cối xay gió” trang trí rất dễ thương. Đó là những tua-bin phong điện mini để thắp sáng. Đảo Samso rộng 114 km2 (gấp 11 lần đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) và dân số 4.200 người (bằng 1/5 dân số Lý Sơn) là cộng đồng không có khí CO2 lớn nhất thế giới. Toàn bộ năng lượng phục vụ cho đảo đều từ phong điện và các nguồn sinh học. Trộm nghĩ, ước gì các đảo ở Trường Sa và Lý Sơn của Việt Nam đều được lắp đặt các công nghệ năng lượng sạch của Đan Mạch thì bộ đội và ngư dân mình đỡ khổ biết mấy.
Đan Mạch có đàn heo gấp gần 5 dân số - 26 triệu con. Ngoài việc cung cấp thịt cho nội địa và xuất khẩu, phân heo còn là nguồn năng lượng sinh học giá trị. Nhà máy khí đốt sinh học - điện Hashoj trên đảo Lolland (diện tích 1.243 km2, dân số 70.000 người) nối kết với 30 trại gia súc. Mỗi năm, các trại cung cấp cho nhà máy hơn 150 ngàn m3 phân heo để sản xuất ra 4 triệu m3 khí đốt, tương đương 8 triệu kWh điện và 8 triệu kwh nhiệt phục vụ cho đảo chỉ với bộ máy vỏn vẹn 1 giám đốc và 3 nhân viên kỹ thuật! Các nhà máy ở Đan Mạch chỉ “mượn phân về sản xuất khí đốt, sau đó trả phân đã xử lý cho nông dân làm phân bón”. Lợi cả đôi đường, vừa có năng lượng vừa đảm bảo môi trường bởi nếu để phân gia súc thấm vào đất sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Các hộ gia đình ở Đan Mạch còn sử dụng phân, rác thải, rơm rạ… làm ra năng lượng sạch. Tôi cứ nghĩ sao Việt Nam không nghiên cứu và áp dụng cách làm này? Trong các buổi dạ hội, cắm trại, lớp trẻ Đan Mạch thường lấy xe đạp tập thể dục để chạy mô tơ phát điện dùng cho âm thanh, ánh sáng. Không tốn một xu tiền điện, không xả thêm chút khí thải nào. Điều này làm tôi nhớ lại, những năm 1980, ở chiến trường Campuchia, trong trạm phẫu tiền phương tôi từng dùng tay quay mô tơ để thắp sáng đèn cho đồng đội phẫu thuật...
Chẳng hiểu tại sao lại có nhiều hình, tượng voi và sư tử khắp đất nước Đan Mạch dù chúng không hề sống ở đây. Đan Mạch không có các kiến trúc cao tầng nhưng có nhiều công trình cổ, được bảo tồn và gìn giữ nghiêm ngặt. Đường phố ngăn nắp, sạch đẹp, cây xanh và hoa lá quấn quít. Ở khách sạn, tôi đọc được mẩu thông tin thú vị:
“Cứ mỗi mẩu tàn thuốc bạn vứt ra đường, nhà nước sẽ tốn 2 krone (đơn vị tiền tệ Đan Mạch, một krone tương đương 4.000 VND) cho việc thu dọn. Đó là tiền đóng thuế của bạn. Nếu xả rác, bạn đang tự làm nghèo mình”. Ở Đan Mạch không thấy cảnh khoe của hợm hĩnh. Xe đạp tràn ngập thủ đô, bình quân mỗi người hơn 1 chiếc. Bộ trưởng cũng đi làm bằng xe đạp. Đi xe đạp để tăng cường sức khỏe, tiết kiệm chi phí, giảm tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường, dù họ thừa tiền mua xe hơi xịn. Ai không thích đi xe đạp thì có xe bus, xe điện ngầm. Mọi người đều giản dị và thân thiện.
Đan Mạch khuyến khích chủ nghĩa “cá nhân hàng ngang”, thuế thu nhập có thể lên đến 70%, cao nhất thế giới. Dịch vụ y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Các phúc lợi xã hội về nhà ở, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu... cực tốt. Tôi đã đến Odense, thành phố lớn thứ 3 của Đan Mạch, cách Copenhagen 3 giờ tàu, nơi sinh ra và trưởng thành của Hans Christian Andersen (1805-1875) mà tôi hằng ngưỡng mộ. Từ căn nhà nhỏ màu vàng giản dị trên đường Lotzes Have, cậu bé Andersen con trai người thợ giày nghèo khó đã viết nên những tác phẩm bất hủ đầy ắp tính nhân văn. Tôi đọc được những trích đoạn triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc về cuộc sống khắc trên mấy cánh cửa, tạm dịch: Việc sinh ra trong cái chuồng vịt không quan trọng, miễn là nở từ trứng thiên nga; Bạn phải trải qua nhiều tai ương rồi mới nổi tiếng; hoặc Chỉ sống thôi không đủ, mỗi người cần có ánh nắng mặt trời, tự do và một ít hoa... Ngôi nhà nhỏ còn lưu giữ nhiều tranh ảnh, đồ đạc, bản thảo… của Andersen. Ngay bên cạnh là Bảo tàng Andersen với hàng trăm tác phẩm của ông, được dịch ra hơn 130 thứ tiếng, cùng rất nhiều hiện vật. Từ bảo tàng, du khách có thể thực hiện tour đi bộ “Theo dấu chân Andersen”, khám phá những địa danh gắn liền cuộc đời Andersen với nhiều phát hiện lý thú.
Từ lâu, rất lâu, Đan Mạch đã không còn những cô bé bán diêm. Dù phải ra đi giữa đêm đông lạnh cóng, cô bé vẫn giữ được nụ cười tươi vui và nét mặt rạng rỡ của giấc mơ trước đó. Cô bé đã dự báo về một xã hội tốt đẹp, đầy tình người mà Đan Mạch đang thực hiện.
Nguyễn Văn Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét