Nhìn thấy các phụ nữ quỳ ôm tấm đá được cho là nơi dùng để xức dầu Chúa trước khi liệm, mắt tôi bỗng mờ đi |
Có lẽ chúng tôi là những người đi hành hương đất thánh chậm nhất trong số những người Công giáo Việt Nam ở Úc. Cả mười hay hai mươi năm trước tôi đã nghe các cụ ông cụ bà, những người quen biết đi qua Do Thái viếng Nhà Thờ Mộ Chúa, Vườn Cây Dầu, đồi Golgotha ở Jurusalem; hang đá ở Bethlehem, Biển Hồ nơi Chúa làm phép lạ v.v... và có chuyến hành hương kéo dài cả tháng.
Trong “20 năm rong chơi” ở nhiều nước và lục địa, tôi thường tự nhủ sẽ dành chuyến đi Jerusalem vào một dịp nào đó thuận tiện. Sự chậm trễ có nhiều lý do. Và ngay trong chuyến đi Do Thái cách đây vài tháng, Jerusalem cũng chỉ là một phần trong chương trình thăm viếng đất nước này và những nước trong vùng Địa Trung Hải.
Nói như thế không có nghĩa là tôi hoàn toàn không có chút mộ đạo, vô cảm trước các thánh tích. Bởi vì trong ngày đầu tiên đi thăm cổ thành Jerusalem, nhìn thấy các phụ nữ quỳ ôm tấm đá được cho là nơi dùng để xức dầu Chúa trước khi liệm, mắt tôi bỗng mờ đi. Tôi định thần xem chuyện gì đã xảy ra và phát hiện mắt hơi cay. Nước mắt tôi không chảy nhưng đủ làm nhòe hình ảnh các phụ nữ úp má xuống phiến đá, lấy tay xoa qua lại nơi cách đây khoảng 2000 năm đã đặt xác Đức Jesus.
Kinh nghiệm này là lần duy nhất xảy ra trên đất thánh, một vùng đất với những biến cố lịch sử mà tôi đã nghe rất nhiều trong đời sống bình thường và đời của một người Công giáo mỗi mùa lễ Phục sinh. Nhưng đó là chuyện đạo mà tôi sẽ kể sau, trước hết tôi muốn cùng với bạn đọc ôn lại đôi chút về lịch sử của người Do Thái.
Dân riêng, đất chung với chiến tranh triền miên
Theo cựu ước, một loại sử ký của người Do Thái thì người Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn mà tổ phụ là Abraham. Người Do Thái là giống dân Hebrew sống ở vùng đất Canaan. Theo truyền thuyết tên Israel được Thiên Chúa trao cho tổ phụ Jacob sau khi ông chiến đấu và thắng thiên thần của Chúa. 12 đứa con của ông Jacob với 12 chi họ đã trở thành tổ tiên của dân Do Thái.
Gặp nạn đói, Joseph một trong 12 hai người con của Jacob đưa anh em sang Ai Cập tránh thiên tai nhưng rồi đã trở thành nô lệ của các Paraohs cho đến khi Moses, thế hệ thứ tư, đã đưa họ trở về Canaan là đất hứa mà Thiên Chúa đã dành riêng cho họ.
Các tín đồ nam (trái) và nữ của Do Thái giáo cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc trong một buổi tối ngày sabah. Hình của N.H.A.
|
Thời hoàng kim của Do Thái bắt đầu từ vua David và con của ông là Salomon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan và là người đã xây đền thờ Jerusalem đầu tiên khoảng năm 961 trước Công Nguyên (CN). Nhưng rồi người Babylon chiếm đóng, đày ải người Do Thái cho đến khi người Ba Tư chiếm được và cho họ trở lại cố hương. Đây là lần lưu đày thứ hai kéo dài 70 năm. Một lần nữa người Do Thái xây dựng đền thờ Jerusalem lần thứ hai khi trở lại đất hứa.
Khoảng năm 333 trước CN, Do Thái lại rơi vào sự đô hộ của đế quốc La Mã. Đức Jesus sinh ra lại Bethlehem dưới thời kỳ này và năm sinh của ngài được chọn là năm thứ nhất cho dương lịch mà ta thường gọi là Công Nguyên.
Năm 70 sau CN, người Do Thái nổi dậy chống La Mã và bị đàn áp thẳng tay, đền thờ Jerusalem bị phá hủy và người Do Thái lại bị đày đi ở các thuộc địa của La Mã hay tản mác khắp thế giới.
Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, vùng đất hứa của người Do Thái rơi vào tay người Hồi giáo. Vua Omar II đã cho xây đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ngay tại Jerusalem. Từ đây Jerusalem trở thành đất thánh của một tôn giáo mới. Và vì vậy mới có những trận chiến Thập tự quân của các nước Tây phương để giành lại đất thánh.
Trong khi đó ở mọi nơi trên thế giới người Do Thái bị đàn áp hay kỳ thị và vì vậy mỗi khi gặp nhau họ đều chào “hẹn gặp lại ở Jerusalem” nhưng lần lưu đày thứ ba này kéo dài gần hai ngàn năm.
Sau Thế chiến Thứ hai, do việc Đức quốc xã giết hại trên 6 triệu người Do Thái, Liên hiệp quốc đã chia vùng đất Canaan ngày xưa nay trở thành Palestine thành hai khu vực riêng biệt, 57% đất cho người Do Thái và 43% cho người Palestine gốc Á Rập và giao cho nước Anh cai trị với Jerusalem là thành phố quốc tế.
Nhưng vào năm 1948 khi Anh tuyên bố chấm dứt sự cai trị do Liên hiệp quốc ủy nhiệm, Do Thái tuyên bố độc lập. Nhiều quốc hiệu được đề ra như Zion, Judea, Eretz Isaral (Đất Israel) nhưng quốc hội đã chọn tên Medinat Yisrael (Quốc gia Israel).
Chỉ một ngày sau khi Do Thái tuyên bố độc lập, 4 quốc gia Á Rập gồm Ai Cập, Syria, Lebanon và Syria mở cuộc tấn công vào Do Thái. Á Rập Saudi đưa quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ai Cập, Jordan sát nhập Đông Jerusalem, Ai Cập chiếm Dải Gaza. Với biến cố này có 700,000 người Palestine trở thành người tị nạn.
Tuy nhiên, sau 8 tháng chiến đấu, Do Thái đẩy lui các cuộc tấn công và mở rộng lãnh thổ lên đến 75%.
Đất thánh của 3 tôn giáo độc thần: Một nóc nhà thờ Thiên Chúa giáo và ngay đằng sau và bị che bởi nóc màu vàng của đền thờ Hồi giáo Dome on the Rock là Bức Tường Than Khóc của Do Thái giáo. Hình của N.H.A. chụp từ sân thượng Austrian Hospice of The Holy Family trong cổ thành Jerusalem
|
Năm 1967 khi Ai Cập bao vây không cho Do Thái sử dụng một phần Biển Đỏ, Do Thái liền mở cuộc tấn công bất thình lình gây ra Cuộc Chiến 6 Ngày nổi tiếng, chiếm Tây Ngạn, Dải Gaza, Bán đảo Sinai, Cao nguyên Golan, sát nhập Đông Jerusalem. Năm 1979 khi ký hòa ước với Ai Cập, Do Thái đã trả lại bán đảo Sinai cho nước này.
Năm 1980, quốc hội Do Thái thông qua Đạo luật Jerusalem, một hình thức sát nhập toàn bộ Jerusalem và coi Jerusalem như là thủ đô của họ, nhưng đa số các hội viên của Liên hiệp quốc ra các nghị quyết lên án Do Thái và cho rằng việc Do Thái ra luật lệ, quản trị toàn bộ Jerusalem là bất hợp pháp, không có giá trị.
Người Palestine cho rằng đất mà người Do Thái chiếm đóng hiện nay là của người Palestine nhưng người Do Thái nói đấy là xứ Canaan, đất Thiên Chúa hứa cho họ và họ đã sống tại đây trên ba ngàn năm. Nhưng người Palestine lại cho rằng tổ tiên họ đã có mặt tại đây cả năm ngàn năm trước. Cứ thế mà tranh cãi và đánh nhau.
Mặt trận Giải phóng Palestine do Yasser Arafat lãnh đạo ra đời một thời tạo những vụ bắt con tin, gây những cuộc khủng bố. Các cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine vì thế kéo dài cho đến ngày nay mặc dầu Do Thái đã trả lại một số đất cho người Palestine tự trị như Tây Ngạn, Dải Gaza nơi có thể sẽ là một nước Palestine trong tương lai.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không coi các phần đất Do Thái chiếm đóng là hợp pháp, kêu gọi họ trả lại đất (Land for peace) như một hình thức đổi lấy hòa bình. Nhưng các cuộc hòa đàm và các hiệp ước đã chẳng mang lại hòa bình và vùng đất Do Thái- Palestine vẫn là lò thuốc súng của Trung Đông.
Một số nước ở Trung Đông không muốn sự hiện diện của một nước Do Thái như Iran (tên Ba Tư ngày xưa). Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad từng tuyên bố phải đẩy người Do Thái ra ngoài biển. Họ tiếp tục giúp những thành phần quá khích Palestine như nhóm Hamas duy trì cuộc xung đột với Do Thái trong khi chính phủ Do Thái cứ cho xây thêm các khu định cư ở nơi mà người Palestine phản đối.
Do Thái là một quốc gia nhỏ, diện tích rộng chừng 22,000 cây số vuông, tức chỉ bằng 1/15 diện tích củaViệt Nam; bắc giáp Lebanon và Syria, tây đông giáp Jordan, nam giáp Ai Cập và phía tây là biển Địa Trung Hải.
Dân số khoảng 7.5 triệu người trong đó 75.5% là người Do Thái; 20.3% Ả Rập và 4.2% thuộc các sắc dân khác. Ngôn ngữ chính thức gồm Do Thái (Hebrew) và Á Rập. Lợi tức đầu người $28,500 Mỹ kim đứng hàng thứ 28 thế giới. Tuy là một nước nhỏ nhưng Do Thái có thể đương đầu và đứng vững với một thế giới Á Rập trên trăm triệu người.
Lý do ngoài sự ủng hộ của Mỹ (người ta nói không ngoa khi cho rằng chính cộng đồng gốc Do Thái ở Mỹ là thành phần quyết định đường lối kinh tế và chính trị của nước này), người Do Thái tự bản thân là một dân tộc thông minh, có ý chí phấn đấu và sức chịu đựng bền bỉ. Họ là dân tộc duy nhất trên thế giới bị lưu đày nhiều lần và sau hai ngàn năm vẫn trở về đất tổ để tái lập quốc.
Những người giàu có ở nhiều quốc gia có gốc Do Thái. Rất nhiều người lãnh giải Nobel có gốc Do Thái. Tại sao? Vì người Do Thái coi trọng việc làm giàu và cho rằng kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người, bởi vì như họ thường dạy cho con cái “của cải tiền bạc có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức trí tuệ của ta thì không ai có thể cướp đi được”.
Về sức mạnh quân sự, ngoài vũ khí quy ước, họ đã bí mật sở hữu bom nguyên tử từ lâu, nhưng không công bố. Vì vậy, họ không dễ bị đẩy ra ngoài biển hay bị tiêu diệt. Tôn giáo đã giúp họ đoàn kết, gắn bó với nhau dù giòng máu của tổ phụ Abraham, vua David đã loãng đi vì pha trộn với các dân tộc khắp nơi. Người Do Thái ngày nay ở Jerusalem có thể là da trắng, da ngăm, da đen và thậm chí da vàng nhưng Do Thái giáo là chất keo kết họ lại với nhau.
Do vị trí địa lý và lịch sử, trên mảnh đất Do Thái xưa và nay đã hình thành 3 tôn giáo lớn độc thần: Do Thái giáo, Thiên chúa giáo (hay Ki-tô giáo - Christianity) và Hồi giáo. Jerusalem trở thành đất thánh của cả 3 tôn giáo, chứ không riêng gì của người Công giáo như chúng tôi.
Tôi đến Do Thái vừa để hành hương đất thánh (thật ra đi ngắm cảnh) và cũng để có dịp xem Tel Aviv, thủ đô kinh tế và hành chánh của nước Do Thái ngày nay.
Do Thái có 3 thành phố lớn gồm Jerusalem (khoảng 800,000 dân), Tel Aviv (khoảng 400,000) và Haifa (265,000) nhưng chúng tôi chỉ đi thăm được hai mà thôi.
(Tham khảo một số tài liệu từ trên mạng – còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét