Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Nhật ký lữ hành Argentina

Buenos Aires, miền đất hứa chào đón kẻ mộng mơ

Xách ba lô lên đường chỉ vì một cái áo? Lý do thật vớ vẩn, nhưng lại rất thật. Câu chuyện bắt đầu từ thời xa lắc khi tôi còn là sinh viên tại Đức.
Đông Đức những năm 80 của thế kỷ trước cũng khan hiếm hàng hoá chất lượng cao, những gì được nhập khẩu từ phương xa là quý lắm và rất được nâng niu. Trong những “chiến lợi phẩm” mà tôi có được sau nhiều giờ xếp hàng, có hai chiếc áo T-Shirt nhập khẩu bằng cotton mềm mại. Một chiếc màu xanh biển có vầng thái dương và hàng chữ Galapagos màu cam rực rỡ, chiếc còn lại màu xanh da trời nhạt có hàng chữ Patagonia màu đen. Ngày ấy nào đã biết gì nhiều, chỉ biết rằng những hàng chữ và chất vải cotton mềm mại ấy đã khơi lên một sự tò mò về những miền đất xa xôi. Để đến một ngày, Patagonia bỗng cựa mình trong tiềm thức, nỗi khát khao năm xưa bỗng trỗi dậy mãnh mẽ hơn bao giờ hết. Galapagos dành cho chuyến đi sau, tôi chọn cho mình cuộc phiêu lưu như “những đứa con của thuyền trưởng Grant” (truyện của J. Verne) tìm về Patagonia ở xứ Nam Mỹ xa xôi.
Và tôi đã đến Argentina...
Ta sẽ yêu nhau và ta sẽ nhảy - Ở nơi Khí lành
Gọi là cuộc phiêu lưu có lẽ cũng đúng, vì ngay từ phút đầu tiên đã thót tim khi chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM qua BKK bị trễ hơn hai tiếng, chuyến kế tiếp đi Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó bay đi Nam Mỹ bị lỡ, không biết chuyến tiếp theo duy nhất có chỗ hay không. Ngao ngán quá khi hãng “ tàu bay 4 sao” nhà mình phủi tay và nói “không thể chịu trách nhiệm" cho việc nối chuyến khác hãng. Họ thậm chí còn từ chối liên hệ với hãng máy bay khác để tìm gỉải pháp cho khách. Mà chúng tôi đâu phải những hành khách duy nhất nối chuyến bị trễ vì chuyện đổi giờ bay. Bạn có thể hình dung khung cảnh rối loạn như thế nào, khi cửa đi liên tục bị đổi, đến thông tin cũng mập mờ, lúc thì 20 phút nữa, lúc lại 30 phút và cuối cùng là không biết bao giờ có thể bay. Vậy là chuyến đi của tôi bắt đầu bằng việc điện thoại điên cuồng, tận dụng mọi quan hệ có thể, và cuối cùng thì cũng may mắn tới được BKK vừa kịp cho chuyến bay cuối cùng đi Thổ, còn chuyến mình đặt thì đã bay từ tám đời nào rồi.
Chuyến đi nào cũng có những điều bất ngờ như vậy và rất nghịch lý là lại kích thích tôi cũng chính ở khía cạnh ấy. Bất ngờ không mong đợi xảy ra chỉ là tình huống cho bạn luyện kỹ năng du hành mà thôi. Nghĩ như vậy, bạn sẽ thấy sự đời nhẹ tênh, và chuyện đi cũng vậy. Không có gì là không thể xảy ra, và kiểu gì thì cũng có cách giải quyết. Du hành mang lại cho bạn một cái nhìn, không, một cách sống lạc quan, nếu bạn để tâm phân tích những chuyện thật nhỏ như vậy.
Sau hơn 48 tiếng đồng hồ bay hết hơn nửa vòng trái đất, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, quá cảnh tại 3 quốc gia, Buenos Aires đã lấp lánh dưới chân. Thật lạ lùng là chiếc áo in chữ Patagonia ngày ấy đã tạo nên chuyến đi, nhưng khi đặt chân lên đất ấy rồi thì bao ký ức mới ùa về, tươi rói. Một giấc mơ nữa từ thời thơ bé đang thành sự thật.
Ngày ấy, nào đã có Maradona hay Messi, cũng chẳng hề biết Juan, Eva Peron, hay Kirchner là ai. Đất nước Argentina xa xôi hiện ra đầy bí hiểm và cuốn hút qua giấc mơ tình yêu của chàng Ichian nửa người nửa cá và cuộc đời bi thương mà diệu kỳ trong chiếc thùng gỗ trong tiểu thuyết viễn tưởng cùng tên của nhà văn Aleksandre Belyaev. Và cũng không biết từ khi nào, những El Gauchos (người chăn bò), những Pampas (đồng cỏ) và miền sông băng Pantagonia giá lạnh cùng thị trấn được mệnh danh là "Nơi Tận cùng của Thế giới"… trong tiểu thuyết của J. Verne đã ở lại trong tâm tưởng. Tôi nghĩ mình đã từng mơ thấy những nơi ấy một cách rất rõ ràng từ rất lâu rồi. Trong giấc mơ của tôi, những khung cảnh lạ lẫm hiện ra trước mắt như những thước phim sống động nhất. Có đôi khi, tôi lại nghĩ mình đã vẽ chúng rất nhiều trong các bức tranh cách đây đã mười mấy năm.
Phải chăng, chính những bức tranh từ miền ký ức đang dẫn lối cho tôi đến những nơi cần đến một cách rõ ràng nhất, cụ thể nhất? Dần một rõ hơn, tôi đang thấy rằng, những chuyến đi gần đây của mình luôn là vậy, dù cho việc quyết định điểm đến, thời gian đi, hay đi cùng ai, lại là cái "Duyên".
Và, cuối cùng thì tôi đã ở đây, Argentina - nơi Pantagonia không chỉ là dòng chữ trên áo. Buenos Aires lấp lánh ánh đèn trong màn đêm, như miền đất hứa dang tay chào đón kẻ mộng mơ. Bienvenido! Sonador en mundo de fantasia! Welcome to dreamer in dreamland!
Nhưng bạn đừng hỏi tôi Buenos Aires thế nào, tôi không nói được đâu. Ấn tượng ban đầu rất không rõ ràng. Tôi đã không cố tình tạo cho mình một hình ảnh bất kỳ nào về những quốc gia Nam Mỹ như người ta thường nói: hoang dã, nóng bỏng hay cuồng nhiệt,..., dù trước khi lên đường tôi đã đọc khá nhiều. Tôi luôn muốn đi như tờ giấy trắng, để những nơi ấy tự ghi dấu lên mình. Đọc để quên. Và khi đi lại từ từ nhớ. Đó là cách đi của tôi. Đi với một tâm trạng khá thoải mái và sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì. Nhưng phải nói rằng, cảm giác lẫn lộn trong những ngày đầu tại đây là rất thật và cũng hiếm khi xảy ra đối với tôi khi tới một vùng đất mới. Tôi khá bối rối trong cảm xúc của mình về Buenos Aires. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy, nơi này đáng để khám phá.
Có lẽ, rõ nhất là sự pha trộn giữa hài hoà và nghịch lý, giữa chậm và nhanh, giữa cũ và mới, giữa cảm giác thoải mái và sự dè chừng…, cả trong diện mạo phố lẫn người. “Argentum” (tiếng Latinh) có nghĩa là “bạc” đã mang cho đất nước rộng tới 2,7 triệu km2 này cái tên Argentina. Truyền thuyết có Núi Bạc (Siera de Plata) nhưng nước này lại chẳng có bạc.
Khung cảnh Buenos Aires yên ả với đại lộ thênh thang và những hàng cây xanh mát - Ảnh: Lonely Planet
Buenos Aires nằm bên cửa Sông Bạc (Rio de la Plata) đổ ra vịnh biển ngăn cách với Uruguay. Và cũng trái ngược với những hình dung qua cảnh báo về an ninh tại những quốc gia Nam Mỹ, con đường từ sân bay về khách sạn ngang qua những khu phố sầm uất với nhà hàng, các quán bars nhộn nhịp trong đêm, mà kỳ lạ thay vẫn thấy thật yên ả, dễ chịu. Đại lộ mênh mông gần chục làn xe, rộng 125m, dẫn về trung tâm thành phố xanh ngát màu cây, “rộng nhất thế giới” như người Buenos Aires tự hào nói. Đi một city tour bằng xe buýt từ bắc xuống nam thành phố, ngang qua khu nhà chung cư có căn hộ Maradona từng trú ngụ, ngang qua nhà hát, bảo tàng, những khu vườn có tượng và đài phun nước lấp ló sau hàng rào sắt, những con đường xanh có vỉa hè rộng.
Nhà Hồng nổi tiếng Casa Rosada
Buenos Aires có nhiều công viên với những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi buông rễ lòa xòa, lá dày bóng loáng. Cây xanh và những con đường làm nơi này có cái gì đó thật gần gũi, thấy giống Hà nội ở khu Ba Đình và Hoàn Kiếm ở thời thơ ấu của tôi. Những hàng hoa phựơng tím đựơc trồng dọc theo nhiều con đừơng, vài cây lác đác trổ bông.
Thỉnh thoảng lại bật lên trên nền xanh của trời của lá là một sắc hồng rực rỡ của hoa Ceiba (cây bông gòn - ceiba/ capok trees), loài cây từng mọc rất nhiều trên vùng đất Sài gòn- Gia định xưa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loài hoa này, dù tôi không xa lạ gì với những cây gòn hiện còn nhiều ở miền Tây Nam bộ. Hoa gòn nhang nhác hoa ban hồng mà cũng giống hoa gạo, nhưng cánh xẻ lả lứớt hơn. Thực sự là điều bất ngờ thú vị khi thấy thành phố này có nhiều điểm chung với quê nhà đến vậy. Có một không khí kiểu thuộc địa cứ bảng lảng nơi đây, chỉ mơ hồ thôi, không rõ rệt lắm nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận. Những dinh thự, toà nhà cổ có cổng vòm, lan can sắt, mặt tiền và cột đá theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý, Tây Ban nha...của thế kỷ trước mang lại cho thành phố này một vẻ đẹp khá giống các thành phố Âu châu. Cũng không lạ gì khi biết, việc qui hoạch Buenos Aires diễn ra vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 dưới sự chỉ đạo của Kiến trúc sư tài ba người Pháp Pierre Benoit và Argentina từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hàng trăm năm kể từ 1580. Buenos Aires đã luôn được mệnh danh là “Paris của Nam Mỹ”.
Khách sạn nơi tôi ở trong trung tâm thành phố là một toà nhà cũ được “tân trang” lại cho phù hợp tiêu chuẩn 3 sao. Ngay khi mới bước chân vào tôi đã thấy bàng hoàng không thể tin được, vì nó quá giống với một trong những khách sạn phong cách Pháp cổ nhất Sài gòn, khách sạn Grand trên đường Đồng Khởi khi chưa được mở rộng. Từ vị trí ở góc hai con phố, từ mặt tiền toà nhà, tới quầy lễ tân, những bố trí trong sảnh và phòng ăn có cửa sổ kính dài nhìn ra con phố nhỏ. Ngồi đây mà ngỡ như nghe được những lao xao ngoài kia từ đường Ngô Đức Kế. Bao mệt mỏi sau chuyến bay dài bỗng tan biến.
Có một Sài gòn luôn bên tôi trong những chuyến đi. Có một quá khứ dội về, làm nơi chốn xa lạ nơi nửa vòng trái đất hôm nay bỗng thành thân quen như chốn xưa ngày nào. Nghịch lý có lẽ ở trong tôi, mà hài hoà có lẽ cũng nằm sâu đâu đó trong tôi. “Khí lành” hay “Ngọn gió lành” là nghĩa của từ Buenos Aires trong tiếng Tây Ban Nha. Ngay từ những giờ đầu tiên, Ngọn gió lành ấy đã cho tôi một dòng hồi tưởng đầy thương yêu lên trang giấy trắng.
Và… “Ta sẽ yêu nhau. Ta sẽ nhảy. Ôi, đó là đời !”Así son las cosas!
(Lời bài hát “C’est lavie” - On va s’aimer. On va danser. Oi c’est lavie !)
Những ngày tiếp theo tại “Paris của Nam Mỹ” là những ngày đi bộ tới phồng rộp đôi chân. Cảm nhận ban đầu của tôi được khẳng định và trở nên ngày một rõ nét hơn khi lang thang trên những con đường ngang dọc kiểu bàn cờ trong khu trung tâm và cả ngoại vi thành phố. Cảm giác bối rối ban đầu được lý giải một cách chủ quan rằng, nơi đây có gì đó giống như sự pha trộn giữa New York và Washington, giữa một kiểu đầy ắp văn hoá bản địa mà vẫn không thiếu cái “multi-culti” của nền văn hoá giao thoa. Những đại lộ thênh thang được xây dựng cách đây khoảng một thế kỷ ở vào thời vàng son của kinh tế Argentina gợi nhớ tới Paris hay Madrid. Sự pha trộn còn thể hiện trong diện mạo kiến trúc của thành phố, khi những toà nhà chọc trời skycapers đặc sệt kiểu Mỹ đã và đang mọc lên như nấm bên bờ Rio de Plata, đối diện với những toà nhà cổ bằng đá uy nghi kiểu Anh trên những con đường trong khu trung tâm thành phố.
Trong những ngày tại đây, tôi đã đi thăm những điểm Must-Do mà bất kỳ du khách nào cũng phải tới: Floralis Generica - biểu tượng của Buenos Aires, bông hoa Ceiba lớn nhất thế giới bằng kim loại, khép nở theo ánh mặt trời, Toà nhà Thượng Viện Plaza de Congreso nguy nga lộng lẫy với đài phun nước và khuôn viên xanh mướt, Nghĩa trang La Recoleta, Toà thị chính Cabildo, Nhà Hồng nổi tiếng Casa Rosada, nơi làm việc của Chính phủ, nhà sách trong nhà hát cổ ....
Từ quảng trường Plaza de Mayo có thể ngắm vòm cửa nơi Eva Peron thường diễn thuyết trong thời gian lừng lẫy của bà. Những sự kiện chính trị một thời hiện ra trong khung cảnh ấy như những thước phim quay chậm trong bộ phim “Evita” có Madona thủ vai chính. Một thời xung đột lịch sử tại đất nước của những El Gauchos đã diễn ra đầy kịch tính chính tại nơi tôi đang đứng đây.
Toà nhà Thượng Viện Plaza de Congreso nguy nga lộng lẫy với đài phun nước và khuôn viên xanh mướt ở phía trước
Có lẽ người ngoài cuộc sẽ khó lòng cảm nhận được hết tầm quan trọng của nơi chốn gắn liền với vận mệnh một dân tộc như người Argentina. Và dù có đọc kỹ về lịch sử chính trường đất nước này tới đâu thì tôi vẫn thấy mình như một du khách, chỉ có thể chạm vào mảng nổi của tảng băng chìm. Quảng trường Plaza de Mayo, sân khấu chính trường một thời, vẫn chất đầy những hàng rào thép di động ngăn những người biểu tình vào ngày tôi tới.
Tình hình kinh tế Argentina sa sút trong những năm gần đây, đồng Peso xuống dốc không phanh hàng ngày, thuế tăng, giá điện tăng...., tất cả đều là nguyên nhân để những cuộc xuống đường diễn ra và người ta vẫn đổ về quảng trường này như hàng thế kỷ trước.
Nhưng vào ‪sáng Thứ Sáu của tuần Lễ Phục sinh này thì Plaza de Mayo yên bình với du khách và thị dân, những người tới đây chụp hình Selfie, Check-in dưới bóng hàng cọ Brazil và thảm hoa đang khoe sắc trong nắng thu. Phía Nam quảng trường này là Nhà thờ Chánh Toà Catedral Metropolitana. Được xây dựng qua nhiều thập kỷ và cuối cùng được hoàn tất vào năm 1862, nhà thờ nổi bật nhờ 12 cây cột đá tại mặt tiền theo phong cách neo-classic được cho là tượng trưng cho 12 vị Tông đồ. Với những người dân nơi đây, nhà thờ này mang một ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi có lăng mộ của Đại tướng Jose de San Martin.
Bên trong nhà thờ Chánh Toà Catedral Metropolitana​
Một ngọn lửa vĩnh hằng được đặt tại đây để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc đã giải phóng Argentina, Chile và Peru. Tôi may mắn được chứng kiến cảnh đổi gác đầy uy nghi khi tới thăm nhà thờ này, nghi lễ cũng tương tự như cảnh đổi gác tại Vatican mà tôi từng xem. Nhưng may mắn nhất đối với tôi có lẽ là cơ hội được ngắm những tuyệt tác của danh hoạ người Flemming P. Rubens (‪TK 16) và những tác phẩm điêu khắc gỗ của nhà điêu khắc người Bỉ M. Coyto de Couto. Cảm xúc khi đứng trước những tác phẩm ấy, trong không gian linh thiêng và trang trọng của nhà thờ cổ, thật không sao tả nổi.
Nhưng phải thú thật là không phải nơi nào ở Buenos Aires cũng đủ hấp dẫn với tôi. Thất vọng xảy ra ở chính nơi tôi đã đọc về nó nhiều nhất và (dường như) nổi tiếng nhất Buenos Aires: La Boca và Caminito. Những bức hình trên các trang mạng quảng cáo những ngôi nhà ở La Boca đầy màu sắc, đẹp long lanh. Anh bạn đi trước về mô tả đây là phố kê đùi, hàm ý là Tango ở mọi góc, vậy mới xứng danh cho Buenos Aires, quê hương của điệu Tango. Đúng hết, không có gì sai.
Những ngôi nhà tôn sơn đủ màu tuyệt đẹp chạy dài theo con đường nhỏ lát đá. Ánh nắng hắt lên những góc sân, bảng hiệu phủ đầy dây leo mang lại cho nơi này một sự duyên dáng riêng. Motive ảnh có ở khắp nơi. Chỉ có điều, không ai nói với tôi rằng nơi này cực kỳ “touristy”. Người đông tới độ không còn biết là kê đùi, kê vai hay kê cái gì nữa. Chụp một tấm hình thật khó nhọc trong cảnh vừa tìm cách né người Selfie, vừa mắt trước mắt sau lo giữ túi, giữ máy. Không ít lần khi đi trên đường, tôi đã được chính những người dân tốt bụng cảnh báo: đừng giơ máy ảnh, đừng giương iphone ra, bị giật như chơi đó. Trời ạ, dân chụp chẹt, bảo đừng chụp nữa, vậy còn niềm vui gì nữa không trời ?? Và tới La Boca vào ban ngày thôi nhé. Chiều vừa buông, thì nên khẩn trương nhấn nút, nếu không muốn gặp rắc rối. Đó là lời dặn dò dành cho tôi...
Họa sĩ Trần Thùy Linh trong nhà sách của nhà hát cổ El Ateneo

 Điều bất ngờ ở La Boca

Không ít lần khi đi trên đường, tôi đã được chính những người dân tốt bụng cảnh báo: “Đừng giơ máy ảnh, đừng giương iPhone ra, bị giật như chơi đó. Và tới La Boca vào ban ngày thôi nhé. Chiều vừa buông, thì nên khẩn trương “nhấn nút”, nếu không muốn gặp rắc rối"... Đó là lời dặn dò dành cho tôi.
La Boca, nằm ở phía Nam Buenos Aires nổi tiếng vì có sân vận động Estadio Alberto Armando, nơi CLB Boca Juniors tập luyện. CLB này được coi là một trong những đội bóng thành công nhất Argentina và trong top 43 thế giới, với rất nhiều danh hiệu (2011 Copa Argentina). Nhưng La Boca nổi tiếng hơn nữa, vì đây là khu phố đầu tiên của những thợ thuyền nhập cư gốc Ý vào thế kỷ thứ 19, những người đã dựng nên những ngôi nhà bằng tôn và sắt thép phế thải từ bến cảng.
Caminito - con đường màu sắc nhất La Boca, là tác phẩm của hoạ sĩ Benito Quinquela Martin. Năm 1960 ông và các đồng nghiệp đã “rủ rê” dân thợ thuyền nơi đây sơn màu lên những ngôi nhà ở vùng cửa sông Riachuelo này, biến cả khu phố thành một sàn diễn nghệ thuật.
Những ngôi nhà nhiều màu sắc ở La Boca
Không chỉ ở Caminito, những con phố khác của La Boca cũng có những ngôi nhà đầy màu sắc, dẫu cho khu vực phía nam này của Buenos Aires thực ra là phố nghèo. Trên vỉa hè người ta đặt nhiều tượng của các nhân vật hoạt hình được người Argentina ưa thích. Những nơi đó cũng thu hút không ít du khách tới check-in và chụp ảnh. La Boca nhanh chóng thu hút du khách thập phương và trở thành một trong những điểm đến đặc sắc nhất Buenos Aires từ đó.
Caminito thu hút khách du lịch với nhiều cách: họa sĩ vẽ chân dung du khách, dạy nhảy Tango trên phố, chụp hình cùng Maradona...
Caminito ngày nay là cỗ máy kiếm tiền từ khách du lịch. Người ta dạy nhảy Tango trên phố, những vũ công tạo dáng cùng khách kiếm ít Peso, những họa sĩ ngồi vẽ chân dung du khách, rất nhiều sạp hàng bán đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ cùng những bức tranh “du lịch”. Ở đây, bạn còn có thể chụp hình cùng Maradona (mới nhìn không khỏi giật mình, vì quá giống). Khi tôi đưa máy ảnh lên thì trong khuôn hình của tôi là một trái bóng rõ to: “không trả tiền thì đừng mong chụp hình nhé”, Maradona hay vũ công Tango thì cũng vậy thôi.
Một họa sĩ đang vẽ chân dung cho du khách trên đường phố
Mặt trái của du lịch không chừa nơi nào, dẫu là Sapa, Hội An hay Caminito. Dù sao thì nơi này vẫn có một không khí riêng không thể phủ nhận và ai đến Buenos Aires rồi thì cũng phải đặt chân tới, dẫu cho danh tiếng khu phố này cũng đã mai một nhiều.
Nhưng, tôi luôn thích thú, khi trong cái rủi (cứ cho là vậy đi), hầu như khi nào cũng có chữ "Nhưng" to đùng. Đôi khi chữ "Nhưng" ấy dủ kéo lại một cảm giác sung sướng cho một chuyến đi hay chuyến thăm thú. Cũng ở La Boca có một khu chợ cổ hoạt động từ năm 1895, không nằm trong lộ trình định tới mà lại cuốn hút tôi nhiều hơn Caminito đặc nghẹt du khách. Ở đâu cũng vậy, dẫu là ở Việt Nam hay từ Đông sang Tây, và bây giờ là tại quốc gia châu Mỹ cực nam của trái đất này, thì chợ vẫn là nơi cho ta sự cảm nhận rõ nét nhất về văn hoá, phong tục và tập quán một vùng. El Vijeo Mercado de la Boca cũng nằm trong một nhà lồng chợ giống như nhiều chợ tại Việt Nam. Nhưng khác biệt là không gian mái vòm bằng kính và sắt tại đây vẫn được giữ lại sau nhiều lần sửa chữa. Không gian thoáng và sáng cho tôi cảm giác như đang đi trong một Passage rộng rãi, chứ không phải một lồng chợ kín mít, được chiếu sáng bằng đèn.
Lại chạnh lòng nhớ tới Eden Passage xưa kia giữa lòng Sài Gòn. Không hằn là chợ, nhưng nơi ấy ngày xưa cũng từng là mô hình tương tự. Đó từng là nơi hầu như mỗi sáng tôi đều ăn cơm tấm ở hàng chị Năm, lê la hàng giờ trong các tiệm sách cũ và mua váy áo tơ tằm trong gian hàng em gái người Hà Nội. Giờ thì phải đi tới nửa vòng trái đất mới lại được thấy cái khí xưa đầy quyến rũ ấy. Những chuyến đi luôn luôn mang lại sự liên tưởng như vậy. Lúc này là sự tiếc nuối, lúc khác là sự hy vọng, và nhiều khi là những cảm xúc khó gọi tên, như dấu lặng trong một bản nhạc buồn. C’est la vie ! Đời là thế ! Biết vậy, để lại tiếp tục ba lô lên đường.
Chợ El Vijeo Mercado de la Boca với cấu trúc nhà lồng
Khác với các chợ Việt, các gian hàng ở đây được bố trí khá rộng rãi với những phong cách rất riêng biệt. Rau củ và trái cây tươi rói, dù rau là thứ thật hiếm hoi trong thực đơn của người Argentina, như nhận xét của tôi sau vài ngày lê la quán xá tại đây. Cũng phải thôi, thịt bò Argentina là số một thế giới, lại là thứ thịt đặc biệt nhiều Vitamin, không làm tăng cholesteron, lại rẻ như bèo. Ăn thịt nhiều rồi, khỏi cần rau cũng vẫn khoẻ. Hàng thịt cũng bán đủ thứ kể cả nội tạng và dồi huyết bò (chorizo) như ở Việt Nam. Hàng lưu niệm, hàng quần áo, đồ gia đình…, gì cũng có.
Tôi ấn tượng với những quán cà phê trong chợ, hầu hết được bài trí rất đơn giản, nhưng đặc biệt phong cách. Khi là kiểu nhẹ nhàng thư giãn với cây xanh, bàn ghế gỗ nhạt màu, lúc lại kiểu factory-công nghiệp với sắt thép, gỗ mộc theo kiểu nhà kho, công xưởng. Lúc chỉ hai màu đen trắng, khi thì carô đầy cá tính. Dù theo phong cách nào thì những không gian ấy cũng đều mời chào, đều ấm cúng theo cách của riêng mình. Tiếc là thời gian không có nhiều để tôi có thể ngồi đó bên ly cà phê và ngắm dòng đời xứ Tango trôi, theo cách như đời vốn thế.

Khi cà phê là phong cách sống

Tôi đã uống cà phê tại Buenos Aires, nơi mà người Argentina nói: “Chưa tới đây thì coi như chưa tới Buenos Aires”.
Ngày ngày đi trên đại lộ Avenida de Mayo, gần khách sạn “Grand Sài Gòn” của tôi, luôn thấy có một hàng người đứng xếp hàng dài trước một ngôi nhà cổ cửa gỗ kính có tay nắm đồng. Buổi chiều cuối cùng, đi tìm quán cà phê cổ nhất Buenos Aires, “ tự nhiên” tìm thấy mình trong dòng người đang xếp hàng trước cánh cửa kia. Hai bên tường là những bảng đồng, chứng nhân lịch sử ghi lại những lần kỷ niệm đáng nhớ của quán: 1858, 1959, 2008….Từ hơn 150 năm qua, quán Café Tortoni đã là linh hồn của Buenos Aires.
Mở cửa vào cuối năm 1858, Café Tortoni, cũng giống như quán Café đồng tên tại Paris, nhanh chóng trở thành nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ tên tuổi của nền văn hóa và lịch sử xứ Tango. Họ thành lập Hiệp hội Nghệ Thuật và Văn chương tại đây với chủ tịch chính là Hoạ sĩ Benito Quinquela Martin, người sau này đã “thay hình đổi dạng” cho khu phố nghèo La Boca.
Năm 1926, ông chủ người Pháp cho phép các nghệ sĩ và nhà văn sử dụng tầng hầm của quán cho các hoạt động nghệ thuật, Café Tortoni lại càng thêm danh. Tới đây, lại xin bạn đọc tha thứ cho thói đa sầu đa cảm hay liên tưởng và hoài cổ của tôi, khi tôi không thể không nhớ tới Café Givral đối diện khách sạn Continental cổ xưa nhất Sài thành năm nao. Nơi ấy đã từng có một thời nào khác gì Tortoni, cũng là nơi gặp gỡ của các tên tuổi, là một trong những nơi chốn góp phần nhận diện bản sắc của một đô thị, của một thời kỳ lịch sử không thể chối bỏ. Tôi nhớ những giờ ngồi đồng bên cửa sổ kính, nhìn ra Nhà Hát thành phố, ngắm người qua xe lại. Những giờ ngồi đồng - sống chậm, để cái thần thái của không gian cũ, cái hồn của phố cứ tự nhiên ngấm vào người. Giờ thì Givral đã biến mất rồi, bị chôn sâu dưới lớp bê tông hào nhoáng, dưới chân Hermes hay Omega? Đứng trong dòng người xếp hàng hôm nay, bỗng thấy mưa rơi trên má trên môi. Ngước lên cao, vẫn thấy trời thu xứ nam bán cầu xanh trong vời vợi và lá vàng đang gọi gió lao xao. Người nơi nhiệt đới xứ mưa không cảm được mùa, nghe được vị, hay bởi lá không vàng, cà phê Việt không đủ đắng để Thu tới, Thu ơi? Thu không tới và Givral đã hoá thành hoài niệm ở nơi quê nhà.
Du khách xếp hàng trước quán Café Tortoni
Sau gần 30 phút xếp hàng, cuối cùng cánh cửa đóng im lìm cũng được mở ra. Quán quá đông nên phải có khách ra thì khách bên ngoài mới có thể vào. Cậu thanh niên gác cửa cười rất thân thiện “Where are you from?”. Và khi nghe thấy “ Vietnam”, nụ cười dãn ra thành dấu hỏi to tướng trên khuôn mặt điển trai: “Là gần Nhật, Hàn quốc phải không? “ Tôi cười: “Ừa, không sai. Nhưng là ở Đông Nam Á”. Dấu hỏi bỗng còn to hơn: “Đông Nam Á? Thái Lan?” Và không chờ tôi trả lời, cậu thành thật nói luôn: “Tôi chẳng biết ở đâu”. Cũng may là lúc đó người bồi bàn tiến tới mời tôi vào bàn, chứ không biết sự vô vọng trong giải thích sẽ còn tới đâu. Nỗi buồn qua nhanh nhờ sự háo hức với không gian xung quanh. Nhìn những tranh vẽ và ảnh đen trắng treo trên tường có thể thấy không gian nay đã không thay đổi bao nhiêu so với cách đây cả thế kỷ.
Không gian quán với tường, cột, bàn ghế đều bằng gỗ
Căn nhà cổ có bề ngang khoảng chừng 10-12m, nhưng dài và sâu hun hút với một sảnh chính và vài phòng nhỏ phía sau. Tường, cột và bàn ghế đều bằng gỗ, mặt bàn bằng đá marble, nệm ghế bọc da đỏ sậm, tượng đồng và những chi tiết chạm khắc trên trần, tranh kính trên mái, tranh chân dung người Argentina nổi tiếng trên tường... tất cả đều toát lên không khí của thế kỷ 19. Rất Retro, rất Jazzy, mà rất Eclectic (chiết trung). Quá khứ không chỉ như một nửa giấc mơ được nhớ lại. Một nửa là quá khứ, là không gian hiện hữu nơi đây pha trộn cùng một nửa là hiện đại, là những lữ khách đang trong quán thời nay. Tôi bỗng hiểu, tại sao người ta nói nơi đây là linh hồn của Buenos Aires. Trong tiếng trò chuyện rầm rì của khách, tưởng như ta đang lạc vào một buổi gặp gỡ của high society (tầng lớp thượng lưu) của những năm đầu thế kỷ trước. Người bồi bàn lớn tuổi mang thực đơn tới. Phong cách nhã nhặn đúng kiểu lớp người phục vụ ngày xưa, ông cho biết đã làm ở đây hơn 40 năm.
Du khách thưởng thức thức uống tại quán
Đến lúc đó tôi mới để ý, những người phục vụ tại đây phần lớn đều là những senores luống tuổi. Lịch lãm, điềm đạm trong comple, nơ đen và sơ mi trắng, họ là một phần không thể thiếu trong cái không khí thế kỷ 19 đọng lại nơi đây. Ở Tortoni không chỉ có cà phê và đủ loại đồ uống cùng bánh ngọt, mà còn có các món mặn, cả món Argentinien Steak trứ danh nữa. Cô bạn đi cùng chọn Submarinos (sô cô la nóng) cùng churro (bánh nướng hình que ngào đường tẩm quế), còn tôi chọn món Antillano, là Cà phê pha cùng Tia Maria (liqueur), cream và bột quế. Món bạn chọn là đồ uống khá đặc trưng của người Nam mỹ, Tây Ban nha, Bồ đào nha. Còn cà phê pha liqueur thì ngon không kém gì món cà phê đốt rượu Ruhm tại thị trấn cổ Ruedesheim tôi từng uống bên bờ sông Rhein nước Đức.
Tortoni không chỉ có cà phê và đủ loại đồ uống cùng bánh ngọt
Ngoài cà phê và đồ ăn, quán còn có một nhà hát nhỏ phía sau với những tối diễn show Tango vào suốt tuần. Tôi những muốn ngồi mãi trong không gian ấy. Để thời gian đi thật chậm, để ngắm từng bức hoạ đủ mọi phong cách, xem thật kỹ những tấm hình đen trắng. Để những tấm gương trên tường soi ngược lại một thời quá khứ với những senores mũ đen trên đầu, khăn trắng trên cổ, cùng những sennoras xinh đẹp mũ voan váy dài yểu điệu, xoay tròn và đá chân điệu nghệ trong điệu Tango Criollo gợi cảm. Ai đó đã từng nói, Cà phê là phong cách sống. Café Tortoni thực sự là một phong cách sống. Kiểu rất Tango. Kiểu rất Buenos Aires.

Ngã vào tình yêu

Ở xứ sở của điệu Tango mà không đi xem Tango là một thiếu sót lớn. Thế nên, bỏ qua sức hấp dẫn của một tour ngắm Buenos Aires từ trên cao trong đêm, tối cuối cùng tôi đi xem Tango Show.
Thể loại khiêu vũ kết hợp âm nhạc này có nguồn gốc từ những điệu nhảy của những người nô lệ gốc Phi vào cuối thế kỷ 19 từ vùng ngoại ô Buenos Aires. Sau đó Tango sớm phổ biến trong mọi cộng đồng, tới châu Âu vào đầu thế kỷ 20, rồi lan sang Mỹ với nhiều biến tấu từ điệu Tango Criollo nguyên thuỷ của Argentina.
Show Tango đêm ấy không dài, nhưng giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về xứ sở này. Bằng cách nào ư? Bằng ngôn ngữ cơ thể và những giai điệu. Âm nhạc luôn là sứ giả tài tình nhất, chạm vào trái tim ta một cách trực tiếp nhất, làm ta tan chảy hoặc… “falling in love”. Như cách tôi đã “ngã vào tình yêu” với Buenos Aires qua Café Tortoni, qua những giai điệu và vũ điệu Tango đêm đó. Cái thứ nhạc mê hoặc ấy chất chứa hoài niệm, ngập tràn cảm xúc, đầy kịch tính mà vẫn gợi cảm và cũng có gì hơi sên sến một cách dễ thương. Tango chính là tâm hồn của Argentina.
Những vũ điệu hôm ấy đưa tôi từ cung bậc này sang cung bậc khác của cảm xúc. Khi thì dồn nén, đau thương - nhớ về những nốt trầm trong đời người, khi thì mênh mang, phóng khoáng, rộn rã vui tươi – như những phút giây hạnh phúc trong đời. Điệu Tango đã từ Buenos Aires bôn ba khắp nơi trên thế giới, để giờ đây khi trở về trên sân khấu nhỏ ở quê hương, nó đã thể hiện hết chất phóng khoáng và pha trộn của mình.'

Có những vũ điệu đặc trưng của Tango Argentina khi người “dẫn” đưa người “theo” trong tư thế “ đóng”- ngực kề ngực, thật gần. Cũng có những vũ điệu là sự pha trộn với Tango Pháp, Tango Bắc Mỹ, khi người “dẫn” đưa người “theo” trong tư thế “mở”. Âm nhạc cũng đôi khi trộn lẫn âm hưởng của Tango với chất Jazz hay Blue. Nhưng dù cho đó là gì, tôi vẫn luôn thấy trong Tango Argentina, trong cả vũ điệu lẫn âm nhạc, một sự ve vuốt đầy ngọt ngào, một ngôn ngữ của tình yêu.
Và… “Ta sẽ yêu nhau. Ta sẽ nhảy. Ôi, đó là đời !” Así son las cosas!
Ba ngày lang thang tại Buenos Aires thực sự quá ngắn để có thể hiểu về một nơi chốn chứ đừng nói gì là đủ để cảm nhận thật sâu như hằng mong muốn. Hơn thế nữa, các chuyến đi đã dạy tôi rằng: Cần phải đi chậm, càng chậm càng tốt. Đi chậm là điều kiện “cần” để bạn có thể đi sâu. Còn đi sâu tới đâu lại phụ thuộc vào bạn, là điều kiện “đủ”. Vậy nên, dẫu đầy tiếc nuối, dẫu đã “ bổ nhào vào tình yêu” với Buenos Aires theo một cách đầy bất ngờ với chính mình, nhưng tôi vẫn không thể dành thêm thời gian cho nơi này, vì thời gian gần ba tuần cho quốc gia rộng lớn này giờ đây đang trở nên quá ngắn đối với tôi, vẫn chưa đủ chậm đối với tôi.
Và vì, Patagonia đang vẫy gọi.

Bắt đầu ở nơi tận cùng thế giới

Chiếc áo năm xưa mang tôi tới Patagonia, nhưng phải mãi tới khi tìm hiểu kỹ hơn về Argentina để lên lịch trình cho chuyến đi, tôi mới biết rằng Patagonia không phải là một địa điểm. Patagonia là cả một vùng rộng tới hơn 1 triệu km2, chiếm gần một nửa diện tích Argentina và và một nửa diện tích Chile.
Chỉ có khoảng 2 triệu dân, Pantagonia của Argentina có tổng cộng 9 vườn quốc gia với nhiều địa danh có cảnh quan rất khác biệt. Bao gồm các tỉnh La Pampa, Neuquen, Rio Negro, Chubut, Santa Cruz và Tierra del Fuego, Patagonia giáp dãy núi Andes ở phía Tây và biển Atlantic ở phía Đông. Muốn đi hết tất cả những vùng này chắc vài tháng vẫn là thiếu.
Vậy là đành ngậm ngùi chia tay ý định đi cả Patagonia bên Chile, để dành thời gian trọn vẹn cho Argentina, vì mục đích “đi chậm”, điều mà sau này tôi đã không hề hối hận. Những chuyến đi của tôi luôn được ưu tiên chọn theo chủ đề, nếu có quá nhiều sự lựa chọn. Chuyến đi này đã được chọn vào mùa thu, vậy nên sẽ có hai chủ đề chính: Thiên nhiên hoang dã và Sắc màu lá thu. Hành trình Patagonia của tôi sẽ đi từ Nam ngược lên Bắc, bắt đầu từ điểm cực nam của trái đất cách Nam Cực chỉ khoảng hơn 1.000km.
Bắt đầu như người Argentina thường nói: “Ushuaia, fin del mundo, principio de todo" - "Ushuaia, nơi tận cùng thế giới, nơi bắt đầu của mọi thứ".
Chuyến bay gần 4 tiếng đồng hồ vượt qua hơn 3.000 km đưa tôi rời Buenos Aires tới với thành phố cực nam của thế giới. Nói là không có sự hồi hộp trong chuyến đi này là nói dối. Cả đêm trước tôi đã trằn trọc gần như không ngủ được, mà cũng không rõ vì sao, chuyện quá xa lạ đối với kẻ hình như đang “tuổi ăn tuổi nhớn” như tôi. Mỗi chuyến đi đều mang tới sự hứng khởi khác biệt, nhưng phải thừa nhận rằng, ở chuyến đi này sự hồi hộp là không sao tả xiết. “Nơi tận cùng của thế giới” hiện ra trong sự ngỡ ngàng, khi máy bay dần hạ thấp độ cao. Những đỉnh núi băng trắng xoá sừng sững trong mây, nổi bật trên nền biển gần như đen thẫm lại trong tiết trời lạnh giá của mùa thu. Trùng trùng điệp điệp, dãy núi nọ nối tiếp dãy núi kia, mênh mang lan trên mặt biển, kéo dài đến vô tận.
Dưới cái màu trắng đến lóa mắt của lớp băng vĩnh cửu ấy là một màu đỏ sậm, dày như lông của loài thú hoang. Rừng! Những cánh rừng của miền cực nam thế giới đang chuyển màu đỏ sẫm. Cảm giác nghẹt thở. Cảm giác như cánh chim đang chao nghiêng, lảo đảo, choáng váng vì vẻ đẹp diệu kỳ, vì sự hùng vĩ của Thiên nhiên. Vừa bước ra khỏi sân bay tôi đã co ro trước cơn mưa và gió lạnh thổi về từ dãy Andes. Hay từ biển Nam cực? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng sự háo hức cứ ngày một tăng theo từng bước chân. Nhiệt kế chỉ 6 độ.
Tren del Fin del Mundo - Nơi tận cùng thế giới- là một thành phố nhỏ mang tên Ushuaia nằm ở độ cao 6m so với mực nước biển. Một thị trấn thì đúng hơn. Đường phố lầy lội ngổn ngang trong cơn mưa thu dầm dề, dai dẳng. May mà không có gió nhiều như lời cảnh báo của anh bạn đi trước, nhưng trời đầy mây. Không lạ, khi biết rằng Ushuaia chỉ có trung bình 3,93 giờ nắng mỗi ngày, độ ẩm là 77%. Mùa hè và đông đều rất khắc nghiệt với tốc độ gió có thể lên tới hàng trăm km/giờ.
Mùa thu đỡ gió hơn nhưng lại hay mưa. La Isla Grande - Đảo lớn này xưa kia vốn là vùng “ rừng thiêng nước độc”, trở thành nơi lưu đày phạm nhân từ 1920 tới 1947, cũng chính vì lý do khí hậu khắc nghiệt đó. Những người dân chọn nơi đây làm quê hương có lẽ phải là những người can trường nhất. Những nếp nhà thấp đơn sơ nằm kề bên nhau trên triền đồi, tựa lưng vào núi nhìn thẳng ra eo biển Beagle.
Thoạt đầu tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy toàn nhà tôn, không phải chỉ mái tôn mà là cả ngôi nhà được làm từ tôn. Hỏi ra mới biết đó chỉ là “vỏ bọc” của ngôi nhà, nhằm tránh tuyết phủ trong mùa đông và tạo ra lớp cách nhiệt thứ hai trong mọi mùa. Với những người tới từ miền nắng ấm như tôi, mùa nào chả là mùa đông khi nhiệt độ cao nhất cũng chỉ khoảng 18-20 độ và “đặc sản” của nơi-bắt-đầu-mọi-thứ này là những luồng gió lạnh thổi về từ dãy núi phía Tây. Sự bộn bề ngang dọc của nơi này gợi nhớ về những vùng đất tìm vàng trong những bộ phim về miền viễn Tây Mỹ.
Nằm bên eo biển Beagle huyền thoại, con đường nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, Ushuaia nghĩa là “Vịnh biển hướng đông” trong ngôn ngữ của thổ dân Yamana, những người bản địa từng là chủ nhân duy nhất của chốn này. Chính xác thì thành phố này nằm ở phía nam của Đảo lớn Isla Grande de Tierra de Fuego, thủ phủ của tỉnh cùng tên thuộc Argentina. Nơi đây cùng là điểm xuất phát của hàng trăm chuyến tàu mỗi ngày đưa du khách đi khám phá Nam cực trong những tour ít nhất từ 5-7 ngày. Ushuaia cạnh tranh với 1 vùng đất khác nằm ở điểm sâu hơn nữa về phía nam, thuộc lãnh thổ Chile mang tên Puerto Williams trong danh hiệu “ Tận cùng thế giới“, nhưng Puerto Williams theo luật Chile lại chỉ là một ngôi làng nhỏ, vì thế đã không được công nhận danh hiệu này.
Đi theo tôi, luôn là những đỉnh núi phủ băng trắng xoá, không hiểu bằng cách nào luôn rực lên trên nền trời, khi vàng khi hồng, dù không hề thấy mặt trời ló rạng. Ấn tượng khi đặt những bước chân đầu tiên trên con đường của vùng đất cực nam thế giới thật khác biệt, không giống với những nơi tôi từng đặt chân tới, và rất khó gọi tên. Hay Argentina luôn là thế, luôn mơ hồ khó nắm bắt vào những buổi ban đầu? Giống như nàng tiểu thư đỏng đảnh trong điệu Tango hay giống như tảng băng trôi, chỉ có thể thấy phần nổi của nó? Hy vọng những ngày ở đây, tôi sẽ được thấy phần nào của “ tảng băng chìm”. Hy vọng những ngày ở đây sẽ cho tôi đủ trải nghiệm để có thể „xem mặt, đặt tên“ cho cái thứ xúc cảm kỳ lạ này.
“Bienvenido! Welcome!”. Cánh cửa sau lưng tôi đóng lại và một không gian ấm cúng mở ra. Tầm nhìn từ lobby khu nghỉ dưỡng hướng thẳng ra vùng biển mênh mang và dãy núi trùng điệp băng phủ trắng xoá. Bên ấy là Chile. Khu nghỉ này nằm ở một vị trí tuyệt đẹp trong một ngôi làng uốn mình theo đường cong của Vịnh Ushuaia. Từ phòng ngủ hướng biển, nằm trên giường cũng có thể thấy những cánh chim đang chao lượn ngoài kia. Đồ nội thất gỗ ấm cúng, mùi cà phê, mùi gỗ, hơi ấm của lò sưởi trong khung cảnh gía lạnh khiến tôi chỉ muốn lăn ra chiếc giường nệm trắng đang mời gọi, nhấm nháp cái sự sung sướng nệm êm chăn ấm. Nhưng tôi đến đây đâu phải để ngủ. Ushuaia có nhiều điểm thăm quan hấp dẫn gắn liền với lịch sử vùng đất này như Bảo tàng nhà tù, Bảo tàng Tàu biển, Trang trại cổ...
Nhưng đã xác định mục đích chuyến đi là chuyên đề Thiên nhiên và Mùa thu nên tôi sẽ chỉ tập trung vào vùng Công viên quốc gia nằm trên dãy núi Martial như một vòng cung dang tay bao bọc thị trấn mà thôi. Đứng từ cửa khu nghỉ tôi đã thấy dãy núi ấy ngay trước mặt, thật gần và thật lôi cuốn.
Ngoài kia dẫu giá lạnh, vẫn là nơi bắt đầu mọi thứ.

Tierra del Fuego, vùng đất của Lửa

Chỉ cái tên thôi cũng đã toát lên sự xa xôi, cô độc kèm theo chút bất an về mối hiểm nguy vô hình của nơi “khỉ ho cò gáy”, ít nhất là đối với tôi. Ngày nay, du khách chỉ có thể thăm một phần rất nhỏ của vùng Tierra del Fuego rộng lớn này. Đa phần diện tích nơi đây là những đỉnh núi hiểm trở, những thung lũng băng, nhiều rừng rậm không thể tiếp cận.
Con đường đưa tôi tới “Vùng đất của Lửa” cứ cao dần lên, băng qua khu trung tâm thành phố, nơi có những con thuyền neo đậu bên vịnh biển chờ xuất phát đi Nam cực, ngang qua những khu dân cư dưới chân núi. Rừng thu lá vàng lá đỏ và hồ nước đầu tiên dần hiện ra.
***
Tierra del Fuego – Vùng đất của Lửa, cái tên ấy được nhà thám hiểm Magellan đặt cho vùng này vào năm 1520, khi ông nhìn thấy những ngọn lửa của thổ dân bùng lên trong rừng từ xa. Thổ dân Yamana sùng bái ngọn lửa mang lại hơi ấm cho họ và luôn giữ lửa bên mình kể cả trên thuyền khi đi biển. Chuyến đi của Magellan và đoàn tàu Tây Ban Nha (1519-1522) là chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới đầu tiên, chuyến tàu đầu tiên từ Đại Tây Dương đi vào Thái Bình Dương qua chính eo biển sau này được mang tên ông.
Cách đây khoảng 9.000 năm, những cơn địa chấn tại eo biển Magellan đã tách phần đuôi của châu Mỹ ra khỏi lục địa, cô lập Tierra del Fuego với Patagonia. Hơn 63.000 ha rừng tại vùng mỏm cực nam dãy Andes tại biên giới với Chile này được Argentina chính thức công nhận là Công viên quốc gia vào năm 1960.
***
Chúng tôi dừng chân bên Fin del Mundo Post Office, Trạm bưu điện của nơi “Tận cùng thế giới”. Ngôi nhà bằng gỗ phủ lớp tôn dày bên ngoài như mọi ngôi nhà nơi đây nằm trên một cầu tàu dẫn ra hồ, giữa mênh mông nước và mênh mang rừng. Cây lá xanh, lá vàng, lá đỏ, những thân cây khô đổ ngang đường, nằm ngổn ngang trên đồi cỏ trắng thân cao, tạo ra một sự hoang sơ như vốn dĩ phải thế. Trạm bưu điện cực nam trái đất nhỏ xíu do một người đàn ông điều hành. Ở đây du khách có thể nhờ ông đóng dấu và dán tem “Nhập cảnh Nơi tận cùng thế giới” vào Passport của mình. Giúp tôi chọn một vài tấm bưu thiếp gửi cho bạn bè, người đàn ông cười khi thấy tôi giơ máy ảnh xin chụp cùng ông. “Buena onda! Cool”! Tuyệt đấy!
Chia tay người đàn ông mến khách, tôi đi dọc theo hồ, tới nơi có những thảm cỏ trắng đang nở hoa. Một đàn bướm vàng chấp chới bay lên từ đám cỏ. Trời vẫn lay phay mưa, nhưng cơn mưa, gió thu và đám sương mù vẫn không sao che khuất được sắc vàng đỏ của lá. Con đường vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ có vài con chim vụt bay lên từ cành cây nào đó, chao liệng trên mặt hồ đang gợn sóng. Nhìn từ trên cao xuống, trạm bưu điện trong mưa bỗng trở nên lẻ loi, đơn côi đến lạ. Giá như tôi có một cái chai, viết vài dòng gì đó bỏ vào và thả trôi ra biển như thuyền trưởng Grant năm xưa nhỉ? Thuyền trưởng Grant viết thư cầu cứu bỏ vào chai khi ông gặp nạn, còn tôi của ngày hôm nay, tôi sẽ viết gì? Khẩn cầu điều gì từ Thiên nhiên cho Con người hay từ Con người cho Thiên nhiên? Niềm hy vọng nào sẽ ở lại trong tôi và cơn gió nào sẽ mang lại sự cứu rỗi cho tôi?
Trên chặng đường kế tiếp, xanh, vàng, cam, đỏ, tía… bản hòa sắc của màu cứ thế ngân nga. Mùa thu “của tôi”. Mỗi lần nhìn thấy thiên nhiên trong chiếc áo của mùa thu, tôi lại thấy mình như bông tuyết đang tan chảy. Hay vì tôi sinh ra dưới bầu trời thu nên cứ luôn đau đáu về mùa? Mùa thu Hà Nội của tôi, dẫu có đẹp nhưng nào có lá vàng bay. Mà tôi cũng không nghĩ mùa thu chỉ đẹp vì lá vàng lá đỏ. Không phải các mùa khác không đẹp. Với tôi mỗi mùa, cũng như mỗi con người hay sinh linh trong tự nhiên, đều đẹp theo cách của riêng mình. Nhưng mùa thu thì quá đặc biệt. Thu luôn cho tôi một sự cân bằng nào đó khó lý giải. Không non nớt, tươi tắn như mùa xuân, không rạo rực nồng cháy như mùa hạ, cũng không bạo liệt, nghiêm khắc như mùa đông - nhất là mùa đông tuyết trắng, mùa thu luôn đẹp vì hương thu, vì cái thần thái dịu êm khó nắm bắt của mùa. Trong lá, trong cây, trong hương, trong khí và cả trong những “ toan về già”. Đẹp một cách viên mãn, đẹp nhã nhặn đầy phong cách. Lạnh vừa đủ để hồng đôi tay, gió vừa đủ để tóc vương trên vai, trên áo. Và “ chín” vừa đủ để ta luôn thấy mùa trong từng chuyển động.
Bởi thế, nên mỗi lần được trôi theo cùng lá thu ở đâu đó, dẫu là ở Âu châu- thu vàng, hay Úc châu- thu đỏ, tôi đều không kìm chế được cảm xúc cứ thế ùa về. Anh bạn đi cùng kinh ngạc: “Làm gì mà cứ ồ à lên như thể lần đầu thấy thu vậy?”. Tôi thấy mình may mắn, khi thấy chuyến đi nào cũng như lần đầu. Tôi thấy mình vô cùng may mắn, khi chưa mất đi những xúc cảm của một đứa bé khi lần đầu nhìn thấy rừng thu lá vàng hay mùa đông tuyết trắng. Những chuyến đi đã “tôi luyện” tôi, nhưng cũng “dạy” cho tôi cách nuôi dưỡng, cách gìn giữ khả năng rung động trước cái đẹp, trước những điều mới lạ. Hoàn toàn không phải như người ta thường nói, đi nhiều sẽ chai lì cảm xúc. Những chuyến đi góp phần giúp ta khám phá và hoàn thiện bản thân mình, cũng có thể được hiểu theo nghĩa như vậy.
Chặng cuối cùng của con đường Pan America Highway số 3 dài hơn 30.000km, nối liền Alaska với vùng cực nam của lục địa châu Mỹ Ushuaia, xuyên qua Công viên quốc gia Tierra del Fuego. Địa hình ở đây ngoài những dãy núi cao, hồ, một phần của vịnh Beagle xen vào chân núi, chủ yếu là rừng cây bản địa và đầm lầy. Rừng nơi đây chỉ có vài loài cây, phổ biến nhất là Lenga (Nothofagus pumilio), một loài dẻ gai thay lá theo mùa, đặc trưng của xứ Patagoni và Guindo (Nothafagus betuloides), một loài sồi phương nam, tên gọi khác là sồi Magellan, quanh năm xanh tươi. Nhiều nhất là những rừng dẻ gai mọc dọc theo sườn núi, bắt đầu từ cốt 600m.
Vào mùa thu, dẻ gai chuyển màu lá theo từng cao độ, mang lại cho Tierra del Fuego tấm áo không thể ấn tượng hơn. Ngay từ trên máy bay, tôi đã nhận ra sự chuyển sắc kỳ diệu ấy. Giờ đây bức tranh ấy đang trải dài ngay trước mắt tôi: sắc xanh ở tầng thấp nhất thay đổi qua từng sắc độ chuyển dần sang vàng. Rồi cái màu vàng kỳ diệu ấy cũng từ từ chuyển sắc, sang cam, sang đỏ, sang màu rỉ sét, màu đỏ tím. Tiếp nối là đá và cuối cùng là những đỉnh núi băng ngàn năm trắng loá vươn cao trên bầu trời. Rừng thu thay lá theo nhịp thở của đất trời, trên cao là nơi lạnh nhất, lá đổi màu trước hết, càng xuống chân núi càng ấm hơn, quá trình chuyển sắc diễn ra chậm hơn. Ở đôi chỗ, lại có vài cây dẻ gai nổi bật lên với màu đỏ rực rỡ hay cam nồng nàn như sự phá cách trong một bản nhạc màu.
Chưa ở nơi nào mùa thu cho tôi cảm xúc về màu kỳ diệu đến thế. Thu ở nơi tận cùng thế giới là một mùa thu nguyên sơ đến tận cùng. Một mùa thu êm đềm như một bản nhạc màu trong sự sáng tạo khôn lường của Mẹ thiên nhiên - họa sĩ vĩ đại và vĩnh hằng. Một mùa thu như ở thiên đường, nơi những bi luỵ ân oán sân si của xã hội loài người không bao giờ có thể chạm tới được.

Tiến gần hơn đến cõi vô vi

Khi chúng tôi tới hồ Lago Roca, trời đã ngừng mưa. Vài tia nắng loé lên, dẫu le lói vẫn đủ làm tôi ngây dại vì sự phản chiếu ánh sáng diệu kỳ trên những đỉnh núi băng. Những chùm lá nhỏ li ti của cành dẻ gai trước mặt bỗng hoá thành những viên ngọc vàng lấp lánh, mời gọi.
Một góc hồ Roca
Hồ Roca được bao bọc bởi những đỉnh núi quanh năm bang phủ, hình thành khi một phần của những dòng sông băng tan thành nước. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 5km2. Bờ Đông của hồ thuộc Argentina, bờ Tây thuộc Chile. Sau lưng tôi, phía cuối hồ là một nếp nhà nhỏ, chắc là nhà của người coi rừng vì nơi đây không có dân sinh sống.
Parmela, cô gái dẫn đường của khách sạn nơi tôi ở đã cười khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về bộ tộc thổ dân Yamana, những chủ nhân một thời của vùng đất lửa. Cách đây khoảng 10.000 năm, đã có nhiều bộ lạc sinh sống tại đây. Nhiều di chỉ khảo cổ còn lại trên vịnh Beagle và Hồ Roca đã cho thấy mối quan hệ mật thiết của họ với thiên nhiên nơi đây. Trên những con thuyền đóng bằng gỗ dẻ gai họ đi săn sư tử biển, bắt cua, bắt sò. Nhưng rồi cuộc sống khắc nghiệt trong hoang dã, bệnh tật cùng sự đầu độc đến từ những người Âu đã làm con số ước tính khoảng 3.000 người Yamana (vào khoảng 1880) giảm xuống còn 1.000 người (1890) và tới 1910 chỉ còn lại khoảng 100 người. Parmela cho biết, giờ thì không chắc, liệu tộc người Yamana có còn nữa hay không.
Thu đến rồi thu đi, hàng thế kỷ đã trôi qua trên Vùng đất của Lửa và thời gian cũng đã gần như xóa sạch dấu vết của những chủ nhân nơi đây. Có bao giờ sau hàng ngàn năm nữa lại có “ai” đó viết những dòng như tôi đang viết về hôm nay hay không?
Phần đầu của hồ Lago Roca trông như một đầm lầy với những bụi cỏ cao
Tôi lùi lại phía sau đoàn người đang chung một niềm phấn khích đến tột cùng về vẻ đẹp của mùa thu lạ. Những lúc như thế này, tôi chỉ muốn một mình. Một mình để trọn vẹn cùng mùa thu. Nơi tôi đang đứng là phần đầu của Lago Roca. Ở đoạn này hồ như một đầm lầy. Những bụi cỏ vàng cao ngang bắp chân, gần như che lấp con đường mòn ven hồ. Cỏ lan trên mặt nước như một tấm thảm êm ái làm nền cho rừng dẻ gai vàng đỏ nổi bật trên nền chàm của núi. Những đám sương mù sà xuống ngang ngọn cây, phủ cho dãy núi cao bên kia hồ một bức màn huyền bí. Núi mờ mờ ảo ảo trong một sự pha trộn lạ kỳ giữa màu xanh của trời, màu trắng của mây và băng. Có những giây phút tôi đã thực sự không biết phải làm gì giữa cái mênh mông huyền ảo ấy. Chụp rất nhiều ảnh, rồi cuống lên rảo bước, rồi lại đứng như trời trồng khi thấy vầng thái dương xuất hiện sau đỉnh núi băng và hắt những tia nắng cuối ngày lên sườn đồi có rừng dẻ gai phía bên kia hồ. Trong khung cảnh ấy, mỗi bước chân như một bước hành thiền, tiến gần hơn tới cõi vi vô.
Vạt rừng vàng trên lưng chừng núi chìm trong phía khuất của mặt trời đã trở lại thành xanh. Vạt rừng màu cam biến thành một màu hồng rực rỡ. Mặt hồ lấp lánh ánh bạc. Và ở vòng cung xa xa phía con đường cuối hồ, lại là một màu vàng kim loại óng ánh - hình ảnh phản chiếu của rừng cây ngay sát ven hồ. Tôi đang ở đâu đây? Tôi cảm thấy rất bất lực khi thấy những bức ảnh tôi chụp không thể nào lột tả được những gì mắt tôi đang thấy. Tôi cảm thấy bị gò bó trong chữ nghĩa khi miêu tả khung cảnh bồng lai ấy.
Nhưng lúc ở bên bờ hồ Roca, tôi đã cảm nhận được sự giải thoát, cảm nhận được sự tự do hoàn toàn, khi khung cảnh ấy đưa tôi thoát ra khỏi mọi ràng buộc thuộc về con người. Một thứ tự do như cỏ, như lá, như tia nắng, như mặt hồ và núi băng vĩnh cửu kia. Vô tịnh không! Một trạng thái như khi nhập thiền rất sâu ở bậc Tứ thiền.
Cây cầu gỗ ở vịnh Lapataia
Chiều buông chậm khi chúng tôi ghé thăm Lapataia Bay, một vịnh nối với Kênh Beagle và cũng nằm trong khu công viên quốc gia Tierra del Fuego. Gió thổi tung khăn áo và cơn mưa thu lại kéo tới khi tôi lội bộ trên con đường lát gỗ hết lên cao lại xuống thấp xuyên qua đồng cỏ và rừng. Khung cảnh đã thay đổi hoàn toàn, dù nơi này không xa Ushuaia và Lago Roca bao xa. Những cánh đồng cỏ và đầm lầy xen lẫn trong rừng dẻ gai. Suối róc rách chảy xuyên qua những bụi cỏ. Đang là mùa thu nên không thấy nhiều thú hoang như vào mùa hè. Chỉ có chim, bướm và những con thỏ nhảy loi choi lẩn trốn sau những bụi cây. Những con chim rừng đi thong dong trên cỏ chẳng đếm xỉa gì đến những người khách không mời mà tới nhà chúng. Vùng này cũng là nơi trú ngụ của những con hải âu mày đen (black-eyebrowed albatross).
Nơi đây đầy những cỏ cây nhuốm màu của mùa Thu
Cảnh sắc đẹp như tranh
Từ phía Vịnh vọng lại những tiếng tác gọi bầy và đàn hải âu bụng trắng cánh xám có sải dài phải tới hai mét xuất hiện. Nếu không đọc trước về vùng này có lẽ tôi đã nghĩ chúng là loài chim cắt hay đại bàng mất. Có cả loài hải âu mắt xanh, loài mỏ vàng, loài đầu xám…, ở nơi tận cùng thế giới này có tới hang ngàn loại chim và hàng trăm loài vịt, mà có lẽ người trần mắt thịt như tôi chẳng thể nào phân biệt nổi. Cây và cỏ dại cũng mênh mông và vô cùng đa dạng. Mùa thu ở nơi tận cùng trái đất không chỉ thay áo cho rừng cây mà nhuộm màu cả những cánh đồng cỏ cao ngang lưng người. Chưa ở đâu tôi nhìn thấy nhiều loại cỏ và những sắc màu cỏ phong phú đến vậy.
Thiên nhiên đẹp như một bức tranh khải hoàn gợi lên nhiều cảm xúc của người họa sĩ
Thật kỳ lạ là dù trời mưa nhẹ nhưng hương cỏ vẫn nồng nàn khắp nơi.
Khi cơn mưa tạm ngớt cũng là lúc trời lại hửng lên và ráng chiều in màu tím lên những đỉnh núi băng. Ráng chiều như đưa núi lại gần với người hơn và rừng bỗng trở nên lao xao hơn, quyến rũ hơn. Con đường có lan can gỗ không một bóng người hun hút chạy vào đồng cỏ mênh mông. Đôi khi đường biến mất trong đồng cỏ, để rồi lại mở ra trước một khoảng không bát ngát nhìn ra vịnh biển. Núi và mây. Biển và hồ. Băng tuyết và rừng lá đỏ. Vài hòn đảo nhỏ phủ đầy cỏ và cây bụi thoáng ẩn thoáng hiện trên mặt vịnh ở nơi khúc quanh của con đường gỗ. Những bụi cây Calafate đặc trưng của vùng Patagonia, những cây cỏ mía cao ngang gối trổ hoa trắng ngà, những bụi cỏ roi ngựa đâm nụ hồng tươi…, tất thảy đều hoang sơ như thưở khai thiên lập địa. Và con người chỉ như những cái chấm nhỏ nhoi trong bức tranh mênh mông đất trời. Cảm giác được hòa vào thiên nhiên, được thấy mình là một phần trong bức tranh khải hoàn ấy thật khác xa cảm giác “đóng vai” người quan sát thiên nhiên.
Và những tấm ảnh tôi chụp được ở đây có lẽ là những ảnh giàu cảm xúc nhất trong chuyến đi.
Những chuyến đi về chốn hoang vu luôn mang cho ta sự giải thoát, cho ta sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời tự do như cánh chim trời, phiêu du như gió và bồng bềnh như mây. Càng đi nhiều thì bạn sẽ càng được sống nhiều cuộc đời. Càng đi nhiều thì thần thái của thiên nhiên sẽ càng in dấu đậm nét hơn lên bạn. Để rồi khi quay trở lại với thực tại, bạn sẽ thấy cuộc đời đổi khác một cách tích cực hơn, tươi mới và nhiều màu sắc hơn rất nhiều. Bạn bỗng nhìn cuộc đời của chính mình và những người xung quanh với con mắt của thiên nhiên: độ lượng hơn, bao dung hơn, bình đẳng hơn và cởi mở hơn.
Sự thay đổi diệu kỳ trong chính con người bạn là điều mà không tiền bạc nào mua nổi. Đó cũng là “phần thưởng”vô giá mà những chuyến đi về nơi hoang dã tặng cho kiếp thiên di.

Ngày và đêm ở miền đất mộng mơ

Chiều xuống thật nhanh trên những rặng núi bao quanh Vịnh Lapataia. Đã nhiều lần ngắm hoàng hôn trên biển, nhưng hoàng hôn ở nơi tận cùng trái đất đã đưa tôi như kẻ mộng du bước từng bước chậm trên vệt màu của cảm xúc.
Màu xanh xám của những đám mây bỗng thay thế bằng một màu vàng "yellow ocher". Cái màu vàng lẩn khuất ấy cứ rõ dần lên trên nền trời ngày một xanh hơn. Những đỉnh núi băng phủ bỗng trở nên sáng hơn, rừng trở nên thắm hơn và trong tích tắc, mặt trời rải những tia nắng vàng óng ánh lên rừng dẻ gai trên sườn núi. Mặt biển cũng sóng sánh vàng. Nhưng tôi đã không thể chụp được mặt trời.
Những tia nắng cuối ngày đang dần tắt
Hoàng hôn trên vịnh Lapataia
Vầng thái dương chói loá làm tôi mờ mắt đã nhanh chóng ẩn mình sau những đám mây. Những tia nắng cuối cùng của ngày biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện. Bầu trời đầy mây chuyển sang màu xanh tím. Mặt biển chuyển màu xanh tím. Sự chuyển sắc diễn ra trong một khắc đồng hồ. Những con hải âu bay vội vã trong cái thời khắc xanh tím - blue hour - ấy. Miền đất mộng mơ biến tôi thành kẻ ngẩn ngơ đuổi theo những sắc màu vi diệu. Trong giây phút khi đêm chạm khẽ vào ngày, tôi bỗng thấy mình giống cánh chim kia, chấp chới bay, mang theo khắc đồng hồ xanh tím ấy. Nhặt lại mình trong màu của biển trời. Đắm mình trong bao la. Tựa vào mênh mông.
Ngày ở bán cầu nam luôn tới chậm. Cuộc sống ở vùng đất tận cùng thế giới chỉ bắt đầu từ khoảng 10 tới 11 giờ. Buổi sáng 8 giờ mà trời vẫn mịt mù tối đen, khi tôi bắt đầu bữa sáng trong nhà hàng ven biển. Ấy vậy mà chỉ khoảng 30 phút sau, bình minh đã đến từ lúc nào không hay. Khi tôi vừa rót cho mình một tách cà phê nóng hổi, thì mặt trời đã trải những tia nắng màu kem nhạt đầu tiên trên biển. Tôi quay về phòng lấy máy ảnh và đứng chôn chân bên logia nhìn ra biển, mặc cho cái lạnh phà vào mặt, luồn lách vào từng tế bào như trêu ngươi.
Những tia nắng đầu tiên bắt đầu của một ngày mới. Bình minh đang đến gần...
Bình minh đang tới rất gần. Bầu trời đêm đã hoá thành một màu xanh biển đậm. Sát ngay đường chân trời nơi mặt vịnh biển là màu vàng, không nhạt nữa mà rực rỡ lung linh. Những dải vàng ấy xen kẽ cùng màu hồng đậm, tím, cam, xanh ngọc và màu chàm của dãy Andes xa xa, bừng lên trên nền trời xanh. Những mảnh màu ngọt như mật, trong veo như những lớp màu trên chiếc bánh chín tầng mây mềm, dẻo và ngọt ngào nhất. Mặt biển phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ phản chiếu chín tầng mây rực rỡ ấy. Tôi đã nhiều lần đi săn bình minh trên biển. Phải nói là mỗi nơi một khác, Phan Thiết khác Phú Quốc, Việt Nam khác Úc, Mỹ khác Âu châu và bây giờ, ở nơi tận cùng trái đất này, bình minh lại càng khác. Chỉ trong tích tắc, “ chín tầng mây” của tôi biến mất và một màu hồng mịn màng, dịu dàng đã trải dài trên mặt vịnh biển, biến trời, đất, biển thành một lớp nền mê hoặc cho dãy núi băng trắng xoá thêm nổi bật. Nhưng những gì sau đó mới thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Mặt trời dần lên cao, hắt những tia nắng ngày càng mạnh hơn về phía cuối vịnh, nơi có những cánh rừng dẻ gai mọc lan trên sườn núi Susana. Trong tích tắc một màu hồng cánh sen xuất hiện phía những khu rừng. Bạn đã từng thấy cảnh núi rừng màu cánh sen bao giờ chưa? Tựa hồ như bạn đang chứng kiến cảnh Hoạ sĩ-Mẹ thiên nhiên, Hoạ sĩ-Thần Mặt trời múa cọ ngay trước mắt vậy. “Nhúng cọ vào tâm hồn và vẽ mình trên tranh”, tôi đã từng viết như vậy cho những bức tranh của mình. Và giờ đây, trước mắt tôi là hồn của trời, hơi thở của đất đang xua đi làn gió lạnh, làm tan lớp băng giá bằng những nhát cọ màu hồng rực rỡ nhất của tâm hồn mặt trời. Có bức tranh nào vi diệu hơn thế không? Phía trên cùng của bức tranh vẫn là một màu xanh xám lạnh, bên dưới lớp băng tuyết trắng, là một không gian hồng cánh sen hòa cùng sắc xanh chàm, một hoà sắc nóng-lạnh không thể táo bạo hơn, và cũng không thể tuyệt vời hơn.
Mặt trời lên trên eo biển Beagle
Phần dưới trong bố cục màu kỳ diệu ấy là tập hợp của đỏ tía, vàng đất, nâu, xanh lá già, xanh non trộn cùng những lấp lánh vàng bạc kỳ ảo của mặt biển. Trên dãy núi Andes phía bên Chile, đôi diện nơi tôi đứng, bỗng hiện lên một cầu vồng rực rỡ trong hoà sắc lặp lại của bức tranh núi Susana. Nhưng cũng rất nhanh, khung cảnh thần tiên ấy biến mất như chưa từng tồn tại. Mây sầm sập kéo tới. Sương mù lan nhanh trên những dãy núi đã trở lại màu chàm và trời lại mưa. Thật may mắn là tôi đã kịp chụp những tấm ảnh mà chỉ nhìn chúng thôi, cảm xúc lại ào ạt kéo về. Có bao nhiêu phút giây ảo diệu như thế trong đời người? Thiên nhiên diệu kỳ, thiên nhiên biến hoá khôn lường và con người đúng chỉ là hạt cát trong vụ trụ bao la.
Trong phút giây thần tiên hiếm hoi ấy ở nơi miền cực nam của trái đất, tôi bỗng thấy Vô tận và Thiên thu.
“Để thấy Vũ trụ trong một hạt cát
Và Thiên thu trong một đoá hoa rừng
Hãy giữ Vô tận trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ”
(W. Blake, nhà thơ Anh, TK19)

Đọng lại cùng thời gian

Theo chương trình thì hôm nay chúng tôi sẽ có chuyến đi tàu thăm vài hòn đảo trên vịnh Beagle. Nhưng vì trời mưa nên phải gần trưa, tàu mới có thể khởi hành. Mưa thì mưa, không bỏ phí thời gian quí báu nơi đây nên tôi quyết định đi thăm Ga xe lửa của nơi tận cùng thế giới- Estacion del Fin del Mundo-ở nơi cửa rừng.
Vào cuối thế kỷ 19, vùng đất cực nam này được chính phủ Argentina sử dụng làm nơi lưu đày tù nhân tới tận những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 1909 người ta xây dựng tại đây một nhà ga và tuyến đường sắt với đầu máy hơi nước để chuyên chở đất đá cũng như tù nhân vào rừng khai thác gỗ. Sau nhiều năm không hoạt động, đoàn tàu “Tận cùng thế giới” được đưa vào hoạt động trở lại vào năm 1994.
Ngày nay du khách có thể mua một tour 40 phút đi thăm công viên quốc gia Tierra del Fuego bằng xe lửa từ đây. Chuyến tàu Nơi tận cùng trái đất vẫn chạy bằng đầu máy hơi nước, đưa khách đi chiêm ngưỡng dòng sông Pipo, thung lung Pico, đỉnh núi Martial, xem cảnh dựng lều của thổ dân Yamana trong rừng rậm và kết thúc tại một trong hai ngàn lối vào của Công viên quốc gia Tierra del Fuego, lối nào cũng dẫn tới những thung lũng băng tuyệt đẹp.
Trời vẫn mưa khi tôi tới sân ga. Những toa tàu và đầu máy hơi nước đứng im lìm trên đường ray. Nhà ga có mái chóp nhọn, bên trong toàn gỗ khá ấm cúng và đơn giản cùng quầy bán vé, một quầy bar bố trí theo kiểu toa tàu, sảnh lớn có hai khung cửa sổ nhìn vào xưởng sửa chữa đầu máy. Có lẽ khoảng thời gian đóng cửa quá dài vì động đất và nhiều lý do khác đã làm nơi này phai nhạt dần không khí xưa cũ. Có chăng chỉ còn là vị trí hẻo lánh nơi cửa rừng, vẫn toát lên cái thần thái gì đó rất khó gọi tên. Một không khí na ná những ga xép cũ ở Việt Nam mà tôi có dịp qua. Lãng đãng, ngái ngủ, bị bỏ quên là điểm chung của những nơi ấy.
Ở nhà ga xe lửa tận cùng thế giới này, cái không khí ấy không nằm trên sân ga, mà lại ở những cánh rừng, nơi mà đoạn đường ray hẹp của con tàu leo núi dần mất hút. Không khí ấy như đọng lại cùng thời gian, lơ đãng trôi trong màn sương mù, chậm rãi đi cùng những giọt mưa thu. Có thể phần nào hình dung ra khung cảnh làm việc khắc nghiệt của những tù nhân xưa, nhất là vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống đến -20 độ và tuyết trắng xoá mọi nơi.
Juan, người lái taxi của tôi, đồng thời cũng là một hướng dẫn viên hết sức nhiệt tình và vui tính. Anh kể cũng rất thích chụp ảnh, Juan vừa thuyết minh, vừa lái xe đưa tôi tới những nơi có view tuyệt đẹp trong khu Công viên quốc gia. Nhờ Juan mà tôi có những tấm ảnh mái nhà Ushuaia từ trên cao, được ngắm những con sông Pipo ào ạt chảy trong khu rừng lá đỏ. Tôi còn chụp được ảnh một cặp ngựa đi hoang.
Chúng tò mò đến sát chiếc xe, gí sát vào tôi đang run rẩy bên đừờng, đánh hơi mãi loài ”động vật”lạ và làm tôi sợ chết khiếp. Con đường lòng vòng lên và xuống núi mang lại một cảm giác khác hẳn hôm qua, những dải mây vắt ngang đỉnh Martial trong bầu trời âm u, khung cảnh như trong một bức tranh thuỷ mạc. Không giống như hôm trước tôi đã thấy, phía này của Khu Công viên quốc gia nhiều sông và suối hơn. Những con chim lông ướt rượt vì mưa, đậu đầy trên cành khô. Đôi khi những cánh rừng chìm trong màn sương hắt ra ánh cam vàng màu của lá khiến tôi thấy như mình đang đi lạc vào chốn liêu trai trong những câu chuyện cổ. Mong manh, u hoài, phảng phất chút âm khí, phảng phất chất sâu thẳm rừng hoang....Liệu tôi có vẽ được cảm xúc này không?
Tôi không biết, nhưng có một điều tôi chắc chắn là, Hội hoạ - với tôi thì là hội hoạ trừu tượng - cho ta vẽ nên cảm xúc của mình, vẽ nên những điều mà lời nói không thể diễn tả. Vẽ cái ta “cảm“ mà không nệ vào hình, dù cho đó là những hình đẹp nhất của thiên nhiên. Điều mà ta “cảm“ ngày hôm nay, sẽ đến với những tâm hồn đồng điệu bằng ngôn ngữ của màu sắc trong những bức tranh ngày mai. Đó cũng là lý do tại sao tôi luôn thấy mình trong những chuyến đi về với thiên nhiên.
Và để trả lời câu hỏi của nhiều người “Vẽ trừu tượng, mà sao phải đi nhiều đến vậy?”, tôi sẽ chỉ nói một cách đơn giản: “Tôi đi, viết và vẽ là tôi đang sống’.
Kết thúc chuyến đi chớp nhoáng, Juan lấy số điện thoại và gửi cho tôi những tấm ảnh đầy ấn tượng anh chụp khi Tierra del Fuego vào mùa đông, khi những cây dẻ gai lá đỏ in bóng trên mặt hồ Roca băng tuyết trắng xoá. Những bức hình tuyết đóng băng cây dẻ gai lá đỏ ối, màu lá vẫn rực lên trong cái long lanh trong như pha lê của băng. Những tấm ảnh đầy cảm xúc đựơc chụp bằng chiếc máy ảnh loại thừơng, nhưng tình yêu trong ấy thì không thừơng chút nào. Juan đang muốn "giết“ tôi đây. Anh "giết “ tôi bằng giọng Ăngg lê pha ngữ điệu Tây ban nha lên bổng xuống trầm, bằng lời rủ rê ngọt ngào, "quay lại nhé, côn nhiều nơi đẹp lắm, đi trượt tuyết“, vì những con đường đến khu Công viên quốc gia khi ấy sẽ biến thành đường trượt. “You should come back, Winter is waiting”- Quay lại nhé, mùa đông đang chờ!
Tại sao không chứ? Argentina càng lúc càng trở nên gần gũi hơn trong tôi.

 Theo dấu chân Darwin


Ngày tôi còn nhỏ, nhà chẳng có gì ngoài sách. Nhờ sách, tôi đã biết rằng ở nơi cực nam của trái đất có những miền băng giá vượt ngoài mọi trí tưởng tượng của một đứa trẻ, có những con chim cánh cụt, loài cá voi, cá heo, sư tử biển và vô vàn những động vật mà người ở miền nhiệt đới chẳng thể biết mặt biết tên.
Dẫu sau này, khi lớn lên, biết rằng thuyết tiến hoá của Darwin bị xem xét lại và các nhà khoa học không thể thống nhất trong một quan điểm nào, nhưng với tôi, hành trình trong những cuốn sách ấy đã mở ra một chân trời mới, khơi lên mọi giấc mơ mà một đứa trẻ có thể có và kích thích khát khao tìm hiểu thế giới một cách ghê gớm.
Nhưng, ngay cả trong những giấc mơ ngày ấy, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mình đặt chân tới đó, đựơc đi một đoạn trên hành trình mà con tàu HMS Beagle dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Robert Fritzroy đã đưa nhà bác học trẻ tuổi Darwin đi. Năm 1833, con tàu ấy đã đưa ông đến vùng eo biển có thành phố Ushuai nằm bên bờ bắc. Và hôm nay tàu chúng tôi cũng nhổ neo đi vào vùng kênh biển mang tên con tàu của Darwin - Beagle Chanel.
Kênh Beagle dài khoảng 240km và khá hẹp (chỗ rộng nhất khoảng 5km), là một trong ba hải trình nối liền Đại Tây dương với Thái Bình Dương. Con kênh này tách chuỗi đảo phía Bắc của Tiera del Fuego thuộc Argentina ra khỏi những đảo phía Nam thuộc Chile, tại một trong những vùng biển quan trọng nhất của lục địa Nam Mỹ. Tàu chúng tôi rời bến hướng về phía tây nam nơi có những hòn đảo mang những cái tên đầy lạ lẫm: Alicia, Bridges Island, Les Eclaireurs….
Khi quyết định đến đây vào mùa thu tôi đã biết mình sẽ bỏ lỡ một thứ rất quan trọng của vùng này: Những con chim cánh cụt. Biết làm sao được, cuộc đời luôn luôn là những lựa chọn và quyết định mà. Biết hài lòng với những quyết định của mình và không “than thân trách phận” cũng là một thái độ cần thiết không chỉ trong cuộc sống nói chung mà cả trong những chuyến đi nói riêng. Có cái gì đó rất dễ thương trong giọng của Parmela, khi cô nói: "Mùa này thì Penguins đi trú đông rồi, chúng sẽ trở về nhà khi hè tới”. Thế là tôi lại có lý do để quay lại, mà có khi đi tới Nam cực luôn, để xem những chú Penguins lắc lư người trên băng và ấp trứng như thế nào.
Nghĩ vậy, nên tôi cảm thấy mình vẫn đang tận hưởng từng phút giây trong cái giá lạnh-không-dễ-gì-mua-được của vùng biển xứ cực nam trái đất. Ấy là nói cho văn hoa vậy thôi, chứ nào có ra được bong tàu, khi những cơn gió sẵn sàng thổi tung người, cho bay tới tận Chile luôn. Từ cửa sổ của khoang tàu có thể thấy những rặng núi băng vây quanh kênh Beagle. Những con ó biển, mòng biển thả sức bay lượn, càng lúc càng nhiều khi tàu tiến sâu vào vùng biển phẳng lặng. Trên những hòn đảo ngoài kia, có thế giới nào đang đón chờ? Cảm xúc thật khó phân định khi biết rằng, cách đây hàng thế kỷ, con tàu Beagle cũng đã từng đi trên hải trình hôm nay. Chàng trai trẻ Darwin của ngày ấy cũng đã trải qua những giây phút hồi hộp, háo hức như chúng tôi của ngày hôm nay trước một chân trời mới lạ.
Cuối cùng thì Alicia Island – Đảo sư tử biển đã hiện ra trước mắt. Lúc này thì mặc cho gió làm tay tê cứng, tai và mũi lạnh cóng, những chú sư tử biển vẫn là ưu tiên số một. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sư tử biển ở cự ly gần tới vậy. Những chú sư tử biển Nam Mỹ hay còn gọi là Sư tử biển Patagonia, sư tử biển phương nam (để phân biệt với Sư tử biển California hay Galapagos) là loài duy nhất của giống Otaria, như Parmela giải thích. Trước khi đi, tôi cũng đã xem nhiều clip và ảnh loài sư tử biển, nhưng khi thấy chúng to lớn dềnh dàng ngoài kia, trên hòn đảo đá, nằm chồng chất lên nhau, thì cảm xúc lại khác hẳn. Màu nâu đất, màu cam, màu kem, màu sô cô la đen bóng… hình như không có sắc nào của tông nâu mà chúng không có. Những chóp lông ở mũi khiến chúng nhìn rất hiền và ngộ nghĩnh. Những con sư tử biển thuộc loài đa thê. Mùa giao phối của chúng diễn ra từ tháng 8 tới tháng 12 để từ tháng 12 tới tháng 2 thì sư tử biển con chào đời. Sư tử biển Nam Mỹ có thể dài tới hơn 2m (con đực) và hơn 1.5m ( con cái), phân biệt đực và cái nhờ phần lông dày hơn tạo thành nếp gấp như cái bờm sư tử quanh cổ con đực. Có lý, nếu không thì ai gọi chúng là sư tử biển làm gì?
Tôi rất thích thú khi được biết, những thổ dân Yamana xưa kia đã dùng mỡ sư tử biển như một thứ dầu để bôi lên da nhằm tăng khả năng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt miền cực nam thế giới.
Người ta phỏng đoán rằng đó có thể là nguyên nhân khiến nhiệt độ cơ thể của người Yamana cao hơn 1 độ so với người ngày nay. Trước mắt tôi, đàn sư tử biển dễ đến hàng trăm con nằm la liệt trên những phiến đá phủ rêu xanh, bên những con hải âu, cốc đá (cormorans), vịt biển… chẳng cần đếm xỉa đến đám người và chiếc tàu đang chạy lòng vòng xung quanh. Lâu lâu lại nghe vài tiếng gầm vang lên như sấm. Đó là tiếng chúng gọi bầy. Một con đực có vẻ như vừa hoàn tất vòng kiếm cá dưới biển (hay chỉ là đi tắm cho mát?).
Sau khi bơi như cá heo trong nước, nó di chuyển bằng bốn chân, cũng là bốn cái vây xoè ra như những cái bơi chèo, leo từng bước qua từng tảng đá về phía “Harem” của nó. Có vẻ như nơi ấy nó đã đánh dấu lãnh thổ và sẵn sàng bảo vệ hàng chục “bà vợ” cùng đàn con khỏi những kẻ không mời mà tới. Phía cuối đảo, nguyên một bầy mẹ ngồi ngỏng cổ nhìn trời; bầy con thì liên tục ngó ngang ngó dọc, lâu lâu mấy con sư tử biển con lại lấy chân sau gãi mũi khiến tôi không nhịn được cười. Bộ sưu tập ảnh “Thú hoang gãi mũi” của tôi trải dài từ Á châu, Úc châu sang Phi châu, với đủ các loài chim, loài thú đang trong những động tác “ khó đỡ”, giờ đã được bổ sung thêm những tấm hình “gãi mũi” đặc sắc của loài sư tử biển Nam Mỹ.
Chúng tôi đi qua đảo Les Eclaireurs nơi có ngọn hải đăng từng là biểu tượng của nơi tận cùng thế giới, Đảo Los Pajaros (đảo chim) và nhiều đảo nhỏ khác. Đảo nào cũng có hàng trăm con chim biển đủ loài trú ngụ và bay lượn trên bầu trời. Nhiều nhất là những con cốc đá (Cormorans) hai màu đen trắng. Parmela nói các loài chim cốc phân biệt với nhau qua màu lông ở thân, đầu và cả màu mắt và màu chân như chân vịt của chúng. Nhìn thoáng qua thì những con cốc này khá giống với chim cánh cụt vì bụng và cổ chúng màu trắng và chúng cũng đứng hai chân trên những tảng đá trên biển. Đẹp nhất là cốc mắt lục, có cặp mắt xanh biếc của biển cả.
Vào mùa xuân là mùa sinh sản, hàng nghìn con cốc đá bay từ khắp nơi về vùng duyên hải Patagonia của Argentina và Chile làm tổ và đẻ trứng tạo ra một cảnh tượng không gì sánh nổi dọc theo các bãi biển.
Hệ sinh thái biển ở Argentina được đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển trù phú và có năng lực sinh sản lớn nhất hành tinh. Chính phủ Argentina cũng có nhiều nỗ lực cùng các Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã trong nước và quốc tế nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, trời và đời sống hoang dã của động vật tại Patagonia. Tại tỉnh Chubut thuộc Patagonia, người ta đã lập một khu bảo tồn chim Cánh cụt Nam Mỹ (Magellanic Penguins) gồm hơn 600km2 diện tích ven biển và những đảo lân cận trong khoảng 160km bờ biển.
Đây là nơi làm tổ và sinh sản cho ¼ triệu con chim cánh cụt, chiếm khoảng 25% tổng số chim cánh cụt hiện có tại Patagonia.
Tại Tierra del Fuego cũng có những trung tâm bảo tồn đời sống hoang dã tương tự. Cũng giống như ở khu bảo tồn động vật hoang dã Serengeti, Tanzania, cuộc sống của những đàn thú trong rừng, trên trời hay dưới biển, dẫu không thể không biến động theo năm tháng nhưng vẫn tuân theo qui luật của thiên nhiên, của Tạo hoá khi được gìn giữ, được tôn trọng. Giữ gìn môi trường sinh sống của thú, cũng chính là giữ gìn môi trường sinh sống cho Người. Vậy mà không phải ở đâu con người cũng ý thức được điều đó. Nhiều khi những tiếng lanh canh của tiền đã át đi những tiếng kêu cứu của các loài thú hoang.
Tháp tùng chúng tôi trong suốt hành trình trên kênh Beagle, là những đàn chim. Những dãy núi băng khi mờ mờ gần như biến mất dưới làn sương mù và mưa, khi lại hiện lên rõ hơn bao giờ hết dưới nắng mặt trời. Sóng đánh sau đuôi tàu tạo ra những chuyển động nước theo những đường cong khả ái trong một khung cảnh khó quên.
Tôi quên hết gió lạnh, mưa bay, đứng ở bong sau của tàu mà ngờ như mình đang được chắp cánh cùng đàn chim kia. Những núi băng lùi dần lại phía xa, như mọi băng giá của cuộc đời cũng đang lùi lại phía sau, ngày một xa. Để cánh chim được chắp cánh bay cao hơn, xa hơn. Bay về phía mặt trời. Hành trình du thuyền của chúng tôi trên kênh Beagle mỗi lúc một trở nên thú vị hơn.

Đến ngôi nhà của loài ngỗng biển

Bridges Island, hòn đảo được đặt theo tên của nhà truyền giáo đầu tiên người Anh Thomas Bridges, người bảo trợ của thổ dân Yamana và chủ nhân của trang trại cổ nhất vùng, Estancia Harbeton.
Tàu cập bến Bridges Island! Thoạt nhìn tôi đã tưởng đây là một đảo đá, không biết có con thú hay cái gì trên đó. Parmela dặn dò “ đi tay không và về tay không nhé”, mới biết đây là một hòn đảo có hệ sinh thái đệm - cushion plants - bản địa rất độc đáo, rất lâu đời, bằng cách nào đó không ai lý giải nổi đã tồn tại hàng ngàn năm trên mặt biển này, thậm chí còn lâu hơn nhiều so với những chủ nhân Yamana một thời của đảo.
Đi hết đoạn cầu gỗ nối tàu và bờ, đã thấy một chàng ngỗng trời cổ trắng cánh vằn đen tuyệt đẹp đứng đợi. Khi thấy tôi không có cái cổ nõn nà màu nâu của một nàng ngỗng, mà lại là một con quái vật hai chân đeo vật kỳ dị to đùng trên mắt và trên cổ, chàng nhìn tôi đầy khinh khỉnh. Ngoắt một cái, chàng nguẩy đuôi, biến mất vào đám cỏ bên đường. Chào đón “có tâm” ghê! Nhưng cũng nhờ “chàng ngỗng”, tôi biết mình đang ở trên một đảo cỏ đặc trưng Patagonia. Khi bước những bước đầu tiên trên đảo, tôi đã nghĩ rằng chỉ có đá và rêu. Nhưng khi cúi xuống và bước chậm hơn, thì là cả một thế giới cỏ hoa mở ra trong khối thảm xanh tròn thấp lè tè trên mặt đất. Cảm xúc từng có khi bước trên thảo nguyên cỏ mênh mông của Mông Cổ chợt ào về, xâm chiếm tôi mạnh mẽ. Bạn nào đã từng đọc chương Mông Cổ du ký trong cuốn sách “Đi như tờ giấy trắng” của tôi, sẽ hiểu tôi đang nói điều gì.
Trong từng centimet vuông có không biết bao nhiêu loài cỏ, xanh, vàng, trắng, những loài cỏ thân mềm, thân gai, cỏ liễu, cỏ mật, những loài cỏ ngắn, những loài hoa dại đủ màu, những bụi cây lá nhỏ đỏ tía, vàng sậm, vô vàn loài rêu không thể biết hết tên…chạy theo từng bước chân. Tựa hồ như tấm thảm đệm thực vật kia và những loài cỏ hoa đó là hóa thân mini của những cánh rừng hoang.
Nằm trong vùng bảo tồn, thảm đệm thực vật cushion plants trên đảo Bridges Island là một hiện tượng độc đáo, là hình ảnh thu nhỏ của đời sống thực vật vùng hạ Fuego. Những khối xanh tròn ấy dễ bị nhầm lẫn là đá phủ rêu. Chỉ khi sờ tay vào chúng, bạn mới cảm nhận được sự mềm mại và sức sống của loài thực vật đệm này. Chúng mọc rất chậm, một năm chỉ cao được khoảng 2,5cm. Bù lại chúng có thể tồn tại hàng thế kỷ và là vùng đệm cho các loài cỏ cây khác phát triển. Quả thật, tôi chưa từng chứng kiến những gì thuộc về thiên nhiên nhỏ bé mà can trường và đặc biệt đến vậy. Hương cỏ ngạt ngào hoà cùng vị mặn mòi của gió biển, mùi xạ khuẩn và ozon của không khí sau cơn mưa, làm nên hương của đảo nhỏ.
Những bụi cây Calafate còn sót lại vài trái tím trên cành gai, lá đang ngả vàng. Trên nền thảm đệm -cushion plants nổi lên những bụi cây lá bạc thật ấn tượng. Nhìn thoáng quá chúng thật giống loài hoa Edelweiss trong danh sách sắp tuyệt chủng tại châu Âu. Nhưng ở đây, loài lá dại ấy lấp lánh như những chấm phá đắt giá trong bức tranh đa sắc của cỏ hoa, rêu và đá. Bỗng nhớ lại những dòng thư pháp Thiền sư ban cho ở Huế năm xưa “Khi đi hãy nhìn xuống chân”. Lời của bậc cao tăng, càng đi càng thấm. Càng thấm càng thấy sâu. Nếu chỉ ham trời cao mây trắng, ta sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra những vẻ đẹp bình dị ẩn náu dứoi chân mình. Và tôi hiểu, lời thày ban, không chỉ nói về những vẻ đẹp dưới chân.
Quay trở lại cầu tàu, tôi ghé lại túp lều nhỏ xem những di chỉ ít ỏi tìm thấy trên đảo về lịch sử cuộc sống của những chủ nhân Yamana xưa kia. Trên bãi biển đầy vỏ sò và đá cuội, mấy con vịt biển lông xám đang dò dẫm tìm đường về bờ. Nước đọng trên những chiếc mỏ tròn màu cam thành giọt, rơi theo từng bước chân. Nàng ngỗng trời có cái cổ lông nâu, dáng xoe tròn lạch bạch bước. Không biết hoàng tử ngỗng trắng có thấy ý trung nhân chưa? Tôi ngồi xuống bên chúng, bên bãi đá, bên những thảm đệm vàng rực, lặng ngắm những tia nắng chiều yếu ớt chiếu lên đỉnh núi băng bên kia vịnh biển. 
Trong khoảnh khắc ấy, dường như Vô tận đã nằm lại trong lòng tay tôi.

Ngày cuối cùng ở nơi tận cùng thế giới

Những chuyến phiêu lưu về miền hoang dã bao giờ cũng đòi hỏi ở bạn nhiều hơn những chuyến đi du lịch thuần tuý. Bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành trang, có sức khỏe, một đôi chân dẻo dai và một tinh thần hào hứng khám phá trong bất kỳ tình huống hay thời tiết nào. Nhưng bạn cũng cần biết những giới hạn của mình và thận trọng trong những quyết định để không mất đi niềm đam mê xê dịch. Cách đi cũng không khác cách sống là mấy.
Đi Patagonia có nghĩa là đã xác định đi bộ rất nhiều, leo núi hàng chục km mỗi ngày từ sáng tới tối, chưa kể nơi đây còn có rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm cho những ai sẵn sàng dấn thân: đi bộ trên núi, xe đạp leo núi, đi xe địa hình vào những vùng hiểm trở, bay trực thăng lên đỉnh núi băng đi xe chó kéo, cưỡi ngựa, bơi thuyền vượt thác….
Hành trình tuy có gian nan, nhưng những gì bạn trải qua, những cảm xúc bạn nhận lại từ Thiên nhiên nơi đây, đáng giá đến từng phút giây và không tiền bạc nào sánh nổi. Âu cũng là sự đền đáp của Tạo hoá cho những nỗ lực của con người.
Ngày cuối ở vùng đất tận cùng thế giới của tôi bắt đầu bằng chuyến leo núi chinh phục đỉnh Susana cao hơn 600m so với mực nước biển. Rời khỏi khu nghỉ nằm ngay dưới chân núi, chúng tôi sẽ phải mất tới 5-6 tiếng leo trèo qua những mỏm đá ven biển, đi vòng quanh núi, rồi theo con đường mòn dốc ngược 45 độ, để chinh phục 8km đường rừng. Buổi sáng mặt biển trong và phẳng lặng như một hồ nước. Những bờ đá trơn trượt phủ đầy rêu xanh rêu vàng lúc lùi sâu vào bờ, lúc chạy ra sát biển. Đôi khi con đường đá bị che lấp sau những bụi cây và cỏ lúp xúp khiến tầm nhìn bị khuất, rồi vịnh biển lại hiện ra với bờ biển đầy sỏi nhỏ. Vỏ ốc vỏ sò kêu lạo xạo dưới chân.
Cơn mưa thu đêm qua khiến bờ biển và đất đá lầy lội, càng lên cao đường càng khó đi. May mắn thay là hôm nay có chút nắng le lói và gió yếu. Nhưng cái lạnh của vùng cực nam thế giới thì đúng là không đùa được, mới đi một lát mà đã tê cóng những ngón tay dù có đi găng. Càng lên cao càng lạnh muốn rụng tai luôn. Những rừng dẻ gai (Lenga) đang đổi màu hoà cùng những cây sồi Magellan (Guindo) xanh mướt mang lại cho ngôi làng nhỏ nằm bên vịnh biển một cảnh sắc đẹp hiếm có. Làng dưới chân núi thực ra chỉ có vài căn nhà nép mình bên biển và nằm giữa rừng dẻ gai rộng lớn, ngăn cách nhau bằng những hàng rào gỗ tượng trưng.
Thoát ra khỏi bở biển, con đường bắt đầu lên cao dần. Càng lên cao càng lạnh muốn rụng tai luôn. Vòng cung eo biển giữa những ngọn núi băng và khu rừng lá vàng hiện ra sau khúc quanh, đẹp như trong một bức tranh cổ điển.
Chỉ một tháng nữa thôi, những sắc vàng kia sẽ đồng loạt chuyển sang đỏ và khi nhiệt độ xuống tới 0 thì những con đường dẫn từ trên núi xuống Ushuaia sẽ biến thành đường trượt tuyết, xe hơi trở thành vô dụng. Vào mùa đông, nhiệt độ ở đây xuống âm, băng tuyết mênh mông và nhất là những cơn gió lên tới hàng trăm km/ giờ có thể cuốn theo bất kỳ thứ gì trên đường đi của chúng. Tôi không sao hình dung nổi mình có sống được ở đây không, khi ngày nào cũng phải chịu đựng những cơn bão cấp 10 tới cấp 12 như vậy. Người dẫn đường của chúng tôi nói, ngay cả người Argentina cũng khâm phục những cư dân quả cảm chọn sống ở nơi tận cùng thế giới trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy.
Theo những bước chân là những hòa sắc khác nhau của các màu lá. Làng nhỏ dần lùi lại phía sau. Sự mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng. Dù đã từng ở nhiều quốc gia khác vào mùa thu, lội bộ nhiều giờ trong những cánh rừng Thuỵ sĩ, Áo và miền nam nước Đức, đã nhiều ngày lang thang ở Úc theo cánh lá vàng, nhưng tôi thấy mùa thu ở vùng cực nam của trái đất này thật đặc biệt. Sự chuyển sắc của lá trên một thân cây, một vạt rừng hay cả một quả núi thật diệu kỳ.
Từ xanh sang vàng, từ vàng sang cam, từ cam sang hống, đỏ nhạt, đỏ thẫm rồi đỏ tía, đó là một sự chuyển sắc tinh tế và ngọt ngào đến đê mê mà chỉ có Thiên nhiên mới vẽ được trong một bức họa tuyệt bích. Sau mỗi con dốc nhỏ xíu, trơn trượt, phải bám lấy cây mà đi, là một cánh rừng. Sau mỗi cánh rừng là một trảng cỏ mênh mông với những bụi cây lúp xúp ngang người. Quang cảnh hệt như trong những bộ phim thám hiểm bom tấn của Hollywood. Những bụi cỏ nở đầy hoa trắng, những bông lau nhỏ mềm mại uốn theo chiều nắng. Hoa chân vịt, cúc dại trắng và vàng, vebera tím, và vô số loài cỏ không thể nhớ hết tên, có ở khắp nơi. Theo những bức chân là muôn vàn màu lá.
Không chỉ có cây lớn đổi màu khi thu về mà cả những bụi cỏ cao, cây dại và những loài địa y nơi đây cũng đang chuyển sắc cùng mùa. Nấm trắng lấp ló trong đám lá vàng, nấm nâu to gần bằng bàn tay em bé mọc thành từng đám dưới đám thân cây đổ nằm ngổn ngang trong rừng. Một cây cổ thụ bật tung bộ rễ đen có đường kính phải vài mét, nổi bật trên nền lá vàng. Bỗng đâu có cảm giác là sẽ có con khủng long nào đó hiện ra sau những gốc cây ngổn ngang kia. Ký ức về những cánh hoa dại nơi thảo nguyên Mông cổ, mùi hoang hoải của những bụi lau khổng lồ vùng New South Wales nước Úc và những tháng ngày rong ruổi theo dấu sư tử, báo Cheeta ở Sherengeti, Tanzania lại ùa về mạnh mẽ. Dưới chân tôi là eo biển Beagle huyền thoại, nơi nhà bác học Darwin đã ở trên con tàu cũng tên trong hành trình nghiên cứu động vật của mình. Nơi tôi đứng có thể là nơi họ đã hạ trại và sống trong thiếu thốn nhiều năm liền để thực hiện những cuộc nghiên cứu của mình.
Xa hơn nữa là Ushuaia “Fin del mundo“ - vùng đất tận cùng thế giới được nhà thám hiểm Magellan khám phá vào năm 1520. Những con người vĩ đại ấy, những con người phi thường ấy đã hít thở bầu không khí này, nhìn ngắm thiên nhiên này như chúng tôi hôm nay.
Bên kia eo biển là dãy núi băng quanh năm bao phủ thuộc Chi lê. Bên phải tôi là rặng Martial trùng trùng điệp điệp đỉnh phủ tuyết trắng xóa. Mùa của lá thu trên nền tuyết trắng và biển xanh, mang lại cho tôi một cảm nhận chưa từng có. Khí chất của những con người quả cảm năm xưa như còn vương vấn đâu đây, hoà vào hương thu, hoà vào khí biển, ở lại nơi hoang dã, ở lại trong từng con người, nếp nhà vùng cực nam trái đất. Nơi heo hút ấy đã mang lại cho tôi những ngày không thể nào quên, mang lại cho tôi những cảm nhận chưa từng có. Một cảm giác được ôm ấp, được vỗ về, được sống trong bao dung, sống không phán xét hay bị phán xét, được thấy mình là một phần của thiên nhiên và vũ trụ bao la, thật rõ và thật gần.
Hành trình khám phá Patagonia của tôi mới chỉ bắt đầu được một tuần. Mỗi ngày đã và sẽ là một khởi đầu mới, đúng như tinh thần của Ushuaia và tinh thần của “ Đi như tờ giấy trắng”.
Bài - ảnh: HS Trần Thùy Linh

Đôi nét về tác giả

Hoạ sĩ Trần Thuỳ Linh sinh năm 1964 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Văn Chương và Mỹ Thuật tại Đức, đã tổ chức và tham gia rất nhiều triển lãm hội họa trong nước và quốc tế với vô số những sáng tác là tranh sơn dầu và acrylics. Các tác phẩm của chị là sự pha trộn sắc thái của Văn hóa Việt và phương Tây bởi ảnh hưởng những năm tháng chị sống và học tập ở châu Âu. Năm 2018, chị là một trong những họa sĩ đã đem sự sáng tạo của mình để trang trí những chú gấu biểu tượng của nước Đức, sẽ được đặt tại Deutsches Haus – Ngôi Nhà Đức, Lê Duẩn, TP.HCM. Ngoài niềm đam mê hội hoạ chị còn là một người yêu nhiếp ảnh, du lịch, đam mê khám phá những miền đất mới.
Mới đây, chị đã có hành trình khám đất nước Argentina. Bằng những cảm xúc và trải nghiệm của riêng mình, họa sĩ Trần Thùy Linh đã có những chia sẻ sâu sắc với bạn đọc và người yêu du lịch. Rất nhiều hành trình trải nghiệm này của chị cũng sẽ có trong cuốn sách “Đi như tờ giấy trắng” của NXB Văn học, thể loại Du ký- trải nghiệm, phát hành sau 20.5.2019 tại các nhà sách trên toàn quốc.

Không có nhận xét nào: