Ngày Nay] - Đảo Macquarie thuộc Thái Bình Dương, nằm cách đảo Tasmania khoảng 1.500 km về phía Đông Nam. Hòn đảo nằm giữa đại lục Nam Cực và đại lục Australia, có chiều dài 34 km và rộng 5,5 km. Gần đó, ở phía Bắc có đảo Clerk và các đảo san hô, đảo đá về phía Nam.
Hòn đảo là đỉnh lộ thiên của dãy núi Macquarie dưới đáy biển, được nâng lên vị trí hiện tại nơi mảng kiến tạo Ấn-Úc gặp mảng Thái Bình Dương. Đây là một hòn đảo có ý nghĩa bảo tồn lớn, nơi duy nhất trên thế giới đang có lớp đất đá sâu dưới đáy biển 6 km đang được nâng dần lên và tiếp xúc với mặt nước biển và cũng là một địa điểm độc đáo với lớp đá bazan qua các đợt phun trào của núi lửa. Vì thế, nó là địa điểm nghiên cứu địa chất, quá trình hình thành và sự vận động giữa các mảng lục địa tới vỏ trái đất.
Đảo Macquarie mang đến một cảnh tượng nổi bật về vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã với những đàn chim cánh cụt và hải cẩu khổng lồ cư trú ở nơi được mô tả là một đốm nhỏ đâm vào Nam Đại Dương. Hòn đảo nằm trong các vĩ độ được gọi là “Những cơn gió Tây khốc liệt” (Furious Fifties) vì tần suất của những cơn gió rất mạnh và bão biển, đã điêu khắc hòn đảo. Một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của hòn đảo là các nhóm động vật hoang dã rộng lớn, đặc biệt là chim cánh cụt, trong mùa sinh sản.
Dân số sinh sản của Chim cánh cụt Hoàng gia (Eudyptes schlegeli), một loài đặc hữu của đảo Macquarie và Đảo nhỏ Bishop và Clerk gần đó, ước tính có hơn 850.000 cặp, một trong những loài chim biển lớn nhất trên thế giới.
Dân số sinh sản của Chim cánh cụt Vua (Aptenodytes patagonicus), ước tính khoảng 150.000 cặp đến 170.000 cặp vào năm 2000, vẫn đang gia tăng. Khi những chú chim cánh cụt Vua không rời khỏi tổ trong một năm, chúng sống sót qua sự khắc nghiệt của mùa đông bằng cách rúc vào nhau trên những bãi biển đầy gió và tuyết. Tiếp theo là loài chim cánh cụt Gentoo với khoảng 5000 đôi. Ngoài ra còn có loài chim cánh cụt nhảy lò cò trên đá, rất khó có thể xác định được số lượng của loài này.
Có bốn loài hải âu làm tổ trên những vách đá dựng đứng và gồ ghề và dễ dàng quan sát khi làm tổ. Ngoài ra, trên Đảo Macquarie có ba loài chó biển. Chúng thường lao vào cắn xé mỗi khi con người xuất hiện. Đã có rất nhiều trường hợp bị thương tích.
Năm 1997, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đảo Macquarie là di sản thiên nhiên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét