Khi ăn gần xong đĩa gỏi Som Tam thì vị cay đã... tới bến. Tôi đã không còn nói được gì khi 2 hàng nước mắt chảy thành dòng, còn cô bạn người Huế thừa nhận: Cay thật. Ừ thì cay, nhưng mà rất ngon!
Som Tam - món ăn bình dân
Trong số các món ăn trên, tôi đặc biệt thích Som Tam và Tom Yum. Điểm thú vị là các món ăn của người Thái thường có rất nhiều phiên bản với hương vị khác nhau, phụ thuộc vào các nguyên liệu thay thế, các gia vị và bàn tay nêm nếm của đầu bếp.
Som Tam và Tom Yum cũng vậy. Một điểm chung nữa là các món Thái thường có vị hơi chua chua, ngọt ngọt và cay cay. Đúng vậy, chua thì rõ chua, ngọt thì rõ ngọt và cay thì rõ cay. Vậy nên nhiều người không quen sẽ thấy khó ăn hoặc rất kén trong việc lựa chọn hương vị để thưởng thức.
Đã lỡ “phải lòng” với các món Thái và tăng đến vài ký sau 10 ngày ghé thăm xứ sở này, nên tôi định bụng sẽ có lần giới thiệu về các món Thái đã làm tôi “không cưỡng lại được”. Món Som Tam– món gỏi đu đủ siêu cay của người Thái không chỉ có ở Thái Lan mà nó có ở cả Lào, Việt Nam… cũng như một số nước Đông Nam Á khác. Món này có nguồn gốc tại khu vực Đông Bắc Thái Lan và Lào. Tuy nhiên Som Tam chỉ nổi tiếng khi có mặt ở Thái Lan.
Som Tam du nhập vào Bangkok khi theo chân những người lao động đến Bangkok, sau đó nó trở thành món ăn đường phố rất phổ biến ở Bangkok và được biến thể cho phù hợp với khẩu vị của thành phố nơi luôn có rất đông khách du lịch.
Phiên bản Som Tam ở Bangkok này về sau đã được xếp vào hạng số 46 trong tổng số 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN Go bình chọn.
Som Tam xuất hiện trong đời sống của người Thái như một món bình dân. Som Tam có giá rẻ, dễ chế biến, không cần nấu nướng. Thời gian chế biến Som Tam chỉ mất khoảng 15 -30 phút. Nguyên liệu chính của nó là đu đủ xanh bào nhỏ. Thỉnh thoảng người ta cũng thay vào đó là xoài, cà rốt, bưởi, chuối xanh hoặc dưa leo… Các hương vị có trong Som Tam là chua (chanh) – cay (ớt) – mặn (mắm).
Cay... tới bến
Trong chuyến đi khám phá từ miền Trung đến miền Bắc Thái, chúng tôi đã có dịp thưởng thức món Som Tam ở Bangkok, ở Chiang Mai và cả ở một quán ven đường tại Pai Walking Street. Và lạ kỳ thay, món Som Tam càng về gần miền núi Bắc Thái thì càng đậm đà, đúng như cái vị người Việt yêu thích.
Thưởng thức Som Tam ở Pai là một trải nghiệm thú vị. Sau 1 chặng đường dài di chuyển từ Chiang Mai đến Pai, chúng tôi dành cả buổi chiều còn lại để dạo quanh thị trấn và cảm nhận nhịp sống bình yên mà nơi này mang đến. Chập tối, trời bắt đầu lắc rắc vài hạt mưa, bụng trở đói, chúng tôi tấp vào một quán ven đường và kêu mỗi đứa một phần salad đu đủ đầy hấp dẫn. Chỉ sau mấy phút, chị chủ quán bưng ra 2 phần gỏi vừa trộn xong.
Ấy là đĩa nộm đầy ứ, mặn đủ dùng, chua đủ dùng, không quá ngọt, ngoài các sợi đu đủ xanh còn có mấy sợi xoài và vài lát dưa leo. Một ít cải xà lách to bẹ. Chúng tôi yêu cầu bỏ thật nhiều thật nhiều ớt như cái vị của họ để cảm nhận xem người Thái ăn cay đến mức nào.
Duyên thế nào mà cô bạn đi cùng lại là người Huế, rất thích ăn cay, thấy chưa đủ độ cay nên lại giục chị chủ quán cho thêm một chút cay, một chút cay nữa. Và tôi phát hiện hóa ra ớt Thái cũng lạ, những miếng ớt xanh được xắt nhỏ xíu trộn đều với đu đủ có vẻ như không có vị gì cũng rất biết đánh lừa thực khách: Khi đưa vào miệng thì không cay, chỉ tới khi ăn gần xong đĩa gỏi thì vị cay đã... tới bến. Tôi đã không còn nói được gì khi 2 hàng nước mắt chảy thành dòng vì quá cay, còn cô bạn người Huế bây giờ mới gật đầu thừa nhận: Cay thật. Ừ thì cay, nhưng mà rất ngon!
Để thưởng thức Som Tam tại Thái Lan cũng rất dễ, tại Bangkok, bạn có thể đến các chợ đêm, chợ nổi, nhà hàng hoặc thậm chí là foodcourt trong các trung tâm thương mại. Đôi khi đi bộ dạo phố, qua các soi (con hẻm) bạn cũng có thể bắt gặp các quán ăn bên vệ đường có bán món này cùng nhiều món ăn đường phố hấp dẫn khác của Thái Lan.Một điểm đặc trưng dễ nhận ra là người Thái rất thích thái ớt xanh thật nhiều và trộn vào các món ăn của mình. Som Tam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên đừng lo vì ở Bangkok người ta sẽ hỏi trước khẩu vị của bạn để cho lượng ớt phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét