Để rồi từ đó tôi càng thêm thương và trân trọng sự độc đáo của những cư dân ngàn đời sinh sống dọc theo dòng sông Mê Kông.
Nét truyền thống từ bữa cơm trưa
Tôi đến Myanmar lần đầu tiên khi quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn “ngăn sông cấm chợ”. Sự thân thiện, chân chất và hiếu khách là điều được cảm nhận rõ nét nhất. Hôm ở Mandalay, tôi muốn được theo dòng Mê Kông để đến thánh địa Pagan nhưng lại không thực hiện được bởi mực nước sông đang ở giai đoạn thấp nhất. Và rồi được bù đắp khi được mời dùng bữa trưa theo cách truyền thống của người Myanmar. Bữa cơm trưa làm tôi khoắc khoải nhớ về miền Tây Nam Bộ.
Mọi sinh hoạt của những cư dân sinh sống ngàn đời trên “Bầu sữa mẹ” gần như có tập quán như nhau ở các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và VN. Để tránh những cơn lũ lớn khi mùa nước về, người dân có tập quán sinh sống trên những ngôi nhà sàn đơn sơ được lắp ghép bằng những thanh gỗ hay tre nứa. Mâm cơm trưa đơn sơ nhưng không kém phần tươm tất được dọn ra trên sàn nhà và mọi người xếp bằng ngồi quanh mâm cơm. Hình ảnh đó không khác gì nét sinh hoạt truyền thống của người Việt sinh sống dọc theo đầu nguồn sông Cửu Long ở vùng An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang hay Long An.
Một bữa ăn truyền thống trong gia đình của người Myanmar bao gồm bốn món cơ bản: canh, món mặn, rau luộc và nước mắm pha. Một chút khác biệt so với người Việt, món mặn của người Myanmar thường là món cà ri và cơm được xới ra đĩa, và dùng tay để bốc khi ăn. Anh Htay (nghĩa là giàu có), người mời tôi bữa trưa, giải thích: “Khi nấu cà ri, tầng lớp khá giả thường sử dụng gà, thịt heo còn những người có hoàn cảnh còn khó khăn thường sử dụng cá hoặc rau củ.
Món ăn đường phố tạo nên nét đặc trưng của du lịch MyanmarẢNH: ĐĂNG LÂM
|
Bữa ăn là sự hòa quyện văn hóa giữa Thái Lan, Ấn Độ và Trung Hoa vào nhau khi Myanmar nằm trên ngã ba đường giao thương của Con đường tơ lụa xưa kia. Nước mắm pha được chế biến theo cách người Thái với những trái ớt hiểm xanh cay nồng, món cà ri là đặc sản của người Ấn và món súp được nấu theo cách của người Vân Nam (Trung Quốc) khi họ đến đây định cư lập nghiệp hơn 20 năm về trước”.
Dù đơn sơ nhưng hương vị bữa cơm khiến tôi nhớ mãi bởi đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được ăn trưa trên xứ lạ quê người mà đầm ấm tình cảm gia đình. Tôi chia sẻ với anh Htay về hương vị cà ri mà tôi đã từng biết qua khi đặt chân đến Thái Lan. Hương vị cà ri dễ ăn có vị rất riêng của người Miến không quá nồng so với bản gốc Ấn Độ, nhưng lại không đậm đà đặc sắc như người Thái do sử dụng không nhiều nước cốt dừa khi chế biến.
Lưu luyến hương vị Ngapi
Lần thứ hai quay lại, tôi lại nhớ đến điệu huýt sáo mở đầu bộ phim Cầu sông Kwai được chuyển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Pierre Boulle để rồi hiểu được tại sao văn hóa ẩm thực của người Myanmar là sự pha trộn văn hóa giữa người Ấn, Thái và Hoa.
Lần này, tôi lại muốn được thưởng thức món Ngapi chứa đựng cả ký ức tuổi thơ tôi. Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh khi Burma mở cửa nhưng vẫn còn đó những nụ cười cươi trên đôi má được đánh Thanaka của những cô gái hay cái nhổ toẹt bã trầu của các chàng trai trong chiếc quần Longyi truyền thống.
Nụ cười tươi trên đôi má được đánh Thanaka
|
Bữa ăn trưa với món cà ri đặc trưng
|
Xưa kia anh Htay còn ngại nên giấu tôi món ăn quốc hồn quốc túy của người Myanmar chỉ dành cho tầng lớp nghèo khó để rồi sau đó tôi tự khám phá và thật sự “nghiện” món ăn dân dã này. Ngapi là tên gọi chung của các loại mắm được chế biến từ nguồn cá thu hoạch trên sông Mê Kông và ngày nay trong mỗi nhà người Miến dù nghèo hay giàu đều có một hũ Ngapi.
Trong mắt tôi ngày ấy, Ngapi chính là mắm ruốc của người miền Tây với hương vị là lạ nhưng rất ngon. Tôi gọi Ngapi là món ăn chứa đựng cả tuổi thơ bởi những ngày ở Myanmar trong lần quay lại, trong tôi tràn về hình ảnh mùa nước nổi, đoàn người nô nức đi đánh bắt rồi rộn ràng trò chuyện khi xẻ cá làm khô khi bắt được những chú cá lớn hay gom lại những chú cá nhỏ thành đống để làm mắm.
Món ăn dân dã ấy đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu những đứa trẻ lớn lên từ vùng sông nước trưởng thành và dìu dắt nhau vào đời.
Đăng Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét