Hoa Mimosa, người Pháp gọi nó là "mặt trời nhỏ từ nước Úc", còn du khách Ý hay gọi Mimosa là O Sole MiO - “mặt trời nhỏ của tôi”.
Những cây Mimosa thuộc chi Keo (Acacia), có quê hương Úc đã đến miền Nam nước Pháp giáp Địa Trung Hải từ thế kỷ 18, qua chuyến viếng thăm của một người Anh nổi tiếng - thuyền trưởng James Cook (1728 - 1779) - và nó đã nhanh chóng được giới thượng lưu Pháp, quý tộc Anh lựa chọn để trang trí ngôi nhà thứ hai của họ ở thành phố Cannes, rồi lan tỏa khắp Bờ Biển Xanh (Côte d’Azur) được tính từ thành phố cảng Marseille đến thị trấn Menton (giáp nước Ý)...
Mimosa là loài cây thân gỗ tán xoè, mỗi cành chi chít những nhánh nhỏ mang lá kép mặt dưới phủ một lớp phấn trắng, nên khi gió lay cành lá lấp lánh ánh bạc. Mỗi đóa Mimosa như một hình cầu sáng vàng rực rỡ, đang tỏa ra những tia nắng vui tươi… Vì thế người Pháp gọi nó là "mặt trời nhỏ từ nước Úc", còn du khách Ý hay gọi Mimosa là O Sole MiO - “mặt trời nhỏ của tôi”.
Minosa rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở miền Đông Nam nước Pháp. Hiện nay, vùng này đã có hơn 1.200 giống Mimosa, trong đó 70% thuộc loài Acacia dealbata, 20% thuộc loài Acacia retinodes, 8% thuộc keo lai và 2% thuộc loài Acacia podalyriifolia. Tỉnh Alpes-Maritimes có diện tích rừng trồng Mimosa lớn nhất: 607 ha trong tổng số hơn 1.000 ha Mimosa ở miền Đông Nam nước Pháp. Hoa Mimosa nở rộ vào mùa xuân, nhưng cũng có những giống nở vài lần trong năm, khiến người ta tin rằng ở vùng này có "4 mùa hoa Mimosa"!
Trong gần 3 thế kỷ qua, Mimosa đã ảnh hưởng tích cực tới đời sống vật chất và tinh thần của người Pháp. Để đáp ứng nhu cầu hoa cắm lọ, Mimosa được phân phối rộng khắp thị trường hoa cả nước. Những ngày trong mùa hoa, hàng chục container Mimosa cắt cành đã được xuất sang các nước Tây Âu và Bắc Âu. Hoa Mimosa ngoài thiên nhiên có hương thơm rất đặc trưng : ngai ngái bâng khuâng, gợi nhiều kỷ niệm… Vì thế, nó là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều hãng nước hoa nổi tiếng như Guerlain, Chanel, Acca Kappa, Givenchy.
Đầu thập niên 1950, các cơ sở nghiên cứu lâm sinh của Pháp ở trong nước cũng như ở hải ngoại (trong đó có Đà Lạt, cao nguyên Lang Biang) đã trồng khảo nghiệm thành công Mimosa để lấy nhựa cung cấp cho ngành mỹ thuật và bưu điện làm chất kết dính của sơn dầu và làm keo tráng sẵn lên tem, phong bì. Dịp này các nhà sản xuất rượu ở Pháp cũng đã thay thế dần các nút chai và thùng lưu hóa rượu làm từ gỗ sồi bằng gỗ Mimosa. Những năm gần đây Mimosa cũng được các nhà dược học nghiên cứu để bào chế các loại thuốc chữa bệnh cho con người và giảm thiểu những stress trong cuộc sống. Các loại bánh kẹo, nước giải khát, cocktail, champagne mang hương vị Mimosa luôn được đông đảo khách hàng ưa thích. Những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới như Pierre Bonnard, Pablo Picasso, Marc Chagall... sinh thời đều đã từng chuyển nhà về Bờ Biển Xanh để vẽ Mimosa và đó là những kiệt tác sơn dầu để đời cho nhân loại.
Đặc biệt, ở Pháp có một ngôi làng mang tên Mimosa. Khoảng thế kỷ 12, làng Bormes đã được hình thành, nhưng chỉ là một làng chài nghèo hẻo lánh, ít người biết đến. Từ khi những cây mimosa xuất hiện ở vùng này, bộ mặt và cuộc sống của dân làng đã thay đổi nhanh chóng. Năm 1968, Mimosa được hội đồng tỉnh Var công nhận là biểu tượng hoa của Bormes và Bormes cũng được đổi tên thành Bormes-les-Mimosas. Nơi đây có biệt điện và dinh thự mùa hè của các tổng thống Pháp. Tổng thống Mỹ Richard Nixon, hoàng gia Tây Ban Nha, Thái tử Charles và Công nương Diana của Vương quốc Anh... cũng đã đến nghỉ ở Bormes-les-Mimosas. Vào mùa xuân và mùa hè, mỗi ngày làng đón tiếp hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Hằng năm vào tháng 2, ở thành phố Mandelieu - La Napoule đã tổ chức Festival Mimosa của các tỉnh Đông Nam nước Pháp. Mở đầu đoàn diễu hành, theo truyền thống là dàn nhạc với các nhạc công mặc lễ phục hải quân thế kỷ 18, rồi xe hoa - biểu tượng đặc sắc của từng địa phương, tiếp theo cỗ xe Miss Mimosa tươi đẹp... chạy trên đại lộ từ Mandelieu - La Napoule sang tận Cannes, thành phố có những con đường hai bên lề trồng Mimosa cổ thụ. (Trung bình mỗi năm đoàn diễu hành sử dụng tới 12 tấn cành Mimosa và 80.000 bông hoa tươi các loại). Những ngày lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa - du lịch hấp dẫn được kết thúc rất ấn tượng bằng đêm pháo hoa Mimosa. Hàng triệu người được chiêm ngưỡng những đóa "Mimosa - ánh sáng" lung linh huyền ảo trên nền trời đêm, soi bóng xuống Bờ Biển Xanh thơ mộng. Festival Mimosa 2018 của Pháp sẽ diễn ra trong 8 ngày, từ Valentine's Day 14 tháng 2 đến 21 tháng 2 năm nay.
Mimosa biểu trưng cho những tình cảm chân thành và sự cảm thông, nó đã đến Đà Lạt ngay từ những ngày đầu xây dựng: Năm 1898, một đồng nghiệp Pháp ở viện Pasteur Paris đã gửi cho bác sĩ Alexandre Yersin những giống Mimosa, từ thành phố cảng Marseille bên Bờ Biển Xanh quê nhà, để trên con đường khoa học gập ghềnh mà ông đã lựa chọn, ông sẽ luôn cảm thấy có những người bạn và cả nền y học Pháp ủng hộ mình. Yersin đã gửi những giống Mimosa thuộc 2 loài Acacia dealbata và Acacia podalyriifolia vào Trạm Khí tượng và Khảo cứu Nông nghiệp Dankir (một buôn đồng bào dân tộc K’Ho lớn nhất Lang Biang ngày ấy) để tiện ươm trồng chăm sóc. Từ đó, Mimosa xuất hiện trên khắp thành phố Đà Lạt - cao nguyên Lang Biang.
Nguyễn Hoàng Bích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét